Thánh lễ Giỗ đầu cầu nguyện cho Cha Augustino

Thánh lễ Giỗ đầu cầu nguyện cho Cha Augustino

WGPSG -- “Cha Chung không là một người trí thức mà là người lao động đổ mồ hôi trán như Thánh Vinh Sơn - tổ phụ chúng tôi”. Đó là lời chia sẻ của Cha giáo Giêrađô Trần Công Dụ trong Thánh lễ Giỗ cầu nguyện cho Cha Augustino ngày 10.5 tại giáo xứ Vĩnh Hòa.

Mở đầu Thánh lễ, cha chánh xứ Vĩnh Hòa Gioakim Lê Hậu Hán ngỏ lời chào cộng đoàn. Trước tiên, Cha chánh xứ ngỏ lời chào Cha Phaolô Nguyễn Như Hiếu là nghĩa tử của Cha Augustino về đây chủ tế Thánh lễ giỗ cầu nguyện cho Cha Augustino.

Cha chánh xứ xin chào Cha Giám tỉnh Dòng Vinh Sơn Phêrô Nguyễn Công Tuấn, Cha giáo Giêrađô Trần Công Dụ - Dòng Vinh Sơn, quý Cha Dòng Vinh Sơn, Dòng Camillo, quý thầy, quý sơ dòng Vinh Sơn... và đặc biệt gia đình gồm anh chị em và các cháu của Cha Hiếu và Cha Augustino... Xin Chúa trả công bội hậu cho những người nhớ đến và cầu nguyện cho Cha Augustino.

Sau lời giới thiệu của cha sở, cha chủ tế bắt đầu Thánh lễ. Cha Phaolô mời cộng đoàn dâng Lễ cầu nguyện đặc biệt cho Cha cố Augustino.

Trong bài chia sẻ, Cha giáo Giêrađô Trần Công Dụ mời cộng đoàn cùng nhìn lại những kỷ niệm về Cha cố Augustino. Hình ảnh một chàng trai trẻ mặc áo blu sau Thánh lễ an táng và rồi sau đó nghe tin Cha Chung làm linh mục.

Và chính trong Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Cha Chung nhận bí tích Rửa Tội và sau đó xơ bề trên dẫn Cha Chung đến với Cha năm 1993. Bà nói: “Xin Cha giúp đỡ anh Chung”... và Cha kể lại những kỷ niệm về các giai đoạn học của Cha Chung.

Sau khi nhắc lại một chút về kỷ niệm với Cha Chung, Cha giảng mời cộng đoàn nhìn lại cuộc đời Cha Chung như hình ảnh người Samari nhân hậu trong trang Tin Mừng mà cộng đoàn vừa nghe: “Cha Chung chính là người Samaria nhân hậu vì Ngài xuất thân từ một gia đình không có đạo. Tôi nhiều lần đến với gia đình 3 anh em làm bác sĩ, đâu cũng làm bác sĩ... Cha Chung là tuýp người làm việc cụ thể. Và tôi thấy xã hội ngày hôm nay người ta chạy theo danh vọng, của cải, khoái lạc, của cải... đó là những cái xã hội tìm kiếm, Cha Chung hoàn toàn không có những cái tham sân si đó mà hiến mình làm công việc để phục vụ cách nhưng không, vô vị lợi.

Cha Chung không phải là người cao trọng. Cha Chung sống với những anh chị em dân tộc trong làng.

Một Tổng thống Clinton gặp Mẹ Têrêsa Calcutta – ai cao trọng hơn ai? Mẹ Têrêsa được đưa lên bàn thờ và bao nhiêu người ngưỡng mộ. Nếu Cha Chung bằng lòng như bao nhiêu người khác, chọn lựa cao vọng thì mấy ai biết đến nhưng mà nhờ việc bước đi theo Chúa, chấp nhận cái điên rồ của Thiên Chúa mà Cha Chung đã được cả thế giới yêu mến ngưỡng mộ. Anh chị em mở trên internet người ta cảm phục, ngưỡng mộ Cha Chung. Người ta ủng hộ công việc của Cha Chung”.

Để kết thúc bài giảng, cha giảng mời gọi cộng đoàn cùng nhìn đến câu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ!”

“Cha Chung không là một người trí thức mà là người lao động đổ mồ hôi trán như Thánh Vinh Sơn – tổ phụ chúng tôi. Làm lễ quay ra quay vô dễ. Có cái khó là có chịu cực chịu khổ như Cha Chung đó mới là con đường mà Chúa vạch ra cho chúng ta. Con đường hưởng thụ khoái lạc không đi đến đâu. Cha Chung cả đời xả thân cho người khác. Tôi tin chắc Cha Chung hưởng vinh phúc. Tôi nghĩ chúng ta không buồn bã mà vui mừng vì mất mát người thân yêu, anh em chúng ta được chia sẻ niềm vui hạnh phúc đời đời, tình yêu không bao giờ mất. Chúng ta cùng xin Cha cầu nguyện cho chúng ta bước đi theo chân Cha Chung để mai sau tất cả chúng ta gặp nhau trên Nước Tình Yêu của Thiên Chúa”.

Trước khi ban phép lành cuối Lễ, cha chủ tế cũng là cha nghĩa tử mời cộng đoàn cứ mỗi năm quy tụ lại ngôi nhà thờ này để hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Cha cố Augustinô.

Thánh lễ giỗ đầu của Cha Augustinô Nguyễn Viết Chung đã kết thúc nhưng nỗi nhớ niềm thương về một vị mục tử nhân lành mang mùi chiên vẫn còn đó. Hình ảnh của một người “mục tử Samaria thời đại” vẫn còn đó trong tâm khảm của những ai hơn một lần gặp Cha cùng ăn, cùng ở, cùng sống chung với anh chị em bệnh nhân Siđa Mai Hòa, Trung tâm Bến Sắn và đặc biệt anh chị em thiểu số vùng Kontum trong những ngày cuối đời như là tấm gương và lời mời gọi mỗi người bước theo Cha trên con đường phục vụ yêu thương. Xin Cha cố ở gần Nhan Thánh Chúa cầu nguyện cho chúng con là những người còn lại biết yêu thương, săn sóc và chia sẻ với anh chị em nghèo khổ bất hạnh như Cha đã từng sống, từng yêu thương và phục vụ.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top