Thánh lễ an táng cha Giuse Nguyễn Toàn Công

Thánh lễ an táng cha Giuse Nguyễn Toàn Công

WGPSG -- Thánh lễ tiễn biệt cha cố Giuse Nguyễn Toàn Công đã được tổ chức vào lúc 19g ngày 9.3.2010, tại nhà thờ Thánh Phaolô, số 280 đường Vành Đai Trong, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân.

Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức, nguyên Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột, cùng với trên 30 Linh mục linh tông – huyết tộc – thân hữu trong và ngoài Giáo phận TPHCM, đã cùng đồng tế cầu nguyện cho cha cố Giuse. Hiện diện trong thánh lễ, có rất đông bà con linh tông - huyết tộc của cha cố và giáo dân giáo xứ Thánh Phaolô.

Trong phần Chia sẻ Lời Chúa, cha Giuse Trịnh Tín Ý, chính xứ Vinh Sơn (Q.10), đã chia sẻ:

Hạt lúa mục nát đi để sinh bông hạt

Trong một ca khúc, Trần Tiến đã kêu than: “Thôi rồi chị ơi, rụng bông hoa gạo”. Một bông hoa rụng, một chiếc lá vàng bay, một người nằm xuống, thôi là hết! Là hết theo lối nhìn của trần thế, còn với Thầy (Giêsu), Thầy nhìn khác: “Một hạt lúa rớt xuống đất, thối mục đi sẽ nảy sinh nhiều bông hạt mới.”

Nhìn theo Thầy, cha cố Giuse chẳng đi đâu mà mất, nhưng cha chỉ bước vào một chuyển biến mới của sức sống. Theo Thầy, có một mối tương quan nhất định nào đó, tương quan biện chứng giữa mất và còn, sống và chết, thường hằng và vô thường. Theo đó, hạt lúa rớt xuống đất, thối mục đi và nảy sinh nhiều bông hạt mới. Đời vẫn thế, trong lòng cuộc sống vẫn có đó, hạt giống của sự chết. Nhưng ngay trong nỗi chết cũng ươm sẵn mầm sức sống. Nói theo kiểu thánh Phanxicô Assisi: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Và cùng diễn tả thực tế này, thánh Phaolô đã ‘sinh sự’ với thần chết: “Hỡi thần chết, nọc độc của ngươi ở đâu!...”. Vì Đức Kitô đã trải qua nỗi chết và bước vào cuộc phục sinh vinh thắng. Rồi thánh Phaolô khẳng định: “Ai cùng chết với Đức Kitô sẽ được phục sinh với Người trong vinh quang”.

Cha cố Giuse đã về quê

Cha cố Giuse đã lìa đời cũng là trở về với nguồn ngọn, từ đó cha ra đời. Nói cách khác, cha đã về quê. Bao giờ chẳng vậy, về quê chẳng phải chuyện buồn nhưng là một tin vui. Một lần tới thăm một đan viện, tôi gặp lúc các tu sĩ đang lao động ngoài vườn. Bỗng có tin báo tử: “Anh Luca vừa lìa đời về quê!” Lập tức mọi tu sĩ bỏ cuốc, bỏ xuổng râm ran, ầm ĩ đáp lại lời thông báo: Allêluia, Allêluia… Hôm nay, chúng ta cũng có thể thông báo với người thân, người quen và tất cả bằng hữu: “Ông cố Giuse Nguyễn Toàn Công vừa lìa đời về quê, Allêluia, Allêluia…” Hẳn đây là tin vui, một người con cháu vừa về nhà xum họp với ông bà tổ tiên, một tín hữu vừa được tổ phụ Abraham đón vào ngồi chễm chệ trong lòng cụ tổ.

Cha cố Giuse cũng như người Con Muối trong ngày về với mẹ Trùng Dương (huyền thoại Người Muối Và Mẹ Biển). Một huyền thoại kể:

Từ sau ngày Người Muối ra đời từ lòng Mẹ Biển, Người Muối không ngừng lên đường và liên tục những chuyến đi, chuyến gần, chuyến xa; chuyến vui, chuyến buồn; chuyến thành, chuyến bại. Người Muối đi vào mùa xuân với muôn sắc màu hoa cỏ; sang hạ, giữa bầu trời trong xanh, cây ngon trái ngọt và xuống mùa thu, đầy trời lá rụng. Nhưng Người Muối đi xa mãi rồi cũng tới một mùa đông dừng bước. Tự nhiên người Muối hướng về phía biển khơi gọi mẹ:

- Mẹ Biển ới ời, mẹ ở đâu, con nhớ mẹ muốn về biết mặt mẹ.

Muối như nghe tiếng mẹ đáp trong lòng:

- Người Muối con ơi, về đi, mẹ chờ con. Nhưng để nhận mặt mẹ, con phải bước vào biển khơi.

- Mẹ ơi, con đã sát bên biển.

- Con hãy bước xuống.

- Mẹ ơi, con hãi lắm, con chết mất, vì đôi chân con đang tan dần trong nước!

- Đừng sợ, Muối ơi, muốn gặp mẹ, con phải bước hẳn vào lòng mẹ!

Người Muối dần dần chìm xuống lòng biển khơi. Bây giờ biển khơi không có tiếng gọi, không còn lời đáp, chỉ còn lại tiếng sóng nước lao xao vô tận. Và chính lúc hòa tan mình trong lòng Mẹ Biển, Người Muối mới thấu hiểu, mẹ thăm thẳm khôn dò, mẹ mênh mông vô bờ, mẹ mặn mà yêu thương!

Bây giờ cha cố Giuse đã ra đi, cũng là cha cố “nhớ Mẹ trở về”, về với Đấng là chính tình yêu. Cha đã tan biến, chìm đắm trong biển tình và cảm nhận được Tình Yêu là thăm thẳm, là mênh mông, mặn mà.

Nụ cười của tin yêu và hy vọng

Cha cố ra đi, nhưng hẳn cũng còn gia sản để lại cho con, nhất là người con cả là cha Dong, không biết anh có được căn nhà, mảnh đất, khu vườn, của chìm, của nổi nào không. Nhưng ít ra, anh cũng nhận ‘nụ cười’ làm di sản của bố cho con. Cha cố Giuse, từ hồi nảo, hồi nào tới giờ, luôn có đôi hàm răng trắng và nụ cười rất xinh. Cha thường đón khách quen, khách lạ bằng nụ cười, đưa khách bằng nụ cười. Những ngày nắng đẹp cha cười, những ngày giông gió, cha cũng cười. Nụ cười ấm áp tình nghĩa, dạt dào tin yêu của bố Công làm chúng ta liên tưởng tới nụ cười của nàng Sara trong căn lều, dưới gốc sồi vùng Mamrê, khi bà được vị khách lạ thông báo: “Bằng rầy sang năm, bà sẽ sinh quý tử.” Bà Sara đã cười, nụ cười để đời, và hẳn cả cụ Abraham cũng cười chung với vợ. Hai vợ chồng đã già khú đế, còn được Chúa thương cho sinh con. Nụ cười này nhiều ý nghĩa, nhưng mọi người đều hiểu, đây là nụ cười của tình yêu, lòng tin và hy vọng nơi Thiên Chúa.

Cha cố đã ra đi nhưng không đi đâu mà mất, cha ra đi nhưng còn đó một nụ cười. Cha ra đi, và từ cuộc ra đi này, từ nụ cười này, mong người ở lại phát lên làm giàu: giàu tình thương, giàu lòng tin và hy vọng. Lời cha cố Giuse như còn vang vọng mãi trong lòng ai: “Hãy nói giùm tôi, hãy sống giùm tôi, hãy thở giùm tôi. Hãy nói giùm tôi, hãy sống giùm tôi, hãy thở giùm tôi…”

Hành trình tình yêu

Cha cố Giuse, sau khi lãnh nhận thiên chức Linh mục, đã phục vụ tại giáo xứ Phát Diệm – Phú Nhuận trong chức vụ phụ tá một thời gian ngắn. Sau đó, Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình bổ nhiệm ngài làm chính xứ Thánh Phaolô từ năm 1962 đến năm 1975. Tiếp theo, cha cố đến phục vụ giáo xứ Thánh Giuse – Kinh Rivera, thuộc Giáo phận Long Xuyên từ năm 1976 đến năm 2008. Sau thời gian dài phục vụ, tuổi già sức yếu, cha cố nghỉ hưu tại giáo xứ Thánh Phaolô cho đến nay. Giờ đây, sau thánh lễ tiễn biệt, linh cửu của cha sẽ được di chuyển về Giáo xứ Thánh Giuse, Giáo phận Long Xuyên.

Hành trình của người Linh mục là hành trình Tình yêu. Tình yêu đi tới đâu biến thửa đất thành ruộng mạ tới đó. Vì thế, cuộc đời của người Linh mục càng dài thì người Linh mục càng hạnh phúc. Cha cố Giuse đã vui hưởng hạnh phúc bao năm trên trần gian này. Đó là phần thưởng cho những ai đã “từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, ruộng đất vì danh Thầy”, thì sẽ được “gấp trăm ở đời này” (Mt 19,20). Xin Chúa, vì công nghiệp của Chúa Giêsu, Con Chúa, ban thưởng cho cha cố được hạnh phúc “gấp trăm ở đời sau” trên nơi vĩnh phúc.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top