Ngôi sao Bêlem - Vì sao của Chúa Giêsu

Ngôi sao Bêlem - Vì sao của Chúa Giêsu

Ngôi sao Bêlem - Vì sao của Chúa Giêsu

TGPSG -- Từ khi nhà thờ Đức Bà Sài Gòn bắt đầu trùng tu vào năm 2017 thì đã 6 năm rồi, người dân Sài Gòn và khách du lịch từ khắp nơi nhận được là khung cảnh im ắng, không ánh đèn Giáng Sinh mà thay vào đó là những hàng rào, dàn giáo bao bọc xung quanh nhà thờ. Đó là cũng là khoảng thời gian mà thế giới nói chung và TGP SG nói riêng đã trải qua nhiều biến cố. Đặc biệt là mùa dịch Covid-19 đã làm cho bao nhiêu gia đình gặp cảnh mất mát đau thương, những đứa trẻ đang phát triển trong vòng tay yêu thương của cha mẹ bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi… Sau hơn 2 năm kể từ ngày người dân Sài Gòn được “mở cửa” trở lại,  “bóng tối hậu đại dịch Covid-19” vẫn tiếp tục gây ra những ảnh hưởng ngày càng nặng nề về gia đình, đời sống và kinh tế xã hội…

Vì vậy, nhà thờ Đức Bà năm nay đã đem Giáng Sinh đến cho mọi người với ánh sáng của ngôi sao Bêlem. Trong tin mừng Thánh Mátthêu đã nói về việc một ngôi sao lạ dẫn đường các nhà chiêm tinh đến Bêlem gặp Chúa Hài Nhi và tiến dâng lễ vật (Mt 2, 1-12). Các nhà chiêm tinh là dân ngoại. Họ đại diện cho mọi dân tộc, cho chính chúng ta. Họ khao khát tìm ơn cứu độ. Qua những dấu chỉ kỳ diệu hay đơn sơ trong vũ trụ, họ nghe thấy lời mời gọi lên đường. Chấp nhận lên đường là chấp nhận bỏ lại tất cả và bước đi trong đêm tối. Các nhà chiêm tinh không dựa vào điều gì khác ngoài ánh sao khi tỏ khi mờ. Họ cần có đức tin cứng cáp mới dám dựa vào một dấu chỉ mong manh như thế và cũng cần có đức tin mạnh mẽ mới dám tin rằng vị vua mới sinh đang khiêm tốn sống trong một ngôi nhà ở Bêlem, chứ không uy nghi ngự giữa hoàng cung lộng lẫy.

“Hãy đi theo ngôi sao của Chúa Giêsu !”. Chúng ta đừng để bị lạc hướng bởi những thứ ánh sáng lóa mắt của thế gian, ánh sáng của những ngôi sao sáng chói nhưng là những ngôi sao băng. Chúng ta đừng chạy theo những thị hiếu đương thời, những sao băng đang tắt đi; đừng theo đuổi cám dỗ tỏa sáng bằng ánh sáng của chính mình, tức là tự khép mình trong nhóm của mình và tự bảo vệ mình. Chúng ta hãy nhìn chăm chú vào Chúa Kitô ở trên Trời, vào ngôi sao của Chúa Giêsu. Hãy đi theo Ngài, Tin Mừng của Ngài, lời mời gọi hiệp nhất của Ngài, mà không bận tâm về thời gian và khó khăn của cuộc hành trình để đạt tới sự hiệp nhất này cách trọn vẹn. 

Máng cỏ là “một lời mời gọi dành chỗ trong cuộc sống chúng ta và trong xã hội cho Thiên Chúa, Đấng ẩn mình nơi khuôn mặt của người di dân và người nghèo”, đó là lời huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trung tâm máng cỏ là Thánh gia: Đức Mẹ đang nhìn ngắm con mình, Thánh Giuse mang hình ảnh người cha bảo vệ và Chúa Giêsu ở giữa máng cỏ. “Thiên Chúa trong hình hài Giêsu bé nhỏ để được chúng ta ôm vào lòng mình. Trong sự yếu đuối và mong manh ẩn giấu một quyền lực tạo dựng và biến đổi tất cả. Việc Chúa giáng sinh trên quả đất là việc có vẻ như “không thể có được” nhưng dù vậy “Chúa Giêsu Hài Đồng trong hình hài em bé, Ngài đã mạc khải tình yêu vĩ đại của mình”.

Trong tuần lễ trước Giáng Sinh, mặc dù là ngày thường nhưng vẫn có rất đông đảo người dân Sài Gòn và du khách tham quan từ khắp nơi đến tham quan và chụp hình. Ai ai cũng trong niềm vui hân hoan chờ đón ngày Chúa Giáng Sinh sắp đến.

Hơn 21g ngày 18/12/2023, dòng người vẫn tiếp tục đổ về trước nhà thờ Đức Bà để chụp ảnh.

Chú Minh (Hóc Môn, TP.HCM): “Thật sự lâu lắm rồi tôi mới được sống lại trong niềm vui Giáng Sinh. Nghe con tôi nói năm nay nhà thờ Đức Bà gắn đèn đẹp lắm, tôi đã chở vợ đi hơn 1 tiếng mới đến đây để cảm nhận không khí Giáng Sinh rộn ràng, ấm áp”.


Nhiều giáo dân quỳ trước tượng Đức Mẹ Hòa Bình đọc kinh và lần chuỗi mân côi.

Bài & Ảnh: Giuse Nguyễn Lộc Thọ (TGPSG)

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top