Lỗi… đạo làm con

Lỗi… đạo làm con

Lỗi… đạo làm con

TGPSG -- Các con của nó đang lập lại tất cả những gì mà nó đã từng phản ứng với những lời răn dạy của mẹ…

Ngày mồng hai Tết – ngày kính nhớ ông bà tổ tiên, tôi ra thăm nghĩa trang thắp cho ông bà ngoại nén hương. Tình cờ tôi gặp lại Trang cũng ra thăm mộ ba mẹ của mình sau một năm vất vả bươn chải xa quê. Ngày xưa, hai đứa tôi đi đâu cũng có nhau và Trang có chuyện gì cũng gọi cho tôi để tâm sự. Và hôm nay gặp lại cũng vậy, Trang cũng muốn kể cho tôi nghe câu chuyện của lòng nó trước mộ mẹ mình.

Trang là con gái út trong gia đình nên được ba mẹ hết mực thương yêu và bao bọc. Tuy ba mẹ nó có hơi nghiêm khắc nhưng nó vẫn được cưng chiều hết mực. Tôi không hiểu sao lúc nào Trang cũng hay nói những câu đại loại như: “Thà tao chết còn sướng hơn sống trong nhà này; tao thật sự cô đơn trong căn nhà này; trong nhà tao như cái giỏ cho mẹ tao xả giận …

Rồi khi nó rời quê đặt được bước chân vào ngưỡng cửa đại học, nó cảm thấy như thoát ra được cái “nhà tù” đã khiến nó vô cùng khổ sở vì sự kềm cặp, răn đe của ba mẹ. Sướng nhất là nó sẽ không còn phải nghe những lời càm ràm không ngớt của mẹ. Cảm giác đó đối với nó thật tự do, thật hạnh phúc và thật sung sướng.

Thế vậy mà cuối tuần nào nó cũng phải thốt lên những câu như: Biết rồi, khổ quá nói mãi, thời xưa khác thời nay khác, thời này như thế thì thế giới khi nào mới phát triển được… sau khi phải nghe những lời khuyên răn chán ngắt của mẹ nó qua điện thoại, đôi lúc nói nhiều hết cả pin, hết cả tiền mà mẹ vẫn chưa khuyên xong. Dường như mẹ không thể không nói! Nào là con phải thế này, thế kia; nào là đừng đi đâu về trễ; phải biết tự chăm sóc sức khỏe; đừng ngủ trễ quá; con không được làm cái này cái nọ; đừng theo bạn vào quán bar; phải khôn ngoan lựa chọn điều tốt; siêng đến nhà thờ nhất là ngày Chúa Nhật; vv và vv …, cả một núi những lời như thế. Nghe hoài phát chán, nó hỗn láo vùng vằng: “Ôi! Cái đó ai mà không biết, khỏi phải nói”.

Vậy mà tuần sau mẹ lại gọi và tiếp tục nói!

Sau khi tốt nghiệp, nó nhanh chóng tìm được một công việc tốt tại một công ty lớn ở thành phố với mức lương cao. Nó thật hạnh phúc vì vừa được làm việc ưa thích, lại vừa không phải nghe mẹ nhắc nhở vì giờ đây nó đã có lý do là bận công việc để không phải nghe mẹ nói nhiều. Cuộc sống tiếp tục trải lụa hồng cho nó tiến tới một tình yêu tuyệt đẹp với một anh làm cùng công ty. Gia đình hai bên đồng ý cho nó và anh ấy tiến tới hôn nhân.

Lúc này, mẹ lại tiếp tục “ca bài ca muôn thủa” rằng con phải giữ gìn trinh tiết, phải biết nhìn trước nhìn sau, phải học nội trợ, phải … và hằng trăm thứ phải khác … Nó không thích nghe tí nào, không chỉ gọi điện nhắc nhở mà hễ cứ thấy nó về nhà là mẹ lại bắt ngồi bên cạnh để khuyên răn, có khi nói đi nói lại chỉ có nhiêu đó thôi, lại còn nhắc nó bớt mua sắm, bớt lướt facebook, zalo, xem phim… toàn là những chuyện bình thường và cũng là sở thích của nó, nên nghe hoài nó chán.

Từ khi về nhà chồng, quả nhiên những lời “càm ràm” của mẹ bớt hẳn, đôi lần mẹ có gọi điện thoại cho nó, hỏi thăm vài câu xong mà “đánh hơi” thấy mẹ chuẩn bị “lên lớp”, nó sẽ viện ngay lý do để cúp điện thoại.

Năm tháng dần trôi, những đứa con kháu khỉnh của nó lần lượt ra đời. Gia đình chồng là người miền Nam nên cũng thoải mái với con dâu, nó lại được chồng cưng và chiều chuộng hết mực, cuộc sống vốn đẹp lại càng trở nên đẹp hơn. Thế nhưng khi sinh đứa thứ ba được ít năm, gia đình nhỏ của nó trở nên bận rộn hơn vì có nhiều việc phải lo lắng, kinh phí sinh hoạt gia đình và tiền lo cho các con ăn học trở nên một gánh nặng đè lên vai nó. Đã thế mẹ chồng lại bị tai biến nằm một chỗ nên việc săn sóc trở nên cực hơn.

Chồng và nó ít nói chuyện chia sẻ với nhau hơn, bữa cơm gia đình không còn vui vẻ như trước. Nó cảm thấy mình hay cáu gắt lo lắng, căng thẳng và mệt mỏi. Các con của nó đã lớn rồi nhưng không những chẳng biết giúp mẹ mà cũng không biết tự chăm sóc bản thân. Đứa con gái lớn thì hay đi chơi về muộn, lại chẳng có phép tắc gì, có trách phạt cũng không thấy thay đổi. Đứa thứ hai thì mê game và lười biếng. Đứa út thì không khá hơn anh chị của nó: nhõng nhẽo, bướng bỉnh và phá phách hết chỗ nói. Nó cảm thấy lời nó dạy bảo con chỉ như “nước đổ đầu vịt”, tựa “đàn gảy tai trâu”. Dù vậy nó vẫn cố gắng nói và dạy để mong các con nhớ được chút gì.

Rồi một ngày nó tình cờ nghe các con nói chuyện với nhau: Mẹ mình lắm lời quá, nói nhiều mà cổ hũ, chẳng hiểu tụi mình, mẹ chỉ luôn cho là mẹ đúng thôi, mẹ chẳng hiểu gì cả, đã vậy lại còn hay cáu gắt, la mắng…

Lúc đó, tim nó nhói đau, hai hàng nước mắt bỗng lặng lẽ rơi. Một nỗi thất vọng dâng lên đến tận cổ. Suốt đêm đó, những lời các con nói với nhau cứ văng vẳng bên tai nó đã kéo nó về với ký ức tuổi teen của nó. Câu nói “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy.” quả là rất đúng trong trường hợp của nó. Các con của nó đang lập lại tất cả những gì mà nó đã từng phản ứng với những lời răn dạy của mẹ. Hoàn cảnh gia đình nó lúc này cũng giống như những gì mà mẹ nó phải gánh vác ngày xưa. Những kỷ niệm cũ chợt ùa về khiến lòng nó trào lên một nỗi ân hận, nó bỗng thấy nhớ mẹ và muốn về xin lỗi mẹ ngay.

Thế nhưng, cái vòng luẩn quẩn của công việc và gia đình đã khiến nó cứ lần lữa mãi. Điều duy nhất nó có thể làm là bấm điện thoại hỏi thăm vài câu rồi lại ngại ngùng không nói được câu xin lỗi đã ấp ủ trong lòng. Nó tự hứa với lòng là cuối tháng sẽ đưa gia đình về thăm mẹ, tiện thể sẽ nói cho mẹ biết nó đã hiểu tấm lòng và cám ơn mẹ đã “khó” với nó để cho nó có được như hôm nay. Tiện thể nó sẽ xin lỗi mẹ. Nghĩ đến ánh mắt ngạc nhiên của mẹ khi nghe nó xin lỗi, nó tự mỉm cười. Đúng là chỉ khi nuôi con mới hiểu được lòng cha mẹ! Thế nhưng, ngay trong đêm đó, nó được tin mẹ đột ngột đau nặng, có thể không qua khỏi.

Không còn kịp sắp xếp gì nữa, nó đón xe về nhà ngay. Về đến nhà thì mọi người đã đứng vây quanh giường, mẹ nằm đã không còn chút sinh khí nào trên khuôn mặt nhưng ánh mắt vẫn hướng ra cửa đợi chờ. Nó lao vào nhà, ôm lấy mẹ khóc nức nở. Một dòng nước mắt trào ra trên đôi mắt, mẹ gắng gượng cười với nó rồi nhẹ nhàng trút hơi thở sau cùng.

Chỉ khi vuốt đôi mắt nhắm nghiền của mẹ nó mới thấm thía ý nghĩa của hai từ “mồ côi”. Dù đã có một gia đình riêng để chăm sóc, nhưng cứ hễ nghĩ đến ánh mắt mẹ đợi chờ nó trở về lần cuối, nước mắt nó lại trào ra. Đúng là người ta thường không biết quý những gì mình đang có, chỉ khi mất đi rồi mới hối hận vì đã không biết trân quý, gìn giữ.

Trang kể xong thì khóc nức nở như chưa từng được khóc:

- Mình thực sự rất ân hận vì đã không hiểu và không nhận ra được tình yêu thương của mẹ sớm hơn. Đến lúc ngộ ra được thì mẹ đã không còn để đền đáp công ơn. Giá mà mình đừng chần chờ nói lên câu xin lỗi thì chắc hẳn mẹ đã sống vui hơn những ngày tháng cuối đời, giá mà…

Những gì nó đang nói với tôi lúc này trước ngôi mộ của mẹ nó, tôi nghĩ bác gái cũng nghe và thấu hiểu nỗi lòng của nó. Tôi cầm tay nó an ủi:

- Không sao đâu, bạn đừng giày vò bản thân mình vì những điều không còn thay đổi được nữa. Giờ mẹ đã an nghỉ rồi, bạn chỉ còn có thể sống thật tốt như mẹ mong muốn là bạn đã làm mẹ vui lòng lắm rồi đó.

- Ừ, từ kinh nghiệm của mình, mình sẽ cố gắng dạy cho các con của mình tốt hơn, để tương quan của gia đình mình trở nên tốt đẹp hơn bây giờ. Mình sẽ cố gắng thấu hiểu con và tạo cho tương quan gia đình gần gũi thân thương hơn. Tại mình cứng đầu và cứng cỏi quá. Nghĩ mà thương mẹ, chắc chắn mẹ đã từng rất khổ tâm vì mình. Mình sẽ không để cho con mình phải mang nỗi ân hận giống như mình, vì khi hiểu ra được tình thương và sự lo lắng của mẹ thì mọi sự đã quá trễ.

- Tốt lắm, bạn hiền. Bài học đắt giá nhất là bài học rút ra được từ trong thương đau! Như thánh Phaolô đã viết: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa.” (Cl 3,20). Mình nghĩ mẹ bạn sẽ rất vui khi nghe những lời này từ trong trái tim bạn đó.

Giuse Nguyễn Lộc Thọ - Lớp TVTM K4 (TGPSG)

Top