Lễ giỗ lần thứ 40 cố LM Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh: Trình diễn nhạc phẩm "Mở đường phúc thật"

Lễ giỗ lần thứ 40 cố LM Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh: Trình diễn nhạc phẩm "Mở đường phúc thật"

WGPSG -- “Mở Đường Phúc Thật” là tên của một tuyệt tác độc đáo thuộc loại Cantate (hợp xướng nhiều bè có dàn nhạc phụ họa), cũng là chủ đề chính của buổi trình diễn tại hội trường GB Phạm Minh Mẫn, Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM, do Ban Thánh Nhạc Giáo phận Thành Phố phối hợp với Trung tâm Mục vụ tổ chức từ 19g30 đến 21g00 ngày 12/04/2011. Đây là lần thứ 3 tác phẩm này được trình diễn. Lần thứ nhất do chính tác giả trình diễn khi còn làm cha Chính (Tổng Đại diện) tại GP. Hà Nội. Lần thứ hai được trình diễn cách đây không lâu tại nhà thờ Mai Khôi, Quận 3, Tp. HCM.

Thành phần tham dự gồm có:

- Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Gm. Phụ tá TGP. TPHCM
- Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Gm. Giáo phận Kontum, nghĩa tử của cha cố Gioan Lasan
- Cha Rôcô Nguyễn Duy, Tổng thư ký UBTN trực thuộc HĐGMVN, Trưởng Ban Thánh Nhạc Gp. Thành Phố HCM
- Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Phó giám đốc TTMV
- Cha nhạc sĩ Mi Trầm, chủ nhiệm CLB sáng tác
- Cha nhạc sĩ Xuân Thảo, chủ biên tập Hương Trầm, nội san của UBTN trực thuộc HĐGMVN
- Cha Phêrô Trương Huy Hoàng, Trưởng ban Thánh Nhạc Gp. Phú Cường
- Cha Anrê Đỗ Xuân Quế, linh hướng của ca đoàn hợp xướng Piô X
- Cha Vũ Khởi Phụng
- Cha Nguyễn Cao Siêu
- Nhà thơ Lê Đình Bảng
- Nhạc sĩ Tiến Linh cùng ca đoàn hợp xướng Piô X
- Và gần 300 tham dự viên là những người say mê âm nhạc và thánh nhạc.

Ý nghĩa và mục đích

Hôm nay, ngoài việc cầu nguyện, buổi trình diễn này còn có mục đích tôn vinh một tài năng âm nhạc hiếm quý. Phải nói là hiếm quý, một phần vì tác giả có năng khiếu bẩm sinh, một phần vì được đào tạo và xuất thân từ một nhạc viện danh tiếng: Nhạc Viện Quốc Gia Pháp (Conservatoire National de Paris). Cũng nhờ được đào tạo từ trường lớp và bài bản như thế, lại chơi thạo vĩ cầm và dương cầm, tác giả đã đi vào địa hạt âm nhạc cao cấp để sáng tác ra bản trường ca “Mở đường phúc thật” này.

Sơ lược chương trình

Ngay từ rất sớm, rất nhiều tham dự viên đã đến gặp gỡ và trao đổi với nhau về cuộc đời cũng như các tác phẩm mà cha cố để lại. Mọi người đều cảm thấy buổi trình diễn hôm nay là một món quà hết sức ý nghĩa mà những ai yêu thích âm nhạc và yêu mến cha cố có được.

19g00, sau phần giới thiệu thành phần tham dự của cha Nguyễn Duy, các tham dự viên được thưởng thức 4 nhạc phẩm do ca đoàn hợp xướng Piô X trình diễn dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Tiến Linh:

- Bản Gloria (trích bộ lễ cung Si thứ của J.S. Bach, bậc thầy của dòng nhạc Cantate)
- Kinh Lạy Cha (do cha cố sáng tác)
- Trường ca “Mở Đường Phúc Thật” (phần chính: gồm 6 đoản khúc )
- Ở dưới vực sâu

Sau những màn trình diễn hết sức ý nghĩa và ấn tượng, Đức cha Phêrô có đôi lời chia sẻ về cuộc đời và con người của cha cố. Đồng thời mời gọi mọi người cùng tĩnh tâm trong dịp thuận tiện thuận như một phương thế thích hợp chuẩn bị mừng đại lễ Phục Sinh sắp tới.

Buổi trình diễn kết thúc lúc 21g00 và còn đọng lại mãi trong lòng mỗi tham dự viên những ấn tượng sâu sắc, khó phai.

Đôi nét về tác phẩm

Năm 1958, nhân cuộc rước kiệu Thánh Thể được tổ chức tại Hà Nội, cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh bấy giờ là cha Chính (Tổng Đại Diện) giáo phận, đóng góp công sức lớn lao tổ chức và tập luyện các bài Thánh ca, trong đó có bản trường ca bất hủ “Mở Đường Phúc Thật” do chính cha sáng tác.

Để sáng tác trường ca kiệt tác này, cha đã chiêm niệm, suy gẫm, trải nghiệm, sống thực và chuyển dịch thành những dòng nhạc uyển chuyển, phù hợp với nhịp sống thực tế của con người.

Vì thế, trường ca ”Mở Đường Phúc Thật” quả là một bản di chúc quý giá mà cha để lại cho tất cả những ai muốn sống hạnh phúc thật. Đây cũng là hiến chương cho tất cả mọi người muốn xây dựng một nền văn minh tình thương thay vì chết chóc hận thù, một thế giới yêu quý và trân trọng sự sống thay vì bức tử uất hận.

Nhạc phẩm chia làm 6 phần. Nội dung lấy ý từ “Bài giảng trên núi” trong các sách Tin Mừng, diễn thành thơ lục bát rồi phổ nhạc bốn bè. Lục bát là loại thơ thuần túy của Việt Nam. Nhạc phổ thơ lục bát trong tác phẩm kinh điển này vẫn phảng phất những cung điệu Việt Nam. Qua 6 chương, thính giả có thể nghe và nhận ra bản sắc tâm hồn Việt trong đó.

Đoạn 1: Ông bà nguyên tổ bị cám dỗ mà sa ngã: Phúc thật biến mất.

Đoạn 2: Phúc thật biến mất. Con người lạc hướng đi tìm lạc thú trần gian. Nhưng những thứ này là gông cùm, xiềng xích trói buộc con người.

Đoạn 3: Hạnh phúc trần gian là ảo ảnh:

“Trần gian bác ái nhạt phai
Đất tàn hương mất đâu nguồn tái sinh”.

Đoạn 4: Vì hạnh phúc trần gian là ảo ảnh, “nhục dục là xích, ái thần là gông” nên ai muốn được phúc thật, phải tìm đến với Chúa mà sống tinh thần nghèo khó như “chim sẻ nhặt thóc ngoài đồng” và ăn ở hiền lành như “chiên không nanh không vuốt”.

Đoạn 5: Dùng hình ảnh nai rừng đi tìm suối nước. Sự công chính như là nước thiêng, phúc cho người nào khao khát dòng nước thiêng đó.

“Phúc người công chính ước mong
Chan chứa đầy lòng Chúa giáng ân ban.

“Tình cừu oán hận hiểm gây
Bao nhiêu mãnh thú giương vây gầm gừ
Phúc thay người sống nhân từ
Rộng lòng tha thứ được trừ nợ thân
Phúc người trinh khiết chính trung
Tôn nhan Thiên Chúa ở trong lòng mình.”

Sống như thế là có phúc, lại ngưỡng vọng Đức Mẹ Đồng Trinh là Đấng đầy ơn phúc nữa thì như đã bước vào cửa Thiên Đàng rồi:

“Vọng chiêm ánh mắt Nữ Trinh
Là qua cửa thánh chiếu đình Thiên Cung.”

Đoạn 6: Mở ra một khung trời rực rỡ với:

“Chim câu cánh trắng rợp trời
Hòa bình sa xuống lòng người liên hoan.”

Cảnh tượng đó thuộc về các “anh hùng trong đức tin” như lời Tin Mừng: “Regnum Dei vim patitur”: Nước Thiên Chúa thuộc về người có sức mạnh, nghĩa là những người mạnh mẽ chiến đấu chống lại ba thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt.

“Thế gian còn giống anh hào
Trời long đất lở tay nèo tay vin
Tim ai tôi nước đức tin
Gươm soi tim héo lửa thiêng càng nồng.” 

Đôi nét về cha cố Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh

Linh mục Nguyễn Văn Vinh có dáng dấp bề ngoài của một người dễ thương, yểu điệu, nhưng ẩn dấu trong đó, lại là một con người có tính tình cương nghị sắt đá!

Ngài quy tụ một số anh em giỏi nhạc như Nguyễn Văn Hòa (GM Hòa Nha Trang), Nguyễn Văn Đồng (Đồng Bi ton, linh muc tại Cần Thơ), Nguyễn Văn Lệ (Titus Lệ, nhạc sĩ Nguyễn Hải Ánh), Vũ Kim Hường (Hường Khé Khò), Vũ Hùng Tôn (Tôn, cháu cha Lai, gốc Thanh Hóa) để huấn luyện và giúp ngài tập hát chung cho chủng sinh.

Những bài “De Profundis”, “Lạy Cha”, “Jam Albae sunt ad Messem”, “Bravo, Bravo!!!”… mà ngài tập cho ca đoàn chủng viện Piô XII hát trong thánh lễ hay các dịp lễ tân. Về sau, những bài đó được thế hệ cha Vũ Hùng Tôn phổ biến cho nhiều ca đoàn ở hải ngoại, như ở Seattle bang Washington, như ở Ca đoàn Giáo xứ La Vang, Cincinnati, bang Kentucky. 

Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh chào đời ngày 2 tháng 10 năm 1912 tại làng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Cậu Vinh, một thiếu niên vui vẻ, thông minh, có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh về âm nhạc, ca hát. Cậu biết kính trên, nhường dưới; trong xứ đạo, ai cũng quý yêu. Cha xứ Ngọc Lũ thời đó là Cố Hương, một cha người Pháp tên là Dépaulis giới thiệu cậu lên học tại trường Puginier Hà Nội. Năm 1928, cậu học Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, Phú Xuyên, Hà Tây.

Năm 1930, thầy Vinh được cố Hương dẫn sang Pháp du học. Năm 1935, thầy vào Đại Chủng viện St Sulpice, Paris. Ngày 20-6-1940, thầy được thụ phong linh mục ở Limoges.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân Văn Triết ở Sorbonne, ngài gia nhập dòng khổ tu Biển Đức tại Đan Viện Ste Marie.

Sau 17 năm du học, năm 1947 cha Vinh về nước, nhằm góp sức xây dựng một Giáo hội Công giáo Việt Nam vững mạnh về mọi mặt. Khi ấy, Đức cha François Chaize - Thịnh, Bề trên Giáo phận đã bổ nhiệm ngài làm cha xứ Nhà thờ Lớn Hà Nội. 

Năm 1954, Đức cha Khuê bổ nhiệm ngài làm cha Chính, kiêm Hiệu trưởng trường Dũng Lạc.

Ngài tổ chức lớp học giáo lý cho các giới, có những linh mục trẻ thông minh, đạo đức cộng tác, như cha Nguyễn Ngọc Oánh, cha Nguyễn Minh Thông, cha Phạm Hân Quynh. Lúc đầu, lớp học được tổ chức thành nhóm nhỏ tại phòng khách Tòa Giám mục, về sau, con số người tham dự tăng dần, lớp học được chuyển tới nhà préau, và ngồi ra cả ngoài sân. Lớp học hiệu quả rất lớn, những tín hữu khô khan thành đạo đức nhiệt thành, ảnh hưởng lan tới cả giới sinh viên và giáo sư đại học, nhiều người gia nhập đạo. 

Thời bấy giờ, Đại học Y khoa Hà Nội thiếu giáo sư, nên đã đề nghị Đức cha Khuê cử cha Vinh đến trường dạy La tinh. Nhiều sinh viên cảm phục ngài. 

Biết tài năng và kiến thức âm nhạc của ngài, nhiều nhạc sĩ ở Hà Nội tìm cha Vinh tham khảo ý kiến và nhờ xem lại những bản nhạc, bài ca họ mới viết.

Ngài cộng tác với nhạc sỹ Hùng Lân sáng tác ‘Tôn Giáo Nhạc Kịch Đa-Vít’. Ngoài ra, ngài còn sáng tác nhiều nhạc phẩm lớn: ‘Mở Đường Phúc Thật’, ‘Tôn Vinh Thiên Chúa Ba Ngôi’, ‘Ôi GiaVi’, ‘Lạy Mừng Thánh Tử Đạo’. Ngài phổ nhạc cho các Ca Vịnh 8 , Ca vịnh 16, Ca vịnh 23, Ca vịnh 41, Ca vịnh 115 và nhiều bài hát khác như Đức Mẹ Vô Nhiễm, Thánh Tâm Giêsu. Ngài còn viết những bài ca sinh hoạt: Sao Mai, Đời Người, phổ nhạc bài ‘Bước Tới Đèo Ngang’ của Bà Huyện Thanh Quan.

Hằng tuần, ngài đến dạy nhạc, xướng âm và tập hát bên chủng viện Gioan. Cha Vinh có giọng nam cao, âm hưởng thanh thoát, lôi cuốn.

Ngài tổ chức và chỉ huy đồng ca trong nhiều cuộc lễ và rước kiệu lớn như cuộc Cung Nghinh Thánh Thể từ Hàm Long về Nhà thờ Lớn Hà Nội.

Ngày 8.02.1971, cha đi vào cõi thiên thu.

Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh là một chứng nhân của thời đại, một linh mục Công giáo Việt Nam mẫu mực, được hậu thế kính tôn và tri ân.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top