Hối hận muộn màng...
TGPSG -- Tôi đã chợt nhận ra : “Sự hối hận lúc này có phải đã muộn ...”
Con người của tôi tuy sống rất tình cảm, nhưng lại chẳng mấy khi thể hiện, lại còn rất cứng đầu cứng miệng. Trong gia đình, tôi biết Ba thương tôi nhất. Đôi lúc người khiến Ba thất vọng cũng là chính tôi, người được thương nhất đó... Tôi không biết hiện tại vị trí nhất đó có còn thuộc về tôi không? Điều đó chẳng còn quan trọng nữa, bởi vì tôi biết trong lòng tôi vị trí của Ba rất quan trọng...
-“ Mày mà đi tu thì có mà tu hú, đừng có đòi đi cho được rồi dăm ba bữa lại về” Ba tôi đã nói vậy khi tôi nói mình muốn đi tu. Tôi đã có ước muốn đi tu từ rất sớm, những khi còn bé. Nhưng tôi biết khi tôi lớn dần lên, khi Ba tôi bắt đầu thay đổi, ước muốn lúc đầu ấy đã không còn thuần khiết nữa. Bởi vì, đằng sau quyết tâm muốn đi tu cho bằng được ấy mang theo chút tâm lý muốn trốn tránh gia đình.
Gia đình tôi cũng bình thường thôi, tuy không tình cảm nhưng cũng ấm êm. Thế nhưng vào năm tôi 15 tuổi, đã chẳng còn như thế. Trước đây Ba tôi vẫn uống rượu, nhưng không sa đà vào rượu. Vậy mà không biết từ lúc nào, Ba tôi uống rượu thường xuyên hơn và bắt đầu đổi tính. Thay vì uống một chút rượu vào bữa cơm như lúc trước, Ba đã đi tìm bạn nhậu và uống say sưa. Và ác mộng đằng sau những buổi nhậu ấy. Về nhà, Ba bắt đầu kiếm chuyện chửi bới, đập phá đồ... Mẹ tôi luôn là người hứng chịu những cơn tam bành đó. Mẹ tôi nhịn nhục lắm, nhưng Bà chỉ cần lên tiếng giải thích chút thôi, Ba tôi lại càng chửi bới hết sức vô lý. Mẹ tôi nhịn nhục nhưng tôi thì không, có lẽ tôi ỷ vào Ba thương tôi nên gan lớn. Và tháng ngày đấu khẩu của chúng tôi bắt đầu.
Mới đầu, tôi cũng chỉ là giải thích những điều vô lý của Ba mà thôi, lời qua tiếng lại, càng nói càng bế tắc, càng uất ức, ai lại đi cãi lí với người say. Nhưng tôi lại làm việc đó.
- “ Tao cho mày ăn học, mày biết chữ rồi lên mặt với tao phải không!”
- “Nói câu nào là trả trêu câu đó, mày mà tu cái gì”
- “Mày nghĩ từ nhỏ đến giờ tao không đánh mày là tao không dám đánh hả! ”
-“Nên nhớ trong nhà này chỉ có mày chưa bị đánh thôi, nhìn mấy đứa kia coi!”
Mỗi tối sau khi Ba uống say, là những câu nói này đúng hẹn lại đến. Tôi thấy mình chắc cũng say rồi, im lặng có phải tốt hơn không? Những lúc như vậy tôi đều muốn đi đâu thật xa, mắt không thấy tâm không phiền. Và từ đó tôi bắt đầu thấy thất vọng về ba tôi.
Cuối cùng tôi đã được như ý nguyện, tôi đã vào dòng tu và trốn tránh được những buổi tối không vui của gia đình. Nhớ lúc đầu tôi đã quyết tâm biết mấy, cho dù có ra sao cũng nhất định phải tu đến nơi đến chốn. Nhưng rồi có lẽ Ba tôi đã đúng : “Mày có mà sáng tu chiều hú”. Cho dù không phải do bản thân tôi mau chán, nhưng rồi tôi chẳng phải cũng chẳng tu được đấy ư? Giới hạn của sức khỏe đã đưa tôi về lại với gia đình. Về rồi thì phải đối mặt, trốn đi đâu được? Tôi thường nghe Mẹ phàn nàn : “Ba mi bữa nay lại càng....”. Bởi đúng là Ba tôi ngày càng bê bết rượu chè. Trước đây ba tôi làm thợ xây, khoảng thời gian đó ba bị lở loét da không làm việc đó nữa. Và càng ngày càng nhiều thời gian rảnh, Ba tôi lại uống rượu nhiều hơn. Chúng tôi khuyên mãi, nhưng đổi lại chỉ là những câu bất cần đời của Ba :
- “Chết sớm đi chớ sống làm gì”
- “Biết bao nhiêu người uống rượu nhiều nhưng có chết liền đâu, bị bệnh hành hạ thân xác, khổ bản thân, khổ gia đình, có phải muốn chết là chết nhẹ nhàng như Ba nghĩ đâu.”
Vẫn là những cuộc nói chuyện bế tắc, từ khuyên nhủ lại thành cãi nhau to tiếng. Ba không đi làm, Mẹ tôi thành lao động chính nuôi cả gia đình 7 miệng ăn. Mẹ dậy sớm Ba tôi chửi, Mẹ về trễ Ba tôi mắng, đôi khi ông quăng chăn gối Mẹ ra sân khóa cửa không cho Mẹ vào... Mẹ tôi vừa mệt cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi thấy Mẹ khóc rất nhiều lần nhưng rồi Mẹ vẫn nhịn. Uất ức, thì Mẹ phàn nàn với chúng tôi. Tôi biết Mẹ cần được giải tỏa, nhưng nghe miết thì cũng thấy phiền. Mà tôi càng thấy buồn Ba tôi hơn. Đôi lúc tức quá, tôi bảo Mẹ: “Sao Mẹ không ly thân với Ba đi, ở vậy ai chịu nổi”.
- “Tao mà không có tụi bay thì tao đi đâu quách đi rồi!” Câu trả lời của Mẹ đã khiến tôi im lặng. Rồi lâu dần tôi luyện được kĩ năng “làm thinh”, không nghe, không thấy, không nói. Càng ngày tôi càng ít giao tiếp với Ba hơn, chỉ những khi Ba tỉnh táo, vui vẻ tôi sẽ nói đôi câu. Tôi thương Ba, nhưng cũng rất giận Ba, sự giận dỗi đó luôn trào lên mỗi khi tôi thấy Ba uống rượu, thấy Ba chửi mắng...
Rồi Ba bệnh, Ba hay đau, nhưng hết đau Ba lại uống rượu, Ba không uống thuốc đều đặn. Không ai khuyên được cả. Nhưng lúc này Ba vẫn còn sức khỏe.
Vẫn là một câu chuyện xảy ra chẳng hay ho gì cả. Đó là một ngày gần cuối năm, chúng tôi dọn nhà chuẩn bị đón năm mới. Buổi trưa, Ba tôi trở về nhà với men say trong người. Vẫn là tiết mục cằn nhằn của người say. Lời qua tiếng lại thành cãi nhau. Lâu rồi tôi cũng không nhớ rõ. Sau một hồi, Ba tôi lại đập đồ rồi muốn đánh chúng tôi. Cuối cùng thì đánh thật, nhưng là đánh nhau. Ông ấy đánh chị em chúng tôi, lúc ấy chị tôi cũng đánh lại. Ông ấy lấy dao rựa đòi chém chúng tôi, có lẽ chút lý trí đã để ông ấy hạ dao và bỏ đi. Cuộc ồn ào kết thúc. Cũng như những năm trước, tết năm ấy cũng chẳng vui vẻ gì cho cam, mỗi năm tết đến, chẳng lúc nào yên bình. Trải qua cuộc ẩu đả đó, Mẹ tôi, chị tôi thế nào tôi không biết. Nhưng tôi biết giữa tôi và Ba tôi triệt để có một bức tường ngăn cách.
Dần dà, tôi đã cảm thấy mọi thứ xảy ra quá quen thuộc, như cuộc sống là vậy. Tôi cũng chẳng mấy khi trò chuyện với Ba nhiều, có lẽ tôi không muốn đối diện với những chuyện từng xảy ra và sợ những điều chưa xảy đến.
Rồi cũng đến lúc tôi tốt nghiệp cấp 3, muốn đi học tiếp thì phải xa nhà. Lần thứ 2 tôi rời xa gia đình, nhưng lần này đã không còn là sự trốn tránh gia đình như trước đây nữa. Không phải vì gia đình đã tốt đẹp, chẳng qua tôi nhận thấy trốn tránh hay không cũng vậy thôi. Tôi bắt đầu cuộc sống sinh viên quay cuồng trong việc học nơi thành phố xô bồ, cũng chẳng còn mấy thời gian mà suy nghĩ hay buồn bã vào hoàn cảnh gia đình mình.
Khi tôi đi, Ba tôi vẫn vậy thôi. Ba vẫn còn làm công việc chở nước cho giáo xứ, vẫn là thỉnh thoảng sáng sáng thấy Ba đau, trưa chiều ba hết đau và uống rượu. Đó là “vẫn” nhưng khi tôi còn ở nhà...
Lúc ấy, tôi nhận được tin nhắn chị gái: “Ba bệnh nặng rồi...” Tôi gọi điện thoại lại cho chị tôi với suy nghĩ Ba bệnh nặng hơn thôi. Nhưng những điều tôi nghe được lại chẳng đơn giản như tôi nghĩ. Cả người Ba sưng phù, Ba đi lại khó khăn... Đưa Ba đi bệnh viện, bác sĩ nói gan của Ba bây giờ như xơ mướp vậy, đưa Ba về đi đừng đưa Ba đi đâu nữa... Tôi chỉ im lặng thôi, tôi không nói gì cả, bởi vì tôi sợ một khi tôi mở miệng, tôi không ngăn được tiếng khóc của mình. Cúp máy rồi, tôi chẳng suy nghĩ được gì cả, chỉ biết khóc theo bản năng mà thôi...
Tôi gọi điện thoại cho Mẹ, tôi thấy Mẹ khóc.
Mẹ nói: “Mấy người nói Ba bệnh vậy mà không đưa Ba đi Sài Gòn.”
- “Người ta nói kệ người ta, nhưng mà cứ đưa Ba vô đây thử.” Tôi cố bình tĩnh mà nói với Mẹ.
- “Tao cũng nói đưa Ba mày vô trong đó, mà ổng có chịu đi đâu” Giọng Mẹ tôi hơi nghẹn.
Người ta thường nói khi bệnh tật con người ta mới biết sợ và quý trọng mạng sống. Vậy ba tôi thì sao, chẳng lẽ ông ấy không biết sợ ư? Có chứ! Nhưng có lẽ tôi hiểu được vì sao ông ấy không muốn níu kéo chút hy vọng ấy. Ba tôi là một người rất sỉ diện, từng lời ba tôi từng nói những lúc say ông ấy vẫn nhớ. Chính vì nhớ, ông ấy sẽ không nhập viện, không níu kéo điều trị vì sợ mình thành gánh nặng, sợ gia đình phải tất bật chăm lo cho mình...
Có còn ai nhớ những lời tuyên bố hùng hồn của Ba tôi lúc say không? Cho dù có nhớ thì đã sao? Chẳng ai quan tâm cả! Chẳng lẽ sẽ vì những lời ấy mà bỏ mặc Ba ư? Tôi ghét sự sĩ diện đó, ghét sự cứng đầu đó. Ghét bản thân tôi cũng sĩ diện, cũng cứng đầu như Ba...Tại sao tôi phải cứng đầu? Ba tôi sai ư? Do ông ấy rượu chè ư? Vậy thì đã sao? Ông ấy vẫn là Ba tôi! Tôi dành ngần ấy thời gian cho sự giận dỗi, sự thờ ơ. Phải! Tôi có thời gian nhưng Ba tôi thì không. Quan trọng là điều đó có đáng, có đúng để tôi làm cớ giận dỗi Ba đến vậy ư?
Từng có lúc cảm xúc không ổn đến mức tôi trách Chúa sao Ba lại thành như vậy. Gia đình đã như vậy, tại sao tôi muốn tránh đi nhưng Chúa không cho tôi được như ý nguyện. Tôi hay cầu nguyện xin cho Ba không còn rượu chè say sưa… Nhưng tôi đã nhận ra. Tôi chỉ mãi biết “cầu xin” để được “tránh xa” nhưng lại chẳng biết đón nhận hoàn cảnh. Có lẽ đây là thập giá Chúa dành cho gia đình tôi, cho chính tôi. Và có lẽ Ngài không đáp ứng lời cầu xin được “cất đi” thập giá ấy vì Ngài biết con người chẳng vẹn toàn cần được tôi luyện.
…
Chị tôi nói rằng dạo này Ba dành nhiều thời gian để ngủ hơn, Ba hay nằm trên võng và trầm mặc. Người ta đến thăm Ba, nhưng Ba không vui, hơi khó tin nhưng thực sự sẽ bị đuổi về.
- “Tút, tút...”
- “ Alo, đi học về chưa?” Điện thoại được kết nối, hình ảnh Mẹ tôi xuất hiện.
- “Con mới về hồi nãy.”
- “Bà ngoại mày ngoài bắc vô, đang ở đây nầy, chú mi cũng về thăm Ba...”
- “Dạ... Ba đâu rồi mẹ, ba có đỡ bớt không...”
- “Ba mi nầy, đang nằm trên võng nầy.” Hình ảnh trên điện thoại chao đảo, tiếp theo tôi thấy Ba, nghe được giọng nói quen thuộc:
- “Đâu rồi... ăn cơm chưa?”
- “Dạ, con đang ăn...”
- “ Ăn cái gì, mua đồ ăn hay tự nấu... có thấy cái gì đâu, thấy cái đầu đen thui à.” Tôi nghe ba hỏi.
- “Con tự nấu ăn, đồ ăn ngoài ngán lắm...”. Màn hình điện thoại lại chao đảo. Ba chỉ thấy cái đầu là đúng rồi, tôi không bật đèn sáng lắm, chỉ tạm thấy được thôi. Nhưng hơn hết là tôi không dám để Ba nhìn thấy hết mặt mình, tôi sợ Ba thấy tôi đang khóc. Tôi vẫn cúi đầu ăn, vẫn cố nén từng tiếng nghẹn, cố trả lời Ba mẹ bằng giọng bình thường hết mức có thể... Tôi biết mình rất nhát, không dám đối diện với ba, không dám để ai thấy tôi yếu đuối. Tôi có thể nhìn thấy Mẹ khóc mỗi lúc gọi điện thoại, nhưng những lúc ấy tôi không cho phép mình khóc. Cũng có thể tôi không ngăn được nhưng sẽ không để ai biết. Giống như từ lúc còn nhỏ tôi hầu như không khóc quấy, khóc mãi để được dỗ dành, có uất ức cũng tìm một góc tự khóc, tự nín.
Như Ba tôi đã nói vậy, có phải do tôi là người duy nhất trong nhà chưa bị Ba đánh mà khiến tôi to gan dám cãi với Ba không? Ngược lại tôi rất sợ bị Ba đánh là đằng khác. Dù cãi nhau với Ba tôi là vậy nhưng tôi vẫn luôn sợ cái cảm giác khi nghĩ đến có ngày “sẽ đến lượt” tôi.
Trong những ký ức lúc nhỏ của tôi gần như rất ít gắn liền với Ba. Trong suốt quá trình lớn lên tôi vẫn thường được nghe chị tôi kể về những kỉ niệm lúc nhỏ với Ba: Được Ba cho cưỡi ngựa trên vai. Ba hay đèo Chị đi chơi, đi đâu đó. Ba tự làm, mua đồ chơi cho Chị… Những lúc ấy tôi sẽ cảm thán: “Chị nhớ giỏi thật, chuyện từ lúc ba bốn tuổi mà chị vẫn nhớ”. Có lẽ cảm xúc lúc ấy của tôi là hâm mộ và có chút ước ao đi. Khi tôi cũng đến độ tuổi bắt đầu ghi nhớ những kí ức, tôi không có những kỉ niệm đẹp ấy như chị tôi. Kí ức của tôi rất ít ỏi, trong đó có một chuyện xảy ra lúc tôi khoảng ba, bốn tuổi khiến tôi nhớ đời.
Đó là vào một buổi chiều, không nhớ được là vì chuyện gì mà tôi khóc rất dữ dội, mãi không nín. Lại không biết tiếng khóc của tôi đã quấy rầy giấc ngủ trưa khiến Ba tôi bực bội. Về lí do chiều rồi mà Ba tôi vẫn ngủ trưa bởi trưa hôm ấy ba tôi đi nhậu.
- “Mày có im đi không! Có tin tao chôn sống mày luôn không!” Tưởng chừng như lời doạ nạt, nhưng không.
Ba tôi đã dậy, ra mé sau nhà đào một cái hố và xách tôi ra chôn xuống đó, chừa lại cái đầu. Hiển nhiên điều này càng khiến tôi không thể nào ngừng khóc được rồi:
- “Hu hu… Ba ơi, đào con lên…hu hu..”
-“ Hức…h Ba ơi cho con vô nhà…con sợ ma…Ba ơi con sợ ma, Ba ơi ba..hu hu…”.
Từ xế chiều cho tới khi trời tối hẳn, khi đó khu vực nhà tôi ở rất thưa thớt, cách một đoạn mới có một ngôi nhà, xung quanh thì rừng cây rậm rạm. Trong sự thấu hiểu non nớt của tôi lúc ấy nếu như nín khóc thì còn được sớm vào nhà. Có những lúc tôi đã cố kìm lại nhưng vẫn không thắng được sự sợ hãi. Tất nhiên sau đó Ba tôi đã xách tôi vào nhà. Có lẽ nhờ trải nghiệm ấy mà từ đó về sau tôi rất ngoan.
Ba tôi có một đặc điểm là một đứa sai thì cả đám bị chịu chung. Chị tôi sai, thể nào chốc lát anh tôi cũng sẽ “có tội” và ngược lại. Thế là ăn đòn cả đám thôi. Nhưng không hiểu sao đến lượt tôi thì điều ấy không được áp dụng. Thỉnh thoảng trong những lúc như vậy tôi sẽ được cảnh cáo: “Mày nữa, nhìn mà nhớ lấy”. Lúc nhỏ tôi đứng nhìn anh chị tôi bị đánh, khi lớn lên nữa Ba tôi đã ít đánh hơn nhưng chỉ là ít thôi, và đối tượng đổi thành mấy đứa em của tôi.
Có vẻ như kí ức về Ba trong tôi không phải tốt đẹp. Nhưng điều đó không hề ảnh hưởng đến việc tôi vẫn rất thương Ba, rất thích theo Ba, cũng muốn được Ba chiều chuộng như chị và em gái tôi lúc nhỏ. Muốn như vậy, nhưng tôi sẽ không thể hiện ra. Tôi sẽ không đòi Ba cõng đi chơi, không đòi Ba mua đồ chơi hay thứ gì cả. Người ta nói trẻ con khóc mới có kẹo, tôi không khóc, không nháo nên không có. Giờ nghĩ lại, tôi không biết là do tôi hiểu chuyện hay sâu trong tiềm thức là sợ hãi. Hoặc là do tính cách tôi quá trầm, không biết biểu đạt cảm xúc, mong muốn. Cũng có thể là tất cả lí do.
Nếu như lúc nhỏ là tôi hiểu chuyện không có được những kí ức vui vẻ cùng Ba vậy thì khi lớn hơn bù lại? Đó là khoảng thời gian bắt đầu từ lúc tôi mười một mười hai tuổi. Thời gian ấy, lúc rảnh rỗi Ba tôi thường chơi cờ tướng. Tính tôi lại rất tò mò tọc mạch, thế là hay ngồi bên cạnh nhìn, rồi hứng thú nổi lên. Một hôm Ba tôi thấy tôi đang ngồi xếp các quân cờ.
- “Quân pháo xếp sai chỗ rồi!” Thế là Ba tôi ngồi xuống chỉ tôi đánh cờ.
Bình thường lúc xem Ba đánh cờ tôi vẫn luôn thầm ghi nhớ cách chơi, bởi vậy nên tôi học rất nhanh. Cứ rảnh là lại rủ chị hàng xóm hay chơi với tôi đánh cờ. Thậm chí có vài lần Ba còn chơi cờ với tôi, không nhớ được là có thắng được Ba lần nào không. Bằng một cách nào đó mà những hoạt động của Ba rất hợp gu sở thích của tôi. Ba đi thả lưới bắt cá tôi đi theo phụ Ba giăng lưới. Trời tạnh mưa, Ba đang sửa soạn bình điện để đi chích cá. Lát sau, người đi theo xách giỏ đựng cá là tôi. Rảnh rỗi, Ba muốn đi câu cá. Thật trùng hợp đó lại càng là sở thích ăn trong máu của tôi. Chỉ cần lúc ấy tôi cũng rảnh chúng tôi cùng vác cần câu đi câu cá…
Mọi người hay khen tôi giỏi, biết nhiều việc mà con gái tưởng chừng sẽ không làm. Âu không phải tự nhiên mà có như vậy. Mẹ tôi thường càm ràm ba tôi rất thảo việc hàng xóm, việc thiên hạ. Theo cách nói của Mẹ tôi là “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Ai nhờ Ba tôi việc gì Ba tôi cũng rất mau mắn, đến việc trong nhà thì không như vậy. Có hư hao cái gì cần Ba tôi sửa thì kiểu gì trước đó cũng bị ăn chửi cái đã. Éo le là hầu như toàn đụng trúng những lúc Ba tôi có men trong người.
- “Cái gì cũng đến tay tao, có nhiêu đó cũng không biết làm”.
Vài lần tôi nghe Mẹ nói: “Đàn bà mà biết làm những việc đó thì cần đàn ông làm gì”. Vậy nên mỗi lần Ba tôi làm gì tôi cũng sẽ nhìn và học, phích cắm, ổ điện hư hay nối dây điện gì đó cảm thấy làm được tôi sẽ làm. Cũng có những lúc ba tôi sẽ chỉ. Ba tôi là vậy, dù miệng nói không làm, mặc kệ, nhưng khi thấy người khác làm không vừa ý thì sẽ ngứa mắt không mặc kệ được.
Mỗi năm Tết đến nhà tôi sẽ gói bánh tét, Mẹ tôi nói Mẹ không biết gói, nhưng Ba biết. Trong nhà có một người biết gói là được rồi. Tết năm ấy cũng như mỗi năm sẽ gói bánh. Buổi sáng đã chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, nếp cũng đã ngâm xong chỉ chờ trưa Ba về gói. Nhưng hơn một giờ chiều Ba tôi về đã say, có năm Ba tôi cũng vậy, say thì càm ràm bực bội mắng chút thôi, vẫn sẽ gói bánh. Lần này chẳng biết sao mới gói được hai đòn bánh đã bỏ ngang chửi ầm lên rồi bỏ đi ngủ.
- “Thôi năm sau khỏi bánh biếc gì hết”. Mẹ tôi nói.
Giờ không gói không lẽ bỏ. Không ai gói thì tôi gói. Các bước gói bánh thì tôi nhớ, chỉ là bước đầu xếp lá chuối hơi trúc trắc một chút. Vậy mà người mới nói đi ngủ lại đang đứng trước mặt tôi:
-“Ngu như con bò, có từng đó mà không biết làm thì làm cái gì”. Ba mắng vậy nhưng vẫn ngồi xuống chỉ và nhìn tôi thành công với chiếc bánh đầu tiên mới đi ngủ. Thế là tôi lại có thêm một kĩ năng mới. Những năm sau đó thì không phải lo ầm ĩ vì việc gói bánh tét nữa, bởi vì đã có tôi lo…
Dù rằng trong quá trình trưởng thành của tôi cho đến hiện tại, giai đoạn đầu không có mấy kỉ niệm đẹp về Ba, và giai đoạn sau với những chuyện không vui thì ít nhất trong những năm ngắn ngủi trung gian tôi cũng có được những kí ức đẹp cùng với Ba đáng để tôi ghi nhớ. Đó là bóng dáng Ba qua lời kể của Chị mà tôi từng hâm mộ, rất thương, rất thích lẽo đẽo theo sau cùng những việc tôi rất thích. Quan trọng nhất vẫn là người cùng tôi trải nghiệm. Có lẽ tôi không biết và rất ngại thể hiện tình cảm nên hình thức ở chung của tôi với Ba nhìn vào rất nhạt nhẽo. Tuy nhiên chỉ cần tôi thấy nó tốt đẹp là được rồi.
Có bóng hình che rợp tuổi thơ tôi
Người khổng lồ đỡ bầu trời đi trước
Chắn gió mưa để tôi bước vững vàng
Qua tháng năm người không màng khó nhọc
Tình yêu thương đem bao bọc chở che
Thái Sơn cao mây vờn che chẳng khuất.
Hoàng Diệu (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Người Thầy chân chính
-
Thiên Thảo Đường: Điểm Hẹn của Người Nghèo -
Ơn gọi và ký ức về Bố -
Chiếc khăn thổ cẩm của Mẹ -
Có Chúa trong đời tôi -
Chiếc mền nhung phủ ấm tim con -
Viết cho người cùi, cho bạn, cho tôi... -
Các thiên thần nhỏ trong cô nhi viện -
Máy khoan và chiếc điện thoại Chúa gửi -
Và con tim đã vui trở lại
bài liên quan đọc nhiều
- Hãy ký thác đường đời cho Chúa
-
Nụ hôn của Chúa Giêsu: Bài học từ một cậu bé giúp lễ -
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Gia đình Giáo lý viên -
Thách thức của Tình yêu -
Ba ơi, Con đã về! -
Chúa vẫn chờ đợi -
Em là thiên thần trong mắt tôi -
Ký sự: Vương quốc Nhân Ái -
Khôn ba năm - Dại một giờ