Gx. Hạnh Thông Tây: Cầu nguyện theo Taizé trong tháng Các Linh Hồn

Gx. Hạnh Thông Tây: Cầu nguyện theo Taizé trong tháng Các Linh Hồn

WGPSG -- Trong tinh thần chuẩn bị đón chào ngày khai mạc năm Thánh 2010, vào lúc 19 giờ 30, ngày 12/11/2009, tại giáo xứ Hạnh Thông Tây, buổi cầu nguyện Taizé với chủ đề: “Cầu cho các linh hồn đã qua đời” được tiến hành với sự tham dự của hơn 200 giáo dân. Dưới sự hướng dẫn và chủ trì của Linh mục Chánh xứ Clêmentê Lê Minh Trung, buổi cầu nguyện diễn ra thật cảm động sốt sắng và kết thúc hồi 20 giờ 20 phút cùng ngày.

Buổi cầu nguyện Taizé tại Giáo xứ Hạnh Thông Tây

Cầu nguyện là tâm sự với Chúa, một điều tưởng là dễ nhưng đôi khi lại không đơn giản, nhất là khi vị Thiên Chúa vô hình là người Cha của mình. Chính vì thế, Chúa Giêsu dùng Kinh Lạy Cha để dạy chúng ta cách cầu nguyện.

Đức Giám Mục Bùi Tuần đã có lần viết: “Có nhiều khi, chúng ta đọc kinh mà không phải là cầu nguyện, vào nhà thờ mà không gặp Chúa, rước sách um sùm, nhưng thiếu tinh thần Tin Mừng.” Sao lại có những lời khó nghe đến thế! Song, phải tỉnh thức, phải trăn trở mới ngộ ra: những lời ấy chỉ nhằm nói lên một lề thói sống đạo nặng tính hình thức, chỉ hời hợt bên ngoài.

Cầu nguyện theo phương pháp Taizé nhằm đi vào chiều sâu, từ cõi lòng đến với cõi lòng, với nhau và với Chúa. Lắng nghe nhau, tâm sự với nhau bằng những tiếng nói trong thinh lặng. Thánh Augustin từng nói: “Trong thinh lặng ta luôn nhận được nhiều điều, nếu biết lắng nghe.” Trong thế giới đầy ồn ào hỗn tạp hôm nay, thinh lặng luôn rất cần cho chúng ta.

***

Đúng 7giờ 30 tối, bắt đầu giờ cầu nguyện Taizé với chủ đề: “Cầu cho các linh hồn đã qua đời.” Giáo dân ngồi gần kín phía trên 2 hàng ghế giữa nhà thờ.

Ánh sáng giảm dần, nhưng ấn tượng khiến mọi người chú ý nhiều đến hàng nến lung linh, cháy sáng. Phía sau là Nhà Chầu, có Mình Thánh Chúa Giêsu.

Sau dấu Thánh Giá và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, những giọng hát nhẹ nhàng, êm dịu, ngân dài, ngân dài rồi… thinh lặng. Không gian như chợt nhòa đi. Một bầu khí thánh thiêng huyền diệu bao phủ cộng đoàn cùng với Mình Thánh Chúa. Cả cộng đoàn cũng như nhòa đi, không còn thấy anh A, chị B, ông C…, chỉ thấy tất cả đều là hình ảnh của Thiên Chúa, dù mọi người lúc này vẫn đang ở cạnh nhau, rất rõ.

Lời dẫn nguyện được đọc lên:

“Chúa Giêsu đã quả quyết: “Chính Thầy là Sự sống lại và là Sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không phải chết bao giờ.” Xác tín vào lời Chúa Giêsu, chúng ta họp nhau tối nay, cùng dâng lên Chúa tâm tình cảm mến tri ân và lời nguyện cầu cho các tín hữu đã qua đời được hưởng sự Sống lại nơi Đức Kitô.”

Thinh lặng để suy gẫm.

Tiếng hát nhẹ nhàng, êm dịu cất lên: “Này đoàn con tôn vinh, ngợi khen Thánh danh …Bao giờ con được đến, bệ kiến Thiên nhan?”

Lời bài hát được gợi lên: “Tôi thâm tín rằng, sự chết hay sự sống, dù thiên thần thiên phủ, dù hiện tại tương lai hay quyền năng. Tôi thâm tín rằng, dù là muôn chiều sâu, dù là muôn chiều cao, dù là ai bất cứ trên trần gian. Không có gì, không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô. ”

Bầu khí thinh lặng, lắng xuống, thẳm sâu hơn.

Rồi ca đoàn cất giọng hát êm ái: “Dù sống hay chết, tin vào ngày mai. Sự sống không mất, nhưng chỉ đổi thay.” Cả cộng đoàn cùng chung tiếng hát lại điệp khúc ấy, và lặp lại 3 lần.

Lời kinh tạm biệt được đọc lên. Lại thinh lặng kéo dài à tiếp tục gẫm suy.

Kết thúc là Kinh Lạy Cha với lời nguyện kết thúc và Phép lành của cha Chánh xứ.

Buổi cầu nguyện Taizé kéo dài gần một tiếng đồng hồ, nhưng sao qua đi nhanh quá.

Rời nhà thờ, nhưng tiếng nói của thinh lặng vẫn như đang dõi theo từng người. Tiếng của Chúa với mỗi người, luôn rất riêng, sau những nghi thức trước Mình Thánh Chúa, trong nhà thờ.

Vài nét về Phong trào cầu nguyện Taizé

Điểm nổi bật của cầu nguyện Taizé là đưa mọi người về với nội tâm, nơi đó, mọi người sẽ gặp được Thiên Chúa Tình Yêu, theo tinh thần Tin Mừng.

Năm 1940, thầy Roger rời quê hương Thụy Sĩ lúc hai mươi lăm tuổi đến và sinh sống ở Pháp, quê mẹ thầy. Trong một số năm, thầy bị suy giảm sức khỏe do bệnh lao. Cũng chính trong thời gian này, ơn gọi kiến tạo một cộng đồng sống theo nền tảng Kinh thánh là đơn sơ và yêu thương ra đời.

Khi thế chiến thứ II bắt đầu, thầy Roger có một thôi thúc mãnh liệt là sẽ trợ giúp những người trong tình cảnh khó khăn, như bà của thầy đã từng làm trong suốt thế chiến thứ I. Ngôi làng Taizé nhỏ bé, nơi thầy đến định cư, rất gần với đường ranh giới phân đôi nước Pháp, và là nơi rất cần để đón tiếp những người lánh nạn chiến tranh. Các bạn ở Lyon cũng rất sẵn lòng đưa địa chỉ Taizé cho những người tìm kiếm nơi trú ẩn.

Không muốn gây áp lực những người ở nhờ, thầy Roger thường cầu nguyện một mình; thầy cũng hay vào khu rừng gần đó để hát. Để không một ai, đặc biệt là người Do Thái hay khác quan điểm, cảm thấy không thoải mái, Genevieve đã giải thích cho họ khi muốn cầu nguyện thì nên một mình trong phòng.

Năm 1945, một thanh niên trẻ từ một vùng được lập bởi một tổ chức chăm sóc các bé trai mồ côi do chiến tranh, đến đề nghị các thầy đón nhận các bé ở Taizé. Thầy Roger đã nhờ chị Genevieve chăm sóc chúng; Chị đã trở thành người mẹ thứ hai của chúng. Vào những ngày Chủ nhật, các thầy cũng đón tiếp những tù nhân người Đức bị nhốt trong những trại gần đó. Dần dần, nhiều thanh niên trẻ khác đến tham gia. Vào Lễ Phục sinh năm 1949, một số thầy đầu tiên đã khấn trọn đời độc thân, để lo công việc chia sẻ tinh thần, vật chất với một cuộc sống đơn sơ.

Ngày nay, Cộng Đồng Taizé có đến hơn một trăm thầy, gồm Công giáo và nhiều phân nhánh Tin lành, đến từ hơn 25 quốc gia. Sự tồn tại của cộng đồng này là một dấu hiệu rõ ràng của việc hòa hợp giữa các Giáo hội và người tin vào Thiên Chúa.

Các thầy sống bằng chính sức lao động của mình. Họ không nhận bất cứ sự trợ giúp nào; và nếu một thầy được thừa kế tài sản từ gia đình thì cộng đồng sẽ dùng để chia sẻ cho người nghèo.

Vào những năm 1950, một số thầy đã đến những nơi khó khăn, sống với những người nghèo đói, chịu sự chia rẽ. Ngày nay, một số nhóm nhỏ các thầy cũng đã hiện diện ở Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ. Các thầy cố gắng chia sẻ bao nhiêu có thể với những người xung quanh họ, đấu tranh để mang lại tình yêu thương cho các trẻ em đường phố, các tù nhân, những người đang hấp hối và cả những người bị thương tổn bởi những mối quan hệ tan vỡ hoặc bị bỏ rơi.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng đến Taizé. Cộng đồng đã từng đón tiếp Đức Cố Giáo Hoàng John Paul II, 3 Tổng Giám mục của Canterbury, các trung tâm Chính thống giáo, mười bốn Giám mục Tin lành Thụy Điển và rất nhiều mục sư từ khắp nơi trên thế giới.

Mỗi năm, số lượng người đến Taizé ngày càng đông. Vào cuối những năm 1950, số các thanh niên từ tuổi 17- 30 đạt đến số lượng đông chưa từng có.

Năm 1966 các nữ tu dòng thánh Andrew đã đến, sống ở làng bên cạnh, tiếp đón khách đến thăm và một số nữ tu Dòng khác cùng cộng tác. Sau đó, một nhóm nhỏ các nữ tu Ursuline Ba Lan đến đón tiếp các bạn trẻ.

Từ 1962 trở về sau, cộng đồng Taizé thường xuyên gởi một số thầy và bạn trẻ đến các quốc gia Đông Âu từ từ, thận trọng, tiếp cận với những người bảo thủ… Giờ đây, các bức tường ngăn cách đã bị tháo bỏ, việc đi lại dễ dàng hơn giữa Đông và Tây; việc giữ liên lạc với anh em Chính thống luôn cần thiết và quan trọng.

Ngày 16 tháng 8 năm 2005, thầy Roger bị sát hại trong giờ cầu nguyện tối, hưởng thọ 90. Thầy Alois, là người kế nhiệm, bây giờ là Bề Trên của cộng đồng.

Thời gian từ đầu mùa xuân cho đến cuối mùa thu, các bạn trẻ ở khắp các Châu lục đến đồi Taizé, tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, trong tinh thần hiệp thông với các bạn trẻ khác. Trong niềm tin vào Thiên Chúa họ khởi hành cuộc hành hương, để xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Trong những tháng hè, hơn 5000 bạn trẻ từ 75 quốc gia khác nhau tham dự hành trình chung; Và cuộc hành trình này vẫn tiếp tục khi họ trở về quê hương; thể hiện qua mối quan tâm của họ trong việc đào sâu đời sống nội tâm và sự sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Ở Taizé, cộng đồng các thầy, những người cam kết theo Chúa bằng tiếng xin vâng, sẽ đón tiếp các khách đến thăm. Các nữ tu cũng tham gia công việc này. Trong suốt thời gian ở đây, ba lần mỗi ngày, những người hiện diện tụ họp cùng nhau để cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa qua tiếng hát và sự tĩnh lặng.

Mỗi ngày, các thầy trong cộng đồng hướng dẫn cầu nguyện, suy gẫm và thảo luận với Kinh Thánh; ngoài ra những người đến đây cũng được mời cộng tác trong việc khác.

Bạn có thể trải qua một tuần thinh lặng sống với Chúa, để Lời Chúa soi dẫn đời bạn sâu sắc hơn với Taizé. Một tuần ở Taizé là một phương cách hiện thực hóa mối quan hệ gần gũi giữa một mặt là trải nghiệm kết hiệp với Thiên Chúa trong cầu nguyện, suy gẫm và mặt khác là kinh nghiệm hiệp thông và đoàn kết với mọi người.

Qua việc gặp gỡ những người trẻ từ khắp thế giới trong cởi mở và lắng nghe, những người tham dự sẽ khám phá ra rằng: con đường hiệp nhất có thể được mở ra ở giữa sự khác biệt văn hóa và các Giáo hội là tin vào Thiên Chúa. Đó là nền tảng vững chắc để trở thành những nhà kiến tạo niềm tin và hòa bình trong một thế giới bị thương tổn bởi sự chia rẽ, bạo lực và cô lập.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top