Gx. Cao Thái: Lễ trao Ủy Nhiệm Thư cho tân Hội đồng Mục vụ

Gx. Cao Thái: Lễ trao Ủy Nhiệm Thư cho tân Hội đồng Mục vụ

WGPSG -- Có tận mắt chứng kiến Lễ trao Ủy Nhiệm Thư cho tân Hội đồng Mục vụ (HĐMV) Gx. Cao Thái, tôi mới cảm nghiệm được niềm vui đan xen nỗi lo về trách nhiệm mới của tân HĐMV.

"Cao Thái là một trong số những giáo xứ ưu tú đã đơm bông kết trái, đem lại cho Giáo hội Việt Nam những Giám mục, linh mục khôn ngoan, thánh thiện như Đức cha Giuse Vũ Duy Thống..." Với lời mở đầu ngắn gọn đầy tinh tế, Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã thu hút sự chú ý tập trung cao độ của tất cả cộng đoàn tham dự Thánh lễ lúc 18g ngày 18/12/2010.

Sở dĩ ngài phải nhấn mạnh điểm này vì giáo xứ vốn đã trải qua biết bao thăng trầm và cam go, để đến hôm nay mới hình thành được HĐMV/GX một cách đúng nghĩa. Chính vì thế, trong phần giảng lễ, Đức cha đã chia sẻ những câu chuyện rất cảm động liên quan đến giáo dục trong gia đình; đồng thời, ngài nhấn mạnh và gởi gấm đến tân HĐMV hãy ý thức: xây dựng giáo xứ tương tự như xây dựng gia đình mình, lấy tình yêu thương mà cư xử với nhau trong Đức Kitô như Thánh Phaolô đã khuyên dạy: "Anh em hãy chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau” (Cl 3,14).

Để bày tỏ tấm lòng tri ân, vị đại diện HĐMV kính dâng lên Đức cha và quý cha những đóa hoa tươi thắm, như một lời cam kết với vị chủ chăn và với cha chánh xứ Phêrô Phan Khắc Triển, quý cha đồng tế và với cộng đoàn Dân Chúa: quyết tâm xây dựng giáo xứ ngày càng đoàn kết trong yêu thương, không để phụ lòng mong mỏi của tất cả mọi người.

Sau phần long trọng tuyên hứa và nhận Ủy Nhiệm Thư, HĐMV chụp hình lưu niệm chung với Đức cha và quý cha.

Lễ xong, mọi người dùng bữa cơm thân mật và cùng hát vang những ca khúc Giáng sinh trong tâm tình chờ mong Chúa đến, sẽ đem lại phúc lộc và an bình cho toàn thể cộng đoàn giáo xứ Cao Thái thân yêu.

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ CAO THÁI

Cuộc di cư vĩ đại

Sau khi hiệp định Genève được ký kết, cuộc di cư vĩ đại từ miền Bắc đi xuống miền Nam được thực hiện. Hơn một triệu người bỏ nhà cửa, ruộng vườn, họ hàng, làng xóm xuống tàu ra đi mà không biết mình đi về đâu, có người thì nói đi tìm tự do. Trong số đó, phần đông là người Công giáo, họ nói rằng: Đi để giữ lấy đức tin. Giáo xứ Cao Thái cũng nằm trong đoàn người đó.

Hình thành tên gọi

Khi đã ổn định nơi cư trú rồi, linh mục chánh xứ ở giáo xứ cũ ngoài Bắc thấy con chiên trong giáo xứ mình chiếm đa số. Thế là ngài tìm một cái tên mới cho giáo xứ, ghép thế nào cho hay, cho đẹp mà vẫn nhắc nhớ nhau về quê cha đất tổ.

Hồi đó, cha già cố Phêrô Maria Trần Gia Vĩnh làm cha xứ ở Giáo xứ Cao Mộc, Giáo phận Thái Bình, nên ngài đã lấy hai chữ đầu là CAO (Cao Mộc) và chữ THÁI (Thái Bình) ghép thành cái tên mới cho giáo xứ là CAO THÁI. Thật là tuyệt vời, họ rất hãnh diện vì không quên quê hương cũ của mình xuất thân từ miền Bắc.

Hình thành giáo xứ

Riêng về Cao Thái (Cao Mộc xưa) lúc bước chân vào Nam, tìm đến địa điểm là đồng ruộng, điểm đầu tiên là xứ Phú Mỹ ngày nay. Đây chỉ là nơi tạm trú, rồi dần dần tìm hiểu các nơi khác để tìm chỗ an cư lạc nghiệp… Khi biết cù lao An Phước Thôn là một cánh đồng có sông Đồng Nai vây quanh, cánh đồng đó thuộc Giáo phận Sài Gòn. Đây là nơi thích hợp với cách sống của nông dân là cày cấy chứ chưa phải là chỗ ở vĩnh viễn, bởi vì sau này biến cố di dân lại tiếp diễn.

Khoảng năm 1967 – 1968, tình hình lúc đó trở nên khó khăn, mảnh đất Long Phước Thôn bước vào tình trạng rối rắm, khó gỡ như búi bòng bong, mọi người liền nghĩ đến việc bỏ đất Long Phước, kiếm một nơi an toàn. Thế là cha già cố Phêrô Trần Gia Vĩnh, chánh xứ Cao Thái, đã ra lệnh cho cha phó là cha Gioakim Vũ Ngọc Long cùng với thầy Đaminh Nguyễn Trí Thức đi tìm “đất hứa”. Nghe nơi nào có đất là các ngài chạy tới tìm hiểu quên cả mệt nhọc, và kiên nhẫn đặt hết niềm tin tưởng cậy trông vào lòng Chúa thương xót. Như vua Đavít, cộng đoàn Dân Chúa giáo xứ Cao Thái luôn tin cậy vào Chúa: “Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh núi cao, ơn phù trợ chúng tôi sẽ từ đâu ban tới? Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất” (Tv 120,1-2).

Cha Gioakim Vũ Ngọc Long và thầy Đaminh Nguyễn Trí Thức đã tìm đến xã Long Bình để hỏi một khu đất (nay là giáo xứ Cao Thái) mà nghe rằng đó là đất thuộc Nhà Chung Sài Gòn và xã xác nhận một cách chắc chắn.

Hồi đó, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đang điều hành Giáo phận Sài Gòn. Hai vị đã đến với ngài để trình bày tất cả sự việc và ngài đã cho biết: Khu đất đó thuộc về Đức Tổng Giám mục Huế.

Cuối cùng, Đức Tổng Huế cũng thương và nói: “Được rồi, chúng con cứ đến mà ở”. Tạ ơn Chúa đã ban hồng ân lớn lao cho giáo xứ Cao Thái chúng con. “Xin cảm tạ Chúa vì phúc lộc khôn tả Người ban” (2Cr 9,15).

Sau lễ Phục sinh năm 1968, khu đất được đo đạc và vẽ thành bản đồ. Phải nói đó là phép lạ của Lòng Chúa Thương Xót. “Con sẽ ca ngợi tình thương Chúa tới muôn đời”. “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. (Tv 88, 2).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top