Gx. Bình An: Chia sẻ Chúa Nhật 15 Thường Niên – Năm A

Gx. Bình An: Chia sẻ Chúa Nhật 15 Thường Niên – Năm A

Chúa Nhật 16 Thường Niên – Năm A
(Mt 13, 24-43)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mát-thêu

24 Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: "Nước Trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. 26 Khi lúa lớn lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lộ ra. 27 Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: "Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?" 28 Ông đáp: "Người thù của ta đã làm như thế". Đầy tớ nói với chủ: "Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ" 29 Chủ nhà đáp: "Không được! Kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. 30 Hãy cứ cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: "Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi; sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta".

31 Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng: "Nước Trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. 32 Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó".

33 Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: "Nước Trời giống như men, người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men".

34 Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, 35 để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: “Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian”.

36 Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe" 37 Người đáp rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. 39 Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma qủy. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các Thiên Thần. 40 Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: 41 Con Người sẽ sai các Thiên Thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi Nước Chúa, 42 rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc, nghiến răng. 43 Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe!"

------------------------------------

Bài chia sẻ: PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN NĂM A

Mát-thêu 13,24-43 : Dụ ngôn người gieo giống, hay Dụ ngôn cỏ lùng

Đọc dụ ngôn người gieo giống cũng gọi là dụ ngôn cỏ lùng, người Kitô hữu đạo hạnh sốt sắng lại cảm thấy hăng say muốn ra tay chống trả ma quỷ và những ai theo chúng, tác nhân của xấu ác. Hăng say thì tốt đấy, nhưng hãy dè chừng kẻo sa bẫy Nhị nguyên (dualisme). Tà thuyết này chủ trương có hai căn nguyên đối kháng Thiện và Ác, có Thần lành và Thần dữ.

Manikê sinh ra ở Ba Tư khoảng năm 210 (mất năm 277) cho rằng mình được hai lần thị kiến và bắt đầu giảng tại Iran một tôn giáo mới. Ông lấy thuyết Nhị nguyên pha trộn với tư tưởng ngoại giáo gốc Iran và vay mượn một số yếu tố của vài tôn giáo khác làm nên giáo phái Manichéisme của mình. Phái này trung thành với giáo lý căn bản của hai nguyên lý: nguyên lý tốt tức là Thiên Chúa, tinh thần và ánh sáng; nguyên lý xấu đó là ma quỷ, vật chất và bóng tối. Giáo hội Công giáo đã kịch liệt lên án và chống lại lý thuyết này nhưng nó vẫn dai dẳng kéo dài mãi đến thời Trung Cổ.

Niềm tin của người Công giáo chúng ta là niềm tin độc thần chứ không phải niềm tin độc tôn. Chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa là Chúa duy nhất, ngoài Ngài ra không có thần nào khác. Sách Đệ Nhị Luật 6,4-5: “Hãy nghe đây hỡi Israel, Giavê Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa độc nhất, ngươi sẽ yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn ngươi, hết sức lực ngươi”.

Thiên Chúa là Chúa duy nhất (độc nhất), ngoài Người không có thần nào khác kể cả thần dữ. Vậy sự dữ (cỏ lùng) và ma quỷ (kẻ gieo cỏ lùng) bởi đâu mà ra? Trình thuật công cuộc tạo dựng ở đoạn đầu tiên của Sáng thế đã cho chúng ta thấy Thiên Chúa tạo dựng mọi vật đều tốt đẹp. Riêng con người thì Thiên Chúa tạo dựng bằng bụi đất tức có gốc rễ từ vật chất cùng với tác động hà hơi thở là sự sống của Thiên Chúa vào để con người trở nên giống với hình ảnh của Thiên Chúa: có ý chí, tình yêu và tự do.

Cao hơn loài người, Thiên Chúa còn tạo dựng các Thiên Thần tính thiêng liêng, không có xác thể gốc rễ vật chất như chúng ta. Chính một số Thiên Thần và một số con người đã lạm dụng sự tự do mà hư đi thành ma quỷ (kẻ thù gieo cỏ lùng) và gieo rắc sự dữ (cỏ lùng).

Thế tại sao Thiên Chúa không cho nhổ ngay cỏ lùng tức sự dữ và xua trừ ma quỷ đang gieo rắc cỏ lùng? Cánh đồng tại thế là nơi muôn loài còn đang biến đổi và thăng tiến. Con người phải bám đất mà nhìn trời. Những nén bạc Chúa trao phải sinh lợi. Ngài sẽ cho cả vốn lẫn lời, cộng với phần thưởng đời đời trong vinh quang Thiên Chúa.

Hãy kiên nhẫn đợi đến mùa gặt. Dẫu muôn vất vả gian nan, xin cho chúng con luôn là những tôi tớ cần mẫn và trung thành, không đầu quân cho ma quỷ để gieo rắc sự xấu ác. Tội lỗi và sự dữ phải xua trừ, nhưng người tội lỗi và thậm chí người xấu ác lại đáng thương. Thái độ của người làm vườn trước ý muốn của chủ muốn chặt cây vả không sinh trái (Mát-thêu 24,32-36) và sự gan lì van xin của Abraham (Sáng thế ký 18,16-32) tâu lên Thiên Chúa khi bầu cử cho thành Sôđôma phải là tâm tình của mọi tín hữu chúng ta trước những người lầm lỗi.

Lm. Giuse Trịnh Văn Viễn
Chánh xứ Bình An

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top