Gx. An Thới Đông: Mừng và lo

Gx. An Thới Đông: Mừng và lo

WGPSG -- Sáng Chúa nhật 6/3/2011, 5 người chúng tôi khởi hành từ Xóm Mới - Gò Vấp hướng đến giáo xứ truyền giáo An Thới Đông huyện Cần Giờ. Dã ngoại lần này, chúng tôi muốn thăm lại những người con thiêng liêng mà chúng tôi đỡ đầu từ những năm trước.

Đến nơi, thấy mọi người dự lễ Chúa nhật khá đông. Gặp lại anh Tám E, một tân tòng kỳ cựu xứ này, chúng tôi và anh Tám vừa uống trà vừa trò chuyện trong khuôn viên nhà xứ. Anh tâm sự:

- Năm nay tôi 53 tuổi bị viêm gan mãn và mấy bệnh mãn tính khác, chỉ còn đợi viêm “mãn đời” mà thôi. Anh Hai Bạc gần đây mải lo nuôi tôm nên công việc nhà thờ một mình tôi “bao sân” hết. Cũng khó khăn nên khoảng 10 năm nay đã thay đổi 6, 7 cha, có cha chỉ được mấy tháng đã ra đi.

Chúng tôi chuyển lời thăm hỏi của cha Chân Tín đến anh và bà con (cha là người có công khai phá mảnh đất này) và động viên anh cố gắng cộng tác với các cha trong việc mở mang nước Chúa. Anh tiếp tục:

- Kiếm người đọc sách Thánh cũng khó, phải khuyến khích họ mới dám đọc, cha già nhắc phải đọc cho đúng, cho hay nên họ sợ tuần sau không biết có dám đọc. Truyền giáo ở đây phải chạy theo họ chứ không thể bắt họ chạy theo mình được. Từ những năm 1999, Chúa nhật vẫn có các thầy Dòng Chúa Cứu Thế, các xơ dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán và các xơ Liên dòng đến giúp, nhưng 3 năm trở lại đây, Liên dòng không đến nữa và cha Điệp xin thêm các xơ ở Chương Dương. Tôi vô đạo 10 năm nay, có hân hạnh được lo cơm nước cho nhiều thầy và xơ…

Cha chính xứ Phanxicô Ass. Hoàng Minh Đức (CSsR) vui vẻ tiếp chúng tôi, cha cho biết: Nhà Mở đang săn sóc khoảng 45 em khuyết tật, sáng đến học và chiều về nhà. 47 em khác có hoàn cảnh khó khăn thì nội trú trong trường từ thứ Hai đến thứ Sáu. Về việc các cha không trụ ở đây lâu được cha cho biết: “Mình về đây năm 2005, chỉ sợ ở lâu hóa nhàm khiến giáo dân không thích mà thôi; bề trên bảo ở thì ở bảo đi thì đi, nào quản ngại gì.” Biết chúng tôi có người làm cộng tác viên truyền thông, cha nói: “Bây giờ đa số bà con có đầu máy, nếu ban truyền thông có các phim về Chúa, về Kinh Thánh, về giáo lý, thánh ca gởi xuống đây cho bà con xem thì tốt, vừa giải trí vừa giúp họ học hỏi thêm về đạo.”

Rời nhà thờ, chúng tôi ghé thăm anh Hai B, là anh của Tám E. Gặp chúng tôi anh Hai chân thành bộc bạch:

- Cũng cả năm nay tôi không đến nhà thờ, hôm rồi cha Đức cũng ghé nhà thăm, chuyện trò với cha rất thoải mái, cha được lòng giáo dân ở đây. Mình theo Đạo là theo Chúa chứ không phải theo các cha, nhưng nhiều khi tôi cũng buồn. Nuôi tôm dù bận bịu nhưng vẫn có thể bớt ra một, hai tiếng đến nhà thờ được nhưng vì buồn trong lòng nên bỏ cả lễ…

Chúng tôi khuyên anh bỏ qua những chuyện cũ vì Chúa và Mẹ đang chờ anh. Anh đã có công trong việc gầy dựng nên giáo điểm, gầy dựng nên thánh đường này. Vừa nghe anh kể chúng tôi vừa nhắc lại chuyện cũ, hồi năm 2000 anh em Legio Xóm Mới xuống giúp bà con làm Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh bị chính quyền hỏi thăm, họ không cho mấy vị khách ngủ lại nhà dân mà bắt ngủ luôn ở nhà thờ, có cán bộ canh chừng, nhưng đến khi nhậu chung nghe chúng tôi tâm sự họ đã vui vẻ thông cảm. Anh Hai trao đổi tiếp:

- Tôi có dịp được tiếp xúc nhiều với các cha các thầy, một số thầy còn thiếu sức hút về đạo đức, một số khác chưa hiểu phong tục nơi đây: dân người ta mời rượu mời thuốc mình đều từ chối làm sao mà tiếp xúc được với họ, không uống được thì mình nếm một tý cho họ vui lòng. Một số bà con lại hiểu lầm các xơ phe này phe nọ…

Chuyện anh Hai B. nhập đạo là một câu chuyện dài. Ròng rã 10 năm trời, anh cùng anh Tám đạp xe vượt mấy chục cây số qua sông qua phà đến tận nhà thờ DCCT ở quận 3 để học. Anh được cha Tín rửa tội, anh không bao giờ quên ông Nguyễn Duy Tống là người đã giới thiệu Chúa cho ông.

Tạm biệt anh Hai B. chúng tôi đi thăm tiếp những gia đình có người theo đạo được chúng tôi đỡ đầu: ông Chín Th. và anh T.

Gia đình ông Chín Th ở Rạch Lá, cách nhà thờ chừng 4 cây số. Hai cha con đi đốn lá mướn kiếm tiền. Bà cụ nhạc ông, năm nay 83 tuổi mà vẫn thích làm bạn với cuốc, xẻng, chét, mác vì theo lời cụ “ở không buồn không chịu được”. Nhờ bán mấy công ruộng nên gia đình ông Chín đã cất được nhà mới, nhưng tiền bán ruộng cũng không đủ làm nhà nên ông phải vay thêm ngân hàng và đến nay vẫn chưa trả hết.

Vợ chồng ông Chín và con trai đều đã rửa tội, thế nhưng trong nhà ông ngoài bàn thờ Chúa vẫn còn có tượng Phật Quan Âm. Người con dâu mới cưới đi làm may ở xưởng gần trên nhà thờ vẫn chưa theo đạo và chưa làm phép chuẩn.

Chúng tôi chỉ biết giải thích thêm cho gia đình nghe về đạo và khuyên họ cố gắng giữ ngày lễ Chúa nhật.

Rời An Thới Đông, chúng tôi đi tiếp đến vợ chồng anh T ở Doi Lầu, Lý Nhơn, anh chị T khá may mắn vì có một số ruộng để nuôi tôm, 2 người con được học hành tử tế. Chòi của anh T cách khá xa nhà thờ, nhà nguyện nên anh chị vẫn chưa tìm cách cho con học đạo để rửa tội.

Tạm biệt ra về, chúng tôi cứ áy náy về việc giữ đạo của một số gia đình nơi đây, những năm trước số người rửa tội có khi lên tới cả trăm, cha mẹ đỡ đầu lại ở xa. Họ sống chung rải rác với những người “lương” lại phải vất vả kiếm miếng ăn nên việc giữ đạo còn nhiều trắc trở. Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện và mong ước cho niềm tin của họ qua thời gian sẽ bén được rễ sâu hơn.

Nhìn ngôi thánh đường khang trang rộng rãi với số người đi lễ khá đông, thật khó hình dung trước kia nơi đây chỉ là cánh đồng ngập mặn hoang vu không bóng người. Ai cũng nói những việc Chúa làm thật lạ lùng!

Qua gặp gỡ một số bổn đạo tân tòng, chúng tôi thấy từ chỗ có nhà thờ đến chỗ giữ được đạo và truyền đạo là cả một chặng đường dài khó khăn. Chúng tôi lại nghĩ đến các nhà truyền giáo và các bậc tổ tiên mình ngày xưa. Các ngài đã phải trải qua bao hy sinh gian khổ mới gầy dựng được cho chúng ta một gia tài Đức Tin như ngày nay.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top