Giới trẻ đã “đánh cắp” trái tim của Don Bosco

Giới trẻ đã “đánh cắp” trái tim của Don Bosco

Giới trẻ đã “đánh cắp” trái tim của Don Bosco

“Cha chỉ còn lại một trái tim nghèo nàn thôi mà các con cũng đánh cắp luôn rồi.” [1]

Chúng ta thường nói về Don Bosco là một nhà giáo dục; thế nhưng nếu hiểu nghĩa giáo dục một cách sơ sài, nông cạn thì có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được sự hao mòn nơi trái tim của Don Bosco qua từng ngày, từng tháng, từng năm đã dành cho các thanh thiếu niên của ngài là như thế nào. Nghệ thuật giáo dục của ngài là cả một cuộc sống dâng hiến trọn vẹn cho các trẻ của ngài chứ không chỉ là một phương pháp thực hành hay một triết lý giáo dục nào đó mà thôi. Trái tim Don Bosco đã chọn thuộc về giới trẻ dù hoàn cảnh có thuận lợi hay không thuận lợi. Trái tim ngài dám chấp nhận để dành riêng cho giới trẻ chỉ vì “các con là người trẻ”. “Vì các con cha học hỏi, vì các con cha làm việc, vì các con cha sống, vì các con cha sẵn sàng hiến dâng cả đến mạng sống mình” [2]. Nhìn vào Don Bosco, những bậc phụ huynh, những thầy cô, những người giáo dục có cơ hội để suy tư về hai chữ “tình yêu” mà chúng ta dành cho giáo dục. Là cha là mẹ, là những người giáo dục, chúng ta có dám để cho trẻ “đánh cắp” trái tim của chúng ta giống Don Bosco không?

Chúng ta thắc mắc, tại sao Don Bosco lại có được tình yêu lớn lao như thế? Thật vậy, Don Bosco sẽ không bao giờ có thể có được tình yêu đến nỗi dâng trái tim mình cho giới trẻ nếu ngài không nhận được một Tình Yêu lớn hơn trong lời mời gọi đến từ Trời cao. Câu chuyện về những giọt nước mắt dạt dào hạnh phúc của Don Bosco trong thánh lễ cuối cùng mà ngài cử hành tại nhà thờ Thánh Tâm ngày 15/8/1887 làm cho chúng ta thấy được ngài đã sống ơn gọi dành cho giới trẻ như thế nào. [3] Tại đây, khi dâng thánh lễ, Don Bosco đã khóc rất nhiều lần. Sau thánh lễ, người ta phải dìu ngài vào trong phòng áo; cha Vigllietti hỏi Don Bosco: “Don Bosco, cha có sao không? Cha không được khoẻ chăng?”. Don Bosco lắc đầu: “Chính hình ảnh sinh động của giấc mơ 9 tuổi [4] đã hiện lên trước mắt cha. Cha đã thấy lại giấc mơ ấy và nghe mẹ cha, các anh cha bàn luận với nhau về giấc mơ đó.” “Trong giấc mơ, Đức Mẹ đã nói với cha: ‘Đến thời đến lúc con sẽ hiểu’”. Thật là một chặng đường dài với biết bao nhiêu khó khăn, trắc trở từ những ngày đầu tiên với đôi bàn tay trắng cho đến ngày hôm nay khi ngài được bao bọc xung quanh với biết bao linh mục, tu sĩ Salêdiêng, các sơ Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, các Cộng Tác Viên Salêdiêng và đặc biệt là giới trẻ; một chặng đường vì giới trẻ mà cha đã phải trải qua biết bao nhiều lao nhọc tưởng chừng như không thể. Trong giấc mơ, Don Bosco nghiệm thấy được tiếng mời gọi của Thiên Chúa dành cho ngài để biến những “sói dữ” thành những “con chiên” hiền lành không phải bằng “cú đấm, cú đá” nhưng bằng sự tử tế và hiền lành. Cậu bé Gioan Bosco trong giấc mơ được chỉ cho cánh đồng làm việc giữa những con thú dữ. Cậu bé hoảng hốt không biết làm sao để có thể làm được việc đó, thế nhưng cậu đã được trao vào bàn tay từ mẫu của Bà Giáo khôn ngoan, đó chính là Mẹ Maria sẽ dẫn dắt cậu đi đến cuối chặng đường. Vì giấc mơ tiên tri đó, bằng cả trái tim, Don Bosco đã làm tất cả để cứu rỗi linh hồn các thanh thiếu niên với sức mạnh đến từ Thiên Chúa Quan Phòng và sự hướng dẫn của Đức Mẹ. Chính vì trái tim mục nát, hao mòn dành cho giới trẻ đó mà giờ đây, Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội một vị thánh giáo dục của người trẻ; là Cha-Thầy-Bạn của giới trẻ.

Năm 1841, khi Don Bosco vừa được chịu chức linh mục, tình hình xã hội của vùng Piemonte bấy giờ thật nhiễu nhường, lộn xộn diễn ra khắp nơi. Từ các vùng quê, những con người kiệt quệ đổ xô về thành phố chỉ để tồn tại; hầu hết những người di cư này đều ở trong thành phố và chẳng mấy chốc khu vực miền bắc này trở thành những khu nhà ổ chuột đầy ắp những người di cư. Có rất nhiều hậu quả bi thảm đã xảy đến cho vùng đất này: đó là tình trạng nghèo đói và tệ nạn.[5] Các trẻ em nghèo, hư hỏng đến từ mọi nơi đổ về Torino; hầu hết là nghèo khổ, thất nghiệp nguy hiểm về luân lý lẫn thể lý.

Tình hình Giáo Hội lúc bấy giờ cũng gặp rất nhiều những khó khăn kinh hoàng: Giám mục Torino phải đi lưu đày, Giáo Hoàng cũng bị “nhốt” trong Vatican và cũng bị lưu đày. Hơn nữa, vào thời gian này Giáo Hội đang phải đối diện với đạo luật Ratazzi dẹp bỏ tất cả các tu viện, dòng tu và cưỡng chế tất cả tài sản của tu viện; gần 200 dòng tu bị tước đoạt quyền pháp nhân và 25.000 cơ sở của Giáo hội bị dẹp bỏ. [6]

Đứng trước tình hình đó, Don Bosco đã đọc được dấu chỉ thời đại, trái tim của ngài phải thổn thức dù điều kiện lúc bấy giờ chẳng có gì thuận lợi. Don Bosco là một linh mục từ chủng viện Chieri. Sau khi đã chịu chức linh mục, vì tính chất mục vụ thời đó còn chưa chặt chẽ, mỗi linh mục có thể chọn công việc phục vụ cho mình. Don Bosco đã đứng trước những chọn lựa làm cha phụ tá ở Castelnouvo hay làm gia sư cho một gia đình giàu có hoặc làm cha tuyên uý ở Morialdo với số lương rất hấp dẫn; thế nhưng sau khi tham vấn lời khuyên của cha Caffasso, Don Bosco đã quyết định đi học tiếp ở học viện mục vụ. [7] Và từ chính chọn lựa này mà duyên phận của Don Bosco đã gắn chặt cả cuộc đời mình với các thanh thiếu niên nghèo khổ.

Chính cuộc sống vất vưởng của các thanh thiếu niên đã làm cho tâm trí Don Bosco không thể nào ngơi nghỉ. Xuất phát từ một trái tim chan chứa tình yêu, Don Bosco đã khởi sự công cuộc giáo dục và cứu rỗi linh hồn các thanh thiếu niên bằng việc quy tụ các thanh thiếu niên đến với nguyện xá vào ngày Chúa Nhật từ lúc ngài đang còn học ở học viện mục vụ. Đây chính là sân chơi dành cho các em để có thể la hét, vui chơi, ca hát một cách thoải mái; thêm vào đó, một công việc không thể thiếu đó chính là các bài giáo lý và ban các bí tích để gìn giữ linh hồn các em. Don Bosco đã phải làm lụng tất cả mọi thứ, xoay xở mọi việc từ cơ sở vật chất cho đến những người phụ giúp và đảm nhận bộn bề con số khổng lồ những công việc chân tay đến những công việc trí óc để làm sao cho các em vừa có một chỗ vui chơi, học hành nhưng đồng thời cũng là một nơi để bồi dưỡng tâm linh các em.

Rồi các em dần dần được qui tụ đông hơn. Don Bosco phải tìm cách để cho các em có chỗ để tụ họp. Nguyện xá đã phải di chuyển rất nhiều lần vì rất nhiều nguyên nhân và có lúc tưởng chừng như mọi dự tính đã đổ vỡ. Khi nguyện xá được di dời từ nhà thờ Phanxicô Assisi sang khu đất của bà Bá tước Barôlô; một câu chuyện làm cho nhiều người phải cảm động. Lúc này Don Bosco vừa là cha tuyên uý bệnh viện của bà Barôlô và cũng vừa là cha của hàng trăm thanh thiếu niên đến với nguyện xá hàng tuần. Vì một số trẻ hư hỏng đã gây ra phiền toái cho cơ sở của bà Barôlô; hơn nữa bà thấy rằng với căn bệnh phổi trầm trọng của Don Bosco lúc đó cùng với công việc bộn bề với các thanh thiếu niên như thế thì chắc chắn Don Bosco sẽ không thể giữ được mạng sống của ngài lâu hơn được; mặc dù rất trân trọng sự phục vụ của Don Bosco nhưng bà cũng đã đề nghị với Don Bosco như sau: “Con sẽ trả lương cho cha và con sẽ tăng thêm lương nếu cha muốn. Cha hãy đi đi, và hãy nghỉ ngơi, một năm, ba năm, năm năm. Khi nào cha hoàn toàn khỏi bệnh, hãy trở lại đây, và con hân hoan đón chào cha. Nếu không cha sẽ đặt con vào tình trạng khó xử là phải cho cha thôi việc. Xin cha nghĩ cho kỹ.” Và Don Bosco đã không ngần ngại trả lời: “Cha đã suy nghĩ rất kỹ. Cuộc đời của cha được cống hiến cho phần ích của thanh thiếu niên. Cha cám ơn bà về những đề nghị của bà dành cho cha, nhưng cha không thể nào quay lưng lại con đường mà Chúa Quan Phòng đã vạch ra cho cha.” [8]

Dừng lại ở câu chuyện này để chúng ta thấy được rằng, trái tim của Don Bosco đã bị các thanh thiếu niên “đánh cắp” là như thế nào. Ngài có quyền chọn cho mình sự an toàn cần thiết nhất đó là sức khoẻ; đó một lẽ tự nhiên mà tất cả mọi người đều có thể lựa chọn. Nhưng Don Bosco đã làm gì, ngài đã quên đi chính mình ngay trong lúc này để nghĩ về các thanh thiếu, để đồng cảm với những em đang trong tình trạng không nhà không cửa; để hoà chung vào nỗi đau đớn của các em khi phải lang thang đây đó, phải chịu biết bao sự đe doạ, bóc lột của những ông chủ ác độc… Nỗi bận tâm của Don Bosco chính là một cuộc sống hạnh phúc của các thanh thiếu niên cả đời này lẫn đời sau. Ở đây chúng ta nhìn thấy được vẻ đẹp một vị thánh là như thế nào; vị thánh mà chúng ta luôn gọi ngài là Cha-Thầy-Bạn của giới trẻ. Vẻ đẹp đó đưa chúng ta vượt lên trên những quy luật tự nhiên thường có. Chúng ta không thể nào đưa ra lý lẽ cho tình yêu mà Don Bosco đã dành cho giới trẻ đến nỗi ngài quên đi cả mạng sống của mình. Chính khi quên đi chính mình để sống cho giới trẻ thì cũng là lúc Don Bosco nhận được gấp trăm, gấp ngàn lành phúc lành mà Thiên Chúa; chính lúc Don Bosco để cho trái tim của ngài bị “đánh cắp” bởi các thanh thiếu niên thì cũng là lúc ngài nhận lại được trái tim ấy chan chứa, bao la hơn khi trái tim đó đã hoà quyện vào một trái tim của Chúa Giêsu đã tuôn trào dòng Máu Sự Sống để nuôi dưỡng chúng ta.

Chúng ta biết rằng, các thanh thiếu niên mà Don Bosco đã đưa vào trong lưu xá của ngài đa phần là các em hư hỏng; nhiều em đã phải ra vào tù như cơm bữa vì trộm cắp, có những em còn không biết chữ biết viết, là công nhân của những ông chủ thuê mướn với những đồng lương rẻ mạt, những em đầu đường xó chợ, những em mà xã hội đã bỏ rơi không đoái hoài, những em nghèo khổ, nguy hiểm về cả thể lý lẫn luân lý… Thế nhưng, Don Bosco đã chọn các em, ngài đi tìm các em về với nguyện xá của ngài. Câu chuyện về cậu bé Magone [9] mà tiểu sử của em được chính Don Bosco viết lại gợi nhắc cho chúng ta hiểu rằng, không bao giờ tâm trí ngài thôi nghĩ về những thanh thiếu niên.

Magone là một cậu bé gặp Don Bosco ở nhà ga xe lửa. Một ngày nọ, khi Don Bosco đang ngồi đợi xe lửa để đi Turin, ngài đã nhìn thấy một đám trẻ bụi đời đang làm ồn ào những người xung quanh. Trong đám trẻ đó, có một tên tướng lĩnh đầy ngạo mạn, hống hách khi thấy Don Bosco đến gần thì dơ tay chống nạnh quát:

“Ông là ai, sao lại làm cản trở trò chơi của chúng tôi?”.

Don Bosco đáp lại: “Cha là một người bạn”

“Ông muốn gì nơi chúng tôi” Magone tiếp tục:

“Nếu con đồng ý, cha muốn được chơi với chúng con”

Cuộc nói chuyện mà Don Bosco dành cho Magone như là một người bạn thân thiết đúng nghĩa. Cha đã làm quen, kết bạn, hỏi han, khuyên bảo và dẫn Magone đến với nguyện xá của ngài. Một tình bạn dành cho Magone đại diện cho rất nhiều những tình bạn khác mà Don Bosco đã dành cho các thanh thiếu niên. Những người sống với Don Bosco cảm nghiệm rằng, Don Bosco luôn yêu thương mình một cách rất đặc biệt. Từng học sinh trong nhà Don Bosco nhận thấy được tình thương của ngài dành cho chúng vì ở đây chúng xem như ở nhà mình vậy.

Dụ ngôn con chiên lạc mà Chúa Giêsu dạy đã thấm nhuần trong trái tim của Don Bosco khi ngài đã dành cả cuộc đời của mình để tìm kiếm các linh hồn hư hỏng, bị bỏ rơi. Don Bosco không chờ để yêu mà ngài yêu rồi chờ đợi trong kiên nhẫn. Điều này có nghĩa là Don Bosco đã chọn lấy các thanh thiếu niên dù các em có ra sao, “chỉ cần các con còn trẻ là đủ để cha hết lòng yêu thương các con” [10]; ngài đã yêu trước nhưng tình yêu ấy đòi hỏi ngài phải chờ đợi kiên nhẫn cả một thời gian thật dài để “hạt mầm tốt trong quả táo thối” có thể lớn lên từng ngày. Hình ảnh này cũng đủ để gợi lên cho chúng ta sự tan nát của một trái tim khi phải chờ đợi. Công việc giáo dục chắc hẳn không phải chỉ là một sớm một chiều; không phải cứ yêu thương, đón nhận các em vào nguyện xá thì tức khắc các em sẽ nhanh chóng ngoan ngoãn, thánh thiện. Giáo dục là cả một thời gian dài đòi hỏi một trái tim biết đón nhận và thậm chí cả những lúc phải “rỉ máu” vì vô ơn, hiểu lầm, bất tuân, vô lễ… của các em. Trái tim Don Bosco đã bắt chước chính Chúa Giêsu để đi bước trước chọn lấy các linh hồn, ngài chọn các em vì các em là; và chính ngài đã cầu nguyện và sống câu châm ngôn: “Xin cho tôi các linh hồn, còn mọi sự khác xin cứ lấy đi” [11]. “Cha đã nguyện hứa với Chúa là cho đến hơi thở cuối cùng cha vẫn sống cho các trẻ nghèo khổ của cha.” [12] Quả thực, từng hơi thở của cha đã dành cho giới trẻ. Đó chính là tấm gương sáng mà ngài đã để lại cho chúng ta, những người giáo dục ngày nay.

Cuộc sống ngày nay dường như bị nhấn chìm bởi những thước đo của vật chất mà quên mất đi vị trí của tình yêu. So sánh hiện trạng của Don Bosco ngày xưa và hoàn cảnh của xã hội ngày nay với những khó khăn, thuận lợi, chúng ta thấy được rằng điểm then chốt đó chính là sự thiếu vắng của tình yêu thương. Các trẻ ngày xưa nghèo khổ, thiếu vắng mái nhà, sự săn sóc; còn các trẻ ngày nay đa phần tuy không thiếu ăn, thiếu mặc nhưng lại thiếu sự gần gũi, thiếu thời gian được ở với bố mẹ, thiếu sự quan tâm, hỏi han, săn sóc, sự đồng cảm. Các trẻ ngày xưa bị bỏ rơi vì xã hội bất ổn, lộn xộn thì giới trẻ ngày nay cũng bị bỏ rơi vì xã hội công nghiệp hoá, công nghệ hoá… Cha mẹ yêu thương con cái dựa trên những thứ mà cha mẹ mua sắm cho con chứ không phải là để tặng cho con cái trái tim của mình. Nhiều lúc các trẻ vẫn không thể nhận ra được sự quan tâm, tình yêu của cha mẹ bởi vì chính cha mẹ hay những người giáo dục cũng chưa yêu con cái một cách đúng nghĩa. Ở môi trường học đường, khoảng cách giữa thầy cô học trò lại càng xa hơn khi người giáo dục không chinh phục các em bằng con tim. Chuyện nghề giáo lương thiện với việc dạy học bằng cả tấm lòng dành cho học sinh thì dường như lại trở nên quá xa lạ cho thời nay. Vậy cách giáo dục nào để mang lại hiệu quả nếu không phải là nghệ thuật của con tim bị “đánh cắp” như Don Bosco.

Phải nói rằng, kiến thức khoa học, công nghệ, tâm lý, xã hội mỗi ngày một phát triển làm cho con người chúng ta phải thích nghi, học hỏi từng ngày. Dù rằng những kiến thức này thật cần thiết và quan trọng thế nhưng con tim vẫn luôn là điểm xuất phát và đóng vai trò nồng cốt của giáo dục. Chúng ta cũng phải quay về với lòng mình để hỏi rằng, chúng ta đã học được thế nào về nghệ thuật để sống yêu thương hay chưa, đã học cách diễn tả ngôn ngữ của yêu thương chưa, hay cách dạy dỗ, chăm sóc con cái đúng với tình yêu thương chưa? Hay chúng ta đang để cho những giá trị của cuộc sống hưởng thụ, vật chất đi vào tâm hồn ta một cách vô thức; hoặc là một cách giáo dục theo kiểu “mặc kệ” không bao giờ có sự đồng cảm, an ủi; hoặc là một cách giáo dục theo kiểu “cưỡng bách” không bao giờ có sự đối thoại, giải thích và tôn trọng. Trái tim bị “đánh cắp” của Don Bosco sẽ dạy cho chúng ta rất nhiều điều trong nghệ thuật giáo dục: sự đồng cảm, sẻ chia, thông hiểu lẫn nhau, lời khuyên răn dịu dàng, tạo được niềm vui, tình gia đình, tôn trọng quyền lợi và trách nhiệm, và đặc biệt đó là “Hãy làm cho mình được yêu mến” [13]

Có người cho rằng, làm sao để có thể làm được điều mà Don Bosco đã làm? Câu hỏi này sẽ mãi không có câu trả lời cho đến khi chúng ta trở về với nguồn cội của Tình Yêu. Có lẽ khoảng cách của chúng ta và Don Bosco vẫn còn xa, thế nhưng khoảng cách đó sẽ là một thách thức để cho chúng ta dám hành động một điều gì đó để trở nên những người giáo dục như Don Bosco. Hy vọng cho thế hệ tốt đẹp mai sau hiện diện ngay hôm nay trong những hạt mầm của hành động yêu thương. Đó là những hành động xuất phát từ con tim dám cống hiến, dám cho đi nơi những người giáo dục. Dù thế giới có phức tạp đến đâu, dù giáo dục có khủng hoảng như thế nào đi nữa thì nghệ thuật của con tim vẫn mãi là con đường của Đức Giêsu, của Don Bosco và của mỗi người chúng ta để biến đổi thế giới.

Don Bosco đã làm chứng cho chúng ta điều đó. Don Bosco không đơn giản là một nhà cải cách xã hội dù biết rằng ngài đã có rất nhiều đóng góp cho xã hội thời đó nhưng đúng hơn ngài đã sống lời mời gọi của Chúa Giêsu để sống trọn vẹn tình yêu cho đi như Thầy của mình đến nỗi tưởng rằng, giới trẻ đã “đánh cắp” trái tim của ngài rồi; nhưng khi tình yêu bị “đánh cắp” thì cũng chính là lúc tình yêu triển nở dồi dào. Chúng ta dễ hiểu rằng, “Cha chỉ còn lại một trái tim nghèo nàn thôi mà các con cũng đánh cắp luôn rồi” đã diễn tả hạnh phúc dạt dào của Don Bosco là như thế nào!

Lại một lần nữa chúng ta có dịp để nhìn lại mẫu gương nơi Don Bosco, một trái tim đã bị “đánh cắp” bởi người mà ngài suốt đời yêu mến. Quả thực, trong giới hạn cho phép, chúng ta không thể nào lược qua được hết tất cả những gì mà Don Bosco đã làm cho giới trẻ hay cả những thử thách, chông gai trong suốt chặng đường ơn gọi của ngài; thế nhưng phần nào, chúng ta hiểu rằng, tình yêu quả thực là linh đạo mà Don Bosco đã chọn để sống và giáo dục giới trẻ. Đó chính là con đường linh đạo mà Don Bosco luôn ấp ủ theo như tinh thần mà thánh Phanxicô Salê chỉ dạy: “Con người là sự hoàn thiện của vũ trụ, tinh thần là sự hoàn thiện của con người. Tình yêu chính là sự hoàn thiện của tinh thần”. Ước mong rằng, cha mẹ và những người giáo dục hãy dám can đảm để cho con cái và giới trẻ “đánh cắp” trái tim của mình để rồi một ngày nào đó, những trái tim cùng hoà quyện vào nhau, cùng ca vang bài ca hạnh phúc trong gia đình, trong học đường, trong lưu xá và trong mái nhà của Thiên Chúa.

Đaminh Trường Sơn, SDB

(Lễ mừng kính Don Bosco 31/01/2024

 

Một phác thảo tiểu sử của Don Bosco [14]

Cuộc đời của Don Bosco có thể chia thành ba thời kỳ:

  1. Thời kỳ chuẩn bị (1815-1844);
  2. Thời kỳ phác hoạ những nét cơ bản trong hoạt động giáo dục của ngài (1844-1869)
  3. Thời kỳ các tổ chức của ngài được vững chắc cả về tổ chức lẫn lý thuyết (1870-1888)

Ở đây, chúng tôi chọn ra những thời khắc quan trọng hơn trong công việc và hoạt động giáo dục của đời ngài.

 

1815           (ngày 16 tháng Tám) Don Bosco chào đời tại Becchi thuộc Castelnuovo.

1817           Cha ngài qua đời.

1824           Một linh mục, cha Giuse Lacqua, dạy cho Gioan Bosco đọc và viết.

1827           Rước lễ lần đầu, vào khoảng lễ Phục Sinh.

1828           (tháng Hai) Làm tá điền thuê tại trang trại Moglia (cho đến cuối mùa thu 1829).

1829           Học tiếp tiếng Ý và tiếng Latin với Cha Gioan Calosso (mất ngày 21 tháng Mười Một năm 1829).

1830           Gioan Bosco theo học tại Trường Công lập Castelnuovo (Giáng sinh 1830 - Mùa hè 1831)

1831           Từ tháng Mười Một trở đi, Gioan Bosco học trường công ở Chieri môn ngữ pháp, nhân văn và hùng biện.

1835           Gioan Bosco vào chủng viện ở Chieri và bắt đầu học triết và thần học.

1841           ngày 5 tháng Sáu, Lễ Vọng Chúa Ba Ngôi, Don Bosco được thụ phong linh mục.

1841           (tháng Mười Một) Don Bosco ghi danh vào Convitto Ecclesiastico (Học viện Giáo sĩ/mục vụ) ở Turin để học thần học luân lý và giảng thuyết; ngài bắt đầu quy tụ những thiếu niên và thanh niên và dạy họ giáo lý.

1844           (tháng Mười) Don Bosco được chỉ định làm cha tuyên úy cho một trong những công cuộc của Bà Bá tước Giulia di Barolo.

5/1845 - 3/1846      Nguyện xá Lang thang bắt đầu - tại nhà thờ Thánh Phêrô bị xiềng xích đến Dora Mills, đến nhà Moretta, đến cánh đồng Filipppi.

1846           (12 tháng Tư) Nguyện xá tìm thấy địa điểm cuối cùng cho mình ở mái nhà Pinardi thuộc vùng ngoại ô Valdocco. Don Bosco và mẹ ngài đến sống ở đây. Các lớp bình dân học vụ (buổi tối) bắt đầu trong mùa đông 1846-1847.

1847           Mở nhà trú ngụ đầu tiên; Nguyện xá Thánh Lu-y được mở tại khu vực Porta Nuova; Hội lành Thánh Lu-y bắt đầu.

1848           (ngày 21 tháng Mười) Bắt đầu xuất bản L'amico della Gioventu (Người Bạn của Giới Trẻ), một Tờ Báo tôn giáo, đạo đức và chính trị (sẽ chỉ tồn tại tám tháng và sau đó sáp nhập vào Istruttore del Popolo (Người chỉ dạy của dân chúng).

1849           Don Bosco đảm nhận điều hành Nguyện xá các Thiên thần Hộ Thủ từ cha Cocchi, trong khu vực Vanchiglia ở Turin; hội công nhân hoặc hội tương trợ mà ngài sẽ soạn thảo một hiến pháp vào năm 1850.

1852           (31 tháng Ba) Đức Tổng Giám Mục Fransoni bị đày đến Lyons (Pháp). Ngài bổ nhiệm Don Bosco làm giám đốc và người lãnh đạo tinh thần của Nguyện xá Thánh Phanxicô Salê ở Turin, với các Nguyện xá Thánh Lu-y và Thiên thần Hộ Thủ phụ thuộc vào nó.

1853           Don Bosco bắt đầu xuất bản các Tập san Công giáo và cũng mở một xưởng đóng giày khiêm tốn trong Nguyện xá.

1854           Mở xưởng đóng sách. Như một thử nghiệm, những bước khởi đầu gieo mầm Tu hội Salêdiêng, Don Bosco đề xuất một hình thức sống liên đới, tông đồ cho hai giáo sĩ (một là Chân phước Micae Rua và sẽ trở thành người kế vị đầu tiên của Don Bosco), và hai thanh niên khác, một trong họ trở thành Đức Hồng Y tương lai Gioan Cagliero. Don Bosco lần đầu gặp gỡ Bộ trưởng Urban Rattazzi. Đaminh Savio ghi danh học sinh ở Nguyện xá Valdocco (1842 - 1857).

1855           Lớp trung học thứ ba được đưa vào Nguyện xá (cho đến giờ các học sinh theo học tại các trường tư nhân).

1856           Xưởng mộc đầu tiên được mở tại Nguyện xá; hai lớp trung học đầu tiên được đưa vào. Hội Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội khởi sự.

1857           Bắt đầu Hội Thánh Thể; lập Hội Các em Lễ Sinh; tổ chức hội Thánh Vinh sơn Phaolô dành cho giới trẻ.

1858           Don Bosco hành trình đầu tiên tới Roma để trình cho Đức Giáo Hoàng Piô IX kế hoạch về Tu hội của ngài để làm việc cho giới trẻ. Hiến luật Salêdiêng đầu tiên được phác thảo.

1859           Hoàn thành Giáo trình trung học (5 cấp); bắt đầu hội Thánh Giuse; Tu hội Salêdiêng xuất hiện nhưng là một hiệp hội tôn giáo riêng tư trong thực tế.

1860           Những giáo dân giúp đỡ đầu tiên (Trợ sĩ) được thu nhận vào Tu hội được thành lập với lời khấn riêng.

1861           (31 tháng Mười Hai) được phép mở xưởng in.

1862           đưa vào xưởng rèn; khấn lần đầu (ngày 14 tháng Năm).

1863           Trường đầu tiên bên ngoài Turin được khánh thành dưới sự chỉ đạo của cha Micae Rua. Nhân dịp này Don Bosco viết một lá thư cho cha Rua; sau này nó sẽ trở thành cốt lõi nguyên thủy của Bản nhắc nhớ thân tín gởi cho các Giám đốc (trường này sẽ chuyển đến Borgo San Martino năm 1870). Bắt đầu xây dựng Nhà thờ Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu ở Turin.

1864           Trường nội trú Lanzo Torinese đi vào hoạt động. Decretum Laudis cho Tu hội Salêdiêng được ban hành.

1865           Dự án mới của Don Bosco: Bibliotheca degli scittori latini (Thư viện của các tác giả Kitô giáo). Nó thực sự bắt đầu vào năm 1866 với tiêu đề: Selecta ex latinis scriptoribus in usum scholarum (Các tuyển tập từ các tác giả Latin để cho các trường học sử dụng).

1868           Thánh hiến Thánh đường Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu.

1869           (ngày 19 tháng Hai) Tòa thánh phê chuẩn dứt khoát Tu hội Salêdiêng; trường học tại Cherasco được mở; tập đầu tiên của Biblioteca della gioventu italiana (Thư viện dành cho giới trẻ Ý) được xuất bản (Nó sẽ kết thúc vào năm 1885, ấn phẩm cuối cùng sẽ là số 204).

1870           Trường Cao đẳng tại Alassio được thành lập.

1871           Mở trường Cao đẳng tại Varazze và trường Kỹ thuật ở Marassi (Năm sau, trường Kỹ thuật sẽ chuyển đến Sampierdarena gần Genova).

1872           Tiếp nhận Trường nội trú Valsalice dành cho giới quý tộc trẻ. Thành lập nhánh cho nữ tu của Tu hội Salêdiêng với danh hiệu Tu hội Con Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu.

1874           Tòa Thánh phê chuẩn chung cục và dứt khoát Hiến luật Salêdiêng.

1875-1887  Người Salêdiêng cố gắng trải rộng khắp Châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Anh) và Nam Mỹ (Argentina, Braxin, Uruguay, v.v.) với những công cuộc liên quan đến người di cư, trường học và các Tổ chức giáo dục và các hoạt động truyền giáo khác.

1876           Giáo hoàng Piô IX phê chuẩn Hiệp hội Đạo đức Cộng tác viên Salêdiêng.

1877           Tổ chức Tổng Tu Nghị đầu tiên của Tu hội Salêdiêng của Thánh Phanxicô Salê. Ba lần khác sẽ nối tiếp khi Don Bosco sinh tiền: 1880, 1883 và 1886. Vào năm 1877, các trang được Don Bosco viết về Hệ thống Dự phòng được xuất bản cũng như Il Regolamento per le case (Quy luật cho các Nhà). Vào tháng 8, bắt đầu Il bibliofilo cattolico (Người yêu sách Công giáo... Tập san Salêdiêng).

1880           Don Bosco nhận trách nhiệm xây dựng Vương cung Thánh đường Thánh Tâm ở Roma. Vương cung Thánh đường này sẽ được thánh hiến vào ngày 14 tháng Năm năm 1887.

1881           (tháng Hai) mở Trường nội trú Utrera (Tây Ban Nha).

1883           Don Bosco thành công mỹ mãn chuyến đi tới Paris.

1884           Gần với chuyến đi cuối cùng đến Roma (ngày 19). Sau cùng, cái gọi là những Đặc quyền đã được chấp thuận vào tháng Sáu năm 1884.

1886           8 tháng Tư - 6 tháng Năm: Don Bosco được đón tiếp đặc biệt ở Tây Ban Nha, Don Bosco lưu lại Sarria và Barcelona.

1887           (tháng Năm) Chuyến đi cuối cùng của Don Bosco tới Roma nhân dịp thánh hiến Vương cung Thánh đường Thánh Tâm.

1888           (Thứ ba, ngày 31 tháng 01, lúc 4:45 sáng) Don Bosco qua đời.

Chú thích:

[1] Lá thư Don Bosco viết từ Tôrinô gửi cho Cha Giám đốc, các giáo viên, giáo sư và các học sinh ở cộng đoàn Lanzo ngày 2/1/1876.

[2] Don Ruffino, Cronaca dell’ Oratorio, ASC 110, tập 5, tr. 10

[3] X. Teresio Bosco. SDB, Don Bosco – Một tiểu sử mới [người dịch: Xuân Uyển SDB], tr. 602-603

[4] X. First Dream, https://www.sdb.org/en/Don_Bosco/Don_Bosco/First_Dream

[5] X. Arthur J. Lenti, Don Bosco Lịch sử và tinh thần – Quyển 2 [người dịch: Giuse Nguyễn Thịnh Phước, SDB], tr. 09-10

[6] X. Arthur J. Lenti, Don Bosco Lịch sử và tinh thần – Quyển 4 [người dịch: Giuse Nguyễn Thịnh Phước, SDB], tr. 17

[7] X. Arthur J. Lenti, Don Bosco Lịch sử và tinh thần – Quyển 1 [người dịch: Giuse Nguyễn Thịnh Phước, SDB], tr. 375

[8] Arthur J. Lenti, Don Bosco Lịch sử và tinh thần – Quyển 2 [người dịch: Giuse Nguyễn Thịnh Phước, SDB], tr. 121

[9] X. https://www.sdb.org/en/Don_Bosco_Resources/Writings/Books/Biographical_Outline_of_Young_Michael_Magone_1861#sec-1

 [10] Don Bosco, Giovane Provveduto, Torino 1847.

[11] X. MB XVII, tr. 365

[12] MB XVIII, tr. 258

[13] Lời Don Bosco căn dặn các Salêdiêng được ghi khắc ở mặt sau Thánh giá trao cho các Hội viên vào ngày khấn trọn đời.

[14] Pietro Braido, Dự phòng chứ không cưỡng bức [người dịch: Lm Giuse Nguyễn Văn Am SDB], tr. 158-163

 

Top