Giáo xứ Vinh Sơn 3: những giáo dân nhiệt thành

Giáo xứ Vinh Sơn 3: những giáo dân nhiệt thành

Dọc con kênh Nhiêu Lộc có một số nhà thờ. Đặc biệt, có một nhà thờ lại ở cuối con kênh, thuộc phường 3, quận Tân Bình nên người ta gọi là nhà thờ Vinh Sơn 3.

Trước khi hiểu được vì sao giáo xứ này có nhiều giáo dân nhiệt thành, cũng nên biết qua về quá trình hình thành và phát triển giáo xứ.

Lược sử

Giữa năm 1960, một số giáo dân giáo xứ Tân Chí Linh lập một ngôi đền để kính thánh Vinh Sơn, cách nhà thờ khoảng nửa cây số. Lúc đầu ngôi đền chỉ là một căn nhà lá thuộc một giáo họ, dưới thời cha chánh xứ Đa-minh Mai Văn Cẩm.

Tại đền thánh Vinh Sơn này, nhiều thánh lễ được cử hành để đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của khá nhiều giáo dân. Năm 1965, cha Đa-minh Đinh Tiến Khoa, linh mục phụ tá được đặc trách đền thánh Vinh Sơn, từ đây, giáo dân được dâng thánh lễ hằng ngày. Và ngày 23-1-1973, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình ra sắc lệnh số 0010/VP-73 phê chuẩn và ban phép thành lập giáo xứ Vinh Sơn, biến cố này trở thành niềm vui lớn cho nhiều giáo dân.

Ở thời điểm mới thành lập, diện tích giáo xứ không lớn lắm, chỉ có 2500 giáo dân. Để nhà thờ được vuông vức, một vài gia đình đã hy sinh dời đi nơi khác, nên khuôn viên hiện nay khá rộng. Số giáo dân cũng thay đổi, cao nhất là gần 4.000 trước khi giải tỏa để làm kênh Nhiêu Lộc, nay chỉ còn gần 3.000 giáo dân, được sinh hoạt tế tự trong ngôi thánh đường kiên cố, khang trang đẹp đẽ, do cha chánh xứ thứ hai Giuse Nguyễn Trung Nghĩa khởi xướng và cùng giáo dân xây dựng.

Cho đến nay, giáo xứ đã có bốn cha chánh xứ chăm sóc cộng đoàn:
- Cha Đa Minh Đinh Tiến Khoa
- Cha Giuse Trần Trung Nghĩa
- Cha Phanxicô A. Nguyễn Văn Dinh
- Cha Giuse Nguyễn Minh Khôi.
Ngoài ra có linh mục Giacôbê Phạm Văn Phượng đã đến giúp mục vụ một thời gian.

Những giáo dân nhiệt thành

Chặng đường dài giáo xứ đã đi qua là gần 50 năm, nhưng chỉ có bốn linh mục chánh xứ và một linh mục dòng chăm sóc và đồng hành cùng giáo dân. Thăng trầm, sôi nổi không nhiều nhưng điểm đặc biệt là một số giáo dân ở đây rất nhiệt thành việc nhà Chúa, có thể nêu ra một số điển hình để thấy rằng giáo dân tích cực luôn là những nhân tố tốt làm dậy men trong cộng đoàn dân Chúa.

Khi Ban Hành Giáo đầu tiên được thành lập, có ông cụ trùm Khiêm, với chùm râu dài, áo the đen, khăn đống trên đầu, trông cụ như ông đồ nho, mà thế hệ của cụ rành rẽ chữ nho là đúng. Cái bề ngoài đó còn phù hợp với đức độ của ông: khiêm tốn, chân thật, hiền lành. Cụ còn bán ngôi nhà thân yêu của gia đình để nới rộng đầu nhà thờ rồi vào con hẻm nhỏ để ở.

Cùng thời đó có ông quản Châu. Gia cảnh thanh bần nhưng ông vẫn trông coi trẻ con trong giờ lễ tại nhà thờ, đúng nghĩa là một ông quản. Con trai ông đã gắn bó, hướng dẫn đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể nhiều năm. Nhiều lớp trẻ trong đoàn TNTT của giáo xứ đã trở thành những người xông xáo hoạt bát, hữu ích cho xã hội và Giáo hội.

Còn có ông trùm Hoàn, từ khi Hội Đồng Giáo Xứ Vinh Sơn đầu tiên được thành lập, đã đứng trong hàng ngũ quí chức cộng tác với cha xứ trong công việc mục vụ. Cho đến khi cao tuổi ông vẫn tham gia việc nhà thờ. Đặc biệt là ông đã chèo chống công việc giáo xứ khi có sóng gió.

Khi cha xứ tiên khởi già yếu, giáo xứ mời cha Giacôbê Phạm Văn Phượng OP đến phụ giúp mục vụ thì có ông trùm Trung, con ông quĩ Hoan, sáng nào cũng đến nhà thờ Ba Chuông rước cha về dâng lễ mà chẳng quản ngại sương sớm, tốn phí xăng xe, giáo dân không hề thiếu thánh lễ trong tuần.

Hiện nay, gia đình ông chủ tịch HĐMV Hồng và hai ông phó chủ tịch Nha, Tín đã tích cực trong công việc nhà Chúa, kể cả con của các ông dù đã có gia đình vẫn không ngần ngại gắn bó với nhà thờ.

Còn nhiều nữa những giáo dân tích cực ở giáo xứ này, đang cùng với cha chánh xứ trẻ Giuse Nguyễn Minh Khôi làm cho cộng đoàn giáo xứ Vinh Sơn ngày càng vui tươi, đoàn kết.

Thế nên, hiện nay giáo xứ có đủ các đoàn thể Công giáo tiến hành với nhiều sinh hoạt mục vụ phong phú như: phụng tự, giáo lý, bồi dưỡng đức tin, bác ái tông đồ…

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top