Giáo xứ Tân Thành: nhà thờ kiến trúc châu Âu

Giáo xứ Tân Thành: nhà thờ kiến trúc châu Âu

Một buổi sáng Chúa nhật đẹp trời, giáo xứ Tân Thành, hạt Tân Sơn Nhì, đã tổ chức dâng thánh lễ tạ ơn vì đã đi được một nửa chặng đường xây nhà thờ và nhà giáo lý mới; ngoài ra còn có 70 em thiếu nhi được Đức cha phụ tá Phêrô ban phép Thêm Sức, rước lễ lần đầu. Dịp này, giáo xứ muốn mở rộng thông tin để nhiều người trong giáo phận cùng chung vui.

Thánh lễ tạ ơn về nhà thờ mới và ban các bí tích thường diễn ra ở nhiều giáo xứ, nhưng ở nhà thờ Tân Thành vẫn có một số nét riêng mà tôi cảm thấy không giống ở nơi nào.

Muốn chụp hình bên ngoài nhà thờ Tân Thành quả là khó vì không có tầm nhìn, cuối nhà thờ chỉ cách nhà dân có 4 mét, còn hai bên hông nhà thờ là đường đi chung của một khu phố. Nói chung, khuôn viên nhà thờ Tân Thành rất hẹp, chỉ có 400 mét vuông, thế nên giáo xứ xây tầng hầm làm hoa viên, tầng trên là nhà thờ, trên cùng là tầng lửng dành cho ca đoàn và giáo dân. Nhà sinh hoạt mục vụ chỉ có 220 mét vuông nhưng cất lên thành 5 tầng lầu với nhiều chức năng như nhà giáo lý, nhà cha xứ, văn phòng…

Ông Nguyễn Văn Kình, phó ngoại vụ HĐMV giáo xứ (chủ tịch HĐMV giáo hạt) là trưởng ban quản lý công trình, đã có ý kiến xây dựng nhà thờ theo phong cách Châu Âu, nên bước lên các bậc cầu thang, sẽ thấy bên trong lòng nhà thờ đẹp với một không gian rộng thoáng. Nét sắc sảo hiện ra rất rõ vì hầu hết vật liệu được sử dụng là đá hoa cương: lối đi từ cuối nhà thờ đến tận cung thánh, cầu thang lên các tầng lầu, tường phía sau bàn thờ nơi để nhà tạm, phần trang trí quanh tượng thánh giá. Sau lưng tượng thánh Giuse và tượng Đức Mẹ là hai mảng đá hoa cương màu hồng nhạt, có độ dài giống như hai mảng hoa cương màu nâu nhạt gần chân thánh giá; các cây cột trong lòng nhà thờ ốp đá hoa cương từ chân lên đỉnh. Đặc biệt, tấm hình bàn tiệc ly ở mặt trước bàn thờ làm bằng tranh đá quí Lục Yên.

Một nhà thờ ở Việt Nam mà xây theo phong cách Châu Âu thì có phù hợp hay không? Có lẽ người giáo dân chỉ mong rằng khi đến cầu nguyện hay dâng lễ, thấy mát mẻ và sốt sắng là được, còn nhận xét về kiểu kiến trúc thì đa số không am tường nhiều.

Nhà thờ hôm nay đông giáo dân tham dự. Chắc chắn đó là điều hợp lý vì chính họ đã nhiệt tình bền bỉ tiết kiệm suốt 10 năm qua để đóng góp cho công trình; chưa kể đến sự chung tay của giáo dân xứ Tân Thành đang định cư ở nước ngoài.

Sự chung sức trong một giai đoạn làm nên một công trình phục vụ cộng đoàn nhiều năm nếu đáp ứng được nhu cầu thiết thực của giáo dân, không trở thành gánh nặng cho giáo dân và là một công trình của đoàn kết và yêu thương thì sẽ làm cho người ta không cảm thấy xa hoa lãng phí.

Ông chủ tịch HĐMV đã nói lời cảm ơn với giọng đọc đầy cảm xúc. Có lẽ ông chánh trương nào cũng thế, bồi hồi lo lắng trước dịp lễ lớn này, song nhìn ông thấy toát ra một vẻ đơn sơ hiền lành.

Vào năm 1965, có 600 giáo dân từ Xóm Mắm (nay là phường 4, Tân Bình) di tản đến đây và xây lên một ngôi nhà nguyện nhỏ để kính thánh Vinh Sơn. Đến năm 1969, Tân Thành còn là một họ nhánh của giáo xứ Tân Việt. Ngày 12/5/1973, giáo xứ Tân Thành chính thức được thành lập và cha sở đầu tiên là linh mục giuse Nguyễn Thanh Khiết; hiện nay, linh mục Đa Minh Phạm Minh Thủy là cha chánh xứ.

Hôm nay, giáo xứ còn mời quí cha, quí sơ và nhiều quan khách từ các nơi đến để chung lời tạ ơn Thiên Chúa cho thêm trọn vẹn niềm vui. Qua chặng đường 36 năm, cộng đoàn giáo xứ Tân Thành vẫn không ngừng phát triển trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top