Giáo xứ Lộc Hưng: Lễ giỗ giáp năm Cha cố Giacôbê

Giáo xứ Lộc Hưng: Lễ giỗ giáp năm Cha cố Giacôbê

WGPSG -- "Người gọi tôi đi một chặng đường

Cùng nhau sánh bước giữa yêu thương

Vui buồn, giọt nắng chia hai nửa

Tôi được chọn Người chốn náu nương"

                  (Pax et Bonum)

Với tấm lòng thảo kính "Uống nước nhớ nguồn", vào lúc 17 giờ 30 ngày thứ Hai 16/02/2015, giáo xứ Lộc Hưng, hạt Chí Hòa đã long trọng cử hành Lễ giỗ giáp năm Cha cố Giacôbê Nguyễn Kim Điền - Nguyên phụ tá giáo xứ Lộc Hưng. Thánh lễ do Cha Đa Minh Đặng Quốc Hưng - chánh xứ Lộc Hưng - chủ tế, diễn ra ấm áp nghĩa tình, tràn đầy cảm xúc.

Với tâm tình tri ân tưởng nhớ, những ngày trước đó, dẫu tất bật công việc cuối năm, cộng đoàn giáo xứ vẫn tích cực viếng thăm phần mộ của Cha tại Nghĩa trang các Linh mục ở Trung Chánh. Và hôm nay, Hội đồng Mục vụ cũng như các ban ngành đoàn thể, cộng đoàn trong và ngoài giáo xứ Lộc Hưng gần xa, những người con cha cố Giacôbê đã tận tình dẫn dắt, cùng thân nhân huyết tộc của cha cố hiện diện đông đảo trong ngôi thánh đường Lộc Hưng dấu yêu hiệp thông dâng lễ cầu nguyện cho ngài.

Trên cung thánh, di ảnh ngài được đặt tại vị trí trang trọng, khói hương trầm nghi ngút quyện lời kinh tha thiết cộng đoàn thành kính dâng lên Chúa. "Người chết nối linh thiêng vào đời", cha cố "tuy xa mà rất gần", ngài như đang hiện diện giữa đoàn con cái thân thương.

Đầu lễ, sau khi nêu các ý lễ, Cha chủ tế mời cộng đoàn: nhân kỷ niệm 1 năm Chúa gọi Cha cố Giacôbê về với Chúa, chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho ngài, bởi lẽ trong 15 năm linh mục thì 14 năm rưỡi cha cố gắn bó với giáo xứ, tất cả tinh túy đời linh mục, Cha cố đã dồn cả cho giáo xứ Lộc Hưng. Dù biết rằng cha cố "đã thi đấu trong cuộc chiến chính nghĩa, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin" nhưng với thân phận con người yếu đuối, chúng ta xin công nghiệp con Chúa rửa sạch mọi tội khiên, để cha cố mau chóng được Chúa trao thưởng "vòng hoa chiến thắng dành cho người công chính".

Phần giảng lễ, cha chủ tế đã liên hệ giữa việc người Pharisiêu đòi Chúa Giêsu làm dấu lạ trong đoạn Tin Mừng (Mc 8, 11-13) với cuộc đời của cha cố Giacôbê rất hay. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều cho bốn ngàn người ăn no nê, còn thu lại được bảy thúng. Người giải tán họ xong. Đức Giê-su và các môn đệ xuống thuyền sang miền Đan-ma-nu-tha. "Những người Pharisiêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người". Trước những phép lạ Đức Giê-su đã làm nào chữa bệnh, cho kẻ què được đi, cho kẻ chết sống lại, người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, xua trừ ma quỷ, đặc biệt là phép lạ hóa bánh ra nhiều. Hằng ngày, được chứng kiến biết bao điều kỳ diệu Đức Giê-su đã làm, giảng dạy giáo huấn đầy uy lực họ lại bưng tai bịt mắt. Đúng là "có voi đòi tiên, được đàng chân lân đàng đầu", trước đòi hỏi của những kẻ cứng lòng tin và cố chấp, Đức Giê-su buồn bã thất vọng nói với họ: "Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả";  rồi Người bỏ họ ở đó và cùng với các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia.

Qua đòi hỏi dấu lạ của nhóm biệt phái, nhìn lại chính mình và tự hỏi chúng ta có đòi hỏi dấu lạ nào không? Trong hành trình sống đức tin, chúng ta có nhận ra bao điều kỳ diệu chính Ngài đang thực hiện hằng ngày nơi mỗi người giữa những thăng trầm trong cuộc sống, để chính mỗi người là một phép lạ cho nhau, từng người già trẻ lớn bé là phép lạ Chúa ban cho đời, cho xứ đạo. Chẳng hạn, bình thường các em sợ cha xứ, thế nhưng dù chưa được rước lễ các em vẫn mạnh dạn tiến lên trước cung thánh để cha chúc lành, cụ già cố gắng đưa bàn tay liệt lào lên cung kính làm dấu Thánh giá, những bệnh nhân tai biến, khuyết tật phải ngồi xe lăn, hoặc kéo lê từng bước mệt nhọc vẫn cố gắng đến nhà thờ dâng lễ mỗi ngày, đồng thời tích cực làm việc này việc kia có ích cho đời, còn nơi cuộc đời cha cố Giacôbê quả là phép lạ cả thể.

Ở Đại Chủng viện, anh em gọi cha cố là "Điền đô", bởi ngài gầy quá, tuy nhiên, nơi ngài tỏ hiện một sức mạnh phi thường, nghị lực mạnh mẽ giúp ngài vượt qua khó khăn bệnh tật và "búa rìu" dư luận. Tết năm ngoái, đến thăm cha cố Giacôbê, cha hỏi: vì đâu cha cố chịu đựng được nhiều đau đớn thể xác cũng như lắm "chén đắng" đời linh mục. Cha cố trả lời: đó là một phép lạ. Phải: "phép lạ", nhưng bên trong phép lạ hàm chứa một nội lực thâm hậu, một ý chí kiên cường ngay cả người cứng rắn, mạnh khỏe cũng không có được. Do đó, trong Thánh lễ an táng cha cố Giacôbê, cha cám ơn Chúa đã cho cha thấy những dấu lạ điềm thiêng nơi con người mỏng dòn của người anh em linh mục, một người đã dồn nén đau thương trong tim, "nước mắt chảy ngược vào lòng" để luôn mỉm cười ban phát bình an cho muôn người, như châm ngôn đời linh mục của mình: "Xin Chúa hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa". Chính nhờ "Chúa bao bọc cha cố cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên cha cố" bảo vệ người Chúa chọn "vượt qua sóng gió gian truân cõi trần", hoàn thành sứ vụ Chúa trao trong thiên ý. Chúng ta hãy chiêm ngắm phép lạ Chúa ban thể hiện qua cuộc sống yên vui tình làng nghĩa xóm, tình cha con huynh  đệ thảo hiền nơi giáo xứ, vẹn nghĩa thủy chung gia đình, chu toàn bổn phận thường ngày, sao cho: "Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Thế là phép lạ cho ta quá đủ rồi.

Tiếp tục Thánh lễ, hiệp với hiến lễ giao hòa của Chúa Giêsu, cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa Cha "hiến tế Thập giá" đời linh mục cha cố, vang vọng ước nguyện chân thành của cha: "Lạy Chúa, trọn đời con đã dâng cho Ngài, trọn đời con bước theo danh Ngài. Con muốn Chúa ở đâu thì cho con ở đó, để trọn đời con dâng làm hy tế, để trọn đời con yêu Chúa không ngơi..."

Đặc biệt, trước khi lãnh phép lành trọng thể, cha chủ tế và cộng đoàn hướng về di ảnh cha cố Giacôbê đọc 1 kinh Lạy cha, ba kinh Kính Mừng, kinh Tin Kính cùng với ca đoàn Cecilia hát vang nhạc phẩm: "Lời kinh tạm biệt", câu hát: "Một đời sống hy sinh tìm về bến an bình, hưởng nguồn vui trong Chúa Chí Thánh. Chờ ngày mai Phục Sinh trọn vẹn kiếp cậy tin, sống cho đi để được chết lành" như diễn tả phần nào tâm tình cậy trông, cuộc sống tận hiến chia san của chính cha cố, để giờ đây, cha hạnh phúc được "Chúa giang tay chờ đầy tớ trung thành".

Tan lễ, cộng đoàn đến trước di ảnh cha cố Giacôbê, chiêm ngắm hình ảnh dung dị tươi tắn của Ngài, và thầm thĩ dâng lời nguyện cầu, đan xen làn hương khói nghi ngút và ánh nến lung linh: “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, xin cho linh hồn cha cố Giacôbê được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.”

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top