Giáo xứ Lộc Hưng: Dịu dàng sắc Xuân

Giáo xứ Lộc Hưng: Dịu dàng sắc Xuân

WGPSG -- "Lộc hồng ân tuôn tràn nơi Thiên Chúa

Hưng thịnh thanh bình xuống cho muôn gia"

Chiều ngày 30/01/2015, cộng đoàn tham dự nghi lễ phụng vụ tại giáo xứ Lộc Hưng ngạc nhiên xen lẫn thích thú, vì bên tháp chuông nhà thờ xuất hiện chú Dê "tài lộc" tốt tướng sáng tài, dưới chân có những thỏi vàng óng ánh bắt mắt thu hút sự chú ý của mọi người.

Và với sáng kiến của cha Đa Minh Đặng Quốc Hưng - chánh xứ Lộc Hưng - cùng sự "nhiệt thành vì Nhà Chúa" của nhóm Tự Nguyện, khuôn viên thánh đường Lộc Hưng đã trở thành "Vườn Xuân" với những hình ảnh đặc trưng ngày Tết truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Nhìn bên trái, ông đồ già miệt mài viết những câu đối bày tỏ tâm tư tình cảm của gia chủ: "Lộc thiêng phước thọ thịnh khang ân lạc. Hưng mãn Ất Mùi nguyện chúc xuân sang". Sắc vàng rực rỡ hoa Mai và thắm nồng màu hồng hoa Đào khắp nơi làm cho giáo đường "dịu dàng sắc xuân". Hai chú Dê trắng bao bọc chú Dê con màu xám ở giữa nổi bật bức phông hoa Đào có hàng chữ "giáo xứ Lộc Hưng: chúc mừng năm mới" Xuân Ất Mùi 2015. Tà áo dài mới bay phất phới trong làn gió Xuân, giỏ hoa trên tay các bậc cha mẹ cùng con trên đường đi lễ đầu năm với câu đối ước nguyện: "Lộc phước ân thiêng tràn thánh đức. Hưng yên Ất Mùi mãn thiên cung".

Phía bên phải, bà mẹ quê thân cò lặn lội một nắng hai sương đảm đang vén khéo mâm ngũ quả, được điểm tô bởi sắc hoa "điểm 10", hoa "tin yêu" của các nam thanh nữ tú. Rồi sản phẩm không thể thiếu ngày Tết “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” và câu đối: "Lộc niên Ất Mùi nguyện chúc phước. Hưng an thịnh tồn tại thiên ân". "Vườn Xuân" thêm sinh động lộng lẫy, ngát hương êm đềm do những nụ Mai vàng tươi thắm của lòng tin, những cánh hoa Đào rực rỡ của đức cậy, những nụ Hồng nhung thơm ngát của đức ái và những đoá hoa Bạch cúc của khiết tịnh... cộng đoàn giáo xứ thành kính dâng lên Mẹ Maria, vì Mẹ là mùa Xuân.

Hòa mình với cảnh sắc đất trời đang vào Xuân, lòng người rộn rã lạ thường. Cái rạo rực chuyển mình giao mùa, cái tí tách của chồi non lộc biếc, xôn xao làn gió Xuân, lung linh ánh nắng Xuân, cùng vẻ huyền ảo của những lồng đèn đỏ chung quanh thánh đường xen lẫn muôn vàn bóng điện nhấp nháy... Tất cả đã tạo nên một bầu khí thanh bình, ấm áp và đầy sắc Xuân. Chả thế mà người người đến thánh đường dâng Lễ đi sớm hơn thường lệ, tan Lễ nán lại chiêm ngưỡng cảnh quan thơ mộng hữu tình. Giữa những chộn rộn lo toan cuộc sống, giáo xứ là "điểm hẹn" cho người muôn nơi du Xuân thưởng ngoạn, chụp những bức hình kỷ niệm, chia sẻ cho nhau lắng lo muộn phiền kiếp nhân sinh, dắt dìu nhau bước vào khung trời bát ngát yêu thương của mùa Xuân vĩnh hằng không bao giờ tàn úa. Đặc biệt, các chú Dê đã được nhóm Tự Nguyện kỳ công gia cố ngay sau lễ Giáng Sinh quá sống động, đã khiến mọi người luận bàn sôi nổi về chú Dê qua những hình ảnh và cái nhìn của Kinh Thánh.

Đối với dân Do Thái, những ai giàu sang luôn có đàn gia súc đông đảo trong nhà. Trong đàn gia súc đó không thể thiếu con Dê: "Người giàu thì có chiên dê và bò nhiều lắm. Bởi đó, ai có đàn gia súc mà có dê, thì được coi là hạng giàu có" (2Sb 17,11). Rồi con Dê được coi là tặng vật quý giá, có thể làm của lễ dâng tặng chẳng những cho con người, mà còn dâng tặng Thiên Chúa và làm lễ vật thánh: "Mọi con đầu lòng giống đực sinh ra trong đàn bà và đàn chiên dê của anh (em), anh (em) phải thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em)." (Đnl 15, 19). Ngoài ra, con Dê còn là một món ăn ngon miệng, không phải vì thịt của nó hợp với khẩu vị con người, nhưng bởi nó được coi là vật thanh sạch. Cho nên, người ta được phép dùng con Dê để làm lương thực nuôi sống cơ thể: "Đây là những loài vật anh (em) được ăn: bò, cừu, dê, nai, sơn dương, hoẵng, dê rừng, linh dương, dê sừng dài, cừu rừng" (Đnl 14, 4-5). Nhưng giá trị của con Dê ở chỗ chính là nó được làm lễ vật hiến tế: "Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được" (Xh 12,5), dùng làm của lễ đền tội (Lv 16, 15-22). Như vậy, con Dê trong Kinh Thánh là hình ảnh tốt đẹp khi người ta đề cập đến nó.

Tuy nhiên, người ta còn dùng hình ảnh con Dê để làm biểu tượng cho cái xấu nữa. Đó là biểu tượng của ma quái: "Mèo rừng gặp chó rừng, loài dê ma quái hú gọi nhau. Đó cũng là nơi dung thân của quỷ Li-lit, là chốn hắn nghỉ ngơi" (Is 34, 14). Chính Chúa Giêsu cũng đã dùng con Dê như biểu tượng cho những kẻ xấu bị phán xét trong ngày cánh chung, và bị sa xuống hỏa ngục: "Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái... (Mt 25, 32-33). Lược qua hình ảnh con Dê trong Kinh Thánh, chúng ta thấy Dê có thể được coi là quý giá là hiền, nhưng con Dê cũng có thể bị coi là dữ, là thế lực của lòng tà.

Thế nhưng, hiền hay dữ, tốt hay xấu chẳng qua chỉ là cái nhìn của con người, khi mượn nó để nói lên ý nghĩa tốt hay xấu. Chứ thực ra, Thiên Chúa tạo dựng nên muôn vật đều tốt đẹp (St 1, 25). Qua đó, tất cả  nhận ra hình ảnh tốt-xấu, thiện-ác có thể chính là phản ánh trong bản thân mỗi người. Bởi con người có thể tốt, nhưng cũng có thể xấu. Đó chính là hai thế lực đang ngự trị nơi con người như Thánh Phaolô đã nói: "Sự thiện tôi muốn tôi lại không làm, nhưng sự ác tôi không muốn tôi lại cứ làm" (Rm 7,19). Từ đấy, trong năm Ất Mùi, Thiên Chúa mời gọi mỗi Kitô hữu giữa xã hội nhiễu nhương này cần phân biệt đâu là tốt, đâu là xấu bằng sự khôn ngoan của Thần Khí, để cái gì tốt thì phát huy, xấu thì dẹp bỏ hầu có thể canh tân con người hợp với Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Nhờ vậy, đời sống chúng ta mới luôn tạo được mùi hương hoa đáng quý dâng đời, tặng người.

Ý thức điều đó, dù tất bật cuối năm, các gia đình cha mẹ con cái vẫn cố gắng đến nhà thờ dâng Lễ nguyện cầu, lãnh nhận bí tích Hòa Giải, đồng thời nhất trí với nhau bớt lại một khoản tiền mua sắm để tặng quà cho các bệnh nhân, người già neo đơn đem chút tình mùa Xuân cho những mảnh đời bất hạnh. Ngoài ra, họ cùng các đoàn thể thăm viếng cha nguyên chánh xứ Phêrô đau yếu, và quý cha đang tịnh dưỡng ở nhà hưu Chí Hòa để quý ngài cảm nhận tình cảm thiêng liêng trong gia đình Hội Thánh những ngày Xuân.

Thiết nghĩ, với những hành động "tốt đạo đẹp đời" được thể hiện bằng chính trái tim yêu thương, mỗi người đang góp phần tôn tạo "Vườn Xuân" giáo xứ muôn phần đẹp xinh, gìn giữ sắc xuân "tâm hồn" vững bền theo năm tháng dẫu Xuân nhân gian đến rồi đi qua mau.

"Rồi dập dìu mùa Xuân theo én về" mang theo hơi ấm của đất trời, xua tan băng giá ảm đạm mùa Đông, nhường chỗ cho những tia nắng tinh khôi tỏa lan sắc Xuân dịu dàng. Một mùa Xuân hy vọng cùng nhau chung xây đất nước phồn vinh, người người no ấm. Từng đàn chim tung bay líu lo đón chào mùa Xuân tươi. Qua những công việc phục vụ âm thầm "vì tình yêu Đức Kitô thúc bách", mỗi thành phần dân Chúa Lộc Hưng là những cánh én chuyên chở mùa Xuân hạnh phúc bất diệt cho giáo xứ dấu yêu đón nhận: "Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Người gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi" (Tv 65, 12).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top