Điều độ trong Truyền Thông
TGPSG -- Các phương tiện truyền thông rất cần được sử dụng để học hỏi, làm việc, kinh doanh, loan báo Tin Mừng, giải trí… Biết bao nhiêu người đã gặt hái những thành công vang dội, đạt được những doanh thu khổng lồ nhờ tận dụng các phương tiện truyền thông. Biết bao nhiêu người đã nhờ các trang web và mạng xã hội mà kiến thức được bồi bổ, đời sống đức tin được vững mạnh hơn. Nhiều người đã có thói quen đọc Phụng vụ Giờ Kinh và dùng những suy niệm Lời Chúa trên mạng để rồi cũng đều đặn chia sẻ Tin Mừng trên internet.
Tuy nhiên, giống như trong bao lãnh vực khác, việc sử dụng các phương tiện truyền thông cũng cần phải tuân theo sự điều độ và khôn ngoan. Dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng media - có khi dẫn đến nghiện internet, nghiện game bạo lực và cờ bạc, nghiện sex online… - sẽ có những tác hại khủng khiếp không kém gì nghiện ma tuý. Não bộ sẽ bị tấn công dẫn đến vô số những tác hại trong cuộc sống. Đã có rất nhiều bài viết về những điều này trên mạng internet.
Một trong các chứng nghiện media dễ vướng vào nhất, đó là nghiện ti vi. Ta có thể tìm trên google để thấy vô số những nghiên cứu về tác hại rất lớn của chứng nghiện truyền hình. “Vào năm 2012, một cuộc nghiên cứu dài hạn ở Anh đã báo cáo rằng, sau khi theo dõi và khảo sát 19.000 trẻ em sinh khoảng năm 2000 và 2001, các chuyên viên nhận thấy: những đứa trẻ xem ti vi, video hơn 3 giờ một ngày sẽ có nhiều triệu chứng không tốt - trong cảm xúc, trong sức khoẻ, trong cách ứng xử và trong các mối quan hệ - nhiều gấp 7 lần các đứa trẻ ít xem truyền hình hoặc video” (Trích bài thuyết trình của John Poon trong Bismeet 2015).
Các nghiên cứu cũng cho thấy các thanh thiếu niên miệt mài quá nhiều giờ trên internet, dễ rơi vào nghiện game hoặc nghiện sex online, và gặp những hậu quả xấu sau đây:
- Khó tập trung tinh thần nên kết quả học tập mỗi ngày một kém, không thể tiến xa được,
- Thiếu vui vẻ ở trường học,
- Có cái nhìn tiêu cực về bản thân,
- Dễ thủ dâm, gây rối loạn thần kinh và trầm cảm,
- Không ứng xử tốt với cha mẹ,
- Thích gây hấn và dễ chán nản,
- Gặp nhiều rắc rối trong các mối quan hệ,
- Thường buồn bã và không hạnh phúc,
- Thường mất ngủ khiến thần kinh suy yếu,
- Thiếu thể dục và vệ sinh kém,
- Ít sinh hoạt tập thể nên giao tiếp kém,
- Ít sinh thoạt ngoài trời nên thiếu vitamin D khiến dễ bị còi xương, viêm khớp, đái tháo đường, tim mạch, tai biến, hay bị nhiễm trùng, ung thư…
Ấy là chưa kể đến những vụ án rùng rợn đã xẩy ra bởi những kẻ nghiện game online, thiếu tiền chơi game nên sẵn sàng tìm cách cướp của rồi giết người mà không hề nghĩ đến hậu quả. Vì thế, các khoá học Mục vụ Truyền Thông (MVTT) luôn nhấn mạnh đến linh đạo truyền thông như một phương thế hữu hiệu giúp các học viên biết sử dụng các phương tiện truyền thông cách khôn ngoan, điều độ và đúng cách. Nhờ thấm nhuần linh đạo truyền thông, các thành viên MVTT không những tránh được các thứ nghiện media mà còn tập được các thói quen tốt, càng làm truyền thông càng khoẻ hơn, càng hoàn thiện hơn để mang lại nhiều hoa trái tốt đẹp cho gia đình và xã hội.
“Dường như ngày nay, bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống cũng cần có máy vi tính. Máy vi tính được sử dụng ở khắp mọi nơi. Thông thường, mỗi ngày chúng ta dành khoảng 12-14 giờ đồng hồ trước màn hình vi tính. Điều này rất có hại cho sức khỏe của mắt, thường xuyên gây ra tình trạng mệt mỏi cho mắt, mắt đỏ, ngứa và dần dần sẽ làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của mắt. Điều tốt nhất có thể làm để ngăn chặn triệu chứng này, đó là rời xa máy vi tính, nhưng, đối với một số người, điều đó là không thể. Tuy nhiên, có thể áp dụng một vài mẹo đơn giản để bảo vệ đôi mắt mỗi khi làm việc trước máy vi tính”. Biên dịch từ Ourvanity, tác giả P.L.T đã viết như thế trên trang web Nhân Trí Dũng và đề nghị bảo vệ mắt bằng cách: Sắp xếp không gian làm việc hợp lý với vi tính, nghỉ giải lao trong quá trình làm việc, thể dục đặc biệt cho mắt, chớp mắt nhiều lần và sử dụng thuốc nhỏ mắt. Đặc biệt, bài “Mắt và máy vi tính” này cảnh báo:
“Không có gì quan trọng hơn việc đảm bảo sức khỏe của đôi mắt. Vì thế, nên dành khoảng nửa giờ hoặc một giờ đồng hồ để nghỉ ngơi. Nhưng giải lao thường xuyên sẽ tốt hơn: Nghỉ khoảng 5 phút sau 30 phút làm việc, hoặc nghỉ 10 phút sau 1 giờ làm việc. Hãy nhìn vào một đối tượng ở khoảng cách xa, nếu có thể, hoặc đứng lên, đi lại một vài phút…”
Các khóa Linh đạo Truyền Thông không chỉ nhắc các học viên giữ gìn cặp mắt thể xác khỏe mạnh khi làm việc với vi tính, mà còn đặc biệt nhắc nhở họ phải cảnh giác bảo vệ con mắt tâm hồn khỏi bị ô uế vì những điều xấu xa khi lướt web. Phải thấy rõ những tác hại khủng khiếp của chúng: những hình ảnh xấu sẽ tấn công não bộ con người, làm rối loạn các đường dây của hệ thống thần kinh, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cũng như cách ứng xử, khiến người ta có nhiều hành vi không tốt. Cần bước vào mạng internet trong tư thế của một kẻ “sẵn sàng tử đạo”, sẵn sàng hy sinh, mới có thể can đảm mạnh mẽ thắng được sự tò mò cùng những ham thích của bản năng, để dứt khoát đứng dậy khi những hình ảnh xấu xuất hiện trên màn hình vi tính. Bằng không thì những dạng nghiện internet rất nguy hại trên đây sẽ là điều khó tránh khỏi…
Trong 10 câu hỏi về linh đạo truyền thông được đặt ra cho các học viên của khoá MVTT Tổng Quan, có một câu hỏi: Chỉ khi biết truyền thông trong Chúa, hoa trái của truyền thông mới phong phú và bền bỉ; vậy thế nào là truyền thông trong Chúa? Và câu trả lời được gợi ý với những ý tưởng của nhà thơ Tagor: Người dấn thân truyền thông trong Chúa là người biết cầu nguyện với Chúa rằng: “Chỉ mong con chẳng còn là chi - để Chúa nên tất cả của con. Mong sao cho ý riêng của con chẳng còn - để con luôn truyền thông trong Chúa.” Phải bỏ đi những ý riêng lăng loàn, dẹp đi những ham thích chạy theo những hình ảnh thoả mãn bản năng thì mới truyền thông trong Chúa được.
Vâng, mong sao cho ý riêng của con chẳng còn - để con luôn được ở trong Chúa và luôn truyền thông trong Chúa…
Linh Hũu (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
-
Chủ đề được chọn cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 58 năm 2024 -
ĐTC nhắc rằng các nhà báo không được đưa tin giả và hùng biện kiểu hiếu chiến -
Người đàn ông theo đạo Hindu trở lại Công giáo sau khi gặp gỡ Carlo Acutis -
Lòng yêu mến bí tích Thánh Thể của Chân phước Carlo Acutis -
Bộ Truyền thông: 9 cách để mạng xã hội trở nên hữu hiệu hơn -
MV “Nói Bằng Trái Tim” và tầm quan trọng của sự dịu dàng -
Đấng Đáng kính Fulton John Sheen (1895 - 1979): nhà truyền giáo bằng truyền thông -
Người Kitô hữu trước vấn nạn tham gia mạng xã hội -
Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước: 3 cột trụ trong truyền thông
bài liên quan đọc nhiều
- 17 điều mọi người Công Giáo nên biết về Carlo Acutis
-
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng -
Tuyệt tác “Thần Khúc” của Dante và bản dịch của Đình Chẩn -
Lòng yêu mến bí tích Thánh Thể của Chân phước Carlo Acutis -
ĐTC nhắc rằng các nhà báo không được đưa tin giả và hùng biện kiểu hiếu chiến -
Cài đặt Ứng dụng TGP SAIGON trên điện thoại di động -
Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước: 3 cột trụ trong truyền thông -
Chủ đề được chọn cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 58 năm 2024 -
Thức dậy trong thời dịch bệnh Covid -
Khi dâm ô gõ cửa nhà bạn