Thánh Edith Stein, sự đồng cảm và trí tuệ nhân tạo
TGPSG/ Aleteia -- Một hệ thống vô cảm mà lại được giao nhiệm vụ quan tâm đến cảm xúc của con người – điều này có thể làm xói mòn chính kỹ năng mà chúng ta cần bảo vệ nhất trong một thế giới đầy những rạn nứt này: đó là sự đồng cảm.
Đối với Edith Stein (1891–1942) - một triết gia, cũng là người Công giáo tân tòng và sau này trở thành nữ tu dòng Cát Minh - sự đồng cảm không chỉ đơn thuần là một cảm xúc hay một bài tập tinh thần để đặt mình vào vị trí của người khác.
Trong tác phẩm đầu tay (vào năm 1917) của mình, On the Problem of Empathy (Về vấn đề Đồng cảm), Edith Stein trình bày sự đồng cảm như một dạng trải nghiệm độc đáo - không phải là trí tưởng tượng hay suy luận. Theo lời ngài, đó là một hành vi trực tiếp, có chủ đích của ý thức, trong đó chúng ta được cuốn vào cuộc sống cảm xúc của người khác mà không đánh mất bản sắc riêng biệt của họ.
Stein nhận thấy rằng khi đồng cảm, chúng ta không sao chép hoặc hấp thụ cảm xúc của người khác. Thay vào đó, chúng ta trực tiếp cảm nhận những cảm xúc này. Chúng ta nhìn thấy nỗi buồn trên khuôn mặt của một người bạn và ngay tại khoảnh khắc đó, chúng ta bắt gặp cảm xúc ấy - không phải là những gì ta đã từng cảm nhận trước đây, mà là những gì rất mới mẻ đang sống động trong tâm hồn người đối diện.
Đó là trải nghiệm của một người về cuộc sống nội tâm của người khác. Quan trọng là, sự đồng cảm không làm mờ ranh giới giữa bản thân mình và người khác. Nó cho phép chúng ta vẫn là chính mình, đồng thời chân thành bước vào trải nghiệm sống của người khác, với sự cẩn trọng và kiềm chế. Sự cân bằng này - gần gũi mà không chiếm đoạt - khiến sự đồng cảm không chỉ là một hành vi cảm xúc mà còn là một hành vi đạo đức.
Sau đó, khi đã xử lý những gì mình trải nghiệm, chúng ta kết hợp nhận thức cảm xúc này với những suy xét của lý trí. Chúng ta bắt đầu diễn đạt và hiểu được bản chất của những gì người kia đang trải qua. Đối với Stein, sự kết hợp giữa tình cảm và trí tuệ này tạo thành cốt lõi của tính liên chủ thể - nền tảng của cộng đồng thực sự.
Sự đồng cảm và (đối chiếu với) AI
Trong thời đại ngày càng được định hình bởi trí tuệ nhân tạo, những hiểu biết sâu sắc của Stein vừa cao đẹp vừa mang tính cảnh báo.
Các hệ thống AI ngày nay có thể tạo ra những phản ứng có vẻ như đồng cảm. Chatbot có thể đưa ra những lời an ủi, các thuật toán có thể phát hiện ra nỗi buồn trong giọng nói hoặc sự do dự trong văn bản. Những phản ứng này có vẻ thực sự giống như con người. Nhưng tư tưởng của Stein cho ta thấy rằng: chúng thiếu sự hiện diện.
Ngôn ngữ cảm xúc của AI, cho dù được trau chuốt đến đâu đi nữa, cũng không bắt nguồn từ sự tương tác thực sự với trải nghiệm của người khác. Đó chỉ là sự bắt chước không có ý thức.
Nghĩa là, trí tuệ nhân tạo vẫn có thể phục vụ, nhưng không thay thế được sự đồng cảm giữa hai con người với nhau. Các công cụ AI có thể đề nghị những cách thức nhẹ nhàng hơn để diễn đạt những sự thật khó khăn, giúp người ta giao tiếp với lòng trắc ẩn hơn. Khi được sử dụng theo cách này - như một trợ lý thay vì thay thế - AI có thể khuếch đại và thậm chí tinh chỉnh khả năng chú ý và quan tâm của chúng ta.
Tuy nhiên, ranh giới giữa hỗ trợ và thay thế rất mong manh và dễ bị vượt qua.
Có nguy cơ thực sự khi chúng ta quen sử dụng máy móc mô phỏng sự hiện diện cảm xúc của con người, chúng ta có thể đánh mất thói quen tạo sự đồng cảm giữa những người thật với nhau. Một hệ thống vô cảm mà lại được giao nhiệm vụ quan tâm đến cảm xúc của con người – điều này có thể làm xói mòn chính kỹ năng mà chúng ta cần bảo vệ nhất trong một thế giới đầy những rạn nứt này: đó là khả năng nhìn thấy và phản ứng với nỗi đau của người khác - không phải như là những dữ liệu, mà như là sự hiện diện với nhau.
Tầm nhìn về sự đồng cảm của Edith Stein vừa đòi hỏi vừa giải gỡ cho chúng ta. Nó kêu gọi chúng ta không cảm nhận người khác một cách trừu tượng, mà hãy đồng hành cùng họ (và được đồng hành) trong thực tế - để gặp gỡ họ như họ vốn có, với tâm trí tỉnh táo và trái tim đồng điệu.
Sự đồng cảm theo nghĩa này không bao giờ chỉ đơn thuần mang tính hiệu quả hay chức năng. Nó luôn là một hành vi của tình yêu. Trong thời đại của máy móc hiện đại cùng với những câu trả lời đạt được quá mau chóng, tư tưởng của thánh Edith Stein nhắc nhở chúng ta rằng: không gì có thể thay thế được chiều sâu của cuộc gặp gỡ thực sự giữa người với người.
Khi công nghệ đang tạo nguy cơ làm mất đi mối tương tác thực sự, Thánh Edith Stein nhắc nhở chúng ta rằng: đồng cảm là hành vi của tình yêu, giúp chúng ta kết nối với nhau cách chân thật và sâu sắc. Không gì có thể thay thế được chiều sâu gặp gỡ và đồng cảm giữa hai tâm hồn. Đồng cảm - để có thể hiện diện và đồng hành cùng nhau trong cuộc sống - sẽ tạo nên một cuộc sống đầy ý nghĩa trong yêu thương, như Chúa đã dạy chúng ta.
Tác giả: Daniel Esparza
Minh Hà (TGPSG) biên dịch từ Aleteia
bài liên quan mới nhất

- Đức Lêô XIV: AI phải phục vụ cho đối thoại và tình huynh đệ
-
Sứ vụ truyền thông hôm nay dưới ánh sáng tư tưởng của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV -
Sự đói khát tâm linh trong thời đại AI -
Đức Giáo hoàng Lêô XIV coi trí tuệ nhân tạo là vấn đề hàng đầu -
Chia sẻ niềm hy vọng cách hiền hòa để nâng đỡ và chữa lành -
Đức Thánh Cha Lêô XIV đăng bài viết đầu tiên trên các tài khoản mạng xã hội của Giáo hoàng -
Đức Thánh Cha Lêô XIV: Hãy giải trừ vũ khí trong lời nói và chúng ta sẽ giúp giải trừ vũ khí trên Trái Đất -
Đức Giáo hoàng Lêô XIV và phương tiện truyền thông trong công cuộc loan báo Tin Mừng – Toàn văn cuộc phỏng vấn năm 2012 -
Cơ hội và thách thức của AI nơi học đường -
Toà Thánh: Quản lý trí tuệ nhân tạo để phát triển cân bằng và có đạo đức
bài liên quan đọc nhiều

- 17 điều mọi người Công Giáo nên biết về Carlo Acutis
-
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng -
Tuyệt tác “Thần Khúc” của Dante và bản dịch của Đình Chẩn -
ĐTC nhắc rằng các nhà báo không được đưa tin giả và hùng biện kiểu hiếu chiến -
Lòng yêu mến bí tích Thánh Thể của Chân phước Carlo Acutis -
Chủ đề được chọn cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 58 năm 2024 -
Cài đặt Ứng dụng TGP SAIGON trên điện thoại di động -
Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước: 3 cột trụ trong truyền thông -
Thức dậy trong thời dịch bệnh Covid -
Khi dâm ô gõ cửa nhà bạn