Tuyệt tác “Thần Khúc” của Dante và bản dịch của Đình Chẩn
TGPSG -- “Không còn nghi ngờ gì nữa. Dante là một thiên tài. Thần khúc là một kiệt tác. Đã bảy trăm năm trôi qua mà Dante vẫn còn được ngưỡng mộ. Và Thần khúc vẫn còn làm say đắm lòng người. Đã có bao nhiêu hội thảo thuyết trình về Dante và Thần khúc? Đã có bao nhiêu bài viết về Dante và Thần khúc? Thật rất khó để đếm!...
Thật vui mừng khi linh mục Đình Chẩn đã dày công chuyển dịch trọn bộ tác phẩm Thần khúc sang tiếng Việt. Dịch giả đã vượt qua được hết những bức tường ngăn cách để đến với Thần khúc và Dante. Và trở về, dịch giả đã đem Dante và Thần khúc đến với người Việt. Vượt qua những bức tường ở chiều ngược lại, dịch giả khiến cho Dante và Thần khúc rất gần gũi với chúng ta. Không kể những thể thơ quen thuộc như lục bát, song thất lục bát, xen lẫn với các thể nói lối, chầu văn, có cả thơ mới tám chữ, tự do, còn có cách dùng chữ rất quen thuộc và rất Việt Nam…”
“Thần Khúc của Dante được gọi là một tuyệt phẩm, tuyệt phẩm ấy được cưu mang và sinh thành trong chiếc nôi văn hoá Hy Lạp cổ đại với rất nhiều bóng dáng của truyền thuyết đã được thu nhận và thích nghi bởi văn hoá Rôma, lại được kế thừa và phát triển xuyên suốt dòng lịch sử ngàn năm của Tây Phương…
Thần Khúc Thiên Đàng của Dante là kết tinh của một trực giác được nhào luyện từ kinh nghiệm đậm tính khải huyền của Kinh Thánh. Thi sĩ nâng mình lên chín tầng trời cao vời vợi để chiêm ngắm say sưa thế giới siêu nhiên, để vươn đến Thiên Chúa. Độc giả được dẫn đi lần lượt băng qua vùng trời của các tinh cầu, theo thứ tự gồm: (1) Mặt Trăng (ca khúc I-V), (2) Sao Thủy (ca khúc VI-VII), (3) Sao Kim (ca khúc VIII-IX), (4) Mặt Trời (ca khúc X-XIVa), (5) Sao Hỏa (ca khúc XIVb-XVIIIa), (6) Sao Mộc (ca khúc XVIIIb-XX), (7) Sao Thổ (ca khúc XXI-XXIIa). (8) Sao Thiên Vương là vùng trời của các thần Kê-ru-bim (ca khúc XXb-XXVII), và (9) Định Tinh là vùng trời của các thần Xêraphim (ca khúc XVIII-XXIX)…
Trước Đình Chẩn, đã có một số tác giả thử sức trong việc dịch Thần Khúc sang Tiếng Việt. Mỗi dịch giả đều có một nguồn gốc xuất thân khác nhau, bối cảnh văn hoá và công việc khác nhau, đều có những thuận lợi và bất lợi khác nhau. Dẫu vậy, có thể nhìn thấy nơi Đình Chẩn sự hội tụ của nhiều yếu tố cần thiết để có thể tiến rất gần đến việc đọc và hiểu Thần Khúc của Dante một cách ít khập khiễng nhất. Ai cũng biết rằng Thần Khúc là một tuyệt tác. Nhưng không phải ai cũng thưởng thức được tác phẩm ấy tuyệt như thế nào. Không phải ai cũng có thể giúp độc giả thưởng thức được cái tuyệt của tác phẩm. Bản dịch của Đình Chẩn là một nỗ lực rất đáng trân trọng trong việc giúp chúng ta thưởng nếm sự trác tuyệt của Dante. Đây là một bản dịch rất khác biệt…
Dịch giả Đình Chẩn còn chu đáo để lại rất nhiều ghi chú giải thích những điểm khó hiểu và xa lạ với văn hoá chúng ta: những điển tích, những tên riêng, những ám chỉ, những hình ảnh ẩn dụ… Mọi thứ đã như một bàn tiệc được bày sẵn. Mời bạn đến tham dự. Chúc bạn cảm nếm được sự trác tuyệt của Thần Khúc, tuyệt phẩm sống mãi với thời gian trong dòng văn chương Kitô giáo.”
Xin trích dẫn một đôi lời trên đây của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và Linh mục Cao Gia An, SJ. để thấy giá trị của bản dịch tác phẩm “Thần Khúc” do linh mục Đình Chẩn (Giuse Trần Văn Đỉnh) thực hiện. Bộ sách này của linh mục Đình Chẩn rất xứng đáng hiện diện trong tủ sách cá nhân và tủ sách gia đình của chúng ta.
Sau đây là nguyên văn những lời giới thiệu của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và Linh mục Cao Gia An, SJ. về tác phẩm dịch thuật rất có giá trị này.
LỜI GIỚI THIỆU THẦN KHÚC - QUA BẢN DỊCH CỦA ĐÌNH CHẨN
Không còn nghi ngờ gì nữa. Dante là một thiên tài. Thần khúc là một kiệt tác. Đã bảy trăm năm trôi qua mà Dante vẫn còn được ngưỡng mộ. Và Thần khúc vẫn còn làm say đắm lòng người. Đã có bao nhiêu hội thảo thuyết trình về Dante và Thần khúc? Đã có bao nhiêu bài viết về Dante và Thần khúc? Thật rất khó để đếm!
Thật kỳ diệu một kiệt tác. Đó là vẻ đẹp tinh khôi nguyên tuyền. Nhìn đâu cũng thấy đẹp. Kỳ diệu nhất là ai cũng thấy mình trong đó. Giáo hội tán dương Thần khúc là một lời tuyên xưng đức tin tuyệt hảo. Nước Ý tự hào Thần khúc là áng thi ca làm rạng ngời ngôn ngữ tuyệt vời này. Thế giới yêu mến Thần khúc đã nói lên tâm tư nguyện vọng của mọi người mọi nơi mọi thời.
Thật kỳ diệu một thiên tài. Thiên tài như người nắm giữ chân lý. Có sức thuyết phục không thể cưỡng lại. Có thể quy tụ những điều khác biệt. Thần khúc là một tác phẩm trình bày đức tin công giáo. Nhưng trong đó có đầy đủ tất cả. Từ triết học đến thần học. Từ xã hội đến chính trị. Từ nhân quyền đến lương tâm. Từ yêu thương đến hận thù. Từ trung tín đến phản bội. Từ tự nhiên đến siêu nhiên. Từ thưởng công đến phạt tội.
Dante là một thiên tài hiếm có. Thần khúc là một giá trị ngàn năm. Ai cũng muốn được thưởng thức. Ai cũng muốn giới thiệu cho người thân để cùng chia sẻ tuyệt tác nâng cao tâm hồn và tri thức này. Nhưng ở đây ta vấp phải những bức tường ngăn cách. Có bức tường ngôn ngữ. Có bức tường văn hoá. Có bức tường lịch sử. Có bức tường thi ca. Để đọc và hiểu được tác phẩm quý giá này đòi phải vượt qua ngần ấy bức tường. Nhưng để chuyển dịch thành ngôn ngữ quê hương cũng phải vượt qua ngần ấy bức tường ở chiều ngược lại.
Thật vui mừng khi linh mục Đình Chẩn đã dày công chuyển dịch trọn bộ tác phẩm Thần khúc sang tiếng Việt. Dịch giả đã vượt qua được hết những bức tường ngăn cách để đến với Thần khúc và Dante. Và trở về dịch giả đã đem Dante và Thần khúc đến với người Việt. Vượt qua những bức tường ở chiều ngược lại, dịch giả khiến cho Dante và Thần khúc rất gần gũi với chúng ta. Không kể những thể thơ quen thuộc như lục bát, song thất lục bát, xen lẫn với các thể nói lối, chầu văn, có cả thơ mới tám chữ, tự do, còn có cách dùng chữ rất quen thuộc và rất Việt nam. Xin đưa ra vài ví dụ tiêu biểu:
Sử dụng điệp ngữ
"Khi ráng tới chân đồi thanh vắng
Xa lánh xa thung lũng tuyệt mòn
Vơi lắng vơi vẻ mệt héo hon
Ngước trông lên thấy sườn non biêng biếc."
"Ba ác thần vấy máu lỏm lòm lom
Mấy động thái giương hàm hanh hách."
Vận dụng tục ngữ ca dao
"Như con bạc thiêu thân mơ ăn cả
Chốt canh mờ thờ thẫn ngã về không
Thân tàn ma dại, mèo mả gà đồng."
"Tưởng vuốt tham không đáy mở lượng tha ngươi!?
Thì đợi đấy! Túm được voi, vòi được tiên chưa thỏa!
Bè hoang thú kết dây mơ rễ má!
Lũ điếm đàng dệt vây ả ám mờ!"
“Yêu nhau vạn khó không nề
Dù trăm chỗ lệch, cũng kê cho bằng”!
“Thiên Đàng Hoả Ngục đôi quê
Ai khôn thì về, ai dại thì sa”
Lẩy Kiều, trích Kiều
"Đường xa đưa lối, lời vàng dạ xuôi
Cho ngọc thốt, cho hoa cười
Dù chưa nguy kịch cũng cậy Người ra tay!"
"Ngục sầu ôn phút uyên ương
mây trôi bèo dạt trăm đường xót xa!
(Đau đớn thay phận đàn bà
lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!) (Kiều)
Tấc thành muốn xẻ não nùng..."
Sử dụng điển ngữ quen thuộc
"Mắt nàng tinh tú sa kỳ
Hằng Nga cởi dép! Tây Thi vén rèm!"
"Mối thù càng chất càng đầy
Nồi da xáo thịt nát thây tội tình."
Sử dụng đối ngẫu
"Hỡi Cà Rồng, cớ chi rủa rủa khùng khùng?
Ôi Quỷ Sứ, sao cứ gầm gầm quát quát?"
"Ngay tức thì, hắn đơ điếng, râu xồm xoàm quét quét
Nhưng sau đó, chân đảo điên, mắt lửa chiến bừng bừng."
"Đồ rủa cha, khinh mẹ, chửi mèo, mắng chó
Bọn giết vợ, rẫy chồng, phụng rẽ, loan chia
Lũ giày xéo quê hương, khẩu phật tâm xà
Phường xảo gian thế giới, mưu ma chước quỷ."
Vận dụng truyện cổ tích
“Vừng ơi, mở cửa!” như không
Chẳng gì cản được thần thông tay Người.
Nhiều người nói Dante rất gần gũi Nguyễn Du. Cả hai là những đại thi hào. Cả hai đã có những tác phẩm thi ca đồ sộ. Cả hai đã đưa ngôn ngữ quê hương mình lên tầm mức tinh tế và trong sáng.
Nhưng tôi thấy Dante rất gần gũi với Hàn mặc Tử. Cả hai đều là những tín hữu thuần thành. Cả hai có đức tin sâu sắc. Nhất là cả hai đã kết tinh đức tin trong những vần thơ tuyệt diệu. Tạo nên một vẻ đẹp không gì so sánh được. Chính vẻ đẹp ấy có sức thuyết phục và quy tụ mọi người. Xin trích một đoạn mở đầu phần Thiên Đàng:
Hào quang giãi sóng thiêng chao
sáng lừng vạn thế, sáng bao la trời
lừng lẫy sáng! Láng tùy nơi
láng đường hoan hảo, lẫy lời diệu ngân.
---o0o---
Đây Thiên Cung sáng tuyệt thần diễm lệ
hớp hồn say hào quang mĩ miều bay
lòng chìm lắng, chìm, say, đắm, ngất ngây
chao! Lặng nghe vô ngôn lời khôn tả!
Hồn khát về Cực Thánh thơm vô giá
dạ mong đến Vô Cùng kiếm khôn nguôi
càng mê say càng vươn tới muôn trời
vượt trên hết quan năng ngàn kí ức
Nguồn sáng rợp khắp thiên đường nưng nức
tâm trí say sưa rạo rực nguyên châu
Sông ngân reo khúc nhiệm màu…!
Xuyên qua bản dịch của linh mục Đình Chẩn, chúng ta sẽ phần nào thưởng thức được vẻ đẹp muôn đời của Thần khúc và tài năng phi thường của Dante. Tôi tin rằng vẻ đẹp thuần khiết của tác phẩm này sẽ nâng cao tâm hồn và đưa chúng ta lại gần nhau. Như tư tưởng của Teilhard de Chardin, nhà khảo cổ nổi tiếng: ĐĂNG GIẢ HỘI[1]. Vì thế tôi trân trọng giới thiệu tác phẩm Thần khúc của Dante, qua ngòi bút dịch thuật của linh mục Đình Chẩn.
Châu Sơn đầu xuân Nhâm Dần
+Giuse Ngô quang Kiệt
Nguyên TGM Hà Nội
GIỚI THIỆU THẦN KHÚC THIÊN ĐÀNG
QUA BẢN CHẤP BÚT CỦA ĐÌNH CHẨN
Năm Thần học thứ I tại Đại Học Giáo Hoàng Gregoriana ở Rôma, tôi bắt đầu mon men đọc Thần Khúc của Dante. Thấy tôi mê mẩn cắm cúi trên tập sách dày cộm, một anh bạn người Ý ở cùng Học Viện nheo nheo mắt cười: “chúc may mắn nhé!”
Sau một thời gian vật vã, tôi mới hiểu ra lời chúc của anh bạn. Từ vốn liếng kinh nghiệm vài năm học hành và làm việc ở Roma, tôi cứ tưởng tiếng Ý của mình đã đủ tốt để có thể đọc được Thần Khúc. Nhưng tôi đã lầm. Thần Khúc không phải là một tác phẩm dễ đọc ngay với cả người Ý, huống chi là với một sinh viên Châu Á như tôi!
Hơn mười năm sau tôi lại mon men tập đọc Thần Khúc, vì không cam tâm chỉ làm kẻ đứng bên ngoài một kho tàng kỳ bí, một khu vườn diễm lệ và ngào ngạt sắc hương như thế. Một thế giới bao la vẫn không ngừng vẫy gọi và chờ tôi khám phá. Lần này, tôi ý thức hơn về những khó khăn đang chờ đợi mình.
Khó khăn đầu tiên vẫn là khoảng cách về ngôn ngữ và văn hoá. Ra đời vào cuối thời Trung Cổ, lại được viết bằng phương ngữ vùng Florentina, Thần Khúc của Dante luôn là một thách thức to lớn với bất cứ học giả nào thuộc văn hoá hiện đại. Dò dẫm manh nha để tiến lại gần thì nhiều người có thể. Nhưng để thưởng thức được bút pháp, nhận ra được thần thái, và cảm thụ được hồn thơ của một thi sĩ tài hoa như Dante thì rất khó. Thần Khúc sử dụng rất nhiều thành ngữ, lối nói, và nhất là nhịp thơ độc đáo của vùng Toscana. Lối hành thơ được xây dựng theo đơn vị khổ, mỗi khổ 3 dòng và mỗi dòng 3 nhịp thơ. Rất khó để chuyển dịch nhịp thơ này sang các ngôn ngữ khác.
Thêm nữa, nếu Thần Khúc của Dante được gọi là một tuyệt phẩm, tuyệt phẩm ấy được cưu mang và sinh thành trong chiếc nôi văn hoá Hylạp cổ đại với rất nhiều bóng dáng của truyền thuyết đã được thu nhận và thích nghi bởi văn hoá Rôma, lại được kế thừa và phát triển xuyên suốt dòng lịch sử ngàn năm của Tây Phương. Thế nhưng văn hoá Kitô giáo mới chính là linh hồn của Thần Khúc. Ngoài những điển tích đến từ văn hoá Hylạp và Roma cổ đại, xuyên suốt khắp tác phẩm là vô số hình ảnh mang tính ẩn dụ và biểu tượng chỉ có thể hiểu được đối với một người sinh ra và lớn lên trong lòng Kitô giáo. Dante minh nhiên đề cập đến Đức Trinh Nữ Maria, các thánh Tông Đồ như Phêrô, Gioan, Giacôbê, các Thánh Augustinô, Biển Đức, Đamianô, Bênađô, Đaminh, Tôma, Phanxicô Assisi, Bônaventura… Có cả Hoàng Đế Constantinô, người khởi đầu dòng lịch sử Giáo Hội Kitô giáo trên toàn cõi Rôma, hay Carlo Đại Đế, vị Hoàng Đế đầu tiên của Thánh Quốc Rôma. Có bóng dáng của các cuộc Thập Tự chinh và những biến loạn của Giáo Hội trong suốt thời Phục Hưng. Có vô số hình ảnh biểu tượng của Kitô giáo như các nhân đức đối thần, các nhân đức trụ, các bí tích, những trực giác thần bí, những hình ảnh ẩn dụ về đức tin, về Giáo Hội… Đó là chưa kể đến những yếu tố ngôn ngữ và hình ảnh chịu nhiều ảnh hưởng từ dòng văn chương cánh chung và khải huyền của Kinh Thánh.
Có thể nói rằng Thần Khúc là một mảnh đất dày, kết tinh từ nhiều yếu tố ngôn ngữ, văn hoá, nghệ thuật, lịch sử, triết học, tính trí tuệ và học thuật, nền thần học Kitô giáo, vũ trụ quan của Do-thái giáo, đậm đặc yếu tố văn chương và tôn giáo khởi nguồn từ Kinh Thánh. Chỉ cần thiếu một trong những yếu tố trên, việc đọc và hiểu Thần Khúc liền trở nên khập khiễng.
Thế nhưng Thần Khúc là gì? Phân khúc Thiên Đàng nằm ở đâu trong Thần Khúc? Có gì đặc biệt trong Thần Khúc Thiên Đàng của Dante? Có gì đặc biệt trong bản dịch Thần Khúc Thiên Đàng của tác giả Đình Chẩn? Làm sao để một độc giả bình dân có thể khởi đầu việc đọc hiểu và thưởng thức tác phẩm này?
Thần Khúc là tên được dịch từ tiêu đề tiếng Ý, “Divina Commedia”. Divina, “Thần”, là tính từ được thêm vào tiêu đề sau hơn 150 năm tồn tại của tác phẩm, như một lời ca tụng và tán dương vẻ đẹp kỳ diệu của áng thơ bất hủ này. Nguyên gốc, tác phẩm được chính tác giả Dante gọi là Commedia. Thật ra, Commedia là thuật ngữ chỉ về tên của một thể văn hơn là tên của một tác phẩm. Cần biết rằng có hai thể loại chính trong văn chương và kịch nghệ Hylạp[2]. Thể loại thứ nhất thường khởi đầu với bối cảnh của một cuộc sống tốt đẹp, đầy những yếu tố tích cực và màu sắc vui tươi, nhưng lại kết thúc không có hậu với những nỗi đau, đổ vỡ, và cái chết. Thể loại ấy được gọi là Tragedia, bi kịch. Ngược với Tragedia là Commedia. Chữ Commedia dễ bị hiểu lầm khi được dịch sang ngôn ngữ hiện đại là Commedy, hài kịch. Commedia trong văn thơ và nhạc kịch của Hylạp thật ra chẳng có gì lên quan đến yếu tố hài hước. Thể loại này thường khởi đầu với một vấn nạn về cuộc sống, được phát triển với những gút thắt kịch tính, nhưng luôn khép lại bằng một kết thúc có hậu. Trọn vẹn tác phẩm của Dante có cấu trúc theo thể loại này: khởi đầu với những yếu tố tiêu cực (Hoả Ngục), băng qua những khó khăn và thử thách (Luyện Ngục) để hướng đến một kết thúc viên mãn (Thiên Đàng). Với cấu trúc 3 bước như thế, Dante có lý do để gọi tác phẩm của mình là Commedia.
Như thế, tác phẩm Divina Commedia gồm ba phần: Địa Ngục, Luyện Ngục, và Thiên Đàng. Mỗi phần gồm 33 ca khúc liên tiếp nhau. Tính luôn cả ca khúc dẫn nhập, trọn vẹn tác phẩm bao gồm 100 ca khúc. Thiên Đàng là phần thứ ba. 33 ca khúc của Thiên Đàng hướng toàn tác phẩm đến một kết thúc có hậu, một kết cục viên mãn.
Thần Khúc Thiên Đàng của Dante là kết tinh của một trực giác được nhào luyện từ kinh nghiệm đậm tính khải huyền của Kinh Thánh. Thi sĩ nâng mình lên chín tầng trời cao vời vợi để chiêm ngắm say sưa thế giới siêu nhiên, để vươn đến Thiên Chúa. Độc giả được dẫn đi lần lượt băng qua vùng trời của các tinh cầu, theo thứ tự gồm: (1) Mặt Trăng (ca khúc I-V), (2) Sao Thủy (ca khúc VI-VII), (3) Sao Kim (ca khúc VIII-IX), (4) Mặt Trời (ca khúc X-XIVa), (5) Sao Hỏa (ca khúc XIVb-XVIIIa), (6) Sao Mộc (ca khúc XVIIIb-XX), (7) Sao Thổ (ca khúc XXI-XXIIa). (8) Sao Thiên Vương là vùng trời của các thần Kê-ru-bim (ca khúc XXb-XXVII), và (9) Định Tinh là vùng trời của các thần Xêraphim (ca khúc XVIII-XXIX).
Cần lưu ý rằng vũ trụ như được miêu tả trong Thiên Đàng không phải là một vũ trụ vật chất. Chín tầng trời của Dante là một kết hợp độc sáng giữa nhãn quan thiên văn học của Ý thời ấy và nhãn quan thần học Kitô Giáo. Chín tầng trời tương ứng với chín phẩm Thiên Thần như được cưu mang trong não trạng Kinh Thánh của người Do-thái. Tất cả chín tầng trời đều quy về một mối, tất cả chín phẩm Thiên Thần đều quy phục và hướng về trung tâm ở tầng trời thứ 10 là Thiên Đình, nơi có ngai toà của Thiên Chúa (ca khúc XXX-XXXIII). Và như thế, Thần Khúc Thiên Đàng khiến người đọc choáng ngợp trong thế giới linh thánh mới mẻ của cõi trời cao, của ánh sáng lung linh ảo huyền, của thế giới rỡ ràng hạnh phúc của các thiên thần và các thánh. Được mô tả bằng vẻ tráng lệ của nghệ thuật, nhưng thế giới ấy chỉ có thể cảm thụ được bằng cặp mắt chiêm niệm của đức tin.
Trước Đình Chẩn, đã có một số tác giả thử sức trong việc dịch Thần Khúc sang Tiếng Việt. Mỗi dịch giả đều có một nguồn gốc xuất thân khác nhau, bối cảnh văn hoá và công việc khác nhau, đều có những thuận lợi và bất lợi khác nhau. Dẫu vậy, có thể nhìn thấy nơi Đình Chẩn sự hội tụ của nhiều yếu tố cần thiết để có thể tiến rất gần đến việc đọc và hiểu Thần Khúc của Dante một cách ít khập khiễng nhất. Ai cũng biết rằng Thần Khúc là một tuyệt tác. Nhưng không phải ai cũng thưởng thức được tác phẩm ấy tuyệt như thế nào. Không phải ai cũng có thể giúp độc giả thưởng thức được cái tuyệt của tác phẩm. Bản dịch của Đình Chẩn là một nỗ lực rất đáng trân trọng trong việc giúp chúng ta thưởng nếm sự trác tuyệt của Dante. Đây là một bản dịch rất khác biệt.
Thứ nhất, bản dịch này dẫn chúng ta trở lại với ngôn ngữ quen thuộc của nhà Đạo. Dante là một thi sĩ Kitô giáo. Các dịch giả không phải là Kitô hữu và xa lạ với văn hoá thần học Kitô giáo sẽ gặp rất nhiều bối rối và lẫn lộn khi phải đối diện với những thuật ngữ chuyên biệt của nhà Đạo trong thơ Dante. Với bản dịch của Đình Chẩn, các tên riêng, các danh từ riêng, các thuật ngữ nhà Đạo… được định danh lại cách đúng đắn và chính xác trong Tiếng Việt. Ngoài ra, một nỗ lực rất đáng được ghi nhận là việc toàn bộ tên riêng của các nhân vật trong Thần Khúc đều được dịch hoặc ký âm sang Tiếng Việt để tạo một cảm giác quen thuộc nhất định với độc giả người Việt. Không quá khi nói rằng bản dịch của Đình Chẩn là một nỗ lực Việt hoá Thần Khúc.
Thứ hai, có thể thấy rất rõ rằng tác giả đã không bằng lòng với việc chỉ dịch nghĩa của những câu thơ của Dante, cũng không hài lòng với việc chỉ tạo ra một bản dịch như văn xuôi và có chút hơi hướng của thơ. Tác giả đã vật lộn để tìm cách diễn lại cái thần của Thần Khúc, để bản Tiếng Việt của Thần Khúc thật là thơ.
Hãy thử đọc qua khúc dạo đầu như được diễn lại bởi các dịch giả khác nhau:
Vinh quang của người làm chuyển động muôn vật,
Xâm nhập vũ trụ và chiếu sáng
Nơi này nhiều còn nơi khác ít hơn.
Tôi đã đến bầu trời tiếp nhận nhiều ánh sáng nhất,
Đã thấy nhiều điều mà người từ trên đó trở về
Không biết hoặc không thể kể lại.
Vì khi đến gần điều mong muốn,
Trí tuệ ta thường thâm nhập quá sâu,
Và ký ức đã không theo kịp.
Tất cả những gì tôi biết về Vương quốc thần thánh,
Sẽ tạo nên một kho báu trong tôi,
Từ nay thành đề tài bài ca của tôi.
(Bản dịch của Nguyễn Văn Hoàn)
Đấng chuyển vạn vật vinh quang,
Đi vào vũ trụ và làm sáng tươi,
Nơi nhiều, nơi khác ít thôi,
Tôi đã đến Trời, ánh sáng bao la.
Điều trông thấy chẳng ai qua,
Không biết hoặc chẳng thể mà kể chi.
Đến gần điều mong muốn khi,
Trí tuệ thấu hiểu nơi thì quá sâu.
Ký ức không kịp đi theo,
Vương quốc Thần Thánh những điều biết tôi,
Tạo nên kho báu trong người,
Từ nay thành một đề tài thi ca.
(Bản dịch của Nhất Uyên)
Còn đây là cách Đình Chẩn chấp bút:
Hào quang giãi sóng thiêng chao
sáng lừng vạn thế, sáng bao la trời
lừng lẫy sáng ! Láng tùy nơi
láng đường hoan hảo, lẫy lời diệu ngân.
Đây Thiên Cung sáng tuyệt thần diễm lệ
hớp hồn say hào quang mĩ miều bay
lòng chìm lắng, đắm, chìm, say, ngất ngây
chao ! Lặng nghe vô ngôn lời khôn tả !
Hồn khát về Cực Thánh thơm vô giá
dạ mong đến Vô Cùng kiếm khôn nguôi
càng mê say càng vươn tới muôn trời
vượt trên hết quan năng ngàn kí ức
Nguồn sáng rợp khắp thiên đường nưng nức
tâm trí say sưa rạo rực nguyên châu
Sông ngân reo khúc nhiệm màu…!
Tôi gọi đây là chấp bút, vì không thể xem tác phẩm của Đình Chẩn chỉ đơn thuần là một bản dịch. Công việc mà tác giả này đã miệt mài từ những tháng ngày còn là một chủng sinh thần học tại Rôma cho đến khi đã lãnh nhận thiên chức linh mục ở Việt Nam chính là sáng tác lại tác phẩm Thần Khúc từ khởi nguồn cảm hứng của Dante.
Có thể sẽ có nhiều lời phê bình vì lối dịch không bám vào chữ nghĩa theo nguyên bản tiếng Ý. Chắc cũng sẽ có nhiều phê bình vì lối sử dụng tiếng Việt mông lung và kỳ bí khó hiểu. Nhưng thơ có phải là để hiểu, hay quan trọng hơn là để thưởng thức, để cảm thụ, để bay bổng, để mơ? Tác phẩm của Đình Chẩn chắc chắn là một nỗ lực rất đáng trân trọng, nhất là trong hoàn cảnh chưa có một tác giả Công Giáo Việt Nam nào dám thử sức với trọn vẹn công trình Thần Khúc của Dante. Đình Chẩn đã vận dụng khả năng làm thơ của mình để một tác phẩm ra đời vào thế kỷ thứ XIV từ tận Châu Âu xa xôi giờ được khoát lên chiếc áo thơ rất Việt và rất tuyệt:
Thái Dương tỏa sóng bao la
thơm lên muôn má ngân hà phiêu diêu.
Nhan Thiện Bích ngời mỹ miều hương sắc
bóng xoay chìm nhìn thẳng mặt trời xoay
Phượng hoàng bay dán mắt khôn sánh tày
chao ôi tòa sáng lay bay ngọc biếc!
Như ánh sáng chiếu gương thần diễm tuyệt
Tựa sông Hằng ngời ánh nhiệm uyên nguyên
tôi run rẩy trong ánh mắt tinh tuyền
nóng ran người ngước chiêm vầng minh diệu
nhắm nghiền mắt thấy muôn điều khôn thấu
chao ngất ngư trí phàm hiểu làm sao!
(Ca khúc I,7)
Và đây, những câu thơ rất thơ:
Vầng dương xưa cháy tim yêu
truyền thêm chân lý diễm kiều cho tôi
lòng bên lòng trôi êm trôi
lời minh giải thiết tha hồi tâm giao!
(Ca khúc II,1)
Như chồi non nở trên cây sự thật
ánh mặt trời kéo lên đỉnh thiên không
từng thiên cầu vượt thiên cầu mênh mông
mời gọi tôi, khuyến khích tôi lên mãi.
(Ca khúc IV, 15)
Đình Chẩn thường xuyên chèn vào bản dịch của mình những câu lục bát với lối chơi chữ độc đáo:
Này ai mê mộng Nam Kha
bụi bèn bén cánh hồn sa thảm phiền
Bến mê mê tưởng thềm tiên
tiền tài tan tác tiếc triền thiên thu!
(Ca khúc XI,1)
Hay như:
Tôi may thoát cảnh đêm dài
ngắm nhan Thiện Bích, chiêm ngai Thiên Đàng.
Dập dìu muôn giải hồn quang
xoay vòng vạn tuế, kết tràng triều thiên.
(Ca khúc XI, 3)
Lối thơ diễn truyện cũng được vận dụng rất nhuần nhuyễn, chẳng hạn trong câu chuyện về thánh Phanxicô thành Assisi:
Chàng vừa xuân sắc tơ duyên
phải lòng thiếu phụ, lỡ nguyền sắt son.
Mặc cha đe đuổi từ con
tay dâng trả hết, dạ còn yêu thêm.
(Ca khúc XI, 7)
Có cả những câu thơ mang dáng dấp của ca dao:
Như làn nước xoáy trong bình
xoay xuôi xoay ngược có mình có ta
xoáy ngoài vào, xoáy trong ra
tang tình tang nhịp tay ta tay mình.
(Ca khúc XIV,1)
Và sự vượt thoát hoàn toàn khỏi cái khuôn khổ gò bó của một bản dịch để trở thành những vần thơ đầy giá trị Tin Mừng và có khả năng diễn tả đức tin thật đẹp:
Nhờ ơn Chúa tràn trề ban xuống
bao làng quê xoay chuyển vươn lên
thoát nô lệ, xóa tội khiên
về đường vinh sáng, bỏ miền tối tăm.
Bao người xưa chuyên chăm chiêm niệm
giờ đắm say phúc diễm vô biên
một đời ngây ngất cung chiêm
đời đời ngây ngất cảnh huyền vinh sang.
(Ca Khúc XXII,6.)
Vâng, con tin Đức Chúa Trời
Ba Ngôi một Chúa, đời đời hiển vinh.
Tin Ngài sáng tạo tài tình
Muôn ngàn tinh tú, chuyển mình diệu vi.
(Ca khúc XXIV, 17.)
Là một thi sĩ đứng trước một trực giác kì bí như Thiên Đàng, không ít lần Dante phải thốt lên về sự bất lực của ngôn từ và khả năng diễn đạt nơi người làm thơ. Sự bất lực ấy là một phần trong ơn gọi của thi sĩ, một ơn gọi diễm phúc như được diễn tả bởi Dante và được Đình Chẩn chắp bút thế này:
Ta sẽ về trong tiếng lòng đổi mới
Ta sẽ về bên Giếng Rửa Tội xưa
Mái đầu xanh cho nguyệt quế ươm thơ
Diễm phúc thay ơn gọi làm thi sĩ.
(Ca khúc XXV,2)
Diễm phúc thay ơn gọi làm thi sĩ! Và cũng diễm phúc thay cho dòng văn chương Công Giáo Việt Nam với sự ra đời của một tác phẩm đồ sộ như Thần Khúc bằng Tiếng Việt, bằng Tiếng Việt rất thơ!
Tôi không hề có ý tán dương bản dịch Thần Khúc của Đình Chẩn là một tuyệt tác, một bản dịch hoàn hảo, hay một công trình đã hoàn chỉnh. Vẫn còn nhiều điều có thể cải thiện tốt hơn. Còn nhiều chỗ chưa thoát khỏi cám dỗ dịch cho thật sát chữ đến độ câu bị tối nghĩa, rối nghĩa. Còn nhiều chỗ chỉ mới dừng ở mức dịch nghĩa chứa chưa thật sự diễn thơ. Có những câu còn nặng lối văn nói và nghèo nhạc tính… Thế nhưng công bằng mà nhìn nhận thì đây là một công trình rất đáng trân trọng. Để theo và theo cho đến cùng việc dịch thuật Thần Khúc, cần biết bao là mồ hôi và tâm huyết, bao là kiên nhẫn và say mê! Bản dịch Thần Khúc Thiên Đàng của Đình Chẩn có thể chưa phải là một điểm đến, nhưng đã là một khởi đầu rất trọn vẹn. Mọi sự sẽ chín muồi với thời gian nếu vị dịch giả này tiếp tục theo đuổi niềm đam mê và chăm chút gọt dũa cho tác phẩm của mình.
Đọc xuyên suốt bản dịch này, trong tôi được thắp lên một niềm hy vọng đầy an ủi: Một tác phẩm Thần Khúc thuần Việt là hoàn toàn có thể! Gia sản đồ sộ của Kitô giáo về văn hoá, lịch sử, thần học, giáo lý… được bảo tồn và truyền tải bằng ngôn ngữ kỳ diệu của thơ ca là hoàn toàn có thể! Có thể các học giả đã đúng khi cho rằng Tiếng Việt còn rất non trẻ và thiếu nhiều thuật ngữ trong các lãnh vực chuyên môn của Kitô giáo. Nhưng đứng trước nỗ lực không mệt mỏi của Đình Chẩn trong việc dịch Thần Khúc, tôi được nhắc nhớ về nguồn sức mạnh tiềm tàng vô hạn cần được khai phá nơi kho tàng Tiếng Việt. Một trong những cách khai phá hữu hiệu nhất chính là ngang qua thế giới linh thánh và tráng lệ của thơ ca Công Giáo.
Cuối cùng, nếu bạn hỏi tôi nên đọc Thần Khúc thế nào, nên bắt đầu từ đâu? Câu trả lời của tôi đơn giản lắm: từ đâu cũng được, nhưng nên bắt đầu từ từ. Thật ra, 100 ca khúc của toàn tác phẩm này hoàn toàn có thể được đọc như những bài thơ độc lập. Mỗi bài thơ có một chủ đề khác nhau, mang những vẻ đẹp kỳ vĩ khác nhau. Bạn có thể bắt đầu với bất cứ bài thơ nào. Ở khởi đầu của mỗi ca khúc đều đã có sẵn một lời giới thiệu sơ lược về nội dung, về cấu trúc, về đặc tính văn chương và loại hình nghệ thuật chủ đạo được vận dụng trong ca khúc. Dịch giả Đình Chẩn còn chu đáo để lại rất nhiều ghi chú giải thích những điểm khó hiểu và xa lạ với văn hoá chúng ta: những điển tích, những tên riêng, những ám chỉ, những hình ảnh ẩn dụ… Mọi thứ đã như một bàn tiệc được bày sẵn. Mời bạn đến tham dự. Chúc bạn cảm nếm được sự trác tuyệt của Thần Khúc, tuyệt phẩm sống mãi với thời gian trong dòng văn chương Kitô giáo.
Cao Gia An, S.J.
Rôma, cuối Tháng Hoa 2022.
Chú thích:
[1] Nghĩa là “những gì vươn lên cao thì sẽ tụ hội với nhau”. Cuối phần Thiên Đàng, khi Dante chìm đắm trong thị kiến, bầu trời vô hình, thì ông thấy tất cả đều hội tụ chỉ còn ở trong một điểm hợp nhất (Đình Chẩn chú thích).
[2] Trong bài giới thiệu Thần Khúc ở phần Hoả Ngục, người biên dịch có giới thiệu thêm một thể loại phụ nằm giữa Commedia (kịch) và tragedia (bi kịch) là elegia (ai ca) theo thi học Aristốt. Ai ca là nét đặc trưng ở đại trường ca Luyện Ngục.
bài liên quan mới nhất
- Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
-
Chủ đề được chọn cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 58 năm 2024 -
ĐTC nhắc rằng các nhà báo không được đưa tin giả và hùng biện kiểu hiếu chiến -
Người đàn ông theo đạo Hindu trở lại Công giáo sau khi gặp gỡ Carlo Acutis -
Lòng yêu mến bí tích Thánh Thể của Chân phước Carlo Acutis -
Bộ Truyền thông: 9 cách để mạng xã hội trở nên hữu hiệu hơn -
MV “Nói Bằng Trái Tim” và tầm quan trọng của sự dịu dàng -
Đấng Đáng kính Fulton John Sheen (1895 - 1979): nhà truyền giáo bằng truyền thông -
Người Kitô hữu trước vấn nạn tham gia mạng xã hội -
Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước: 3 cột trụ trong truyền thông
bài liên quan đọc nhiều
- 17 điều mọi người Công Giáo nên biết về Carlo Acutis
-
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng -
Lòng yêu mến bí tích Thánh Thể của Chân phước Carlo Acutis -
ĐTC nhắc rằng các nhà báo không được đưa tin giả và hùng biện kiểu hiếu chiến -
Cài đặt Ứng dụng TGP SAIGON trên điện thoại di động -
Chủ đề được chọn cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 58 năm 2024 -
Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước: 3 cột trụ trong truyền thông -
Thức dậy trong thời dịch bệnh Covid -
Khi dâm ô gõ cửa nhà bạn -
Người đàn ông theo đạo Hindu trở lại Công giáo sau khi gặp gỡ Carlo Acutis