Cử hành Thánh Thể: Bài 42 – Hòa Bánh Thánh Vào Máu

Cử hành Thánh Thể: Bài 42 – Hòa Bánh Thánh Vào Máu

Cử hành Thánh Thể: Bài 42 – Hòa Bánh Thánh Vào Máu

CỬ HÀNH THÁNH THỂ: BÀI 42 - HÒA BÁNH THÁNH VÀO MÁU THÁNH

Chủ tế Thánh lễ lấy một mẩu nhỏ Mình Thánh để bỏ vào chén thánh và đọc thầm: “Xin Mình và Máu Chúa Kitô hòa lẫn với nhau mà chúng con sắp lãnh nhận cho chúng con được sống muôn đời” (NTTL 129; QCSL 155).

WHĐ (04.08.2024)Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 42: HÒA BÁNH THÁNH VÀO MÁU THÁNH

I/ LỊCH SỬ- Ý NGHĨA

Bánh được bẻ ra là để đem phân phát cho mọi người dự tiệc. Tuy vậy, chủ tế Thánh lễ cũng lấy một mẩu nhỏ Mình Thánh để bỏ vào chén thánh và đọc thầm: “Xin Mình và Máu Chúa Kitô hòa lẫn với nhau mà chúng con sắp lãnh nhận cho chúng con được sống muôn đời” (NTTL 129; QCSL 155). Đây là nghi thức rất cổ xưa mà trong tiếng La tinh gọi là commixtio, nghĩa là sự hòa lẫn/sự pha trộn, và được áp dụng hầu như trong mọi nền phụng vụ dưới nhiều hình thức khác nhau. Bản văn linh mục đọc thầm vừa nêu trên được đọc trong Thánh lễ hiện nay thì cũng từng được sử dụng trong các Sách lễ 1474 và 1570.[1]

Dù nghi thức này vẫn được thực hành theo truyền thống ở khắp nơi vào thời xưa, nhưng Sách lễ không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào và nhiều người không biết chắc chắn lắm về ý nghĩa của chúng..[2]

Lối giải thích thần học theo thánh Tôma Aquinô là: hai lần truyền phép riêng bánh và rượu như tách rời Máu khỏi Thân biểu thị và hiện tại hóa sự chết của Đức Giêsu vì lẽ sự sống của Ngài (máu của Ngài) không còn nữa, Ngài là con chiên đã bị sát tế. Sau đó, đến phần hiệp lễ, bánh và rượu được hòa trộn liên kết lại với nhau làm dấu chỉ cho sự kết hợp giữa linh hồn và thân xác của Chúa Giêsu, thì biểu trưng cho thân thể duy nhất của Đức Kitô đang hiện diện trót mình nơi đây trên bàn thờ cũng như chỉ rõ sự sống lại vinh quang của Ngài![3] Mối tương quan giữa cuộc phục sinh và sự chết hiến tế của Chúa Giêsu là không thể tách lìa nhau được. Như vậy, hành động bỏ một mẩu Bánh nhỏ vào trong chén thánh có một ý nghĩa biểu trưng rất lớn: đó là Đức Giêsu đã chết nhưng nay đã sống lại. Theo J. A. Jungmann, tính biểu tượng đàng sau sự thực hành thời Trung cổ là: “Sự hòa trộn diễn tả Thân Mình Chúa Kitô sống lại đi trước lời chúc bình an “Pax Domini”; vì thật sự Chúa chúng ta đã sống lại từ cõi chết, và chỉ sau đó, Chúa đem lại hòa bình cho trời và đất.”[4] Điều này nhắc nhớ các tín hữu rằng: Chúa Kitô mà họ sắp lãnh nhận là Đấng đang sống và phục sinh, và như thế có một sự liên kết giữa hy tế và hiệp lễ. Việc kết hợp hai yếu tố của Thánh Thể giúp chúng ta hiểu rằng: dầu có lãnh nhận Mình Thánh thôi hay lãnh nhận cả Mình và Máu Thánh thì cũng là lãnh nhận trọn vẹn Chúa Kitô đang sống hiển vinh.[5]

Mặt khác, Mình và Máu Chúa được hợp lại với nhau không chỉ là dấu chỉ của Chúa Giêsu phục sinh, mà còn là dấu chỉ của sự sống vĩnh cửu, là căn nguyên cho sự phục sinh của chúng ta nữa. Khi lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta được tham dự vào thần tính và sự bất tử của Chúa Kitô, tiếp nhận nguồn mạch của sự sống vĩnh cửu là chính Chúa Kitô. Đó chính là hiệu quả bí tích của hiệp lễ như được diễn tả qua Lời Chúa: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì có sự sống đời đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54),[6] cũng như qua lời kinh nguyện linh mục đọc thầm kèm theo cử chỉ bẻ bánh: “Xin cho việc hòa Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con mà chúng con sắp lãnh nhận đem lại cho chúng con sự sống muôn đời” (NTTL 129).[7]

Tuy nhiên, lối giải thích trên vốn có nguồn gốc tại Syria hồi thế kỷ VI, lại không phải là lý do thực sự về mặt lịch sử. Nghiên cứu lịch sử cho thấy thói quen nhúng bánh thánh vào rượu có lẽ phát xuất từ Hội Thánh sơ khai với những cuộc rước lễ tại gia. Tín hữu mang bánh thánh về nhà hoặc trong trường hợp cần thiết, một phó tế đưa bánh thánh cho họ. Bánh thường được giữ lại khá lâu có khuynh hướng trở nên cứng - tình trạng này khiến cho bánh trở nên khó ăn sau vài ngày. Do đó, đến lúc ăn, bánh phải được nhúng vào rượu hoặc vào nước cho mềm đi! Thực hành cho rước lễ của các Hội Thánh Đông phương bằng cách đặt Bánh Thánh vào trong chén chứa đựng Máu Thánh, sau đó, đưa miếng Bánh Thánh đã được nhúng ướt cho người rước lễ trên một cái muỗng nhỏ có lẽ phát xuất từ những tình huống tương tự.[8]

Qua bức thư của Đức Innocent I (401-417) đề ngày 19 tháng 3 năm 416 gởi cho Decentius (Giám mục của Gubbio), chúng ta biết đến một thực hành sau: một miếng bánh nhỏ là di tích của miếng Bánh Thánh (gọi là fermentum) trong Thánh lễ do Đức Thánh cha cử hành sẽ được gởi đến các linh mục của ngài tại các vùng phụ cận thành Rôma (Innocent I, Ep. 25 ad Decentium). Các tư tế này đang cử hành Thánh lễ Chúa nhật cho cộng đoàn của mình tại 25 nhà thờ giáo xứ (hay tituli) ở nội thành Rôma.[9] Họ nhận miếng Bánh Thánh từ Đức Giáo hoàng rồi bỏ vào trong chén thánh của mình như dấu chỉ hiệp nhất và để hoàn tất phụng vụ cho các tín hữu của mình - những người không thể tham dự Thánh lễ Giáo hoàng được - nhằm diễn tả “mối hiệp thông” với Đức Giám mục Rôma và qua ngài đến với toàn thể Hội Thánh, đồng thời nhằm nhấn mạnh Thánh Thể chính là bí tích hiệp nhất.[10] Thực hành này cũng nói lên tính chất duy nhất của Thánh lễ qua dòng thời gian hay sự liên kết Thánh lễ này với Thánh lễ khác, biểu thị sự liên kết giữa Thánh lễ hôm nay với chính hy lễ của Đức Kitô.[11] Dần dần tập tục này được giới hạn trong các ngày lễ lớn chẳng hạn như lễ Vọng Phục sinh (sau thế kỷ VII), rồi cuối cùng đã biến mất. Không có bằng chứng nào của thực hành này sau thế kỷ IX nữa, thậm chí ngay tại Rôma.[12] Các Đức Giám mục ở những thành phố khác cũng làm tương tự như Đức Giám mục Rôma vậy. Hồi thế kỷ VI, cuốn Liber Pontificalis cho biết rằng không một linh mục nào được phép cử hành Thánh lễ tuần nọ qua tuần kia mà không nhận fermentum từ vị Giám mục của mình (Liber Pontificalis, ed. Duchesne, I, 216, 168).[13]

Sau Thánh lễ, một ít bánh thánh được giữ lại để cho những tín hữu cận tử rước lễ. Bởi vậy có một thực hành khác nữa: đó là phần bánh thánh này (được Ordo Romanus I gọi là Sancta) sẽ được mang đến cho Đức Giáo hoàng ‘chào kính’ vào lúc khởi sự Thánh lễ tại các thánh đường tước hiệu (tituli) khi ngài cử hành phụng vụ chặng viếng. Bánh này được giao cho thầy phụ phó tế và được trộn lẫn vào trong chén sau kinh Lạy Cha (Ordo Romanus I, 48, 95). Khi Đức Giáo hoàng bỏ Sancta vào Rượu Thánh, ngài đọc: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”. Hành động như thế biểu tượng cho tính liên tục của hy lễ. Tập tục này tồn tại tương đối ngắn ngủi trong thế kỷ VIII, và cũng không lan rộng ra khỏi Rôma.[14] Tuy nhiên, một thực hành phát triển sau này trong thời Trung cổ (từ thế kỷ IX) là mẩu Bánh Thánh được bẻ ra của Thánh lễ hôm nay được giữ lại và linh mục sẽ đặt miếng Bánh Thánh này vào trong Máu Thánh (chén thánh) trong Thánh lễ ngày hôm sau nhằm diễn tả tính liên tục của hy tế Thánh Thể cho tới khi nước Chúa trị đến.[15]

Thuật ngữ fermentum – còn có nghĩa là “men” – ám chỉ Thánh Thể như men trong đời sống Kitô hữu và như khí cụ giúp các Kitô hữu đang lan tràn khắp thế giới được hiệp nhất trong một Thân Mình duy nhất của Chúa Kitô như men giữa đời.[16]

II/ NGHI THỨC HIỆN NAY

Hiện nay, sau nghi thức chúc bình an, chủ tế cầm lấy Bánh Thánh, bẻ ra trên đĩa thánh, rồi lấy một miếng nhỏ bỏ vào chén thánh và đọc thầm: “Xin Mình và Máu Chúa Kitô hòa lẫn với nhau mà chúng con sắp lãnh nhận cho chúng con được sống muôn đời.” Ðang khi đó, ca đoàn và giáo dân hát hay đọc kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa...” (x. NTTL 129-130; QCSL 83, 155).

III/ MỤC VỤ

1) Các linh mục đồng tế/phó tế có thể làm nhiệm vụ phân phát Bánh Thánh đã bẻ ra, chẳng hạn chia sẻ Bánh Thánh vào các bình thánh khác… nhưng không được bỏ miếng Bánh nhỏ vào chén thánh thay cho chủ tế (x. NTTL 129; QCSL 83).

2) Ðang khi vị tư tế bẻ bánh và bỏ một phần Mình Thánh vào chén thánh thì ca đoàn hay ca viên hát đối đáp hay đọc lớn tiếng kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa” (x. NTTL 129-130; QCSL 83).

_______

[1] Paul Turner, At the Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 135; Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 264.

[2] Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 112.

[3] X. Anscar J. Chupungco, What, Then, is Liturgy? (Quezon: Claretian Publications, 2010), 151; Adolf Adam, The Eucharist Celebration: The Source and Summit of Faith, trans. Robert C. Schultz (Collegeville: A Pueblo Book/The Liturgical Press, 1994), 105; Phan Tấn Thành, 265; Edward Mcnamara, “Tại sao một phần Mình Thánh được đặt vào Chén thánh?” (07/07/2015), dg. Nguyễn Trọng Đa, acc. 09/02/2024, https://gpquinhon.org/qn/news/hoc-hoi/Tai-sao-mot-phan-Minh-Thanh-duoc-dat-vao-Chen-thanh-3923/.

[4] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 314.

[5] X. A. M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, số 80.

[6] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, trans. Julian Fernandes, ed. Mary Ellen Evans ((Collegeville: The Liturgical Press, 1976), 208; Thomas Calson et al., ed., New Catholic Encyclopedia, 2nd edition, vol. 4 (The Catholic University of America: Gale, 2003), s.v. “Commingling,” by P. Kinsel, 12.

[7] X. Joyce Ann Zimmerman, “The Mystagorical Implications”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 618.

[8] X. Cabié, “The Eucharist”, 112; Dom Robert Le Gall, Từ Điển Phụng Vụ (C. L. D., 1982), s.v. “Hòa chung,” 135; Paul Bradshaw, ed., The New SCM Dictionary of Liturgy and Worship (London: SCM Press, 2002), s.v. “Commixture,” by Michael Thompson, 122.

[9] X. Cabié, “The Eucharist”, 111; Edward Mcnamara, “Tại sao một phần Mình Thánh được đặt vào Chén thánh?”

[10] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 2:311-312; Lucien Deiss, The Mass, 93; Cabié, “The Eucharist”, 111-12.

[11] X. Jovian P. Lang, OFM, Dictionary of the Liturgy (New York: Catholic Book Publishing Corp., 1989), s.v. “Commingling”, 121; Cabié, “The Eucharist”, 111-112; Adolf Adam, The Eucharist Celebration: The Source and Summit of Faith, 104; Erasto Fernandez, SSS, The Eucharist: Step by Step, 134-135.

[12] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 2:313; Dom Gregory Dix, The Shape of the Liturgy, 4th edition (Westminter: Dacre Press, 1949), 134; Edward Mcnamara, “Tại sao một phần Mình Thánh được đặt vào Chén thánh?

[13] X. Adam, The Eucharist Celebration: The Source and Summit of Faith, 104.

[14] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 2:313; Cabié, “The Eucharist”, 112; John D. Laurance (ed.), The Sacrment of the Eucharist (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), 175-76; Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 445-46.

[15] X. Jovian P. Lang, OFM, Dictionary of the Liturgy (New York: Catholic Book Publishing Corp., 1989), s.v. “Commingling”, 121; Kevin W. Irwin, Responses to 101 Questions on the Mass (New York/Mahwah: Paulist Press, 1999), 125.

[16] Suy tư Thần học và Mục vụ Chuẩn bị cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 tại DublinIreland (10 – 17/06/2012), 114.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top