Chương trình Văn hóa Cồng Chiêng mừng Giáng Sinh “Chúa đến và ở với Buôn Làng chúng con”

Chương trình Văn hóa Cồng Chiêng mừng Giáng Sinh “Chúa đến và ở với Buôn Làng chúng con”

Chương trình Văn hóa Cồng Chiêng mừng Giáng Sinh “Chúa đến và ở với Buôn Làng chúng con”

TGPSG -- Hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ trong Năm Thánh sắp tới với chủ đề “Giáo Hội Tham Gia” và cùng với Giáo Hội Việt Nam trong định hướng mục vụ năm 2025 để “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, nhóm anh chị em dân tộc từ làng Dun De thuộc giáo xứ Chư San, giáo hạt Chư Păh, Giáo phận Kon Tum đã có một đêm Văn Hóa Cồng Chiêng Mừng Giáng Sinh được tổ chức vào ngày 13/12/2024 tại Trung Tâm Mục Vụ của Tổng giáo phận Sài Gòn, thật tốt đẹp.

I. Mục tiêu Chương trình

Chương trình kể lại lịch sử hành trình Đức Tin - sống chứng nhân Tin Mừng của buôn làng từ khi anh chị em đồng bào được đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu cho đến nay, qua những nhạc cụ dân tộc và các điệu múa Suang truyền thống.

Bên cạnh đó, anh chị em trong buôn làng cũng muốn hướng đến việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa âm nhạc cồng chiêng, đồng thời giúp cho thế hệ trẻ hiểu và cảm nhận được những giá trị độc đáo trong nền văn hóa đặc sắc của buôn làng mình. Từ đó có thể giúp góp phần phát triển những ân ban đã được lãnh nhận và sống tâm tình Tạ ơn Thiên Chúa mỗi ngày.

Mục tiêu hướng đến việc giới thiệu lịch sử và nét đẹp trong đời sống đức tin của buôn làng sẽ gây ý thức, giúp người dân buôn làng Dun De sống đạo tích cực và phong phú hơn nhờ bản sắc văn hóa của chính họ.

Việc dùng âm nhạc để nuôi dưỡng và diễn tả đức tin của người dân qua các điệu nhạc cồng chiêng - loại âm nhạc rất thân thương gần gũi với bản làng được sử dụng trong sinh hoạt phụng vụ. Điều đó tạo nên vẻ đẹp phong phú và gây cảm hứng cho đời sống đức tin của các dân tộc anh em.

Chương trình đã được chuẩn bị rất công phu, cả sảnh tiếp đón cũng được trang trí theo kiểu thủ công rất gần với môi trường thiên nhiên nhờ cây lá cùng những bông cỏ và các nhánh lau sậy đưa xuống từ buôn làng. Nhiều bạn trẻ đã nhanh chân nhảy vào check-in tại sảnh. Bên trong Hội trường, các nhạc cụ khác nhau của nhóm cồng chiêng được bài trí trên sân khấu mang một màu sắc đặc biệt. Trang phục thổ cẩm truyền thống của anh chị em “diễn viên không chuyên” cũng tạo nên những nét đặc sắc riêng cho chương trình…

II. Những bất ngờ 

Và rất nhiều điều bất ngờ đã xảy ra trong ngày tổ chức chương trình.

Trước hết là những trận mưa trong buổi chiều ngày 13/12 làm cho Ban tổ chức và các anh chị em khá lo lắng. Mưa càng lúc càng to, tưởng chừng sẽ không có khán giả nào đến tham dự chương trình. Nhưng thay vì ngồi chờ trong Hội trường, tất cả đoàn đã ra phía sảnh chờ chơi nhạc cồng chiêng và múa nhảy ngay tại sảnh. Ai cũng ngạc nhiên thích thú, nhiều chiếc điện thoại được giơ cao từ nhiều phía để ghi lại khoảnh khắc đặc biệt này! Các linh mục tu sĩ đến tham dự chương trình đã cùng hòa vào điệu nhảy theo tiếng trống rộn rã của cả đoàn cồng chiêng, thật dễ thương và ấm áp…

Chương trình được bắt đầu theo thời gian đã định, hai MC là cha Giuse Bình, OFM và Soeur Agata Liên, FMM chào khán giả.

Soeur Therese Thùy Dung, Giám Tỉnh Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ lên đại diện Ban Tổ chức chào mọi người và nhận xét rằng dù “hồng ân Chúa như mưa như mưa”, những cơn mưa thật lớn đến độ tưởng chừng các diễn viên không chuyên phải đồng thời làm khán giả, nhưng không ngờ cuối cùng Hội trường vẫn rất đông đảo. Điều đó biểu lộ lòng yêu thương và sự khích lệ dành cho những anh chị em đồng bào đến từ Dun De để chia sẻ cho mọi người câu chuyện Chúa đến và ở với buôn làng của mình.

Tiếp đến, linh mục (Lm) Đa Minh Ngô Quang Tuyên, Tổng Thư ký Ủy ban Loan Báo Tin Mừng của Hội đồng Giám mục Việt Nam lên chào các anh chị em đến từ làng Dun De bằng chính tiếng Jrai của họ. Cha nói đôi lời khích lệ anh chị em, sau đó dâng lời cầu nguyện và tuyên bố khai mạc chương trình.

Tiết mục múa Cánh Chim Vào Hội đã mở ra một không gian văn hóa đặc sắc của núi rừng Tây Nguyên. Với làn khói lạnh lan tỏa, các diễn viên như thấp thoáng trong làn sương khói của vùng cao, tạo ra những cảm xúc và cảm nhận đặc biệt nơi khán giả, khác với nhiều chương trình thường diễn ra tại TTMV này.

III. Chương trình “CHÚA ĐẾN VÀ Ở VỚI BUÔN LÀNG CHÚNG CON” gồm 3 phần:

- Phần 1: Lịch sử truyền giáo làng Dun De
- Phần 2: Đời sống đức tin và nét đẹp văn hóa làng Dun De
- Phần 3: Tâm tình tạ ơn 

Phần 1: Lịch sử truyền giáo làng Dun De

Trong phần đầu, qua những nhạc cụ và các điệu múa Suang truyền thống, các anh chị em từ buôn làng Dun De đưa mọi người đi ngược dòng thời gian, quay về với thời điểm đầu tiên buôn làng được đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu cho đến nay. Đó là một hành trình đặc biệt mang tên Đức Tin và Tâm tình Tạ Ơn Thiên Chúa mỗi ngày.

Hành trình này bắt đầu từ câu chuyện thuở ban sơ của làng Dun De với những hình ảnh rất cảm động và một ca khúc về những khó khăn của làng. Đời sống của người dân nơi đây đã từng trải qua biết bao vất vả gian nan, từng thiếu cơm ăn, áo mặc…

Phần 2: Đời sống đức tin và nét đẹp văn hóa làng Dun De

Thế nhưng, niềm yêu đời và tinh thần lạc quan vẫn lấp lánh trong từng ánh mắt, nụ cười của dân làng Dun De, vì dân làng Dun De có Chúa soi sáng, dẫn đường, giúp đưa buôn làng vượt qua mọi khó khăn để hướng đến những điều tốt đẹp. Xen kẽ với các tiết mục múa hát là việc trình chiếu clip về lịch sử làng và cuộc phỏng vấn vị Trưởng làng. Các tham dự viên thấy được hành trình Đức tin gắn liền với cuộc sống dân làng, như một cuộc chiến đấu nội tâm trước những khó khăn và có cả những lúc chán nản, thất vọng. Nhưng nhờ ơn Chúa giúp, với niềm tin yêu phó thác vào Chúa, dân làng Dun De tiếp tục kiên trì theo Chúa.

Sau đó là chia sẻ của nhà Thừa sai đầu tiên (Cha Hải, OFM) về cảm nhận của ngài khi lần đầu tiên đến truyền giáo tại buôn làng Dun De và những lý do khiến cha rất thương quý người dân của làng.

Phần 2 cũng trình bày những lễ hội riêng và các nét đẹp văn hóa của các buôn làng Tây nguyên, được tái hiện phần nào qua tiết mục đồng dao của buôn làng được dùng để hát khi làm đồng, làm ruộng, các trò chơi dân gian.

Tây Nguyên chính là vùng đất huyền thoại của gần 6 triệu dân thuộc 54 dân tộc anh em trên cả nước… Tây Nguyên là vùng đất với những cao nguyên đầy nắng và gió, những cánh rừng già xanh thẫm… Tây Nguyên cũng là vùng đất của những người con mộc mạc, chất phác cùng nhau sinh sống, tạo nên một cộng đồng văn hóa ấn tượng và độc đáo. Giữa không gian đại ngàn, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và đồng bào Jrai nói riêng luôn vang vọng tiếng cồng chiêng rộn rã, tiếng đàn lúc trầm hùng khi thánh thót, các làn điệu dân ca đằm thắm mượt mà… Tất cả đã làm nên hơi thở đặc trưng mang tên núi rừng Tây Nguyên.

Người dân Tây Nguyên nói chung và người Jrai nói riêng luôn có truyền thống sống thành từng buôn làng. Và mỗi khi bắt đầu ngày mới, họ dùng tiếng trống để đánh thức nhau, và gọi nhau cùng lên nương lên rẫy; cùng đi bẻ măng, đốn củi. Rồi khi tối về, dân làng lại dùng tiếng trống để quy tụ nhau trong ngôi nhà Rông của làng để vui chơi và cầu nguyện. Nét sinh hoạt đặc trưng này thể hiện đời sống của người dân Tây Nguyên, được tái hiện một cách sinh động qua tiết mục mô tả cảnh làm nương và lên rẫy trồng lúa…

Clip phỏng vấn chị Rơ Châm The cho thấy một thực trạng của làng, là nhiều con em không thể đến trường do gia đình quá nghèo khổ vất vả không đủ cái ăn cái mặc. Nhưng khi có sự trợ giúp quý báu, các em vẫn có thể học Cao Đẳng, Đại học để thành tài và trở về giúp cho làng phát triển.

Phần 3: Tâm tình tạ ơn 

Tâm tình tạ ơn Chúa cám ơn người của Phần 3 cũng thể hiện qua những chia sẻ của trưởng làng Dun De. Với biết bao ơn lành đã nhận được, người dân làng Dun De luôn biết ơn và vẫn chỉ mãi hướng về Thiên Chúa, tôn kính Thiên Chúa và tôn thờ Thiên Chúa là Chúa duy nhất của cuộc đời họ… Lời Tạ ơn “Bơ Ni” được cất lên dâng về Thiên Chúa.

Chúa sáng danh trên trời, chúc thái an cho đời, người người dạt dào niềm vui, đất trời ngập đầy hạnh phúc, trong giờ phút linh thiêng, Chúa Con ra đời…” Nhạc điệu của bài hát nổi tiếng “Joy to the World” được trình bày bằng tiếng Jrai rộn vang để khép lại chương trình.

Ngay sau đó là Lời cảm ơn của Cha Nicola, đại diện Ban Tổ Chức gởi đến Đức TGM giáo phận, linh mục giám đốc TTMV và tất cả quý ân nhân…

Đức cha Phụ tá Giuse chia sẻ niềm vui

Một điều bất ngờ thật thú vị khác là vào phần cuối khi gần chấm dứt chương trình, Đức cha Phụ tá Giuse đã đến tham gia với anh chị em. Khi được mời lên phát biểu, ngài chia sẻ niềm vui của mình và nói rằng vì phải đi làm lễ tại nhà thờ Bến Cát nên về trễ chương trình. Thấy chưa kết thúc nên ngài vẫn muốn qua với các anh chị em dân tộc.

Các em làm hay nên Đức cha đã nhiệt tình vỗ tay cùng với mọi khán giả tham dự. MC gợi ý mời chia sẻ một bài thơ, Đức cha nói rằng ngài cũng muốn nhưng gấp quá nên không kịp làm. Tuy nhiên sau đó ngài đã đọc tặng mọi người một bài thơ giáng sinh ngắn thật dễ thương mà ngài sáng tác trước đây:

Cái hang đá tí teo
Con xếp đầy chiên cừu
Thánh Giuse Đức Mẹ
Chúa Hài Đồng ngủ queo…
Chúa cũng muốn chính con
Làm hang đá tâm hồn
Để Giêsu ngự đến
Và Ngài sẽ ngủ ngon…

Đức cha cũng nhắc rằng sự hiện diện của anh chị em từ một buôn làng Tây Nguyên đến với chúng ta là để mời gọi chúng ta mở lòng ra đón chờ Chúa và cũng mở rộng lòng với nhau đón nhận nhau. Ngài chia sẻ chuỗi và quà cho các em, sau đó là những tấm hình ghi lại một ngày đầy niềm vui mà chắc hẳn sẽ là hành trang quý báu cho các anh chị em trên bước đường tương lai…

Tạ ơn Chúa, cám ơn sự động viên khích lệ của mọi người dành cho chương trình, và biết ơn rất nhiều ân nhân đã chung tay góp sức làm cho chương trình trở thành hiện thực. Nguyện xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em thực hiện chương trình, đặc biệt cho các nhà thừa sai đã đến Loan Báo Tin Mừng và còn đang tiếp tục hiện diện phục vụ cho anh chị em đồng bào trên miền đất Tây Nguyên này.

Ước mong những giá trị bản sắc văn hóa của anh chị em đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được giúp phát triển, đem lại nét khởi sắc cho hành trình đức tin cũng như cuộc sống xã hội của người dân Dun De nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.

Bài: Nữ tu Ngọc Lan, fmm. (TGPSG)
Ảnh: Bá Hạnh

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top