Bình an của Chúa

Bình an của Chúa

Bình an của Chúa

TGPSG – “Lạy Chúa, xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa.”

Một chiều mưa, tôi chào bố mẹ, trong ánh mắt ngơ ngác của các em, xách vali mà tôi đã chuẩn bị trước, bước ra khỏi nhà và lên Honda của một cô hàng xóm đưa ra ngã tư ga để đón xe về Hố Nai. Tôi lên đường vì ngày mai là ngày nhập viện của thỉnh sinh Đa Minh. Dù có đôi chút xao xuyến, tinh thần tôi sẵn sàng, hăng hái và dứt khoát trong sự phó thác những người thân yêu cho Chúa. 

Trên đường đi ra bến xe, cô hàng xóm hàn huyên chia sẻ, “Mày đi tu thì phải cố gắng nhiều nha! Tao ở nhà đợi tin mày khấn đó!“ Câu nói của cô bạn láng giềng này vừa động viên vừa thách thức ý chí của tôi.

Rồi chuyến xe buýt về Hố Nai đã đến, tôi tạm dừng câu chuyện trên đường mà không quên gửi gắm bố mẹ và các em cho cô hàng xóm: “Nhà tôi có chuyện gì nhớ báo nhé!” Câu nói đó thay thế lời chào khi tôi bước lên xe.

Đoạn đường về nhà Dòng khoảng 45 phút. Đã bao lần tôi đi xe buýt, tíu tít cười nói vui vẻ với bạn bè trong các chuyến đi xa gần, nhưng sao lần này tôi lại thấy cảm giác lạ. Và bài hát “Đời tôi là một chuyến đi, đi tìm hạnh phúc vô biên…..” quen thuộc vang lên trong tôi để xua tan những suy nghĩ bâng quơ trong đầu. 

Có lẽ vì lời bài hát này đã làm cho tôi rung động trước tình yêu của Thiên Chúa, nên tôi muốn dấn thân phục vụ. Muốn cho đi khả năng Chúa ban cho tôi trong mọi công việc của đời sống ơn gọi và muốn làm nhiều hơn nữa để danh Chúa được cả sáng.

Rồi cửa nhà Dòng cũng đã hiện ra trước mắt, với bao sự ưu ái đón chào tôi đến, cùng niềm vui và sự bình an Chúa ban cho tôi trong ngày đầu tiên gia nhập thỉnh viện Dòng nữ Đa Minh.

***

Nhập thỉnh viện năm ấy, lớp tôi có 10 chị em, từ sông nước miền Tây tới cao nguyên Bắc bộ, cùng hăng hái tựu về.

Ngày đầu tiên sống trong môi trường dòng tu, tôi thấy cái gì cũng lạ lẫm, từ thời gian, sinh hoạt, công việc và ngay cả ăn uống cũng đều có hiệu lệnh.

Buổi tối hôm đầu tiên, khi tôi được hướng dẫn theo sự chỉ đạo của Chị giáo ổn định vị trí và khu vực, tôi cùng một số chị em lớp trước sinh hoạt, được giới thiệu, giao lưu làm quen, bầu khi thật vui tươi nhưng không ồn ào. Tôi nhớ tối hôm đó, có một người đàn ông dáng cao và gầy hay nhiu nhiu mắt, rất hiền từ mà các chị gọi là ông Ngoại, đem một gói kẹo và túi trái cây qua mừng cho các cháu mới, mà sau đó tôi mới biết ngài là một linh mục và là linh hướng của Hội dòng. Sau này ngài cũng dạy chúng tôi nhiều môn về tu đức.

Tiệc vui rồi cũng tàn; sau những lời kinh cám ơn, chúng tôi đã nhận phép lành của Cha linh hướng và nghỉ đêm.

***

Sáng ngày thứ nhất, khi còn đang cuộn tròn trong chăn ấm, tôi giật mình khi nghe có tiếng hô lớn: “Nào ta chúc tụng Chúa!“. Đó là tiếng đánh thức của chị lớp trưởng mời gọi. Cả nhà đệ tử đồng thanh thưa: “Tạ Ơn Chúa!” rồi dâng ngày. Sau đó lên nhà nguyện tham dự Thánh lễ và đọc kinh Thần vụ.

Hôm đầu tiên, mấy chị em cùng lớp tôi vẫn được ưu tiên ở nhà đệ tử để sắp xếp và gặp gỡ Chị giáo. Qua những lần gặp gỡ ấy, chúng tôi chia sẻ những kiến thức, khả năng và ước nguyện của mỗi người trong Ơn gọi mình đã tìm hiểu và xác định.

Rồi sau một tuần, vị trí công việc của mỗi người cũng được ổn định theo sự hướng dẫn của những chị có trách nhiệm. 

Những ngày đầu tiên, chúng tôi sinh hoạt theo tiếng chuông, nhưng cứ lẫn lộn cả lên, vì chưa biết phân biệt nội quy. Dần dà tôi để ý và quen dần với những tiếng chuông lệnh.

Sau một tháng, tôi được thông báo ngày tĩnh tâm tháng. Chưa tham dự ngày tĩnh tâm bao giờ mà cũng chẳng biết làm gì, tôi  hỏi các chị đi trước: “Tĩnh tâm là làm sao?” Chị thì bảo thinh lặng, chị khác gợi ý tìm sách đọc, nhưng tôi vẫn chưa mường tượng ngày tĩnh tâm là gì.

Ngày tĩnh tâm đến, tôi thấy lạ thường vì mọi ngày nhà hội đông đầy người ngồi, xem sách, làm việc, học năng khiếu… Nhưng hôm nay lại vắng lặng không bóng người. Tôi tò mò, đi một vòng trong phạm vi sinh hoạt, vẫn không thấy ai. Tôi ra mái hiên cạnh vườn điều, đứng ngây ở đó, và xa xa văng vẳng tiếng loa phóng thanh của Nhà Văn hóa rộn lên câu hát “Bằng lòng đi em, bằng lòng…” Tôi nhẩm theo, vừa dứt câu thì bỗng nhiên Chị giáo đã đứng ngay sau lưng và hỏi: “Em bằng lòng gì vậy?” Tôi cụt hứng, ngẩn người và không trả lời được câu hỏi. Chị giáo nói: “Em xuống nhà nguyện”. Vừa đi, tôi vừa lo, không biết mình có lỗi phạm gì không?

Đến nơi nhà nguyện, tôi thấy mọi người đã tập trung ở đó từ bao giờ.

Tôi an tâm vào tham dự Giờ thánh.

***

Ngày tháng êm đềm trôi… Những năm đào tạo đã giúp cho tôi trở nên chững chạc hơn trong Ơn gọi. Tôi trải qua năm thử, năm tập và những năm học viện. Trong những thời gian đó, tôi thấy mình như đang bước trên ‘thảm nhung’ rất mượt mà của Hội dòng.

Khoảng thời gian thực tế để tôi va chạm cuộc sống, chính là năm 1998. Tôi được sai đến vùng đất truyền giáo, có nắng rất nóng và bụi mù bốc lên rất cao, gần biên giới phía Nam. 

Chúng tôi ở dưới nhà mái tôn, tối đến thắp đèn dầu. Nhà dân thưa thớt, với những cánh rừng mía mênh mông. Xa xa mới trông thấy nhà của người dân.

Cộng đoàn tôi có 3 chị em. Hằng ngày tôi ra vườn cuốc luống trồng rau, nuôi gà vịt. Chiều đến, chị em quây quần tại một bàn thờ nhỏ để đọc kinh cầu nguyện, lo phần thiêng liêng. Một tuần mới tham dự thánh lễ Chúa nhật ngoài thị trấn và sinh hoạt mục vụ với dân nghèo, sau giờ sinh hoạt tiện thể ghé qua chợ mua thức ăn cho cả tuần.

Và cứ như thế, đến một hôm có chị gái nọ đến cộng đoàn chúng tôi xin cái ăn qua ngày. Chị đem theo đứa con nhỏ xanh xao khoảng một tuổi . 

Tôi hỏi chị ở đâu sao biết nơi đây mà đến? Chị nói chị là nạn nhân của chuyến buôn người qua biên giới. Cuộc sống của chị rất bi thương, nên chị đã bỏ trốn hang động tội lỗi, sống đời vất vưởng không giấy tờ và làm tôi mọi để trở về quê! Đến được đây cũng là phúc trời cho chị. Hỏi thăm mới biết chị nhà ở miền Bắc, giờ không có phương tiện để về quê! Con thì nhỏ, trong người chị lại mắc bệnh nan y. Chị xin ở đây qua ngày rồi tính tiếp.

Qua hội ý, cộng đoàn chúng tôi đã thu xếp để chị ở gian sau nhà với cái chõng tre cho hai mẹ con, nhà có gì ăn nấy. Chị đồng ý.

Đến cuối tuần, chúng tôi đi sinh hoạt như thường lệ. Buổi trưa về tôi đem lốc sữa cho đứa bé, nhưng khi đến gian nhà sau, tôi chỉ thấy một mình đứa bé đang ngủ và trên giỏ đồ có ghi lại tờ giấy: “Nhờ các dì nuôi cháu, vì bệnh của con đang ở giai đoạn cuối và đừng tìm con.” Tay cầm giấy, tôi trân người ra sau khi đọc xong. Một hoàn cảnh éo le. Mũi tôi đã cay xè vì những giọt nước mắt.

Sau đó, đứa bé cũng được chúng tôi đưa đến viện mồ côi của Hội dòng.

Đối diện với hoàn cảnh bi thương và bất ổn như thế, bất giác tôi thầm thì với Chúa: "Lạy Chúa, xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa..."

Maria Trinh Nguyên (TGPSG)

Top