Bài 38: Kinh sư và Pha-ri-sêu là ai? | Dưới ánh sáng Lời Chúa

Bài 38: Kinh sư và Pha-ri-sêu là ai? | Dưới ánh sáng Lời Chúa

Bài 38 :

KINH SƯ VÀ PHA-RI-SÊU LÀ AI ?

Hôm nay chúng ta cùng đọc Tin Mừng Mát-thêu 23,1-12 và thử tìm hiểu vài hạn từ quan trọng :

Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng : “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ thích chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘ráp-bi’. Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ‘ráp-bi’, nghĩa là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Trước hết, bản văn của Mát-thêu kể cho chúng ta nghe lời giải thích của Đức Giê-su với dân chúng và các môn đệ, về thái độ sống Luật của các nhóm người khác nhau thuộc Do-thái giáo đương thời. Rồi Người đã lên tiếng khuyên nhủ ai nấy cần tuân giữ Luật Thiên Chúa với ý thức đó là Luật của Cha trên trời.

Vào thời của Đức Giê-su, các kinh sư và thầy giảng đóng một vai trò rất quan trọng : họ dạy cho các tín hữu về Luật đã linh hứng cho Mô-sê và các ngôn sứ. Luật này phải được lắng nghe và thi hành như mệnh lệnh và phán quyết của Thiên Chúa. Tuy nhiên, một số người trong các kinh sư và Pha-ri-sêu đã quên mất vai trò giảng dạy Lời Chúa, một số người nhầm lẫn khi tưởng mình là tác giả của giáo huấn, hoặc tệ hơn tưởng mình là những nhà lập pháp. Bên cạnh đó, ông Phao-lô, thuộc dòng dõi Pha-ri-sêu, vị tông đồ dân ngoại, đã từng xác quyết : “… chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người : đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (1 Tm 2,5).

Trong các câu truyện của các tác giả Tin Mừng, chúng ta thường đọc thấy các danh từ như Pha-ri-sêu, kinh sư, Xa-đốc, được mô tả như những nhân vật không mấy thân thiện với Đức Giê-su, từ đó chúng ta cũng không có thiện cảm bao nhiêu với họ. Vậy thật sự họ là ai ? Chúng ta hãy thử tìm hiểu gốc gác các nhân vật này.

KINH SƯ

Với tư cách là một nhóm người, các kinh sư hiện diện ở mọi thời đại trong Kinh Thánh.

Trong tiếng Híp-ri, “kinh sư” là סֹפֵר = sōp̄ēr (được phiên âm là xô-phe), là ký lục, người chuyên ghi chép các lời Chúa truyền và có nhiệm vụ công bố, giảng dạy. Vì thế, “kinh sư” buộc phải có kiến ​​thức sâu rộng về lề luật, ngôn ngữ pháp lý, cách giải thích luật v.v…, và được đào tạo để soạn thảo và viết luật.

Các kinh sư đôi khi còn viết truyện sử, truyện kể cuộc sống thường nhật, giúp chúng ta hiểu biết về xã hội, văn hoá, con người vào những thời kỳ xa xưa đó. Tuy thuộc tầng lớp tăng lữ tôn giáo, nhưng kinh sư còn gắn liền với các nhiệm vụ hành chánh, luôn chấp hành mọi mệnh lệnh của vua trong nhiệm vụ viết các chỉ thị và lưu trữ các thủ bản này. Công việc của kinh sư vì vậy được người ta kính trọng. Vài bản văn trong Cựu Ước kể như sau :

Ét-ra 7,6-21 : “… Ông Ét-ra đã từ Ba-by-lon lên. Ông là một kinh sư thông Luật Mô-sê … có bàn tay nhân lành của Thiên Chúa che chở ông. Quả thật, ông Ét-ra đã chú tâm tìm hiểu kỹ càng Lề Luật của ĐỨC CHÚA, thực hành Luật đó và dạy cho dân Ít-ra-en biết những thánh chỉ và quyết định của Người.”

Nơ-khe-mi-a 8,1-9 : “Bấy giờ, muôn người như một, tụ họp ở quảng trường trước cửa Nước, họ xin ông Ét-ra là kinh sư đem sách Luật Mô-sê ra. Đó là Luật ĐỨC CHÚA đã truyền cho Ít-ra-en. Hôm ấy, ông Ét-ra cũng là tư tế đem Sách Luật ra trước mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đứng ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc Sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật … Ông Ét-ra chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng : ‘A-men ! A-men !’ Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy ĐỨC CHÚA … Ông Ét-ra và các thầy Lê-vi đọc rõ ràng và giải thích Sách Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc.”

Thiết tưởng, hai bản văn của Ét-ra và Nơ-khe-mi-a trên đây đã cho thấy rõ “kinh sư” là người thông hiểu Luật, thực hành Luật và luôn trung thành giải thích Luật, vì thế “kinh sư” là người có uy tín và được toàn dân kính trọng.

Hơn thế nữa, sách Ma-ca-bê còn kể chuyện một kinh sư tên là E-la-da, một trong những kinh sư quan trọng, ông bị ép phải há miệng ăn thịt heo. Nhưng ông thà chết vinh hơn sống nhục … Những người chủ toạ bữa tiệc cúng thần trái với Lề Luật, kéo riêng ông ra, và khuyên ông … giả vờ như thể đang ăn thịt cúng ... làm như vậy ông mới thoát chết … nhưng ông đã có một quyết định dứt khoát, thật xứng với tuổi cao và uy thế của bậc lão thành nhất là phù hợp với Luật thánh do chính Thiên Chúa lập ra Ông nói : ‘Dù tôi có tránh được hình phạt của người ta, thì sống hay chết tôi cũng sẽ không thoát khỏi bàn tay của Đấng Toàn Năng. Vậy giờ đây, khi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già, và để lại cho đám thanh niên một tấm gương cao đẹp về cái chết tự nguyện và cao quý, vì đã trung thành với các Lề Luật đáng kính và thánh thiện.’ Nói thế rồi, ông đi thẳng đến nơi hành hình…..” (2 Mcb 6,18-30).

Trong Tân Ước, sách Công vụ Tông đồ 5,34 cũng nhắc đến “một người Pha-ri-sêu tên là Ga-ma-li-ên … ông là một kinh sư được toàn dân kính trọng”.

Tân Ước được viết bằng ngôn ngữ Hy-lạp nên danh từ γραμματεύς = gram-ma-te-us có nghĩa là kinh sư, ký lục, thầy dạy. Mác-cô 7,1-6 kể lại : “Người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su : ‘Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa ?’” Họ trung thành với Luật Mô-sê và truyền thống Do-thái giáo như thế, nhưng vì sao Đức Giê-su lại nhắc cho dân chúng và các môn đệ rằng : “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo ? (Mt 23,2-7).

Mác-cô 12,38-40 còn kể : “Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng : ‘Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích chỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.’” Đức Giê-su đã dạy cho người tín hữu đương thời ý thức sống lề luật không chỉ bằng môi miệng nhưng là sự nhất quán trong ý thức, lời nói và hành động ; không chỉ bằng hình thức bề ngoài nhằm tìm danh vọng quyền thế nhưng bằng trọn vẹn tâm hồn yêu mến luật Chúa. Đức Giê-su khẳng định : Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Vậy mà thời ấy, các kinh sư và Pha-ri-sêu còn đòi Đức Giê-su làm một dấu lạ nhãn tiền : “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ” (Mt 12,38), nhưng Đức Giê-su lại đòi hỏi nơi họ một thái độ tín nhiệm hoàn toàn vào Đấng Thiên Sai.

Quả là không dễ dàng để tin vào Đức Giê-su, một người bị coi là phạm thượng khi tự xưng mình là Con Thiên Chúa hay là chính Thiên Chúa, một người dám thay đổi cách sống lề luật của tiền nhân. Vì thế, cách nói năng hành động của Đức Giê-su đã làm cho các kinh sư và Pha-ri-sêu chướng tai gai mắt, họ chỉ chờ dịp để xầm xì, lên án và tìm cách giết hại Người. Trong khi đó, Đức Giê-su vẫn kiên trì dạy dỗ, uốn nắn, cho họ được học biết về mầu nhiệm Nước Trời. Người bảo họ : “bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13,47-52). Như vậy, chỉ khi được đào tạo bởi truyền thống Luật Cựu Ước và bởi giáo huấn của Đức Ki-tô Giê-su, kinh sư mới trở thành môn đệ của Người, mới có đủ khôn ngoan huấn luyện kẻ khác. Nhờ lòng bao dung nhẫn nại của Đức Giê-su, các kinh sư và Pha-ri-sêu đã được hoán cải. Mát-thêu xác nhận, khi “Đức Giê-su ra lệnh sang bờ bên kia, thì có một kinh sư tiến đến thưa rằng : ‘Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.’” (Mt 8,19).

PHA-RI-SÊU

Bên cạnh danh từ “kinh sư” là danh từ Pha-ri-sêu, có nghĩa là “người tách biệt”, “người ly khai”. Có thể nói, đây là một nhóm người hoạt động dưới thời Ma-ca-bê cho đến khi đế chế Hy-lạp trao lại quyền cai trị cho người Do-thái, khoảng sau năm 165 trước Công Nguyên, và chỉ những cá nhân từ các gia đình Pha-ri-sêu cổ xưa mới được gọi là người Pha-ri-sêu.

nhóm người trí thức, thượng lưu, Pha-ri-sêu được kính trọng vì thuộc thành phần lãnh đạo tôn giáo và chính trị. Họ tuân thủ nghiêm ngặt luật Thiên Chúa, có khả năng giải thích Luật và nắm giữ quyền lực to lớn để áp đặt luật pháp trên dân chúng. Họ thiết lập những nơi hội họp được gọi là hội đường Do-thái, là trung tâm thờ phượng và giáo huấn, nhưng hệ thống tôn giáo của họ mang tính bề ngoài hơn là một đức tin hành động thiết thực. Thậm chí họ không tự hỏi Luật ra đời như thế nào và được truyền ban nhằm mục đích gì. Thay vào đó, họ giải thích luật pháp một cách cực đoan, dễ gây ra những cuộc cãi vã gay gắt. Vì vậy trong Tân Ước, nhóm người Pha-ri-sêu được mô tả là thường xuyên theo dõi, xét nét từng hành động và lời nói của Đức Giê-su và các môn đệ để lên án buộc tội.

Trong khi Đức Giê-su dạy phải biết phân biệt “điều chính yếu” trong Luật lệ và các phong tục tập quán, và tìm cách giải thoát người ta khỏi những hình thức sống luật máy móc, để hướng mọi người đến việc xây dựng một Vương Quốc công chính yêu thương, thì tầm nhìn của người Pha-ri-sêu chỉ gắn liền với lòng mộ đạo phô trương vô ích. Thay vì dạy cho dân biết Luật Mô-sê, họ lại chất gánh nặng lên dân bằng vô số luật lệ phiền hà. Họ làm cho tôn giáo phải quy phục trước những lợi ích phàm tục. Họ bận tâm những điều không quan trọng và bỏ bê những điều thiết yếu trong luật kính Chúa yêu người. Đức Giê-su thẳng thắn trách móc các kinh sư và Pha-ri-sêu vì họ nói một đằng và làm một nẻo.

Như vậy, chúng ta cần lưu ý vào thời bấy giờ :

  • Kinh sư không nhất thiết phải là Pha-ri-sêu, nhưng trong hàng ngũ Pha-ri-sêu thường có các kinh sư.
  • Kinh sư chỉ có trách nhiệm viết và giải thích Sách Thánh.
  • Còn Pha-ri-sêu là tầng lớp ưu tú có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội, họ nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp và truyền thống Do-thái, đồng thời tin vào luật truyền khẩu (Mishnah), các thiên thần, thế giới bên kia và sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a. Phái Pha-ri-sêu được lòng dân chúng hơn là kinh sư.
  • Bên cạnh đó, phái Xa-đốc chủ yếu là giới quý tộc Do-thái, có quan hệ tốt với chính quyền ở Rô-ma, vì thế họ có ảnh hưởng lớn đến hệ thống chính trị, tầng lớp quý tộc và tăng lữ ở Đền Thờ. Người Xa-đốc có mọi quyền lực, ngoại trừ quyền lực quân sự. Họ kiểm soát chặt chẽ toà công luận và đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Người Xa-đốc bảo thủ, bác bỏ luật truyền khẩu và chỉ tin vào luật thành văn. Vì không ưa Đức Giê-su, nên họ bắt tay với Pha-ri-sêu để chống lại Người.

Sách Cv 23,6-10 kể lại khi thánh Phao-lô biết có “một phần Thượng Hội Đồng thuộc phái Xa-đốc, còn phần kia thuộc phái Pha-ri-sêu, nên ông nói lớn tiếng giữa hội nghị : ‘Thưa anh em, tôi là người Pha-ri-sêu, thuộc dòng dõi Pha-ri-sêu ; chính vì hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử.’ Ông vừa nói thế, thì người Pha-ri-sêu và người Xa-đốc chống đối nhau, khiến hội nghị chia rẽ. Thật vậy, người Xa-đốc chủ trương rằng chẳng có sự sống lại, chẳng có thiên sứ hay quỷ thần ; còn người Pha-ri-sêu thì lại tin là có. Người ta la lối om sòm. Có mấy kinh sư thuộc phái Pha-ri-sêu đứng lên phản đối mạnh mẽ : ‘Chúng tôi không thấy người này có gì là xấu. Biết đâu một vị thần hay một thiên sứ đã nói với ông ấy ?’ Hai bên chống đối gay gắt đến nỗi vị chỉ huy sợ người ta xé xác ông Phao-lô, nên mới ra lệnh cho lính xuống lôi ông ra khỏi đám người đó mà đưa về đồn.

Tóm lại, đoạn sách Công vụ trên đã giúp chúng ta phân biệt và hiểu rõ niềm tin cùng thái độ của các thành phần Kinh sư, Pha-ri-sêu và Xa-đốc trong xã hội thời Đức Giê-su và Hội Thánh tiên khởi.

Là độc giả Tin Mừng, chúng ta hãy chất vấn lại bản thân, phải chăng mình cũng là kinh sư, Pha-ri-sêu và Xa-đốc thời đại ngày nay ? Nghĩa là trong tư cách Ki-tô hữu, có khi chúng ta cũng nói mà không làm, bó những gánh nặng mà chất lên vai người khác, làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy, làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, nhưng lại nuốt hết tài sản của người nghèo, thích chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và thích được thiên hạ gọi là thầy, là ông này bà nọ … ?

Xin quyền năng của Lời Chúa biến đổi chúng ta, để chúng ta luôn xác tín rằng, chúng ta chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. Và giữa chúng ta, tất cả đều là anh em với nhau, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ. Có như thế, chúng ta mới là chứng nhân sống động của Đức Giê-su Ki-tô, một Thiên Chúa đã hạ mình xuống để nâng loài người lên.

Cầu nguyện :

Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao, suốt ngày cứ suy đi gẫm lại !

Mọi nẻo đường tà, chân con chẳng bước, cốt làm sao giữ được lời Ngài.

Con chẳng lìa xa điều Ngài quyết định, bởi chính Ngài chỉ giáo cho con.

Con cảm thấy lời Ngài đã hứa, ngọt ngào hơn mật ong trong miệng.

Con thành người sáng suốt nhờ huấn lệnh Ngài ban, nên con ghét mọi đường nẻo gian tà.

(Tv 119,97-104).

Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng - Nữ tu Maria Lê Thị Thanh Nga - Dòng Đức Bà Nữ Kinh Sĩ Thánh Âu tinh

 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top