40 năm, Mẹ vẫn nhớ…

40 năm, Mẹ vẫn nhớ…

40 năm, Mẹ vẫn nhớ…

TGPSG -- Tuổi thơ của nó vào những năm 1997-1998 được đặc biệt ghi dấu với những câu chuyện của Nội về những chuyến đò.

Trong ký ức của Nội, gần 40 năm trước, rất sống động là những chuyến đò chở khách hành hương từ chợ Sơn Đốc vào đền Đức Mẹ La Mã Bến Tre. Trung tâm hành hương này có nhiều người đến viếng, nhưng cái thời điểm mà nó được Nội kể cho nghe thì La Mã Bến Tre là một địa danh chắc ngay cả dân địa phương cũng còn chẳng biết.

Dạo ấy, nó để ý thấy có một số bà hàng xóm mà sau này nó mới biết là các bà trong dòng ba Đa Minh, cứ đến nhà tỉ tê, trò chuyện với Nội. Nó nghe lõm bõm được câu chuyện là: “Bà Tư ơi, đi nhà thờ lại đi.” Suốt mấy năm trời, Nội nó dường như chẳng quan tâm gì, cũng chẳng lung lay gì với câu chuyện đó. Nói chuyện phiếm thì được, còn đi nhà thờ thì không!

Đầu năm 1999, nhà nó đổ nền, ba má nó đi làm suốt ngày, nên Nội lãnh thêm nhiệm vụ coi sóc nó, khi đó chỉ mới lên 5 tuổi. Lúc đó nó chẳng có khái niệm gì về người theo đạo gì, ai theo đạo ai; nó chỉ biết những câu chuyện về Đức Mẹ La Mã Bến Tre mà Nội kể. Nó cho rằng chắc là Nội cũng có biết về Đức Mẹ chứ. Nhưng nó lại thắc mắc rằng khi tới tối, cứ cả nhà nó đọc kinh chung thì Nội lại lui vào phòng bên trong mà ngồi.

Và thế rồi, một ngày kia, trong đầu nó nghĩ ra một kế hoạch táo bạo. Nó lại gần, thỏ thẻ với Nội: “Nội ơi, tối nay con đọc kinh, con sẽ đọc thiệt to, Nội ngồi trong phòng đọc theo con nha.” Nội nhìn nó mỉm cười rồi gật đầu, không biết là Nội gật cho nó vui, hay trong lòng Nội đã chạm điều gì đó.

Tối hôm đó, và những buổi tối sau, cứ tới giờ đọc kinh là nó lấy hết sức của một đứa con nít 5 tuổi để cất lên: “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà….”. Nó tin rằng ở bên vách phòng kia, Nội cũng đang lẩm nhẩm từng lời: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội…”.

Rồi bỗng sau đó một vài tuần, nó thấy Nội ở nhà thờ. Nhà thờ vui như trẩy hội, cha xứ cũng vui, mấy bà hàng xóm lâu nay hay tỉ tê với Nội lại càng vui hơn. Hôm đó, Nội mặc áo dài trắng, lên Rước Lễ như mọi người. Cảm xúc của Nội hôm đó lạ lắm, giống như người cũ trở về nhà mình sau bao nhiêu năm xa cách.

Hôm đó, có lẽ nó là người vui nhất, và cũng ngơ ngác nhất. Câu chuyện nó “rủ” Nội đọc kinh Kính Mừng mỗi tối mấy tuần nay được chính Nội kể lại cho nhiều người. Và ai cũng tin rằng sự trở lại kỳ diệu của Nội, chính là nhờ sự ngây thơ của một thằng bé 5 tuổi.

Mãi sau này, nó mới biết được sự thật: Nội là một người Công Giáo ngay từ ban đầu. Nội đã từng có mặt ở La Mã khi linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lộ hình. Nội đã là cô gái đưa đò để khách hành hương vào đến được Đền Mẹ. Khi lấy ông Nội nó, vì hoàn cảnh, Nội “nghỉ đạo” mãi cho đến tận bây giờ, và cô dì chú bác nhà nó cũng chẳng ai là đạo Công Giáo.

Khoảng 1 năm sau, những ngày cuối tháng 10/2000, Nội bị tai biến khi đang ở nhà dưới Bến Tre. Nội nó lúc đó cũng chỉ mới ngoài 60. Được con cháu đưa lên Sài Gòn chữa trị, sức khỏe của Nội khá lên, ăn uống ngủ nghỉ như bình thường, thậm chí còn tự “làm nail” được cho chính mình.

Sáng hôm sau, Nội lên cơn tai biến. Cha xứ nghe biết vội vã vào ban các Bí tích sau hết, và vừa kịp lúc Nội được Chúa gọi về khá bất ngờ. Tang lễ của Nội được cử hành trong sự lớ ngớ của cả nhà, ngoại trừ nhà nó, vì con cháu của Nội chẳng ai theo đạo Công Giáo. Các bà hàng xóm lâu nay tỉ tê với Nội và cả Giáo xứ đã luôn ở bên và giúp đỡ gia đình nó.

Viết lại những dòng này, trong tâm hồn nó tràn ngập niềm tạ ơn dâng lên Thiên Chúa. Ngài đã sắp xếp mọi sự cách hoàn hảo. Ngài đã dùng nó, trong những suy nghĩ đơn sơ của một đứa bé 5 tuổi, đã dùng “miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng” (Tv 8,3) để đưa dẫn Nội nó về “nhà” đúng lúc.

Và chắc chắn sự trở lại kỳ diệu này của Nội cũng không thể thiếu bàn tay yêu thương của Mẹ Maria La Mã Bến Tre. 40 năm đã qua, nhưng Mẹ vẫn không quên. 40 năm trước, Nội nó đưa khách hành hương đến bên Mẹ, 40 năm sau, Mẹ lại cầm tay Nội nó, đưa về lại bên Chúa…

Tấm hình kỷ niệm ngày Bà Nội (mặc áo dài trắng) được ơn trở lại với Chúa, dưới chân Đức Mẹ, tháng 7/1999

Giuse Ngô Quốc Đạt (TGPSG)

Top