Về Tuyên ngôn “Dignitas infinita”
TGPSG -- "Hỡi các Ki-tô hữu, hãy nhận biết phẩm giá của mình. Nay anh em đã được tham dự vào bản tính Thiên Chúa, đừng quay lại cuộc sống thấp hèn trước kia. Hãy nhớ Thủ Lãnh của anh em là Ðức Ki-tô và anh em là chi thể của Hội Thánh. Ðừng quên anh em đã được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm và được đưa vào trong ánh sáng Nước Thiên Chúa” (Bài giảng của thánh Lêô Cả trong lễ Giáng Sinh, được sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trích lại ở số 1691).
Tuyên ngôn “Dignitas infinita” của Bộ Giáo lý Đức tin đã được công bố ngày 8/4/2024 (Lễ Truyền Tin) mặc dầu mang chữ ký của Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin ngày 2/4/2024 (kỷ niệm ngày băng hà của thánh Gioan Phaolô II).
Nội dung gồm 4 phần, không kể những lời giới thiệu (lịch sử soạn thảo văn kiện), nhập đề và kết luận gồm:
Dẫn nhập (số 1-9) làm sáng tỏ bốn ý nghĩa của phầm giá (hữu thể ; luân lý; xã hội, hiện sinh)
Phần I (số 10-16). Lịch sử về sự nhận thức phẩm giá con người (trong triết học cũng như thần học)
Phần II (số 17-22). Nền tảng phẩm giá con người dựa trên mặc khải Kitô giáo
Phần III (số 23-32). Phẩm giá con người, nền tảng của các quyền lợi và nghĩa vụ của con người
Phần IV (số 33-62). Một số vi phạm trầm trọng đối với phẩm giá con người.
Kết luận (số 63-66).
Ba phần đầu mang tính cách lý thuyết (về nền tảng và bản chất của phẩm giá con người). Phần cuối bàn đến những trường hợp vi phạm phẩm giá con người vào thời nay. Các cơ quan truyền thông thường chỉ dừng lại ở phần cuối này, chứ không quan tâm đến ba phần đầu tiên.
Phẩm giá con người (gọi tắt là nhân phẩm) là gì? Không dễ gì trả lời, bởi vì đụng tới nhiều câu chuyện triết học. Nên biết là bản Tuyên ngôn nhân quyền của LHQ (10-12-1948) tránh né câu hỏi đó vì thuộc phạm vi siêu hình.
Bộ Giáo lý Đức tin cũng mất 5 năm mới hoàn tất văn kiện, và người ta có thể đoán được một lý do gây ra khó khăn là thuật ngữ này có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Ngay từ dẫn nhập (số 7-8), văn kiện cho thấy bốn ý nghĩa (hữu thể ; luân lý; xã hội, hiện sinh), tuy có liên kết với nhau nhưng không ngang hàng với nhau: chỉ có ý nghĩa thứ nhất là bất biến (gắn liền với bản tính con người), còn những ý nghĩa sau thì có thể thay đổi.
Trên thực tế, ý nghĩa thứ nhất khó nắm bắt hơn cả và đòi hỏi nhiều thời gian để có thể được chấp nhận. Ngoài ra, chúng ta cũng đừng nên quên rằng tư tưởng này được “nhập khẩu” từ Tây phương, không dễ “hội nhập văn hóa” vào nước ta.
Vì thế, tôi xin trình bày vấn đề theo một thứ tự hơi khác.1/ Trước hết, chúng ta tìm hiểu lịch sử tiến triển của khái niệm. 2/ Quan điểm Kitô giáo về nhân phẩm dựa theo văn kiện Dignitas infinita. 3/ Những quan điểm sai lầm về nhân phẩm. 4/ Những vi phạm nhân phẩm.
I. Khái niệm về nhân phẩm
A. Từ ngữ
“Phẩm giá con người” dịch từ dignitas humana (tiếng Latinh) hay human dignity (tiếng anh) gọi tắt là “nhân phẩm”. Thuật ngữ này xem ra xa lạ với người Việt. Chúng ta thường nói đến “danh giá, danh dự, chức phẩm, chức vị”, hoặc “nhân cách, tư cách”, nhằm nói lên một vị trí nào đó trong xã hội, khiến cho người khác phải tôn trọng, kính nể.
Trong nguồn gốc Latinh, dignitas gốc bởi dignus có nghĩa là “xứng đáng” (tựa như tiếng Pháp, dignité bắt nguồn từ digne), bao hàm một chỗ đứng trong xã hội, do dòng tộc, chức tước, quyền lực. Nếu hiểu như vậy thì không phải tất cả mọi người đều có “dignitas”! Và người có “dignitas” thì đáng được người khác tôn trọng, nhưng đồng thời nó cũng kèm theo một nghĩa vụ luân lý, đó là phải cư xử thế nào cho xứng với địa vị của mình, không được làm mất danh giá.
Từ một quan điểm “phổ thông” về phẩm giá như vậy (nghĩa là chỉ dành riêng cho một lớp người ưu tú trong xã hội), đến chỗ nhìn nhận rằng tất cả mọi người đều có phẩm giá ngang nhau, cần có một thời gian lâu dài. Chúng ta hãy theo dõi tiến trình ấy, đồng thời khám phá ra những khía cạnh khác nhau chung quanh hạn từ “phẩm giá”.
B. Lịch sử tiến triển của quan niệm “nhân phẩm”
Một cách tổng quát, có thể nói được rằng “phẩm giá con người” đã được mở rộng, từ khía cạnh xã hội, đến khía cạnh tôn giáo, rồi sang khía cạnh hữu thể, và hiện sinh.
1/ Khía cạnh chính trị xã hội
Như vừa nói trên, thời xưa ở Roma, “dignitas” được hiểu theo nghĩa chính trị xã hội, nghĩa là sự tôn trọng dành cho một hạng người chức cao quyền trọng trong xã hội. Mặt khác, những người ấy cũng phải ăn ở làm sao cho “xứng với gia phong”, từ cách đi đứng, phẩm phục, lởi ăn tiếng nói, cho đến những thái độ đối xử với tha nhân. Dù sao, triết gia Ciceron đã bắt đầu đi sâu vào nguồn gốc của phẩm giá: nó không chỉ dựa trên những nét bên ngoài, nhưng bắt nguồn từ bản tính con người: con người cao hơn thú vật, và mang trong mình một yếu tố thần linh (De legibus, 1,59).
2/ Khía cạnh tôn giáo
Các triết gia Kitô giáo đã sớm móc nối khái niệm phẩm giá con người với mặc khải, dựa trên Kinh thánh: con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27). Phẩm giá con người không lệ thuộc vào điều kiện chính trị xã hội, nhưng được nhìn trong tương quan với Thiên Chúa. Sách Sáng thế cũng cho ta biết rằng: con người là một thụ tạo được đặt làm quản lý vũ trụ, vượt trên các động vật khác.
Đàng khác, mặc khải cũng cho biết lý do của những khốn khổ xảy đến cho con người, đó là vì tội lỗi con người đã mất tình nghĩa vói Chúa.
Do đó chúng ta thấy rằng dưới khía cạnh tôn giáo, con người vừa cao quý vừa thấp hèn: cao quý vì được gọi vào chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa, thấp hèn vì đã mất tình nghĩa với Ngài. Dù vậy, con người đã được cứu chuộc, đã được hồi phục phẩm giá nhờ công trình của Đức Kitô, khuôn mẫu của con người tùng phục Chúa Cha.
Dù sao, sự tạo dựng và cứu chuộc ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Ta thấy manh nha tư tưởng về sự bình đẳng căn bản của tất cả mọi người: một sự bình đẳng về ơn gọi chung, nhưng cũng kèm theo nguy cơ là có những người không đạt được ơn gọi của mình do ý chí tự do của họ. Tự do là một đặc trưng làm nên phẩm giá con người, nhưng cũng kèm theo rủi ro là khiến con người đánh mất hạnh phúc.
3/ Khía cạnh hữu thể
Vào thời cận đại, tư tưởng châu Âu muốn tách rời khỏi mặc khải Kitô giáo. Các nhà thần học phải tìm cách diễn tả đạo lý cổ điển ra ngôn ngữ phù hợp với lý trí. Họ sử dụng các phạm trù của triết học như là “bản tính con người’, “nhân vị” để khẳng định sự bình đẳng của tất cả mọi con người, cách riêng để bảo về quyền lợi con người trước pháp luật.
Đây là thời ra đời của các tuyên ngôn quyền lợi con người. Theo lối lập luận này, nền tảng của phẩm giá con người là bản tính con người, một hữu thể có trí tuệ và ý chí tự do, làm chủ các hành vi của mình (khác với các loài khác trong vũ trụ). Vì thế, theo triết gia Kant, con người phải được đối xứ như cứu cánh chứ không như là phương tiện.
Duy có điều là trong tư tưởng hiện đại, quan niệm về nhân phẩm không còn quy hướng về Thiên Chúa nữa.
4/ Khía cạnh hiện sinh
Tất cả mọi người đều bình đẳng về nhân phẩm: đó là nói trên nguyên tắc, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Nhân phẩm bị tổn thương không chỉ vì mọi người dân không được đối xử công bằng trước mặt pháp luật, mà còn do những nguyên nhân khác nữa, chẳng hạn như cảnh nghèo đói cũng làm cho con người mất phẩm giá (“Cai khó bó cái khôn”).
Việc đề cao nhân phẩm không chỉ đòi hỏi bảo vệ các quyền tự do trước quyền lực Nhà Nước, mà còn phải giúp cho mọi người có đủ điều kiện sinh sống xứng với nhân phẩm. Đó là ý nghĩa của bản tuyên ngôn nhân quyền của LHQ năm 1948: tiếp theo những quyền tự do cá nhân (điều 3-21) là những quyền chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa (từ điểu 21 đến 27)
II. Quan điểm Kitô giáo về nhân phẩm, dựa theo văn kiện Dignitas infinita
Để hiểu biểt quan điểm của Giáo hội Kitô giáo về nhân phẩm, chúng ta có thể đọc Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 27; 1700-1748) và sách Tóm lược Giáo huấn xã hội của Hội thánh Công giáo (số 34-48; 108-123). Ở đây chúng tôi chỉ muốn nêu lên vài điểm đặc sắc của Tuyên ngôn này.
1/ Điều thứ nhất ở chỗ ghi nhận tính cách loại suy của thuật ngữ “phẩm giá con người” (số 7-8): có bốn cách hiểu khác nhau, tuy có liên hệ với nhau: hữu thể (ontological); luân lý (moral); xã hội (social), hiện sinh (existential). Bốn cách hiểu đó được nhìn như 4 khía cạnh của nhân phẩm.
Khía cạnh thứ nhất thì bất biến, còn 3 khía cạnh kia có thể giảm hoặc mất. Khía cạnh hữu thể gắn liền với bản tính con người, chứ không do ai ban cấp hoặc tước đoạt. Trên thực tế, không dễ gì hiểu được khía cạnh “hữu thể” bởi vì nó mang tính cách siêu hình.
Như đã thấy, xét theo lịch sử, có lẽ người ta ý thức khía cạnh xã hội trước hết, rồi dần dần mới đến khía cạnh hữu thể. Mặt khác, hai khía cạnh hữu thể và luân lý gắn liền với nhau: thực vậy, ta cần phải sống sao cho xứng với phẩm giả của mình, kẻo mà “mất phẩm giá”. Điều này cũng đúng với các Kitô hữu: thánh Phaolô không ngừng khuyến khích các tín hữu hãy sống xứng với phẩm giá của mình, đừng để làm ô danh Thiên Chúa và mất ơn cứu độ.
2/ Điều thứ hai, Tuyên ngôn ghi nhận rằng các thuật ngữ có thể bị lèo lái để biện minh cho một ý thức hệ nào đó, cách riêng là hai từ “nhân vị” (persona) và “tự do”. Trong triết học cổ điển, từ “nhân vị” nói lên sự cao quý của con người vượt lên trên các loài thụ tạo vô tri. Vì thế thuật ngữ “phẩm giá của con người” (human dignity) và “phẩm giá của nhân vị” (personal dignity) đồng nghĩa với nhau.
Nhưng thời này có người chủ trương hiểu nhân vị theo nghĩa là những con người biết sử dụng trí tuệ và tự do (số 24). Vì thế, đối với họ, “phẩm giá nhân vị” (personal dignity) chỉ dành cho những chủ thể biết sử dụng trí tuệ chứ không bao gòm tất cả mọi người. Ngoài ra, từ ngữ “Tự do” cũng dễ bị lạm dụng theo nghĩa là đồng hóa với “sở thích cá nhân” mà không đếm xỉa đến nghĩa vụ của mình đối với xã hội (số 25-26). Họ quên rằng tự do gắn liền với trách nhiệm; và khái niệm “nhân vị” cũng bao hàm sống tương quan với người khác. Chúng tôi sẽ trở lại với vấn đề này ở mục 3.
3/ Quan điểm của Kitô giáo về nhân phẩm một đàng dựa trên lý trí (do đó có thể đối thoại với tất cả mọi người), đàng khác dựa trên mặc khải. Những chứng cứ của lý trí được trưng dẫn từ lịch sử triết học. Còn theo mặc khải Kitô giáo, nhân phẩm dựa trên ba chân lý: a) con người - bao gồm cả nam và nữ - được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa; b) mầu nhiệm Nhập thể: Ngôi Lời kết hiệp với bản tính nhân loại, và nói được là với tất cả mọi người (số 19); c) con người được gọi trở thành con Thiên Chúa và hưởng sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa (số 20).
4/ Phẩm giá con người gắn liền với bản tính lý trí và tự do, đặt nó lên trên các thụ tạo khác. Tuy nhiên, con người cũng cần biết tôn giá trị của các vật được uỷ thác cho con người quản lý (số 28).
III. Những quan niệm sai lầm về nhân phẩm
Trên đây chúng tôi đã nói đến việc giải thích từ “persona” theo nghĩa là chủ thể có ý thức và tự do. Từ đó, có người rút ra hệ luận rằng ai không có ý thức và tự do thì không phải là persona. Hệ luận này có những áp dụng trong ngành luân lý sinh học, liên quan đến khởi điểm và kết thúc “nhân vị”.
1. Từ khi nào con người bắt đầu trở thành nhân vị, nghĩa là chủ thể ý thức và tự do? Phôi thai được coi là con người hay chưa? Các phôi thai trong ống nghiệm có phải là nhân vị không? Có thể phá hủy thai trong bụng mẹ khi thấy có nguy cơ là nó sẽ mang những bệnh di truyền không?
2. Con người cần được phát triển lành mạnh về tinh thần và thể xác. Nhưng nếu một người bị tê liệt, không còn sử dụng quan năng, nhất là quan năng tinh thần, có còn phải là nhân vị nữa không? Con người có quyền quyết định kết liễu cuộc sống của mình để tránh đau đớn cho bản thân và gánh nặng cho gia đình hay không? Một người chỉ sống như thực vật có còn được coi là nhân vị nữa không? Điều này có ảnh hưởng lớn đến việc thực hành “an tử” (hay: chết êm dịu, euthanasia).
Văn kiện trả lời rằng nhân phẩm gắn với hữu thể con người (có lý trí và tự do), chứ không lệ thuộc vào việc sử dụng các quan năng, lại càng không lệ thuộc vào sự nhìn nhận của xã hội.
IV. Những vi phạm
Nhân phẩm bị bi phạm bằng nhiều cách, từ chỗ kỳ thị giai cấp, màu da, chủng tộc, phái tính ..., cho đến những cách đối xử tàn tệ, làm hạ giá nhân phẩm, tựa như chế độ nô lệ, các hình thức tra tấn các tù nhân, hình phạt tử hình... Đó là chưa kể những người không đủ phương tiện sinh sống (nghèo đói về vật chất và văn hóa). (X. số 31)
Văn kiện kê ra những vi phạm trầm trọng đến nhân phẩm vào thời đại hôm nay (13 hoàn cảnh). Chúng ta có thể nhận thấy “nhân phẩm” ở đây bao gồm cả 4 khía cạnh đã nêu trên đây.
1/ Thảm kịch nghèo khổ (số 36-37)
2/ Chiến tranh (số 38-39)
3/ Những khốn khổ của di dân (số 40)
4/ Nạn buôn bán người (số 41-42), gồm cả buôn bán cơ thể, khai thác tính dục vị thành niên, buôn bán ma túy
5/ Lạm dụng tình dục (số 43)
6/ Bạo hành phụ nữ (số 44-46)
7/ Phá thai (số 47)
8/ Mang thai mướn (số 48-50)
9/ An tử và trợ tử (số 51-52)
10/ Gạt bỏ người khuyết tật (số 53-54)
11/ Ý thức hệ về giống (gender) (số 55-59)
12/ Chuyển đổi giới tính (số 60)
13/ Bạo lực trên không gian kỹ thuật số (số 61-62)
Kết luận
Văn kiện này không đề cập hết mọi góc cạnh của nhân phẩm. Chúng ta có thể bổ túc với các tài liệu khác, chẳng hạn như sách Tóm lược Học thuyết xã hội. Chúng ta cũng có thể lựa chọn một phạm vi nào đó để học hỏi, hoặc áp dụng vào môi trường cụ thể (chẳng hạn ở nước Việt Nam).
Dù sao, ngoài việc học hỏi lý thuyết, người tín hữu còn có bổn phận mang ra thực hành, qua việc phục vụ phẩm giá con người dưới nhiều hình thức (được sách Tóm lược nhắc đến ở các số 552-553; 557).
Trích tập san “Sống Đạo” của Ban Giáo Dân Tổng Giáo Phận Sài Gòn
bài liên quan mới nhất
- Ba mầu nhiệm làm nên phẩm giá con người
-
Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân dịp kỷ niệm 10 năm ban hành Tông huấn Evangelii Gaudium -
Đức Thánh Cha: Những thay đổi thực sự diễn ra từ dưới lên -
Desiderio Desideravi từ viễn quan thần học hiện diện -
Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ (Gaudete et Exsultate) về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay -
Toàn văn Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Blaise Pascal -
Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng: Chúa Lên Trời chuyển cầu cho chúng ta -
Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (14/5): Thánh Thần - Đấng Bào Chữa -
Tông thư “Totum Amoris Est - Tất cả thuộc về tình yêu” của Đức Thánh Cha Phanxicô về thánh Phanxicô Salê -
Giáo huấn vui. Kỳ 3: số 14-18 Vui Mừng và Hân Hoan
bài liên quan đọc nhiều
- Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ (Gaudete et Exsultate) về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay
-
“Hội Nhập Văn Hóa” và “Đối Thoại Liên Tôn” trong Tông huấn Verbum Domini -
40 câu hỏi & đáp về Tông huấn Familiaris Consortio -
Giới Thiệu Tông Huấn "Giáo Hội Tại Á Châu" (Ecclesia in Asia) -
Tông thư “Totum Amoris Est - Tất cả thuộc về tình yêu” của Đức Thánh Cha Phanxicô về thánh Phanxicô Salê -
Tính hài hước và sự thánh thiện theo Đức Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate -
Công bố Tông huấn Gaudete et Exultate của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Tông huấn "Giáo Hội tại Á Châu" (Ecclesia in Asia) của ĐGH Gioan Phaolo II -
Tóm tắt tông huấn 'Christus Vivit - Đức Kitô sống' -
Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (1)