Những người giữ bình an nơi cổng nhà thờ
TGPSG -- Trong khi mọi ánh mắt hướng về thánh đường, nơi diễn ra nghi lễ trang trọng, ít ai để ý rằng sự bình yên của buổi lễ bắt đầu từ cổng nhà thờ. Ở đó, một công việc thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng đang diễn ra. Đó là những người giữ xe - những người giữ bình an thầm lặng, đảm bảo sự trật tự bên ngoài để mọi người có thể an tâm tìm thấy sự bình yên bên trong.
Nhịp sống theo tiếng chuông và tiếng xe
Chủ Nhật ở giáo xứ Vĩnh Hội luôn mang một hơi thở khác hẳn ngày thường. Khi màn đêm còn chưa tan hẳn, khoảng hơn 4g giờ sáng, những tình nguyện viên ban giữ xe đã lặng lẽ có mặt. Họ mở cổng, chuẩn bị vé xe, sắp xếp lại khu vực. “Sáng sớm, 4 giờ là đã thấy anh chị em rồi. Họ nhiệt tình lắm”. Cha chánh xứ Giuse Huỳnh Thanh Phương chia sẻ với lòng cảm động về sự tận tâm của các tình nguyện viên.
Công việc chuẩn bị của họ là những tính toán nhỏ bé nhưng đầy quan tâm: làm sao để khoảng sân tuy có hạn nhưng vẫn đủ chỗ cho mọi người, làm sao để dòng xe ra vào nhịp nhàng, giữ lối đi thông thoáng cho các cụ già, em nhỏ hay các đoàn thể di chuyển chuẩn bị cho Thánh lễ.
Ảnh 1: Địa điểm giữ xe tại giáo xứ Vĩnh Hội.
Rồi tiếng chuông báo hiệu Thánh lễ sắp bắt đầu, cũng là lúc công việc trở nên tất bật nhất. Tiếng động cơ xe máy rền vang, tiếng lách cách chân chống, tiếng người gọi nhau, tiếng trẻ con khóc… tất cả tạo thành bản hợp âm đặc trưng của giờ cao điểm trước lễ. Giữa dòng người ấy, các anh chị ban giữ xe như những người hướng dẫn tận tình, dáng đi nhanh nhẹn, bàn tay đưa lên nhẹ nhàng, giọng nói ôn tồn: “Mời anh vào ô này ạ!”, “Chị ơi, mình đi lối bên kia cho thoáng nhé!”, “Phiền anh xếp gọn xe giúp em!”, “Bác ơi, tắt máy xe dùm con chút!”.
Công việc vẫn tiếp diễn ngay cả khi Thánh lễ đã bắt đầu. Ánh mắt họ lặng lẽ bao quát khu vực, vừa đảm bảo an ninh, vừa sẵn sàng giúp đỡ. Thỉnh thoảng, có người đến muộn, có chút ngần ngại ngoài cổng. Cách các anh chị ứng xử trong những tình huống này cũng thật ý nhị. Chị Maria Tâm kể lại kinh nghiệm với nụ cười hiền: “Có người đến trễ, mình cũng hỏi thăm nhẹ nhàng: ‘Sao nay đi trễ vậy em?’. Rồi có những lúc cha đã giảng gần xong, chị cũng nhỏ nhẹ góp ý: “Cha giảng sắp xong rồi đó chị, hay mình đi lễ sau cho sốt sắng, trọn vẹn hơn đi Chị? Còn nếu chị vẫn muốn vào tham dự thì em sẽ gửi số cho để gửi xe.” Đó là sự khéo léo, vừa giữ nét trang nghiêm cho nơi thờ phượng, vừa thể hiện lòng cảm thông, chia sẻ.
Và cứ thế, Thánh lễ này nối tiếp Thánh lễ kia. Dòng người tan lễ ra về, dòng người mới lại tìm đến. Điều đó có nghĩa là các anh chị ban giữ xe gần như luôn có mặt, luôn sẵn sàng. “Lễ cuối cùng kết thúc vào lúc 8 giờ tối, nhưng nhiều khi bà con nán lại trò chuyện, hỏi thăm nhau, nên phải cỡ 8 giờ rưỡi, có khi 9 giờ, anh chị em mới thu dọn xong mà về.” Cha xứ cho biết thêm. Chỉ khi sân nhà thờ trở lại vẻ tĩnh lặng dưới ánh đèn đêm, họ mới thực sự kết thúc một ngày dài yêu thương phục vụ.
Nắng mưa, bụi đường và những nỗi niềm không tên
Gọi là công việc phục vụ, nhưng ai cũng hiểu có những khó khăn không nhỏ. Thời tiết là điều cảm nhận rõ nhất. Có những ngày nắng hè, hơi nóng từ sân xi măng hầm hập bốc lên, mồ hôi thấm ướt lưng áo. Có những ngày mưa tầm tã, dù che chắn cẩn thận cũng khó tránh khỏi ướt át. Anh Giuse Quyền chia sẻ thật tình: “Trời mưa thì vất vả hơn một chút. Sân trơn, xe nặng, dắt díu cũng cần cẩn thận hơn.”
Rồi cả những cảm giác về cơ thể: đôi chân mỏi hơn sau nhiều giờ đứng liền, cổ họng có lúc khô đi vì hướng dẫn, nhắc nhở. Nhưng có lẽ, điều cần nhiều sự kiên nhẫn hơn cả đôi khi lại đến từ sự nóng vội hay lời nói chưa dễ thương của một vài người. Chị Maria nhỏ nhẹ tâm sự: “Cũng có lúc gặp người hơi khó tính một chút, có thể do họ đang vội hoặc lo lắng cho xe của mình.”
Anh Giuse lại có cái nhìn cảm thông: “Mình hiểu mà, xe mới mua ai cũng quý, giữ gìn lắm. Đến bãi giữ xe nhà thờ, thấy xe đậu san sát, bà con lo lắng sợ trầy xước cũng là điều dễ hiểu. Nên mình cố gắng nhẹ nhàng, cẩn thận hơn, lựa lời giải thích.” Và những lúc như thế, anh luôn tâm niệm cần giữ thái độ ôn hòa: “Mọi người đến nhà thờ là để tìm bình an, mình giữ tâm hồn mình bình an, nhẹ nhàng với họ, thì họ mới cảm nhận được niềm vui trọn vẹn khi đến nhà thờ.”
Ảnh 2: Anh Quyền đang xắp xếp xe tại giáo xứ Vĩnh Hội.
Các thành viên ban giữ xe đều là tình nguyện viên, phần phụ cấp (nếu có) chỉ mang ý nghĩa động viên. Ai cũng có gia đình riêng, có công việc đời thường cần lo toan. Việc dành gần trọn ngày Chúa Nhật và cả buổi tối thứ Bảy (cả những ngày lễ trọng) cho công việc chung đòi hỏi sự cảm thông lớn từ gia đình và sự sắp xếp khéo léo. Có những người cha, người mẹ tạm gác lại niềm vui cuối tuần bên con cái. Có những người chồng, người vợ gác lại việc nhà để đến nhà thờ phục vụ cộng đoàn.
Bên cạnh đó là trách nhiệm giữ gìn an toàn cho tài sản của bà con. Việc trông coi hàng trăm chiếc xe máy cũng là một sự lo lắng thầm lặng, bởi luôn tiềm ẩn nguy cơ mất cắp hay những va quẹt không mong muốn trong lúc đông người. Chị Maria tâm sự: “Ở thành phố đông đúc này, việc giữ xe không chỉ là giúp đỡ, mà còn là nhu cầu cần thiết để bà con yên tâm vào nhà thờ. Mình cố gắng hết sức để không xảy ra sự cố gì đáng tiếc.” Sự cẩn thận, chu đáo đã trở thành một phần quen thuộc trong công việc của họ.
Động lực từ Đức Tin và niềm vui giản dị của sự cho đi
Vậy điều gì đã giữ chân các anh chị ở lại với công việc đòi hỏi nhiều kiên nhẫn này, năm này qua tháng khác? Có lẽ câu trả lời không nằm ở những gì thấy được bên ngoài, mà ở sâu thẳm con tim, nơi có niềm tin và niềm vui được sẻ chia, phục vụ. “Họ nhiệt tình lắm. Nhóm chính này toàn là anh em tình nguyện thôi.” Cha xứ nhấn mạnh về động lực nội tâm mạnh mẽ ấy.
Với các anh chị trong ban giữ xe, đây là cách sống đức tin thật gần gũi qua những hành động phục vụ đời thường. Đó là thực hành sự khiêm nhường khi cần nhẫn nại trước một thái độ chưa vu, lòng kiên trì khi đứng dưới trời nắng hay mưa, và đức bác ái khi tận tình giúp đỡ người già yếu, người khuyết tật. Mỗi chiếc xe được xếp gọn gàng, mỗi lối đi thông thoáng, mỗi Thánh lễ diễn ra trong trật tự… đều mang đến cho họ niềm vui nhẹ nhàng, một cảm giác bình an thật khó tả.
Ảnh 3: Địa điểm giữ xe tại giáo xứ Phú Xuân.
Khi được hỏi có thấy vui với công việc này không, có lúc nào thấy nản lòng muốn nghỉ không, chị Maria cười thật tươi: “Thấy vui chứ! Mình làm vì phục vụ Chúa, phục vụ cộng đoàn mà. Mệt thì có lúc mệt thật, nhưng thấy lòng mình vui, khi mình nhận được nhiều nụ cười, lời cảm ơn của anh chị em giáo dân.” Cái "vui" ấy không ồn ào, mà là niềm hạnh phúc lặng lẽ, kín đáo, như một món quà tinh thần vô giá cho những hy sinh thầm lặng.
Còn niềm vui với anh Giuse là làm tốt công việc một cách khoa học. Anh Giuse chỉ vào hàng xe được xếp thẳng tắp: “Tôi sắp như vầy nè, bà con lấy xe ra dễ lắm, không cần phải dời chiếc nào hết, trừ mấy xe kẹt ở giữa. Ai muốn về sớm nói trước, tôi sẽ xếp chỗ thuận tiện hơn.” Đó là sự tỉ mỉ và quan tâm xuất phát từ tấm lòng muốn phục vụ tốt nhất.
Thay lời kết: Một lời cảm ơn, một nụ cười
Khi sân nhà thờ tĩnh lặng sau Thánh lễ cuối cùng, những người giữ xe mới thu dọn ra về, kết thúc một ngày phục vụ. Họ chính là những người "giữ bình an" thầm lặng, không chỉ trông coi những chiếc xe, mà còn vun đắp cho bầu không khí trật tự, trang nghiêm để mọi người được an tâm gặp gỡ Chúa.
Những giọt mồ hôi âm thầm, những đôi chân đôi khi mỏi mệt, và cả những lúc cần thật nhiều kiên nhẫn… tất cả được các anh chị đón nhận bằng tấm lòng quảng đại và đức tin. Họ không mong cầu được ngợi khen hay vinh danh, nhưng xứng đáng nhận được sự tôn trọng và lòng biết ơn.
Vì vậy, lần tới khi đến nhà thờ, xin hãy dành tặng các anh chị giữ xe một nụ cười ấm áp, một lời cảm ơn chân thành. Cử chỉ nhỏ bé ấy không chỉ sưởi ấm, tiếp thêm động lực cho những hy sinh thầm lặng, mà còn là cách thiết thực để chúng ta cùng xây dựng một cộng đoàn biết trân quý mọi đóng góp, dù là nhỏ nhất.
Bài & Ảnh: Thiên Du (TGPSG)
Ngày 13 tháng 04 Năm 2025
bài liên quan mới nhất

- Cầu nguyện cho các linh mục trong Tuần Thánh
-
Bài giảng Chúa nhật Lễ Lá 2025 của Đức Thánh Cha -
Lý do Thánh Gioan Phaolô II chọn Lễ Lá làm Ngày Giới trẻ Thế giới -
Lễ Lá: Sự chiến thắng của khiêm tốn và hy vọng -
Mầu nhiệm Cứu độ: Lễ Lá và con đường Thương Khó -
Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa -
Đức Thánh Cha Phanxicô nói về Con đường dẫn đến Hạnh phúc -
Sống hết lòng với cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu -
Cho đi không tính toán -
Noi gương Chúa Giêsu yêu thương kẻ thù
bài liên quan đọc nhiều

- An tử và Trợ tử trong Giáo lý Công Giáo
-
Phẩm giá của mỗi nhân vị và các quyền con người -
Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng: lời mời gọi trở về trong Mùa Chay -
Ba mầu nhiệm làm nên phẩm giá con người -
Chọn ngôn sứ Giêrêmia đồng hành với bạn trong mùa Chay -
Tại sao người Công giáo lại che các thánh giá và ảnh tượng trong Mùa Chay? -
Về Tuyên ngôn “Dignitas infinita” -
Ngày 05 tháng 03: Thứ Tư Lễ Tro -
Cảm ơn "các Thánh Giuse" trong đời tôi -
Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa