Tưởng nhớ Cha Patrick, “Ông Tiên Việt Nam” (1933 - 2022)
TGPSG -- Một “ông Tiên Việt Nam” dễ mến, dễ gần, cho dẫu chỉ nói được vài câu tiếng Việt...
HẠT GIỐNG RƠI VÀO ĐẤT TỐT…
Cha Patrick Bernard Philbin chào đời vào ngày 10-7-1933 tại Akson, Summit thuộc tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ. Được nuôi dưỡng và lớn lên trong một gia đình Ireland Công giáo truyền thống có 7 người con, ngay từ rất sớm, cậu út Patrick đã khao khát được trở thành tiếng nói trung chuyển tình yêu thương của Thiên Chúa đến với những tâm hồn đang bị thương tích, đặc biệt nơi những anh chị em di dân, những thành phần bị xã hội bỏ rơi, hay tại các quốc gia chậm phát triển.
Chính tại tiểu bang Ohio, nơi những nhà truyền giáo Hội Dòng Society of Mary (Marianist) đặt những bước chân đầu tiên đến Hoa kỳ vào năm 1849, ơn gọi tông đồ đã được gieo vào trong tâm hồn của cậu bé Patrick, và hình thành ơn gọi trở nên linh mục của Hội Dòng.
Hoàn tất chương trình trung học vào tháng 6 năm 1951, chàng thanh niên Patrick gia nhập Hội Dòng vào cùng năm ấy. Sau tiến trình đào luyện, tu sĩ Patrick chịu chức linh mục vào ngày 25-1-1972 và phục vụ trong các sứ vụ Hội Dòng trao phó.
Sau thời gian phục vụ Hội Dòng, khi tuổi đã xế chiều, cha Patrick muốn dành thời gian cuộc đời còn lại tập chú vào việc phục vụ triệt để hơn nữa. Đáp ứng nguyện vọng của cha, Đức Giám mục giáo phận Orange County, California, đã bổ nhiệm cha làm linh mục linh hướng cho các sinh viên ở trường Đại học California, Irvine (University of California, Irvine - UCI).
Trong khi thi hành sứ vụ linh hướng, cha có nhiều cơ hội gặp gỡ các sinh viên xuất thân từ gia đình gốc Việt Nam. Cha được đánh động từ những câu chuyện do các sinh viên kể lại: những đau thương của những người dân “boat-people (thuyền nhân)” được cả thế giới biết đến, những nỗ lực cố gắng vươn lên từ những khó khăn đầu tiên trên vùng đất lạ… Những câu chuyện thật cảm động về những con người bị tổn thương tâm lý và thể lý sau chiến tranh, là những trải nghiệm cuộc đời của cha, mẹ, ông, bà - mà các sinh viên Việt Nam thuật lại - đã được cha Patrick chăm chú lắng nghe. Chính từ văn phòng linh hướng của trường đại học Irvine danh giá tại Hoa Kỳ, mà cha cảm nghiệm tiếng gọi của Chúa mời gọi cha đến phục vụ tại một đất nước có nhiều huyền thoại tuyệt vời về con người lẫn vùng đất.
DUYÊN KỲ NGỘ
Duyên kỳ ngộ đã đến với cha Patrick để từ đây cha gắn bó trọn tình với Giáo hội Việt Nam, với lòng thao thức không ngơi làm điều tốt nhất cho những người gặp những hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Cuối năm 2000, một sinh viên Việt Nam - anh Duy Đỗ - nghe tin chính quyền quyết định giải tỏa nghĩa trang nơi chôn cất ba mẹ của anh. Anh Duy đã mạo muội thưa với cha linh hướng với những giọt nước mắt lưng tròng, “Xin cha giúp con, cùng về Việt Nam đến thăm người thân trong gia đình con, và làm phép hài cốt của ba mẹ con khi được cải táng.” Như có một sức mạnh thiêng liêng thúc đẩy, cha đã đồng ý ngay, dù cũng không biết mình sẽ phải làm gì, và làm như thế nào. Đây chính là lần đầu tiên cha đến Việt Nam, vào tháng 12 năm 2000.
Lần đầu tiên cha chứng kiến tận mắt những sinh hoạt của người dân Việt Nam khi đến gặp gỡ chia sẻ với gia đình Duy. Cha Patrick đã giúp anh lo tổ chức cải táng phần mộ cho ba mẹ anh được yên nghỉ một lần nữa tại nghĩa trang của Dòng nữ Đaminh tại Biên Hòa. Sau đó, Duy đã mời cha Patrick tham quan Nhà thờ Đức Bà và những thắng cảnh khác ở Sài Gòn.
Trước khi kết thúc chuyến đi, cha đã tới thăm Tòa Tổng Giám Mục, tại đây cha đã gặp anh Tuấn cùng với lời ngỏ ý nhưng đầy nài nỉ, “xin cha giúp dạy tiếng Anh cho sinh viên Việt Nam chúng con”. Trở lại Hoa Kỳ, cha đã sắp xếp bàn giao công việc tại đây, để dấn bước cho một hành trình sứ vụ mới. Khi nhìn lại, cha đã nói đùa rằng: Đây là quyết định sai lầm của ngài.[1]
Xét theo cái nhìn bình thường của con người thì quả là rất sai lầm khi dám dấn thân vào một sứ vụ mà chưa có được một bề sâu nghiên cứu về văn hóa, tập tục, ngôn ngữ của đất nước và dân tộc mà mình sẽ đến để phục vụ; quả là sai lầm khi chưa biết nói được những câu tiếng Việt căn bản, và cũng khó để có thể học thêm một ngôn ngữ mới khi tuổi đã lớn. Thế nhưng chỉ vì sự rung động của con tim như Chúa Giêsu, cha đã mạnh dạn tiến bước. Chính từ sứ vụ này mà cha đã có thể khẳng định rằng: “Tuy thể lý tôi là người Irish, nhưng tâm hồn tôi là Việt Nam.”
HÀNH TRÌNH SỨ VỤ TẠI VIỆT NAM
Kể từ khi bén duyên với con người và đất nước Việt Nam, một chương trình mới cho sinh hoạt thường kỳ hằng năm của cha Patrick đã diễn ra trong suốt 21 năm cuối đời. Đó là những chuyến bay đường dài Hoa Kỳ - Việt Nam thường xuyên hai lần mỗi năm. Mỗi lần như thế, cha ở lại Việt Nam trong ba tháng để dạy tiếng Anh và làm những công việc bác ái.
Cũng trong thời gian này, năm 2005, Học viện Mục Vụ thuộc Trung tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận bắt đầu hoạt động. Cha Giám đốc lúc đó - linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm (nay là Giám mục Giáo Phận Mỹ Tho) - đã mời cha Patrick dạy một số lớp tiếng Anh. Ngoài ra, từ năm 2008 - khi Nhà Chủng Sinh Dự Bị bắt đầu chương trình huấn luyện cho các ‘tiền-chủng sinh’ - cha Louis Nguyễn Anh Tuấn (nay là Giám mục Phụ Tá TGP Sài Gòn và Giám quản Hà Tĩnh) đã mời cha Patrick giúp anh em ‘tiền-chủng sinh’ môn tiếng Anh.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, sự tận tâm, kiên nhẫn, và vui tính của “ông giáo Mỹ dạy tiếng Anh” đã khiến các nhà dòng cũng tìm đến xin cha thương giúp cho cộng đoàn của mình. Cha Patrick đặc biệt ưu tiên cho các chị em Dòng Kín Cát Minh. Cha biết các chị em không có cơ hội đến các trường hay các học viện, nên cha sẵn sàng giúp cho chị em… vì thế mà cứ hằng tuần trong năm học, kết thúc giờ dạy tại Trung tâm Mục Vụ cho các em chủng sinh dự bị, cha lặng lẽ bước sang tu viện Cát Minh để dạy các chị em. Thời gian còn lại, cha dành để đến với các cộng đoàn, nhà dòng khác… nên có thể nói cha không có thời gian trống trong ngày sống tại Việt Nam.
Chính từ những lớp tiếng Anh dành cho các sơ Dòng Kín Cát Minh, dòng Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ… mà cha được nghe các nữ tu kể về những mảnh đời bất hạnh của bà con giáo dân trên những vùng đất truyền giáo; để rồi trái tim trắc ẩn của cha rung lên, và cha nhận ra lời mời gọi trở nên sứ giả bác ái đến với những mảnh đời bất hạnh hoặc những cộng đoàn người dân tộc thiểu số tại những vùng cao.
Và cũng từ đó, sau mỗi hai học kỳ dạy tiếng Anh, thời gian cha trở về lại Hoa Kỳ đã không còn là lúc để cha nghỉ ngơi nữa, mà là để tìm kiếm nguồn trợ giúp cho công việc tông đồ bác ái hiện tại. Cha tiếp xúc với giáo dân tại những giáo xứ cha đến dâng lễ, trình bày với họ về công việc tông đồ của ngài, và khiêm tốn đón nhận những đóng góp của giáo dân… để có được nguồn ngân quỹ thực thi những công việc bác ái thông qua nhiều dự án và ở nhiều vùng miền khác nhau.
Các dự án gồm có chương trình cung cấp nước sạch, xây nhà tình thương, tặng học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học, thăm và tặng nhu yếu phẩm cho các mái ấm khiếm thị, câm điếc, trẻ em mồ côi, người già neo đơn... Ngoài ra, cha còn dành thời gian thăm và giúp các trại cùi ở Bến Sắn, Bình Dương, Đơn Dương, Lâm Đồng, Bình Thuận...
Bên cạnh đó, cha thường xuyên hỗ trợ cho các đoàn bác sĩ thiện nguyện để họ đi tới khám và phát thuốc, phát quà cho các hộ gia đình nghèo ở vùng sâu vùng xa khắp các tỉnh Miền Trung, Miền Đông và Tây Nam Bộ.
Cha cũng đặc biệt giúp viện phí cho các bệnh nhân nghèo được phẫu thuật và điều trị trong các trường hợp nguy cấp như là mổ bướu, mổ mắt hoặc tim… Có những gia đình không đủ thu nhập để nuôi con và sinh sống, thì hằng tháng cha giúp đỡ sinh hoạt phí cho họ.
Cha kể lại, có lần nọ một người bố quyết định bán đi quả thận của mình để có tiền đóng cho ca phẫu thuật con trai của ông. Được biết đến cha Patrick, người bố đã tìm cách liên hệ và xin trợ giúp. Cha đã nhanh chóng thuật lại hoàn cảnh của ông với một số giáo dân quen biết. Chỉ sau vài ngày, cha đã chuyển gấp ngay số tiền quyên góp được về đến Hà Nội - cứu người con có được ca giải phẫu và giúp người bố giữ được quả thận.[2]
KHI THÁI SƠN NGẢ BÓNG
Lễ Giáng Sinh năm 2019, cha Patrick đang trong chương trình dạy tiếng Anh cho các chủng sinh dự bị thì ngã bệnh. Cha được đưa vào cấp cứu và điều trị tại bệnh viện American International Hospital trong suốt thời gian hai tháng. Vào thời điểm ấy, cha vẫn không hiểu tại sao những điều này lại xảy đến cho cha - khi cha đã tìm mọi cách để giúp bao nhiêu con người, đã giúp một ông bố không phải bán quả thận của mình, thì hai quả thận của chính cha lại không hoạt động được nữa. Trong tĩnh lặng khi nằm điều trị tại bệnh viện, cho dẫu không tìm ra lời giải đáp cho thuận lý, cha vẫn vui vẻ đón nhận vác thập giá của chính mình, noi gương Thầy Giêsu chí thánh.
Sau hai tháng điều trị tại Việt Nam, cha đã trở về Orange County - quê nhà của cha - và được chăm sóc tại Viện Dưỡng Lão. Thời gian này tình hình thế giới cũng bắt đầu chuyển biến trước đại dịch Covid. Các quốc gia lần lượt đóng cửa biên giới, và mọi hoạt động đều dừng lại.
Sinh hoạt của cha Patrick tại Viện Dưỡng Lão không như những người khác. Hằng ngày cha vẫn tự mình lái “con ngựa sắt” Toyota đời năm 2000, đến các giáo xứ chung quanh để dâng lễ theo phiên định kỳ. Trở về phòng, cha ngồi trả lời email, trả lời những cuộc gọi qua các ứng dụng online, những buổi học online, hay những cuộc chia sẻ tâm linh với các nữ tu Dòng Kín Cát Minh Sài Gòn, mua sách học và và gửi về cho các em chủng sinh dự bị… Có thể nói tuy sống ở nhà hưu nhưng cha vẫn không ngừng làm việc cho Việt Nam.
Cha không ngừng dâng những đau khổ cha đang chịu đựng do bệnh tật cùng với ý nguyện của những người xin cha cầu nguyện cho, những lời cầu xin mà hằng ngày cha vẫn thầm thĩ dâng lên Chúa: “Lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa đau đớn mà con đang trải qua để cầu nguyện cho một người ung thư đang xin được ơn lành bệnh, cho một người con biết ăn năn trở về với Chúa, cho P. có việc làm mới…” Đồng thời, cha cũng xác tín rằng cha cũng được các nữ tu Cát Minh, các linh mục, các chủng sinh đã từng là học trò của cha… hằng ngày vẫn đang cầu nguyện cho cha.
Trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh Covid, cha vẫn thường xuyên liên lạc với các học trò - các chủng sinh và các tu sĩ nam nữ tại Việt Nam - qua các phương tiện truyền thông online. Khi chính phủ một số các quốc gia kiểm soát được dịch bệnh, đường biên giới, các chuyến bay đến và đi đã mở lại, thì ước mơ đầu tiên của cha Patrick là được về Việt Nam tiếp tục giảng dạy tiếng Anh và linh đạo. Thế nhưng dự định ấy của cha đã không thành hiện thực.
Ngày 25-7-2022, cha Patrick đã được Chúa gọi về sau khi hoàn tất hành trình trên trần thế này với 89 năm làm con Chúa và 69 năm sống trong ơn gọi thánh hiến của một thành viên Dòng Con Đức Mẹ Maria.
NHỮNG ĐIỀU CÒN LẠI…
Cha Patrick đã lên đường về Nhà Cha Trên Trời, một chuyến đi không hề bất ngờ, vì cha đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày lên đường này rồi. Khi được các học trò hỏi về bí quyết sống của mình, Cha đã trả lời không chút đắn đo, đó là hãy luôn sống tâm tình biết ơn Thiên Chúa, từ giây phút đầu tiên của ngày mới khi mở mắt thức giấc cho đến phút cuối ngày đi vào giấc ngủ: Hãy luôn nhận ra ơn Chúa, sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong mọi sinh hoạt, để không ngừng cất tiếng cảm ơn Chúa. Và cha nhấn mạnh, “Hãy không ngừng cất tiếng tạ ơn: Thank you My Love -Tạ ơn Chúa.”
Cha đã sống và thường nhắn nhủ với các linh mục: Hãy bày tỏ lòng thương cảm dành cho bất cứ ai đến với mình, hãy phản ánh trung thực hình ảnh Chúa Giêsu giàu lòng thương xót với bất cứ ai đến với Chúa. Linh mục hãy bắt chước Chúa sống như thế.
Khi nghe tin cha Patrick kết thúc hành trình trần thế, chắc chắn rất nhiều người Việt Nam không thể không ngậm ngùi xúc động. Một “ông Tiên Việt Nam” dễ mến, dễ gần, cho dẫu chỉ nói được vài câu tiếng Việt, nhưng đã mau chóng trở thành thân thiết với nhiều người, vì ông Tiên đã lắng nghe bằng con tim thấu cảm, hơn là bằng đôi tai nghe một ngôn ngữ khác biệt. Và nụ cười luôn nở trên khuôn mặt nhân hậu đem lại sự ấm áp, gần gũi, cũng như năng lượng tích cực cho bất cứ ai đã có dịp tiếp xúc, gặp gỡ với cha Patrick. “Cám ơn cha đã cho chúng con những bài học sống động cho công việc mục vụ của chúng con ngày hôm nay”.
Linh mục Giuse Hoàng Ngọc Dũng (TGPSG)
tổng hợp từ những tư liệu tiếng Việt và tiếng Anh
trên YouTube và những kênh truyền thông khác
bài liên quan mới nhất
- Sứ vụ của Sơ Luke Boiarsk: xây dựng cộng đồng, biến đổi cuộc sống tha nhân
-
Sơ Pia và sứ vụ mang lại ánh sáng cho trẻ em khiếm thị ở Rwanda -
Nữ tu Công giáo Nigeria được trao giải thưởng Opus trị giá 1,2 triệu đô la -
Bà Nancy và ông Patrick, triệu phú Canada bỏ tất cả để trở thành thừa sai tại đền thánh Mễ Du -
Di chúc đức tin của Sammy Basso, thanh niên bị bệnh lão hoá sớm -
Đức cha François Pallu: Chứng nhân của tình yêu -
Chứng tá truyền giáo của cha Ignazio Lastrico ở Brazil: Điều quan trọng là luôn hiện diện và ở mọi nơi -
Những nữ thừa sai ở bang Meghalaya, Ấn Độ -
Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến, vị giám mục phá tan băng giá -
Khi đức tin là sự lan toả nhen lại tâm hồn chán nản
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hóa của Giáo hội Công Giáo Việt Nam (1533-2019)
-
Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de La Motte, những thành quả truyền giáo và tiến trình xin phong thánh -
Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi -
Đức cha Pierre Lambert De La Motte người môn đệ yêu mến “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” -
Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của giới trẻ -
Cỗ tràng hạt quý chôn theo Công nương Diana -
Gia đình có một Hồng y, một Giám mục, hai Linh mục và bốn Tu sĩ -
Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II -
"Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại -
400 năm ngày sinh Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên Việt Nam