400 năm ngày sinh Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên Việt Nam

400 năm ngày sinh Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên Việt Nam

400 năm ngày sinh Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên Việt Nam

Vào ngày 28.01.2024, chúng ta sẽ mừng 400 năm ngày Đức cha Lambert de la Motte chào đời. Ngài là người thành lập hàng giáo sĩ Việt Nam, sáng lập dòng nữ Mến Thánh Giá và hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá, và là người để lại trong Giáo Hội một linh đạo đặc biệt, linh đạo yêu mến Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh.

*

Đức cha Pierre Lambert de la Motte chào đời ngày 28.01.1624 tại thành phố Lisieux, nước Pháp. Hôm đó là một ngày Chúa nhật theo dương lịch. Còn theo âm lịch, hôm đó là mùng 9 tháng Chạp năm Quý Hợi.

Ngài thuộc gia đình quý tộc kỳ cựu tại miền Normandie. Thân phụ của ngài là ông Pierre Lambert và thân mẫu là bà Catherine Heudey de Pommainville, thành hôn năm 1622. Ngay vào năm sau đó, họ có được người con đầu lòng là Marie. Rồi năm kế tiếp, 1624, người con trưởng nam chào đời :

«Ngài chào đời tại giáo phận Lisieux vào ngày 28 tháng 01 năm 1624. Là trưởng nam trong gia đình, ngài mang tên thánh Pierre từ giếng rửa tội. »

Người đầu tiên viết tiểu sử Đức cha Lambert đã ghi ra như vậy (1)

Sau hai người con đầu, Marie và Pierre, ông bà còn sinh được năm người con nữa. Nhưng chỉ sống được một người con gái cũng tên Marie (sinh năm 1627) và người con trai út tên Nicolas (sinh năm 1631). (Sau này, Nicolas trở thành linh mục và sang truyền giáo Đông Nam Á, nhưng từ trần dọc đường, lưu lại cho anh mình cây Thánh Giá. Trước khi lìa đời, Đức cha Lambert đã tặng lại cây Thánh Giá này cho các cha dòng Tên tại Macao. (2) 

Nơi sinh ?

Mọi sử gia ngày nay đều nói Đức cha Lambert sinh tại Lisieux. Tuy nhiên, ngày trước, đã có tài liệu ghi rằng ngài sinh tại La Boissière. La Boissière là một thôn làng quê nhỏ, cách thành phố Lisieux 7 km về phía Tây, trên quốc lộ số 13 nối liền Lisieux và Caen. Thời Đức cha Lambert, thôn làng này thuộc quyền sở hữu của gia đình ngài.

Ai đã nói Đức cha Lambert sinh tại La Boissière? Thưa, chỉ có tài liệu sau :

- Tờ báo Bulletin de la Commission des Antiquités de la Seine-Inférieure, (tome VI, Rouen, imprimerie Espérance Cagniard), năm 1884, đăng một bài viết về ngôi nhà nguyện của trung tâm từ thiện Rouen (« Chapelle de l’Hospice »), trang 263-272. Tác giả bài báo đã ghi một chú thích về Đức cha Lambert như sau : « Pierre-Marie Lambert [sic], ngài quý tộc xứ La Boissière và La Motte, con trai ông Pierre Lambert, ngài quý tộc xứ La Motte, thẩm phán tại thành phố Évreux, và bà Catherine Heudey de Pommainville et de Bocquencey, sinh tại La Boissière, ngày 28.01.1624, được bổ nhiệm ngày 17.05.1646 làm cố vấn Toà án Thuế vụ, được thay thế vào tháng 7 năm 1655. »

- Chú thích trên đã được cha Adrien Launay lập lại trong Histoire générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, volume 1, Paris, Téqui, 1894, trang 31, chú thích 1. Nhưng năm 1923, tức 29 năm sau, khi xuất bản Histoire de la Mission de Cochinchine, tome I, Paris, Téqui, cha A. Launay đã cải chính (trang 1) như sau : « Đức cha Pierre Lambert de La Motte, sinh […] tại Lisieux (Calvados) ».

Đúng theo sử liệu thì Đức cha Lambert không sinh tại La Boissière, nhưng tại thành phố Lisieux. Và đây là những chứng cớ :

- Ông Henri de Frondeville, trong tác phẩm xuất bản năm 1925, tuyên bố đã tìm thấy chứng thư Rửa Tội của Đức cha Lambert tại nhà thờ Saint Jacques của thành phố Lisieux (3). Tiếp theo đó, cha A. Launay đã lập lại thông tin này trong tác phẩm xuất bản năm 1923 như vừa nhắc tới ở trên.

- Sổ Rửa Tội của nhà thờ La Boissière vẫn còn được lưu giữ tới ngày nay mà mọi người có thể tham khảo, hoặc tại kho lưu trữ thư tịch tỉnh Calvados (Pháp), hoặc trên mạng internet.

Địa chỉ : Archives départementales du Calvados, 61 Rue de Lion Sur Mer, 14000 Caen. https://archives.calvados.fr

Trong sổ Rửa Tội của nhà thờ La Boissière, không có tên Pierre Lambert de la Motte. Và vào năm 1624, chỉ có 3 đứa trẻ được rửa tội mà thôi. (4)

- Chính Đức cha Lambert sau này có kể : « Lúc tôi lên chín tuổi, tại thành phố nơi tôi chào đời, một ngày nọ, khi tự hỏi nếu sau này tôi có thể đi tu như một vài vị tu sĩ nào đó không […] » (AMEP, tập 116, tr. 559-560). Lời nói « tại thành phố nơi tôi chào đời » khiến chúng ta phải nghĩ tới Lisieux là một thành phố, trong khi La Boissière chỉ là một thôn làng nhỏ mà lúc đó may ra thì được hai hay ba chục người.

Như vậy, Đức cha Lambert không sinh tại thôn làng La Boissière, nhưng tại thành phố Lisieux.

Và theo ông Henri de Frondeville, Đức cha Lambert chào đời trong nhà bà nội tên là Mauduit của ngài, một quả phụ quý tộc danh giá tại Lisieux. Ngôi nhà tọa lạc đối diện với nhà thờ Saint Jacques, bị phá bình địa trong trận bỏ bom của quân đội Đồng Minh, đã phá hủy tới 75% thành phố Lisieux, vào đêm ngày 06 rạng ngày 07.06.1944, thời Đệ nhị Thế chiến.

(Ngôi nhà nơi Đức cha Lambert chào đời)

(Sau trận bỏ bom năm 1944)

Ngày sinh và ngày rửa tội ?

Sau nơi sinh, chúng ta còn có thể thắc mắc về ngày sinh và ngày rửa tội của Đức cha Lambert. Vấn đề này được nêu ra, vì năm 1925, ông Henri de Frondeville công bố điều sau :

« Người ta thấy có ghi chú lễ rửa tội này vào ngày 16.01.1624 trong sổ sách của nhà thờ Thánh Giacôbê [Saint Jacques] của thành phố Lisieux tại văn khố của thị sảnh thành phố này. Như vậy là do nhầm lẫn mà tất cả mọi người chép tiểu sử Đức cha Lambert de la Motte nói rằng ngài đã sinh tại La Boissière, ngày 18 hoặc ngày 24 tháng 01. »  (5) 

Vấn nạn này gần như không thể giải quyết cách hoàn toàn thỏa mãn được, vì sổ Rửa Tội của Đức cha Lambert nói đây đã bị cháy rụi do cuộc bỏ bom của quân đội Đồng Minh lên thành phố Lisieux năm 1944 đã nói ở trên.

Tuy nhiên, chúng ta còn có được những tư liệu khác giúp xác định rằng Đức cha Lambert sinh ngày 28.01.1624. Chúng tôi xin trích dẫn :

1)- Trước tiên là tập tiểu sử Đức cha Lambert do cha Jacques-Charles de Brisacier, bề trên của chủng viện Hội Thừa Sai Paris, soạn ra năm 1685, tức chỉ sáu năm sau khi Đức Cha qua đời : Vie de Mgr Lamothe Lambert. Chúng ta đã trích dẫn đoạn nói về ngày sinh : « Ngài chào đời tại giáo phận Lisieux vào ngày 28 tháng 1 năm 1624 ».

2)- Báo Bulletin de la Commission des Antiquités de la Seine-Inférieure (đã trích dẫn) ghi chú : « Pierre-Marie Lambert [sic], ngài quý tộc xứ La Boissière và La Motte, […], sinh tại La Boissière [sic], ngày 28.01.1624, […] »

3)- Thư khố của Hội Thừa Sai Paris còn giữ được tập nhật ký của Đức cha Lambert mà ngài viết từ ngày 01.02.1674 tới ngày 15.8.1678. Nhờ những trang nhật ký đó, chúng ta biết là vào ngày 28 tháng 01 năm 1677, Đức cha Lambert đang tĩnh tâm 40 ngày tại giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Băng Cốc. Ngài viết :

« Ngày 28.01.1677.- Tôi nhìn thấy hôm nay chính là ngày tôi chào đời. Tôi tạ ơn Chúa đã ban đời người mà tôi nhận được từ Ngài, và cầu xin Chúa hãy sử dụng con người tôi, bằng hành động trực tiếp của Ngài, vào những gì là ích lợi nhất cho danh Chúa và cho việc hoán cải các linh hồn. Và để đạt được hồng ân trọng đại đó từ lòng nhân lành của Chúa, tôi đã dâng hy lễ bàn thánh. " (6)

Rồi tới ngày 14 tháng 02 tiếp theo, ngài viết :

« Giám mục Bêryte chuẩn bị tâm hồn để tuyên thệ lại những lời hứa bí tích rửa tội của ngài vào ngày 15 tháng này. » (7)

 Theo ý kiến chung, chúng ta nên tin vào bút tích của Đức cha Lambert để biết rằng ngài sinh ngày 28.01.1624 và được rửa tội ngày 15.02.1624.

(Nhà thờ Saint Jacques bị bom Đồng Minh)

Tên gọi Pierre hay Pierre-Marie ?

Trước tiên, chúng ta nên biết tên của ngài có ba phần :

Pierre là tên gọi riêng của ngài.

Lambert là tên họ của ngài.

De la Motte là tên phần đất mà ngài là sở hữu chủ.

(Chúng ta cũng nên lưu ý về danh tánh của người em trai của Đức cha Lambert là : Nicolas Lambert de la Boissière).

Mọi sử gia vẫn gọi ngài là Pierre Lambert de la Motte. Nhưng cũng nên biết rằng có tài liệu đã gọi ngài là Pierre-Marie.

Đó là tờ báo Bulletin de la Commission des Antiquités de la Seine-Inférieure (mà chúng ta đã trích dẫn) ghi chú : « Pierre-Marie Lambert [sic], ngài quý tộc xứ La Boissière và La Motte,… ».

Ngày hôm nay, chúng ta còn có thể tìm lại được gần 3.000 trang bút tích của Đức cha Lambert, thuộc đủ mọi thể loại. Người ta thấy rằng Đức cha Lambert đã luôn luôn ký tên mình là Pierre, điều mà sử gia A. Launay phải nhìn nhận : «luôn luôn ký tên là Pierre Lambert» (8)

Tập tiểu sử đầu tiên (năm 1685) viết rõ rằng :

« Ngài mang tên thánh Pierre từ giếng rửa tội. Hình như Thiên Chúa quan phòng đã muốn dùng điềm báo tốt lành đó để nhấn mạnh việc sau này, khi Toà Thánh gửi các vị Đại diện Tông toà đến truyền giáo ở Trung Quốc và các vương quốc lân cận, Đức cha Lambert de la Motte sẽ là viên đá nền móng cho hàng Giáo phẩm của các Giáo Hội mới mẻ đó. Chính ngài sẽ làm cho các dân tộc nhìn nhận và tôn kính quyền bính của thánh Pierre. » (9) 

Năm 1664, chính Đức cha Lambert tại Xiêm La viết thư cho thầy giáo cũ của ngài là cha Jacques Le Faure, dòng Tên, đang làm việc tại Trung Hoa rằng :

« Người viết cho cha đây gọi tên là Pierre Lambert, xưa đã là một trong những học trò của cha suốt bốn năm rưỡi tại Caen. Thời ấy, cha đã dành cho con biết bao nhiêu là dấu chứng tình thương mà con tin dễ dàng rằng khi nghĩ lại, cha sẽ nhớ ra một người không đáng được cha yêu thương như thế. Từ lúc đó, con đã bước chân vào công việc chung và đáng kể lắm, [nhưng] Thiên Chúa đã kéo con ra khỏi mà nâng con lên vào việc tông đồ. » (10) 

Hai bức chân dung

Ngày nay, người ta có được hai bức chân dung Đức cha Lambert. Một bức chân dung ngài lúc 36 tuổi, năm 1660. Và một bức chân dung ngài lúc cuối đời. (11)

(Chân dung năm 1660)

Bức chân dung 36 tuổi mà chúng ta vẫn thấy là bản sao lại một bức họa thế kỷ 17 của một tác giả vô danh. Bản gốc đã biến mất. Năm 1852, từ bản sao nói đây, họa sĩ tên Montuffet đã thực hiện một bản sao để biếu tặng Hội Thừa Sai Paris. Tại bức họa này, ở góc trái phía trên có ghi : Pierre Marie Lambert De La Motte Frondeville, Évêque De Béryte, 1660. Xét theo tiểu sử chính thức của Đức cha Lambert, có hai điểm không chính xác tại đây. Đó là tên gọi Pierre Marie và tên họ Frondeville. Có lẽ người cho thực hiện bản sao, là hậu duệ của Đức cha Lambert và thuộc dòng họ Lambert Frondeville, đã thêm hai điểm này vào theo lòng sùng kính cá nhân.

(Chân dung lúc cuối đời)

Bức chân dung thứ hai này được họa sĩ Paul Sarrut (+1969) thực hiện năm 1922 để trưng bày tại Hội chợ Thuộc địa (Exposition Coloniale) lần thứ 5 ở Pháp, diễn ra tại thành phố Marseille, từ ngày 16 tháng 4 tới ngày 19.11.1922. Bức họa này cũng được thực hiện từ bản sao bức họa đã nói trên đây. Hiện nay, bức họa của Paul Sarrut được lưu giữ tại bảo tàng viện Quai Branly, Paris. Phía trên bức họa này, có ghi: Pierre Marie Lambert évêque de Béryte. Theo tiểu sử chính thức, họa sĩ đã lập lại cái sai lầm cũ khi ghi Pierre Marie.

*

« Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ? »

Mọi người đều có thể hỏi như vậy trước một đứa trẻ vừa chào đời, tại vì không ai biết được tương lai. Ơn gọi của một người chỉ thể hiện ra từ từ theo thời gian.

Sáu năm sau khi Đức cha Lambert giã từ trần gian, người ta viết tiểu sử ngài mà lời cuối cùng như sau :

« Ngài đã để lại cho tất cả những ai hoạt động truyền giáo sau ngài, một mẫu gương mà người ta sẽ luôn luôn thán phục, song còn lâu lắm mới noi theo được. » (12) 

Như Đức cha Lambert, rất nhiều Kitô hữu Việt Nam đã được ơn yêu mến Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Không những họ vác Thánh Giá mỗi ngày, mà nhất là họ đã từ chối bước qua Thánh Giá, cho dù vì vậy mà họ phải chịu chết. Hình như không bước qua Thánh Giá là một nét rất đặc thù của Việt Nam trong lịch sử các vị tử đạo Công giáo trên khắp thế giới.

Đào Quang Toản
Ngày 02.12.2023

 


(1) Jacques-Charles de Brisacier, Cuộc Đời Đức Cha Lambert de la Motte, Giám Mục Hiệu Toà Bêryte, bản dịch của Cao Kỳ Hương, in lần thứ 3, 2015, đoạn 1.

(2) Xem Di chúc của Đức cha Lambert trong AMEP, tập 8, tr. 150.

(3) Xem Henri de Frondeville, Pierre Lambert de la Motte, évêque de Béryte (1624-1679), (Paris, éd. Spes, 1925), bản dịch của Nguyễn Xuân Hùng, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, 2007, tr. 15.

(4) Thời đó tại Pháp, chính quyền chưa làm sổ Khai Sinh, chỉ có cha xứ làm sổ Rửa Tội mà thôi.

(5) Henri de Frondeville, sđd, tr. 15, ghi chú 2.

(6)  Nhật ký ngày 28.01.1677 (AMEP, tập 877, tr. 595).

(7) Nhật ký ngày 14.02.1677 (AMEP, tập 877, tr. 597).

(8]) Adrien Launay, Histoire générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, tập 1, Paris, Téqui, 1894, (tái bản năm 2003), tr. 31.

(9) Jacques-Charles de Brisacier, sđd, đoạn 1.

(10) Thư của Đức cha Lambert gửi cha Jacques Le Faure, ngày 24.06.1664 (AMEP, tập 121, tr. 570).

(11) Những chi tiết về hai bức chân dung của Đức cha Lambert tại đây, chúng tôi viết theo một lá thư của ông Henri de Frondeville gửi cha Jean Guennou, đề ngày 26.12.1960, lưu giữ trong hồ sơ của cha Jean Guennou (từ trần ngày 07.01.2002) tại AMEP.

(12) Jacques-Charles de Brisacier, sđd, đoạn 322.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top