Đức Giáo hoàng Phanxicô, một tu sĩ Dòng Tên, một con người tận hiến
“Tôi là một người được Thiên Chúa nhìn với lòng thương xót.”[1]
Ngày thứ Hai tuần Bát nhật Phục sinh năm 2025, Giáo hội hoàn vũ bàng hoàng xúc động trước tin Đức Giáo hoàng Phanxicô – vị Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên trong lịch sử – đã được Chúa gọi về Nhà Cha[2]. Ngài ra đi sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật và tuổi tác, để lại một di sản đức tin, hy vọng và lòng thương xót mà toàn thế giới, đặc biệt là những người nghèo khổ, sẽ mãi ghi nhớ. Hơn 12 năm phục vụ trên ngai tòa Thánh Phêrô, ngài không chỉ là một nhà lãnh đạo tôn giáo, mà còn là chứng nhân sống động của Tin mừng, một người cha nhân hậu của thời đại hôm nay.
Từ góc nhìn cá nhân, tôi dành một tình cảm đặc biệt cho ngài, không chỉ vì ngài là người đứng đầu Giáo hội, mà vì nơi ngài tỏa ra một nét đẹp rất người và rất Chúa: sự đơn sơ, nét dí dỏm, tính gần gũi, chiều sâu nội tâm, lòng can đảm và tinh thần dấn thân không mỏi mệt. Những phẩm chất ấy không chỉ hiện diện trong lời giảng dạy của ngài, mà còn thấm đẫm trong từng cử chỉ đời thường. Đó là một kho tàng sống động mà Đức Phanxicô để lại cho hậu thế. Tôi nghĩ kho tàng này không nằm trên giấy, không trưng bày trong văn phòng, mà được ngài viết bằng chính cuộc đời hiến dâng của mình. Hẳn là chính kho tàng ấy vẫn đang thôi thúc Giáo hội hôm nay tiếp tục bước đi trong tinh thần mục vụ đầy lòng thương xót và hy vọng.
1. Một ơn gọi trong bối cảnh hỗn loạn
Jorge Mario Bergoglio sinh năm 1936 tại Buenos Aires, Argentina. Ngài đã nghe được tiếng Chúa chọn gọi trong ơn gọi Dòng Tên, trong một giai đoạn đầy biến động của xã hội và Giáo hội Nam Mỹ. Trong hồi ký Hy Vọng (2024), ngài kể lại rằng: “Tôi đã gặp được Thiên Chúa nơi những con người đơn sơ, nơi sự đau khổ và hy sinh của những người lao động. Chính khi ấy, tôi đã cầu nguyện: ‘Lạy Chúa, nếu Ngài cần con, thì con xin thuộc về Ngài hoàn toàn.’”
Với lời thưa xin vâng trọn vẹn ấy, ngài bước vào Dòng Tên với tinh thần “tìm kiếm Chúa trong mọi sự”. Là người con của Thánh I-nhã Loyola, ngài hấp thụ linh đạo “chiêm niệm trong hành động”, kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa trong khi phục vụ thế giới đau thương này.
Khi còn là một linh mục trẻ, ngài đã được chọn làm Giám tỉnh Dòng Tên Argentina trong thời kỳ hỗn loạn về chính trị và xã hội. Dưới chế độ độc tài quân sự, nhiều tu sĩ, giáo dân bị bắt bớ và sát hại. Là Giám tỉnh, ngài vừa phải bảo vệ anh em, vừa gìn giữ lòng trung tín với sứ mạng của Dòng. Chính trong những năm tháng đó, ngài bị thử thách tận căn về sự khiêm nhường, vâng phục và lòng thương xót. Qua những lần phỏng vấn, ngài từng thú nhận rằng mình đã phạm nhiều sai lầm, và ngài đã học được rằng sự lãnh đạo Kitô giáo không bao giờ tách rời khỏi việc rửa chân cho người khác. Chẳng hạn, “tính cách độc đoán và cách đưa ra quyết định quá nhanh của tôi đã dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng và khiến tôi bị cáo buộc là cực kỳ bảo thủ” - ngài thú nhận trong buổi phỏng vấn với tờ Civilta Cattolica[3]. Có thể nói, với những năm được Thiên Chúa huấn luyện trước khi trở thành vị kế nhiệm Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng giờ đây thấu hiểu được tinh thần “rửa chân” trong lãnh đạo, ngài cho rằng một Hội thánh truyền giáo không được phép đóng cửa nơi chính mình! Giáo hội được mời gọi để trở thành một Hội thánh đi ra ngoài chính mình, đến tận các vùng ngoại vi. Trên con đường này, Hội thánh “đi ra” là một cộng đoàn các môn đệ truyền giáo đi bước trước, dấn thân và nâng đỡ, sinh hoa trái và vui mừng (Evangelii Gaudium số 24).
Có lẽ từ những sai lầm, từ sự khiêm nhường để Chúa dẫn đưa, vị mục tử của chúng ta đã có một tâm hồn kiên vững và một trái tim hiền hòa. Từ Giám tỉnh Dòng Tên, ngài được gọi làm Giám mục, rồi Hồng y, và cuối cùng là Người kế vị Thánh Phêrô từ năm 2013.
2. Giáo hoàng của người nghèo
“Tôi muốn một Giáo hội nghèo cho người nghèo” (Đức Giáo hoàng Phanxicô, họp báo đầu tiên với báo chí, 2013).
Ngay từ ngày đầu tiên xuất hiện trên ban công Đền thờ Thánh Phêrô năm 2013, thay vì mặc áo choàng đỏ theo truyền thống, Đức giáo hoàng Phanxicô chỉ khoác chiếc áo dòng trắng đơn sơ. Ngài xin dân Chúa cầu nguyện cho mình trước khi ban phép lành cho họ. Từ đó, thế giới đã nhìn ngài với một hình ảnh giáo hoàng có phần khác lạ, với nhiều hy vọng đổi thay.
Đầu tiên, ngài chọn danh hiệu “Phanxicô” để noi theo Thánh Phanxicô Assisi, Đấng yêu người nghèo và yêu công trình sáng tạo. Là một vị Giáo hoàng, ngài sống trong nhà khách Thánh Marta, tự mình đi lấy cơm, đi xe đơn giản và thường gọi điện cho người dân bình thường để chia sẻ, an ủi. Đừng quên ngài còn thích bóng đá, thích vũ điệu, bản nhạc tango, thích vui đùa, và thích thăm tù nhân.
Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng, 2013) được xem là bản tuyên ngôn mục vụ của ngài: “Ước gì mọi người đều cảm nghiệm được niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc loan báo Tin mừng.” Với văn kiện này, ngài kêu gọi toàn Giáo hội ra khỏi chính mình để đến với những “vùng ngoại biên” của xã hội và của chính tâm hồn. Ngài thúc giục từng giáo xứ, từng linh mục, từng tín hữu trở thành những nhà truyền giáo, không chỉ bằng lời nói mà bằng đời sống yêu thương và liên đới.
Theo đó dưới triều đại của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã diễn tả đường lối mục vụ trên đây trong vài văn kiện quan trọng như:
- Laudato Si’ (2015): Lời mời gọi chăm sóc trái đất như ngôi nhà chung.
- Amoris Laetitia (2016): Mở lối mục vụ rất thực tế cho các gia đình trong mọi hoàn cảnh.
- Christus Vivit (2019): Mời gọi người trẻ can đảm sống đức tin, phân định ơn gọi và cùng Giáo hội đổi mới thế giới.
- Fratelli Tutti (2020): Thúc đẩy tình huynh đệ và tình liên đới toàn cầu.
Chưa hết, ngài còn là con người của cầu nguyện, đối thoại và hành động. Trong thời đại phân cực, ngài luôn cố gắng làm chiếc cầu nối: giữa các tôn giáo, giữa các phe phái, giữa những người giàu và người nghèo, giữa truyền thống và đổi mới. Ngài thích xây những“cây cầu” hơn là tạo ra những “bức tường”; ngài thích một Giáo hội thà nguy hiểm trên đường, hơn là an toàn ở lại trong nhà với thân xác ủ rũ bệnh tật.
Ngài không tránh né những chủ đề gai góc: người di dân, biến đổi khí hậu, bất công kinh tế, vai trò phụ nữ trong Giáo hội... nhưng luôn tiếp cận với trái tim của một người cha.
3. Di sản mục vụ trong hy vọng
Giờ đây, khi nhịp đập con tim của người mục tử đã dừng lại, chúng ta nhớ đến Đức Phanxicô như một vị thánh giữa đời thường. Một người thầy của hy vọng đã về với Thiên Chúa trong Năm thánh Hy vọng. Một người cha không bao giờ mỏi mệt với đàn con tội lỗi, và ngài cũng đã để lại cho Giáo hội những hướng đi mang tính thời đại. Một người bạn đồng hành với những ai đang đau khổ, đã và đang tiếp tục cầu nguyện cho chúng ta nơi Thiên quốc. Và sau cùng, ngài là một Giáo hoàng Dòng Tên đã dành cả cuộc đời để hiến dâng cho Thiên Chúa và tha nhân.
Chúng ta không chỉ tiếc thương một Giáo hoàng. Chúng ta tri ân một con người đã sống trọn vẹn cho Chúa và cho nhân loại. “Hy vọng là sự vươn ra, là bàn tay đang mở, là cái nhìn hướng về phía trước, là giấc mơ của một thế giới khác. Hy vọng là biết rằng dù bóng tối có dày đặc, Ánh Sáng vẫn luôn có thể bừng lên” (Đức Giáo hoàng Phanxicô, hồi ký Hy Vọng, 2024).
Để nhớ mãi về một Giáo hoàng Phanxicô trong thời đại chúng ta, tôi xin mạo muội chỉ ra 10 cụm từ thường được ngài sử dụng:
- “Giáo hội đi ra” – Hành trình truyền giáo dấn thân. Giáo hội không đóng kín nơi mình nhưng bước ra để đến với những người bị bỏ rơi và bị thương tổn ở vùng ngoại vi.
- “Mùi chiên” – Mục tử giữa đoàn chiên. Người mục tử phải sống gần gũi với dân, mang lấy nỗi đau của họ và tỏa ra mùi chiên của lòng cảm thông.
- “Tôi là người được Thiên Chúa thương xót” – Căn tính đức tin. Đức tin không bắt đầu từ lý luận mà từ kinh nghiệm được Chúa yêu thương và tha thứ.
- “Một Giáo hội nghèo cho người nghèo” – Ước mơ Phanxicô. Một Giáo hội đơn sơ, không xa cách, chọn đứng về phía người bé mọn và bị lãng quên.
- “Niềm vui Tin Mừng” – Động lực loan báo. Loan báo Tin Mừng không phải là gánh nặng, nhưng là một niềm vui bừng lên từ việc gặp gỡ Đức Kitô.
- “Chiêm niệm trong hành động” – Linh đạo Dòng Tên sống động. Kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa giữa những công việc đời thường và dấn thân phục vụ tha nhân.
- “Tình huynh đệ phổ quát” – Ước mơ thế giới không biên giới. Tất cả đều là anh em, vượt qua mọi chia rẽ về tôn giáo, văn hóa hay chính trị.
- “Người mục tử mang lấy nỗi đau của dân mình” – Tình phụ tử mục vụ. Một vị mục tử không xa lạ với đau khổ của dân, biết khóc, biết nâng đỡ và đồng hành.
- “Cầu nguyện, phân định và hành động” – Nhịp sống thiêng liêng. Cầu nguyện để lắng nghe, phân định để nhận ra, hành động để yêu thương cách cụ thể.
- “Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi” – Khiêm nhường trong sứ vụ. Một lời nhắn chân thành của vị Giáo hoàng luôn ý thức mình cũng là người cần được nâng đỡ.
Mười đóa hoa trên đây hẳn là chưa thể diễn tả hết một chân dung vị mục tử như Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài đã sống khiêm nhường, yêu thương và luôn dấn thân phục vụ Tin mừng. Có lẽ vì những điều này, cả thế giới trong những ngày này đang tưởng nhớ đến ngài như vị mục tử đích thực của Thiên Chúa. Cảm ơn ngài đã hoàn tất sứ vụ như một người con ngoan hiền của Thiên Chúa, một giám tỉnh Dòng Tên can đảm, một giám mục và hồng y khôn ngoan, và là một giáo hoàng dấn thân không biết mệt mỏi.
Tất cả để tôn vinh Thiên Chúa hơn.
Lm Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
-----------
[1] Đức Giáo hoàng Phanxicô, trả lời phỏng vấn “La Civiltà Cattolica”, 2013.
[2] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2025-04/duc-thanh-cha-ve-nha-cha-luc-7-35-thu-hai-ngay-21-04-25.html
[3] https://news.wttw.com/2025/04/21/pope-francis-first-latin-american-pontiff-who-ministered-charming-and-humble-style-dies
bài liên quan mới nhất

- Các nữ tu Ghana trợ giúp các thai phụ và nữ bệnh nhân ở vùng nông thôn Amankwakrom
-
Một giáo hoàng phục vụ Giáo hội và nhân vị -
Bà Gabriella người Ý, người nuôi hy vọng cho hai bạn trẻ Irenge và Adrien -
Năm vị thánh tử đạo mới làm lộ diện nét đẹp của hôn nhân Kitô giáo -
Paul, giáo sĩ Pakistan, người đã gặp đấng Kitô -
Một bông hồng tử đạo bị lãng quên -
Weng Yirui, một phụ nữ Trung quốc trở thành tín hữu Công giáo nhờ khúc Gloria của Vivaldi -
Cuộc sống và đức tin của ông Tom Monaghan, nhà sáng lập Domino’s Pizza -
Bí quyết kinh doanh của Luz Maribel Jimenez: Có Chúa là có tất cả -
Ba Tỷ Người Trên Toàn Cầu Bị Ảnh Hưởng Bởi Tình Trạng Suy Thoái Đất
bài liên quan đọc nhiều

- Cuộc hội nhập văn hóa của Giáo hội Công Giáo Việt Nam (1533-2019)
-
Đức cha Pierre Lambert De La Motte người môn đệ yêu mến “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” -
Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de La Motte, những thành quả truyền giáo và tiến trình xin phong thánh -
Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi -
Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của giới trẻ -
400 năm ngày sinh Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên Việt Nam -
Cỗ tràng hạt quý chôn theo Công nương Diana -
Gia đình có một Hồng y, một Giám mục, hai Linh mục và bốn Tu sĩ -
Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II -
"Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại