Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của giới trẻ
Tin Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II sẽ được phong Chân phước vào ngày 1-5-2011 là niềm vui cho cả Giáo Hội. Sinh thời, ngài đã có vị trí đặc biệt trong lòng mọi người thuộc nhiều lãnh vực khác nhau. Việc Đức Gioan Phaolô II được tôn phong Chân phước cũng là niềm vui đối với giới trẻ khắp năm châu. Nhân dịp này, chúng ta cùng nhau nhìn lại cuộc đời của một vị Giáo hoàng đã để lại nơi các bạn trẻ những giáo huấn sâu sắc và những ấn tượng khó quên.
– Một vị Giáo hoàng gần gũi với các bạn trẻ
Có lẽ trong lịch sử Giáo Hội, chưa có vị Giáo hoàng nào lại gần gũi với giới trẻ đến thế. Chính ngài đã nói: “Cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ luôn là giây phút cao điểm trong các chuyến viếng thăm mục vụ của Cha… Cha ao ước được nắm tay mỗi người và từng người trong chúng con, được trực tiếp nói với mỗi người những lời thân tình bạn hữu. Tuy không thể làm được điều đó, nhưng không gì ngăn cản Cha thể hiện tình hiệp thông sâu xa của Cha với chúng con trong tinh thần và bằng trái tim” (Paris, 1-6-1980). Những năm cuối đời, ngài đã nhiều lần làm cho công chúng thán phục, vì một cụ già 80 tuổi, dù rất mệt mỏi mỗi khi di chuyển, nhưng lại như được “thoát xác” khi gặp giới trẻ. Từ nơi cụ già này toát lên lực hấp dẫn lạ lùng, đến nỗi khi ngài đến đâu, thì phần lớn những người tập trung chào đón ngài là giới trẻ. Cũng chưa bao giờ người ta thấy một vị Giáo hoàng “ngẫu hứng” đứng lên vẫy tay với những cử điệu uyển chuyển theo điệu bài hát trước hàng triệu bạn trẻ. Mỗi lần gặp gỡ với các bạn trẻ là ngài có thêm nghị lực. Là một vị Thủ lãnh Giáo Hội trên ngai tòa Phêrô, ngài đã ngỏ lời với giới trẻ bằng những ngôn ngữ thân tình gần gũi. Ngài gọi họ là “các bạn”, như những người tri âm tri kỷ. Trong những bài giảng thuyết, đôi khi ngài dừng lại giây lát, chờ cho mọi người tập trung chú ý và nói; “Hỡi các bạn trẻ, Cha yêu chúng con!”. Đáp lại là những tràng pháo tay như sấm vang dậy từ phía cử tọa. Ngài thật gần gũi và thân thương là thế. Ngài luôn tỏ ra là một vị Giáo hoàng rất cảm thông và hiểu giới trẻ. Ngài nói: “Thiên Chúa đã ban cho Cha một hồng ân, như Ngài đã ban cho biết bao giám mục và linh mục, là tha thiết yêu mến chúng con, các bạn trẻ. Dù chúng con khác nhau vì đến từ nhiều quốc gia, nhưng lại hoàn toàn giống nhau về tình thân thiện, về những băn khoăn trăn trở và khát vọng cũng như lòng quảng đại… Những khó khăn và đau khổ của chúng con, Cha đã nắm chắc và biết rõ” (tại Paris, 1-6-1980). Chính Đức Gioan Phaolô II có sáng kiến thành lập Ngày Đại hội Giới trẻ thế giới từ năm 1984 và được tổ chức hai năm một lần ở nhiều châu lục khác nhau. Trong những dịp đặc biệt này, Ngài đích thân hiện diện giữa họ, lắng nghe họ và cùng họ cầu nguyện. Những ngày Đại hội thực sự là những biến cố lớn trong sinh hoạt của Giáo Hội, tạo đà cho những canh tân thay đổi trong Giáo Hội. Khá nhiều bạn trẻ sau khi tham dự Đại hội đã có những suy tư và biến đổi tích cực.
– Một vị Giáo hoàng chuyển lửa nhiệt tình cho giới trẻ
Trong bài diễn văn ngày nhậm chức, Đức Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ tuyên bố với thế giới chính lời của Chúa “Đừng sợ!” (x. Ga 6,21). Ở vào một giai đoạn còn nhiều vấn đề tế nhị, nhất là trong lãnh vực chính trị, lời tuyên bố “Đừng sợ!” ngắn gọn là thế, nhưng đã diễn đạt đường hướng mục vụ của người kế vị Thánh Phêrô. Trong suốt triều đại Giáo hoàng của mình, ngài đã chứng tỏ điều ấy. Luôn phó thác và tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa trong lịch sử và trong Giáo Hội, Đức Gioan Phaolô đã đi đến mọi nơi, gặp gỡ mọi người, đối thoại với tất cả. Ngỏ lời với các bạn trẻ tại Denver, Hoa Kỳ, tháng 7 năm 1993, ngài đã mạnh mẽ kêu gọi: “Các con đừng sợ, hãy đi đến mọi ngõ phố, mọi nơi công cộng, giống như các tông đồ đầu tiên để loan báo Đức Kitô và Tin Mừng cứu độ cho mọi nơi. Đừng xấu hổ vì Tin Mừng. Đây là lúc phải rao giảng trên mái nhà… chính các con là những người hãy lên đường đến với mọi nơi và mời gọi mọi người đến dự bữa tiệc mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho dân Ngài”. Ngài còn nói với các bạn trẻ: “Chúng ta đừng sợ hãi, vì Đức Kitô có thể thay đổi lòng con người. Người sẽ thực hiện những “mẻ lưới lạ” vào chính lúc chúng ta không ngờ tới” (tại Rôma, năm 2001). Với sự kiên định phó thác, Đức Gioan Phaolô II đã can đảm lên tiếng phản đối chiến tranh, lên án chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa duy vật, các phương pháp phá thai và giúp chết êm dịu. Ngài không ngừng kêu gọi hòa bình và chủ trương đối thoại.
Sự hiện diện của đông đảo bạn trẻ trong đêm 1-4-2005 tại quảng trường Thánh Phêrô vào lúc ngài hấp hối như một sự đồng hành kỳ diệu. Cả thế giới dường như đang hướng về Rôma, nơi vị “Lữ hành không mệt mỏi” đang chuẩn bị lên đường cho một cuộc lữ hành mới. Một bạn trẻ đã nói với phóng viên báo chí vào thời khắc đặc biệt này: “Suốt cuộc đời của mình, Đức Gioan Phaolô II đã đi khắp nơi để gặp gỡ mọi người. Giờ đây, ngài không còn đi được nữa, thì chính chúng tôi đến với ngài, để bày tỏ lòng kính phục và biết ơn ngài”. Lòng mến mộ của các bạn trẻ đã được thể hiện một cách bất thường nhưng lại rất “trẻ”, đó là vừa khi được loan tin Đức Gioan Phaolô II từ trần, thì một tràng pháo tay vang dội khắp quảng trường Thánh Phêrô. Có nhiều người vỗ tay mà nước mắt đầm đìa. Một cử chỉ tạm biệt hay tôn vinh? Có lẽ cả hai. Tất cả đều muốn khẳng định rằng Đức Gioan Phaolô II là một người rất gần gũi và thân thiết đối với họ. Ngay trong thánh lễ an táng của ngài tại quảng trường Thánh Phêrô, người ta đã thấy nhiều băng-rôn lớn với dòng chữ: “Santo subito”, nghĩa là “Thánh ngay lập tức”. Điều đó chứng tỏ lòng yêu mến đặc biệt mà công chúng dành cho vị Giáo hoàng này.
– Một vị Giáo hoàng mời gọi giới trẻ tham gia truyền giáo
Là vị Giáo hoàng của Giới trẻ, Đức Gioan Phaolô II luôn quan tâm đến họ. Ngài thường đề cập đến việc giáo dục đức tin cho người trẻ trong những bài thuyết trình ở vào nhiều dịp khác nhau, nhất là khi ngỏ lời với các giám mục trong những chuyến thăm Ad Limina. Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Giới trẻ là niềm hy vọng của Giáo Hội” (Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo, số 2), Đức Gioan Phaolô II đã thực hiện tinh thần của Công đồng khi ngài dành cho giới trẻ tình ưu ái vừa hiền phụ vừa bạn hữu. Đối với ngài, các bạn trẻ không chỉ là đối tượng của sự quan tâm, mà các bạn còn được mời gọi trở nên những cộng sự viên truyền giáo. Ngài đã nêu rõ: “Không được coi người trẻ như chỉ là đối tượng của mối quan tâm mục vụ của Giáo Hội. Thật sự họ là và phải được khuyến khích để trở nên những chủ thể năng động, dự phần vào công cuộc phúc âm hoá và đổi mới xã hội” (Tông huấn “Kitô hữu giáo dân”, số 46).
“Công cuộc loan báo Tin Mừng cho thế giới vào những thập kỷ tương lai tuỳ thuộc vào các bạn. Các bạn hãy làm cho Giáo Hội tươi trẻ nhờ sự hiện diện thân thiện của các bạn” (Ngỏ lời với giới trẻ năm 1985). Với những lời tâm huyết trên đây, Đức Gioan Phaolô đã trao phó cho các bạn trẻ sứ mạng truyền giáo. Ngài mời gọi họ hãy quảng đại cộng tác làm cho ánh sáng Tin Mừng được lan tỏa trong cuộc đời. Loan báo Tin Mừng là sứ mạng mà các Kitô hữu được trao phó khi lãnh nhận Bí tích thánh tẩy. Trong xã hội hôm nay, có biết bao người trẻ đang khao khát tìm kiếm Chúa để thấy ý nghĩa cuộc đời. Ngài đã khẳng định: “Chính các bạn trẻ là tông đồ cho các bạn trẻ khác” (Ngỏ lời với các giám mục Pháp ngày 23-3-1982). Với những ưu tư về tình trạng thiếu linh mục trong Giáo Hội, mỗi lần gặp gỡ các bạn trẻ, ngài đều kêu gọi họ quảng đại dấn thân làm môn đệ Chúa Giêsu trong ơn gọi linh mục và tu sĩ. Những lời kêu gọi này đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong Giáo Hội.
Các bạn trẻ thân mến,
Trong niềm vui chung của Giáo Hội hoàn vũ nhân dịp Đức Gioan Phaolô II được tôn phong Chân phước, những bạn trẻ công giáo Việt Nam chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Chúa và cùng học hỏi nơi cuộc đời của vị Cha chung đáng kính. Xin cho chúng ta biết thiện chí thực hiện những thao thức và kỳ vọng của ngài nơi giới trẻ. Đó chính là việc làm cụ thể và hữu hiệu nhất để tỏ lòng tri ân đối với ngài. Xin mượn lời giáo huấn của chính Đức Gioan Phaolô II thay cho lời kết thúc những dòng suy tư này: “Để thay đổi thế giới, chúng con phải thay đổi cách sống. Trong cuộc sống hưởng thụ hôm nay, có biết bao cám dỗ đang vây quanh chúng con và làm cho chúng con thành nạn nhân của những truỵ lạc. Chúng con đừng sống một cách hời hợt, chung chung, nhưng hãy có đời sống nội tâm sâu xa. Chúng con hãy dùng thời giờ để cầu nguyện, để suy tư và sống trong sự thật, nhờ đó chúng con có được mối liên hệ thân tình với Chúa và với anh chị em mình” (Ngỏ lời với các bạn trẻ tại Namur, năm 1985).
Nguyện xin Chân phước Gioan Phaolô II cầu bầu cho chúng ta. Amen.
Hải Phòng ngày 20-2-2011
+ Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Hải Phòng
bài liên quan mới nhất
- Cuộc sống và đức tin của ông Tom Monaghan, nhà sáng lập Domino’s Pizza
-
Bí quyết kinh doanh của Luz Maribel Jimenez: Có Chúa là có tất cả -
Ba Tỷ Người Trên Toàn Cầu Bị Ảnh Hưởng Bởi Tình Trạng Suy Thoái Đất -
Sứ vụ của Sơ Luke Boiarsk: xây dựng cộng đồng, biến đổi cuộc sống tha nhân -
Sơ Pia và sứ vụ mang lại ánh sáng cho trẻ em khiếm thị ở Rwanda -
Nữ tu Công giáo Nigeria được trao giải thưởng Opus trị giá 1,2 triệu đô la -
Bà Nancy và ông Patrick, triệu phú Canada bỏ tất cả để trở thành thừa sai tại đền thánh Mễ Du -
Di chúc đức tin của Sammy Basso, thanh niên bị bệnh lão hoá sớm -
Đức cha François Pallu: Chứng nhân của tình yêu -
Chứng tá truyền giáo của cha Ignazio Lastrico ở Brazil: Điều quan trọng là luôn hiện diện và ở mọi nơi
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hóa của Giáo hội Công Giáo Việt Nam (1533-2019)
-
Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de La Motte, những thành quả truyền giáo và tiến trình xin phong thánh -
Đức cha Pierre Lambert De La Motte người môn đệ yêu mến “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” -
Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi -
Cỗ tràng hạt quý chôn theo Công nương Diana -
Gia đình có một Hồng y, một Giám mục, hai Linh mục và bốn Tu sĩ -
400 năm ngày sinh Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên Việt Nam -
Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II -
"Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại -
Tưởng nhớ Cha Patrick, “Ông Tiên Việt Nam” (1933 - 2022)