Chín điều nên biết về Tân Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô I
WHĐ (03.9.2022) - Theo lịch trình, sáng Chúa nhật ngày 04. 9. 2022 tới đây, Đức Thánh cha Phanxicô sẽ chủ sự thánh lễ tại Quảng trường thánh Phêrô để tôn phong Đấng đáng kính Giáo hoàng Gioan Phaolô I lên bậc chân phước, bước chính thức cuối cùng trước khi có thể được phong thánh. Chắc hẳn đây là dịp để chúng ta biết thêm vài nét nổi bật về con người và cuộc đời của ngài.
1. Đức Gioan Phaolô I, vị "Giáo hoàng tươi cười"
Với nét mặt tươi tắn và nụ cười hiền hoà đã thu hút lời khen ngợi về khả năng gần gũi, thân thiện và làm nên biệt danh của Đức Gioan Phaolô I là vị “Giáo hoàng tươi cười”. Nếu hơn 8 năm với chức thượng phụ Venice, ngài để lại ký ức về một thời gian phục vụ Giáo hội quảng đại và trung thành, nhưng cũng đầy khó khăn và đau khổ, thì hơn 1 tháng của triều đại giáo hoàng, mặc dù kết thúc đột ngột và bất ngờ, nhưng đã để lại một ký ức không thể xóa nhòa về sự thanh thản và nhẹ nhàng, mà theo một kiểu nói, đó là “không gian của nụ cười”. Thật thế, ngài:
- Luôn quan tâm đến người nghèo, người bệnh tật, đơn giản và hòa nhã trong cách cư xử, khẩu hiệu giám mục mà ngài chọn là một từ duy nhất, humilitas - Khiêm nhường - theo gương của Thánh Charles Borromeo.
- Được hỗ trợ bởi một trí nhớ đặc biệt và vốn là người mê đọc sách, ngài có thể trình bày giáo lý theo cách dễ tiếp cận và dễ nhớ. Chẳng hạn như khi nói chuyện với trẻ em nước Ý trước ngày tựu trường, trong buổi đọc Kinh Truyền tin vào ngày ngày 17. 9. 1978, ngài đã lấy ví dụ về nhân vật trong truyện dân gian Pinocchio: “Không phải một ngày nọ cậu bé trốn học để đi xem rối; nhưng cậu bé khác, Pinocchio, người thích đến trường. Đến nỗi trong suốt cả năm học, mỗi ngày, trong lớp, cậu ấy là người đầu tiên vào học và cũng là người ra về cuối cùng”.
2. Đức Gioan Phaolô I, người luôn cố gắng để trở thành một vị mục tử nhiệt thành.
Ngay từ khi làm Giám mục, ngài hoàn toàn đắm mình trong đời sống mục vụ, tận tụy với việc đào tạo hàng giáo sĩ và giáo dân, ý thức về những biến đổi đang diễn ra trong đời sống xã hội, chăm lo việc dạy giáo lý. Cứ như thế, trong huấn từ dành cho đám đông dân chúng tham dự Thánh lễ nhậm chức Giáo hoàng của ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Gioan Phaolô I đã cam kết một tinh thần phục vụ cao độ: “Tất cả mọi người ở đây, dù lớn hay nhỏ, xin hãy yên an tâm về sự sẵn sàng phục vụ của chúng tôi dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”.
Sau đó, với sự khiêm tốn, trong một bài giảng ngày 23. 9. 1978 tại Vương cung thánh đường Gioan Laterano, ngài chia sẻ: “Mặc dù đã làm Giám mục tại Vittorio Veneto và Venice đã được 23 năm, nhưng tôi thừa nhận rằng tôi chưa ‘học được công việc một cách nhuần nhuyễn’”.
Để phục vụ Dân Chúa, Đức Gioan Phaolô I quả quyết: “Luật của Thiên Chúa là người ta không thể làm điều tốt cho bất cứ ai nếu trước hết họ không cầu chúc cho người ấy được mọi sự tốt lành… Tôi có thể đảm bảo với anh chị em rằng tôi yêu mến anh chị em, và tôi có một mong ước là được tham gia vào việc phục vụ và đặt những khả năng kém cỏi, nhỏ bé mà tôi có, để mang lại lợi ích cho anh chị em".
3. Đức Gioan Phaolô I, vị Giáo hoàng đầu tiên mang tên kép
Là vị giáo hoàng đầu tiên mang tên ghép “Gioan” và “Phaolô” nhằm vinh danh 2 vị tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo hoàng Gioan XXIII và Phaolô VI.
Trong bài huấn dụ khi đọc Kinh Truyền tin vào ngày 27. 8. 1978, 1 ngày sau khi được bầu chọn làm Giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô I giải thích lý do về việc ngài chọn tước hiệu mới này:
Đức Gioan XXIII, nguyên Thượng phụ Venice, đã thánh hiến và đặt tôi làm giám mục. Dù không xứng đáng, tôi đã kế vị ngài trên toà của Thánh Marco để coi sóc giáo phận Venice, nơi vẫn còn đầy rẫy dấu ấn của của ngài”. Còn Đức Phaolô VI, ngài không chỉ phong tôi làm Hồng y, mà vài tháng trước đó, trên cây cầu rộng ở Quảng trường thánh Marcô, ngài đã khiến tôi đỏ mặt tía tai trước sự chứng kiếncủa hơn 20.000 người, vì chính ngài đã cởi dây stola của ngài và đặt lên vai tôi, đặt tôi là Thượng phụ Venice. Chưa bao giờ tôi đỏ mặt đến thế!"
Hơn nữa, Đức Gioan Phaolô I còn nhìn nhận: “Tôi không có trái tim khôn ngoan của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, không có sự thông thái của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, nhưng tôi được đặt vào ở vị trí của các ngài. Tôi sẽ quyết tâm để phục vụ Giáo hội như các ngài đã khởi xướng. Tôi hy vọng là anh chị em sẽ cầu nguyện cho tôi”.
4. Đức Gioan Phaolô I, người luôn đọc lời cầu nguyện đã được dạy từ Thân mẫu
Trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng, 1 ngày trước khi qua đời, Đức Gioan Phaolô I đã suy tư về lời cầu nguyện đã học được từ Thân mẫu,
Lạy Thiên Chúa của con, con yêu Chúa hết tâm hồn và trên hết mọi sự, Chúa là Đấng tốt lành vô cùng và là nguồn hạnh phúc đời đời của chúng con. Vì Chúa, con sẽ yêu thương người lân cận như chính mình và tha thứ cho những lời sỉ nhục con phải chịu. Lạy Chúa, xin cho con ngày càng yêu Chúa nhiều hơn.
Ngài cho biết,
Đây là một lời cầu nguyện rất nổi tiếng, được tô điểm bằng những câu Kinh thánh. Mẹ tôi đã dạy cho tôi, và tôi đọc thuộc lòng nhiều lần mỗi ngày, và vẫn luôn đọc, ngay cả hiện nay. Tôi sẽ cố gắng giải thích cho anh chị em nghe từng chữ một, như một giáo lý viên giáo xứ sẽ làm.
Và, khi suy tư về câu cuối cùng của lời cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin cho con ngày càng yêu Chúa nhiều hơn”, ngài giải thích rằng, “chúng ta nên yêu Chúa thật nhiều. Chúng ta không được dừng lại ở thời điểm hiện tại, nhưng với sự trợ giúp của Chúa, hãy tiến triển trong tình yêu".
5. Đức Gioan Phaolô I, triều giáo hoàng ngắn thứ mười
Tại vị trong 33 ngày, từ ngày 26. 8 đến ngày 28. 9. 1978, triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô I được xếp là ngắn thứ 10 trong lịch sử Giáo hội. Vị giáo hoàng cuối cùng có triều đại 27 ngày, từ ngày 1 đến ngày 27. 4. 1605, là Đức Leo XI.
6. Đức Gioan Phaolô I, một cái chết gây sửng sốt
Ra đi đột ngột chỉ hơn 1 tháng sau khi đắc cử, cái chết của Đức Gioan Phaolô I, đã gây ra nỗi hoang mang, dấy lên nhiều tin đồn, và không ngừng thu hút sự chú ý trong một thời gian dài.
Cuốn sách “John Paul I: The Chronicle of a Death” của phóng viên Vatican Stefania Falasca, được phát hành năm 2017, dựa trên các báo cáo y tế, lời khai của nhân chứng và các tài liệu của Vatican là một nỗ lực gần đây thảo luận kỹ lưỡng về những ngày cuối cùng của Đức Gioan Phaolô I.
Theo đó, vào buổi tối trước khi qua đời, ngài bị một cơn đau dữ dội ở ngực trong khoảng 5 phút, một triệu chứng của một vấn đề về tim. Việc này diễn ra trước bữa ăn tối khi ngài đang nguyện Kinh Chiều với Đức ông John Magee, thư ký của ngài. Khi cơn đau giảm bớt, ngài từ chối đề nghị gọi bác sĩ. Và vị bác sĩ riêng của ngài chỉ được thông báo về tình tiết này sau khi ngài qua đời.
Dù nguyên nhân cụ thể của cái chết của ngài có thể sẽ không bao giờ được xác định một cách chắc chắn bởi vì không có cuộc khám nghiệm tử thi nào được thực hiện theo quy định của Vatican. Đức Giám mục Enrico Dal Covolo, vị từng là thỉnh cầu viên trong tiến trình phong thánh của Đức Gioan Phaolô I cho biết rằng các hồ sơ y tế được thu thập như một phần của quy trình cũng hỗ trợ kết luận rằng ngài qua đời vì các nguyên nhân tự nhiên.
7. Đức Gioan Phaolô I, một nhà văn tài ba
Văn của ngài không được trưng bày nhưng được sống và hòa nhập sâu sắc đến nỗi nó tự thể hiện một cách tự nhiên về nhiều chủ đề thiêng liêng, mục vụ, luân lý, xã hội, và giáo dục mà với tư cách là giám mục ngài đã phải đối phó trong nhiều năm. Là người luôn hết lòng ủng hộ và thúc đẩy báo chí Công giáo, cuốn sách llustrissimi năm 1976 của ngài là một bộ sưu tập mang tính văn chương và giàu trí tưởng tượng: “Những Lá thư ngỏ” gửi các nhân vật lịch sử, các vị thánh, nhà văn nổi tiếng, và các nhân vật tưởng tượng. Một số thư có phong cách vui tươi, trong khi một số thư khác đề cập đến những vấn đề xã hội, đưa ra những lời khuyên mang tính cá nhân, hoặc suy tư thiêng liêng.
8. Đức Gioan Phaolô I, vị Giáo hoàng chưa bao giờ là cha xứ
Dù được thụ phong linh mục khi chưa được 23 tuổi, và đồng thời rất nổi danh về phương pháp “mục vụ” nhưng Đức Gioan Phaolô I chưa từng bao giờ làm cha xứ coi sóc một giáo xứ! Thật vậy, ngài chỉ làm phụ tá tại giáo xứ quê nhà ở Canale d'Agordo khoảng 6 tháng đầu đời linh mục. Sau đó, hầu như ngài là cha giáo, giám đốc chủng viện, và giữ một số vai trò lãnh đạo trong Giáo phận trước khi được bổ nhiệm làm Giám mục, Thượng phụ Venice, Hồng y, và Giáo hoàng.
Trong sứ điệp khai mở sứ vụ chủ chăn hoàn vũ bằng tiếng Latinh, được trình bày trong sáu chữ “muốn”, Đức Gioan Phaolô I bày tỏ các điểm của một chương trình liên tục hoàn toàn: thực hiện Công đồng, lưu giữ truyền thống vĩ đại của Giáo hội, ưu tiên việc Truyền giáo; vấn đề Đại kết, Đối thoại, và phục vụ hòa bình.
9. Đức Gioan Phaolô I, thực hiện phép lạ ở Argentina
Theo cuộc điều tra của Vatican, vào ngày 22. 7. 2011, các bác sĩ cho biết Candela Giarda, một bé gái 11 tuổi, nhập viện ở Buenos Aires, phải đối mặt với "cái chết sắp xảy ra" do bị rối loạn chức năng não và sốc nhiễm trùng trong tình trạng co giật không thể kiểm soát được.
Nhưng sau khi được giới thiệu để xin ơn chữa lành nhờ sự chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô I, Linh mục và các nhân viên điều dưỡng của phòng chăm sóc đặc biệt đã cùng cầu nguyện cho bệnh nhân. Candela đã cho thấy sự cải thiện chỉ sau một đêm. Hai tuần sau, các bác sĩ đã cho tháo ống thở, 1 tháng sau bệnh động kinh biến mất, và sau đó cô được hoàn toàn hồi phục mà không thể giải thích được về mặt y khoa.
Thật tình cờ, Tổng giám mục của Buenos Aires vào thời điểm đó là Hồng y Jorge Mario Bergoglio, Giáo hoàng Phanxicô tương lai. Sau cuộc điều tra thích hợp của các quan chức Giáo hội, Đức Phanxicô vào ngày 21.10. 2021 đã công nhận phép lạ của Đấng đáng kính Gioan Phaolô I.
***
Sau 25 năm, tiến trình phong chân phước của Đức Gioan Phaolô I sắp kết thúc.
- Trong 33 ngày tại vị với 5 bài huấn từ ngắn Khi đọc Kinh Truyền tin Chúa nhật và 4 buổi tiếp kiến chung về chủ đề Khiêm tốn, Đức tin, Đức cậy và Đức ái vẫn còn được khắc sâu trong ký ức của tín hữu.
- Chắc chắn, để trung thành với sứ mệnh của mình, Đức Gioan Phaolô I đã phải chịu đựng và biết cách chịu đựng, thể hiện sự kiên cường bất chấp sự rụt rè bẩm sinh của mình.
- Khi nhớ đến Đức Gioan Phaolô I, chúng ta sẽ luôn thấy đó một mẫu gương về sự thánh thiện từ những điều nhỏ bé và đơn giản nhất; về cường độ của đời sống cầu nguyện; và về lòng bác ái đối với người khác, bắt đầu từ những người bệnh tật, người nghèo, người bị bỏ rơi…
Thật thế, ngài xứng đáng là một vị thánh vì cách ngài sống đức tin mạnh mẽ, trung tín, vui tươi, và khiêm tốn với tư cách là một Linh mục, Giám mục, Hồng y, và Giáo hoàng.
Xin vị Tân chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô I cầu cho chúng con.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Tổng hợp từ: laciviltacattolica.com
và catholicnewsagency.com
bài liên quan mới nhất
- Bí quyết kinh doanh của Luz Maribel Jimenez: Có Chúa là có tất cả
-
Ba Tỷ Người Trên Toàn Cầu Bị Ảnh Hưởng Bởi Tình Trạng Suy Thoái Đất -
Sứ vụ của Sơ Luke Boiarsk: xây dựng cộng đồng, biến đổi cuộc sống tha nhân -
Sơ Pia và sứ vụ mang lại ánh sáng cho trẻ em khiếm thị ở Rwanda -
Nữ tu Công giáo Nigeria được trao giải thưởng Opus trị giá 1,2 triệu đô la -
Bà Nancy và ông Patrick, triệu phú Canada bỏ tất cả để trở thành thừa sai tại đền thánh Mễ Du -
Di chúc đức tin của Sammy Basso, thanh niên bị bệnh lão hoá sớm -
Đức cha François Pallu: Chứng nhân của tình yêu -
Chứng tá truyền giáo của cha Ignazio Lastrico ở Brazil: Điều quan trọng là luôn hiện diện và ở mọi nơi -
Những nữ thừa sai ở bang Meghalaya, Ấn Độ
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hóa của Giáo hội Công Giáo Việt Nam (1533-2019)
-
Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de La Motte, những thành quả truyền giáo và tiến trình xin phong thánh -
Đức cha Pierre Lambert De La Motte người môn đệ yêu mến “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” -
Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi -
Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của giới trẻ -
Cỗ tràng hạt quý chôn theo Công nương Diana -
Gia đình có một Hồng y, một Giám mục, hai Linh mục và bốn Tu sĩ -
400 năm ngày sinh Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên Việt Nam -
Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II -
"Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại