Trung tâm Mục vụ: Tọa đàm “Ơn gọi và sứ vụ giáo dân”
WGPSG -- Nhân kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II (1962-2012), tại Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh (TTMV), số 6 bis Tôn Đức Thắng, Quận I, đã diễn ra buổi tọa đàm về “ƠN GỌI VÀ SỨ VỤ CỦA GIÁO DÂN THEO CÔNG ĐỒNG VATICAN II” từ 8g00 đến 12g00, ngày thứ Bảy 29-09-2012, do TTMV kết hợp với Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình tổ chức.
Chủ trì buổi tọa đàm là Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP, Giám mục Giáo phận Vinh, chủ tịch Ủy ban Công Lý & Hòa Bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Đến tham dự còn có quý linh mục, quý tu sĩ nam nữ, và rất đông giáo dân thuộc đủ mọi thành phần, ước khoảng 500 người.
Tham luận
Sau nghi thức khai mạc, Đức cha Phaolô đã gợi lại cho chúng ta, trong suốt 2000 năm lịch sử có nhiều trình bày về mô hình, cách thế của Giáo hội. Mỗi mô hình, cách thế bao gồm quan niệm khác nhau về thần học. Tuy nhiên, từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX, mô hình Giáo hội kim tự tháp chiếm vị trí ưu tiên trong lý thuyết và thực hành của Giáo hội.
Mô hình kim tự tháp, mô hình Giáo hội của Đức Kitô là một xã hội bất bình đẳng. Giáo hội có hai giai cấp: (1) Chủ chăn (giáo sĩ), là những người lãnh đạo, có nhiệm vụ dạy dỗ, cai quản, hướng dẫn cách sống cho mọi người. (2) Con chiên (giáo dân), là những người phải phục tùng giai cấp thứ (1), vâng lời họ, thi hành lệnh và tôn vinh họ. Vai trò của người giáo dân không được nhắc đến.
Công đồng Vatican II đã làm một cuộc thay đổi, canh tân đích thực, Giáo hội xoay quanh cộng đồng Dân Chúa. Đức cha gợi ý: Sau 50 năm nhìn lại, chúng ta nghĩ gì về vai trò của người giáo dân Việt Nam, tại giáo sĩ hay giáo dân, tại Giáo hội hay xã hội?
Sau đó, các tham dự viên lần lượt được nghe các tham luận:
(1) Linh mục Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP, đã dùng cách nói dí dỏm để trình bày học thuyết của Công đồng về ơn gọi và vai trò của người giáo dân. Cha đã kể một vài câu chuyện để diễn tả Giáo hội sau 50 năm Công đồng, vẫn còn có quan điểm Giáo hội mô hình kim tự tháp. Nhiều người bức xúc 50 năm dài hay ngắn, và thực tế Giáo hội hiện nay khác với giáo huấn của Công đồng.
Cha nói tiếp, thực ra việc canh tân Giáo hội là việc của Chúa Thánh Thần, ai thiết tha với Giáo hội sẽ hiểu ra một điều: Chúa Thánh Thần là Đấng kiên nhẫn vô cùng, và cả Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng kiên nhẫn vô cùng “chậm vô cùng hì hì hì…”, nhưng mà đó là đường lối của Chúa. Có lẽ 50 năm mới là bước khởi đầu, Vatican là một sự canh tân, là sự trở về nguồn mạch của Kinh Thánh và những thời gian đầu của Giáo hội.
Cha nhấn mạnh tính trần thế của ơn gọi và sứ mạng người giáo dân, sống đức tin là sống lịch sử đời thường, được xử lý bằng ánh sáng đức tin, thì nó biến thành lịch sử ơn cứu độ, đó là cách sống đức tin chân thật nhất. Cha nói đến đặc điểm của người giáo dân Việt Nam là sốt sắng, nhưng dở một điều là chỉ có đạo đức chứ không phải là Công giáo tiến hành, tức mang đạo vào đời và có trách nhiệm biến đổi trần gian trở thành nước Chúa.
(2) Ông Giêrônimô Nguyễn Văn Nội, giảng viên Kinh Thánh trình bày “người giáo dân trưởng thành” là người có khả năng và thực sự làm cho Giáo hội: được thiết lập thực sự trên một mảnh đất, trong một cộng đồng dân tộc; sống đầy đủ ơn gọi, sứ mạng, trách nhiệm của mình trong một cộng đồng xã hội; trở thành dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người; cùng làm việc với Hàng Giáo phẩm trong tư thế là người “đồng trách nhiệm”.
Ông trình bày tiếp các phương thế giúp người giáo dân trở nên trưởng thành, đó là: Đào tạo bồi dưỡng, giao trách nhiệm, thay đổi não trạng, thiết lập và cải tiến cơ chế, xây dựng mối tương quan trưởng thành và hợp tác, và có một bối cảnh xã hội chính trị cởi mở, tự do, tôn trọng quyền con người, mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật.
(3) Linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng, Tổng Thư ký Ủy ban Công Lý & Hòa Bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, Trưởng ban Công Lý & Hòa Bình TGP TPHCM đã trình bày “Tầm quan trọng của Giáo huấn Xã hội Công giáo (GHXHCG) trong đời sống Kitô hữu giáo dân”. Cha nhấn mạnh đến GHXHCG là kim chỉ nam cho sự dấn thân của tín hữu giáo dân trong xã hội. GHXHCG: cung cấp các nguyên tắc nhân vị - Công ích – Bổ trợ - Liên đới, hướng dẫn người tín hữu giáo dân sống đúng tinh thần phục vụ của Đức Kitô, thúc đẩy người tín hữu giáo dân trở nên những con người hữu ích và tích cực xây dựng một xã hội phát triển vững bền. GHXH của Giáo hội sẽ giúp người ta khám phá những giá trị cao quý của Tin Mừng.
(4) BS Giuse Nguyễn Đăng Phấn cùng ê kíp trình bày “Ơn gọi dấn thân và nên thánh của giáo dân giữa trần thế”. BS đã dùng những hình ảnh để minh họa cho diễn thuyết của mình, đã làm cho sự trình bày thêm phần sống động, và đã tập trung vào chủ đề: Chúa gọi giáo dân “Nên Thánh” và làm chứng cho Chúa. Để có thể dấn thân, giáo dân cần tìm Nước Chúa nơi trần gian, làm chứng cho Chúa, và phải theo Phúc Âm. Như thế phải học Lời Chúa, GHXHCG, và nhân bản. Giáo dân dấn thân phải có đức tin và đức ái.
Ngoài ra, 6 người trong ê kíp đã làm chứng cho sự dấn thân trong những lãnh vực: Từ một người tân tòng đã đưa cả gia đình trở lại với Chúa. Giáo dục: Làm sao để trung thực trong thi cử và phương pháp giảng dạy cho đúng. Mái ấm, Chăm sóc các em cơ nhỡ. Hướng dẫn giáo lý hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình cho những người di dân. Nuôi dưỡng các em diện ngoài giá thú, trong gia đình cha mẹ phạm pháp tại làng SOS. Sự cạnh tranh lành mạnh trong nghề nghiệp và học hỏi để làm theo Giáo huấn của Giáo hội của một kiến trúc sư trẻ.
BS Phấn nói tiếp: Việc tham gia của giáo dân trong lĩnh vực chính trị là hành động thích đáng, là phương thế cần thiết để thực thi bác ái và phục vụ tha nhân.
Thảo luận
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền, giám đốc TTMV điều khiển thảo luận, đây là phần cảm nhận của những người tham dự buổi tọa đàm hôm nay.
Trước hết, luật sư Bích đã nói: “Một tổ chức cũ không có khả năng tạo ra năng động mới”. LS cho rằng: Tổ chức của Giáo hội Công giáo là tổ chức chặt chẽ về mặt hệ cấp từ Hồng y, Giáo hoàng đến giáo xứ, giáo hạt. Điều này đã có từ lâu, sau Công đồng chung đã biến đổi được bao nhiêu?
Theo LS: Chúng ta sống bình thường, sống cho đàng hoàng là đủ rồi, không nên đặt cho cái tên là “Sống nên thánh”. Sống bình thường là quên cái tôi, không tham lam và làm đúng (làm theo Chúa). Xin sống đạo trong phạm vi của mình, trong phạm vi ấy mà chúng ta làm tốt, thì chúng ta trở thành ngọc (để cho người ta nhận ra chúng ta là ngọc). Khi chúng ta khoanh phạm vi, thì chúng ta phải tìm thấy rằng: hạnh phúc của chúng ta nhỏ lắm, nó chỉ là giọt nước thôi, chúng ta cố gắng tạo ra giọt nước ấy và sống trong nó. Cứ ở trong phạm vi mình mà chấn hưng cái thiện, đả phá cái ác.
Anh Vui chia sẻ: Giáo dân là hạnh phúc và hãnh diện, không thể tách ra khỏi gia đình, là ơn gọi và sứ mạng. Xin các tu sĩ thương yêu, tôn trọng và tin tưởng giáo dân. Xin các vị chủ chăn lưu ý: Giáo dân hôm nay cần được bồi dưỡng tâm lực (được gắn liền với Thiên Chúa Ba Ngôi), khai mở trí lực (hiểu để mà sống), nối kết thế lực giữa người giáo dân với người giáo dân.
Anh Ngô Gia nói lên tâm sự của nhiều người: Đây có lẽ là lần đầu tiên người giáo dân Việt Nam được lên tiếng. Nhiều giáo dân muốn đóng góp sự hiểu biết, năng lực, tâm huyết của họ cho những công việc của Giáo hội. Tuy nhiên, đang bị sự cản trở do cơ chế của Giáo hội tháp ngà từ trên xuống dưới, nên người giáo dân không thể ngóc đầu lên trong lòng Giáo hội.
Một giáo lý viên trẻ tuổi tham gia góp ý rất là thật, thẳng thắn: Người Công giáo phải sống nhân bản Kitô giáo, nhưng có bao nhiêu nhà thờ tổ chức giáo dục nhân bản Kitô giáo cho người giáo dân, vì các cha sở rất sợ người giáo dân trưởng thành. Tại Giáo hội Việt Nam, giáo sĩ trị vẫn còn rất nặng nề, não trạng của người giáo dân còn rất lạc hậu. Vậy phải làm sao cho người giáo dân trưởng thành, nhất là những người trẻ?
Một bạn trẻ nói về giáo dân trưởng thành là người: Vui vẻ, bình an và hạnh phúc, can đảm dấn thân, vâng phục và khiêm nhường, biết thinh lặng và cầu nguyện.
Linh mục Nguyễn Văn Dụ, là người dịch và viết nhiều sách, trong đó có nhiều tài liệu về người giáo dân, đã giới thiệu về ơn gọi tình yêu và gia đình. Gia đình là quy chiếu mọi sinh hoạt của Giáo hội, vì vậy Giáo hội như là một gia đình, Giáo hội mời gọi mọi người phải làm sao xây dựng gia đình đó. Cha giới thiệu cuốn sách của Đức Giáo hoàng chỉ tại vị trong 33 ngày, nói về giáo dân là ai, họ làm gì trong Giáo hội theo Công đồng Vatican II. Cha cũng giới thiệu một số cuốn sách cha đã dịch liên quan đến Công đồng Vatican II, mời mọi người cố gắng đọc để trưởng thành hơn.
Sr. Mai Thành, dòng Đức Bà đã nói đến tinh thần khiêm tốn của Công đồng Vatican II, đặc biệt của các Đức Giáo hoàng Gioan XXIII và Phaolô VI. Sr. kể lại câu chuyện: Ngày Đức Giáo hoàng Phaolô VI đăng quang, người ta đem cho Ngài cái mũ 3 tầng sơn son thếp vàng, vì hồi đó, ĐGH là vua 3 tầng: vua của Giáo hội, vua của thế giới, và vua của các vua. ĐGH Phaolô VI không nhận mà trao chiếc mũ đó cho một nhân viên thánh đường thánh Phêrô đem bán để giúp cho người nghèo. Đó là tinh thần của Công đồng Vatican II là từ bỏ chức vụ, vị trí, vua… và Giáo hội là Cộng đồng Dân Chúa. Sr. nói tiếp: Tinh thần giáo sĩ trị trong Giáo hội Việt Nam cần được nghiên cứu, thay đổi, và vai trò của người giáo dân trong Giáo hội cũng cần được thay đổi.
Cha Phêrô tổng kết: Qua tham luận và phát biểu ý kiến, bầu khí ngày hôm nay là sự vui mừng, u sầu và lo lắng, nhưng vẫn còn đó những hy vọng. Những bài tham luận nêu lên những lo âu, thao thức, những ý tưởng, giá trị cao cả và thực tiễn còn nhiều thách đố. Hội nghị hôm nay khơi lên cho chúng ta lời mời gọi của anh bạn trẻ là can đảm dấn thân trong khiêm tốn vâng phục. Cha mượn ý tưởng Cha Viễn đã nói: Chúa kiên nhẫn với chúng ta, Chúa Thánh Thần cũng rất kiên nhẫn, xem ra Chúa cũng hơi chậm, còn chúng ta thì nôn nóng làm cho xong đi nhưng không biết nó ra cái gì. Chúng ta tin vào sức sống năng động của Chúa Thánh Thần trong Dân Chúa, tin vào những gì Chúa ban cho những người anh em sẵn sàng để mà yêu thương, để phục vụ mọi người như Chúa hiện diện ngày hôm nay để phục vụ họ.
Đúc kết
Đức cha Phaolô thay mặt Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình và TTMV chân thành cảm ơn sự hiện diện của rất nhiều người. Đức cha nói tiếp: Đây là lần đầu tiên chúng ta nói lên tiếng nói của người giáo dân, chắc chắn không phải là lần cuối cùng vì nếu không cuộc tọa đàm hôm nay sẽ vô nghĩa. Đức cha tin tưởng Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình và TTMV sẽ nghiên cứu nối kết, nhân rộng, tổ chức những cuộc hội thảo khác để thực hiện hóa những gì chúng ta thảo luận hôm nay.
Đức cha cho thấy, để đáp ứng được nhu cầu thời đại, chúng ta phải phúc âm hóa và dấn thân theo định hướng, cách thế, năng động, tầm nhìn, tổ chức và nhiệt tâm mới. Ước mong giáo dân đứng hàng đầu được thực hiện trong thời đại chúng ta.
Lời hát bài “Kinh hòa bình” của tất cả mọi người đã kết thúc buổi tọa đàm ngày hôm nay.
bài liên quan mới nhất
- Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm
-
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025 -
Tĩnh huấn Mùa Vọng 2024 của giáo hạt Tân Sơn Nhì -
Giờ lễ Giáng sinh 2024 cho các cộng đoàn nước ngoài (Christmas Schedule 2024) -
Thánh lễ mừng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn -
Một chút tâm tình Mùa Vọng -
Tuần tĩnh tâm thường niên 2024 của linh mục đoàn Sài Gòn
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023