Tinh thần truyền giáo của Đức cha François Pallu và Lambert de la Motte

Tinh thần truyền giáo của Đức cha François Pallu và Lambert de la Motte

Tinh thần truyền giáo của Đức cha François Pallu và Lambert de la Motte

WHĐ (16/8/2024) – Nói về ơn gọi của Dòng chị em mến câu rút, Đức cha Lambert de la Motte đã có những lời như sau: “Mục đích của Hội Dòng này sẽ là tuyên hứa đặc biệt mỗi ngày suy niệm về cuộc thương khó của Chúa Giêsu Kitô, như phương thế hữu ích hơn cả để hiểu biết và yêu mến Ngài”.

TINH THẦN TRUYỀN GIÁO
CỦA ĐỨC CHA FRANÇOIS PALLU VÀ LAMBERT DE LA MOTTE
QUA NHỮNG YẾU TỐ TU ĐỨC - CHIÊM NIỆM - THẬP GIÁ
TRONG MONITA AD MISSIONARIOS
ĐỐI CHIẾU VỚI MỘT SỐ TÀI LIỆU
TRONG TRUYỀN THỐNG DÒNG MẾN THÁNH GIÁ

(Bài thuyết trình cho Liên hiệp Dòng MTG)

DẪN NHẬP

I/ BỐI CẢNH CHUNG CỦA BẢN VĂN

1/ Bối cảnh xã hội và Giáo hội

2/ Bối cảnh của bản văn

II/ TẬP LUYỆN CÁC NHÂN ĐỨC NHƯ LÀ NỀN TẢNG CỦA TRUYỀN GIÁO

1/ Nhận diện những nết xấu dẫn đến tình trạng sa đọa trong đời sống thiêng liêng trong bản văn Nhắn nhủ các thừa sai

2/ Đối chiếu với một số bản văn trong truyền thống Dòng MTG

III/ LINH HỒN CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO: LINH ĐẠO CHIÊM NIỆM VÀ LINH ĐẠO THẬP GIÁ

1/ Linh đạo cầu nguyện, chiêm niệm và linh đạo thập giá

2/ Những điểm nhấn trong việc truyền giáo

NHƯ MỘT LỜI KẾT

 

DẪN NHẬP

Nói về ơn gọi của Dòng chị em mến câu rút, Đức cha Lambert de la Motte đã có những lời như sau: “Mục đích của Hội Dòng này sẽ là tuyên hứa đặc biệt mỗi ngày suy niệm về cuộc thương khó của Chúa Giêsu Kitô, như phương thế hữu ích hơn cả để hiểu biết và yêu mến Ngài”. Về những công việc, Đức cha căn dặn: “Công việc đầu tiên của những người đã chấp nhận lối sống này sẽ là liên lỉ kết hợp những dòng nước mắt, những giờ nguyện ngắm, và những việc đền tội của mình vào công nghiệp của Đấng Cứu Thế, nhằm nài xin Thiên Chúa cho ơn trở lại của những kẻ ngoại giáo ở khắp ba Vùng Đại diện Tông tòa, đặc biệt là dân ngoại xứ Đàng Ngoài[1]. Hai đoạn văn trên đã cho thấy những trục chính, những yếu tố nền tảng của Hội Dòng mới được thiết lập: chiêm niệm mầu nhiệm thập giá - kết hợp mọi hành động trong cuộc sống hằng ngày với mầu nhiệm thập giá nhằm cứu các linh hồn. Nói cách khác, nền tảng và mục đích của Hội Dòng là từ chiêm niệm hướng tới truyền giáo. Từ góc nhìn như thế, có thể nói linh đạo của Dòng Mến Thánh Giá (MTG) và bản văn nền tảng của các Hội Thánh tại Viễn Đông, Monita ad missionarios - Nhắn nhủ các thừa sai[2], do Đức cha François Pallu và Đức cha Lambert de la Motte cùng với một nhóm các thừa sai biên soạn, có những nét gần gũi đặc biệt. Trong khóa bồi dưỡng VỀ NGUỒN, nhân dịp kỉ niệm 400 sinh nhật Đức cha Lambert de la Motte, chúng tôi xin được cùng các chị em đọc lại bản văn rất quan trọng này theo ba phần chính như sau:

- Bối cảnh chung của bản văn

- Đời sống tu đức - nền tảng truyền giáo

- Linh đạo chiêm niệm - thập giá - truyền giáo

Phương pháp tiếp cận bản văn là phương pháp đối chiếu bản văn Nhắn nhủ các thừa sai với một số bản văn khác, tức là để cho những bản văn cổ trực tiếp lên tiếng.

I/ BỐI CẢNH CHUNG CỦA BẢN VĂN[3]

1/ Bối cảnh xã hội và Giáo hội

Xã hội châu Âu vào thế kỉ 15-16 là giai đoạn của những phát kiến địa lí:

- 1415: hoàng tử Henrique (1394-1460) của Bồđàonha (BĐN) thiết lập và bảo trợ một trường hàng hải.

- Đoàn thám hiểm BĐN do Bartolomeu Dias dẫn đầu đã tới được cực nam châu Phi, họ đặt tên mũi đất này là mũi Hảo Vọng.

- Năm 1497, Vasco da Gama đã dẫn đầu đoàn thám hiểm BĐN tới được Ấn Độ.

- Năm 1492, một đoàn thám hiểm của Tâybannha (TBN) do Cristoforo Colombo chỉ huy đã tới được quần đảo miền trung châu Mĩ, nhưng ông lại tưởng là đã tới được Ấn Độ.

- Năm 1519-1522, Ferdinand Magellan đã dẫn đầu đoàn thám hiểm TBN lần đầu tiên đi vòng quanh thế giới. 

Những phát kiến địa lí trên đây dẫn đến việc Giáo hội ủy thác cho hoàng gia BĐN và hoàng gia TBN việc bảo trợ công cuộc truyền bá đức tin cho thế giới ngoại giáo.

Những mốc trên đây cho thấy vào đầu thế kỉ 15 ngành hàng hải BĐN đã rất phát triển, nhờ vậy, họ được hưởng khá nhiều đặc quyền. Ngày 4-4-1418, Đức Máctinô V ban hành sắc lệnh Sane Charissimus trao cho hoàng đế BĐN quyền làm chủ các vùng đất đã chiếm cứ. Ngày 28-5-1455, Đức Nicôla V lại ban thêm sắc lệnh Romanus Pontifex, khẳng định rằng bất kì ai đến vùng đất chiếm đóng của hoàng đế BĐN để buôn bán hay truyền giáo đều phải được sự cho phép của vị hoàng đế này. Từ năm 1492, độc quyền trên đây của BĐN bị đặt lại vấn đề khi ngành hàng hải của người TBN cũng đang trên đà phát triển. Cuộc tranh chấp giữa BĐN và TBN đã khiến Đức Alêxanđê VI đã phải ấn định ranh giới đặc quyền của hai đế quốc, qua hiệp ước Tordesillas, lấy đảo cuối cùng trong quần đảo Açores làm mốc, từ đó về phía tây thuộc ảnh hưởng TBN, từ đó về phía đông thuộc ảnh hưởng BĐN [4].

Ngày 23-1-1576, giáo phận Macao, còn gọi là Áo Môn, được thành lập, với lãnh thổ bao trùm toàn bộ vùng Viễn Đông, trong đó có Đại Việt. Khi bắt đầu việc truyền giáo tại Đàng Ngoài, trong số các vị thừa sai Dòng Tên đến giảng đạo, luôn có một vị được đặt làm Bề Trên. Sau này, khi công việc đã đạt những kết quả đáng khích lệ, trong số các thừa sai Dòng Tên, Đức Giám mục Macao đặt một vị Đại Diện chịu trách nhiệm về vùng này.

Khi đặt hai Đại diện Tông tòa đầu tiên cho Đàng Ngoài và Đàng Trong, bận tâm của Tòa Thánh là muốn cho công việc truyền bá đức tin thoát khỏi ảnh hưởng của hoàng gia BĐN và TBN, nhưng đồng thời Tòa Thánh cũng tạo ra trình trạng chồng lấn về thẩm quyền. Cùng với tình trạng này, Huấn Thị 1659 cũng khiến cho giữa các thừa sai của Hội Thừa sai Paris và các thừa sai Dòng Tên tại Viễn Đông có những xung đột trầm trọng về quan điểm. Những xung khắc này kéo dài hàng thế kỉ và gây ra rất nhiều tổn hại cho Giáo hội non trẻ ở Đàng Ngoài và Đàng Trong.

2/ Bối cảnh của bản văn

Vì muốn công việc rao giảng Tin Mừng thoát khỏi ảnh hưởng của hoàng gia BĐN và TBN, Đức Grêgôriô V đã thiết lập Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin vào năm 1622.

Tháng 6-1649, cha Đắc Lộ trở lại châu Âu, trong dịp này, khoảng năm 1650, ngài đã trình lên Tòa Thánh nhu cầu phải đặt các Giám mục cho vùng Viễn Đông, đặc biệt là cho Đàng Trong và Đàng Ngoài. Sau đó, cha Đắc Lộ đi Paris với mục đích tìm ba ứng viên Giám mục cho kế hoạch truyền giáo ở vùng Viễn Đông. Ngài được cha Jean Bagot, Dòng Tên, giới thiệu các ứng viên, trong đó có ba người nổi bật là François Pallu, Montigny-Laval và Piques. Những trở ngại sau đó khiến cả cha Montigny-Laval và cha Piques đều rút lui để dấn thân vào những công việc khác. Cha François Pallu là người duy nhất vẫn âm thầm theo đuổi dự án của cha Đắc Lộ. Năm 1657, cha François Pallu cùng bốn linh mục khác đi Rôma. Trong chuyến đi này, cha gặp cha Pierre Lambert de la Motte. Những trao đổi giữa hai vị đã đưa tới những kết quả cụ thể là đoản sắc bổ nhiệm hai vị làm Giám mục vào ngày 29-7-1658. Sau đó, ngày 16-8, Đức cha François Pallu được bổ nhiệm làm Đại diện Tông Tòa Đàng Ngoài, cùng với các tỉnh Vân Nam, Quí Châu, Hồ Quảng, Quảng Tây, Tứ Xuyên và nước Lào; Đức cha Lambert de la Motte được bổ nhiệm làm Đại diện Tông Tòa Đàng Trong. Đức cha François Pallu cũng thuyết phục được cha Ignace Cotolendi, linh mục giáo phận Aix, chấp nhận trở thành vị Đại diện Tông Tòa thứ ba.

Những cuộc lên đường[5]:

- Đức cha Pierre Lambert de la Motte lên đường ngày 18-7-1660, cùng với cha de Bourges và một người giúp việc; thầy Deydier nhập đoàn tại Marseille (lúc đó thầy vẫn chưa chịu các chức thánh). Các ngài rời Marseille ngày 27-11-1660, tới Ayuthia vào ngày 22-8-1662[6].

- Đức cha Ignace Cotolendi rời Paris ngày 22-7 và lên tầu ở Marseille ngày 3-9-1661 cùng với ba người. Đức cha qua đời ngày 6-8-1662 ở Mazulipatam, Ấn Độ, một trong các bạn đồng hành của ngài, Jean- François de Fortis De Fortis qua đời tháng 12-1663.

- Đức cha François Pallu rời Marseille ngày 3-1-1662, cùng với bẩy giáo sĩ và hai giáo dân. Chuyến đi kéo dài hơn hai năm. Bốn người trong đoàn chết dọc đường[7]. Cha Robert buộc phải rời đoàn để quay trở về ở Aléppô do nhiễm bệnh nặng. Sau khi rời Érivan, Michel Swertz được yêu cầu trở về do không phù hợp với việc truyền giáo. Đoàn đến Ayuthia ngày 27-1-1664.

Bản in cuốn tường thuật của Đức cha François Pallu

Bản in cuốn tường thuật chuyến đi của Đức cha Lambert de la Motte

Trên đây là ba cuộc lên đường chính. Bên cạnh ba cuộc lên đường này, vào tháng 9-1661, cha de Saisseval-Danville và Laneau khởi hành; tháng 10 năm đó, cha Périgaud và ông de Chamesson lên đường; tháng 11 cha Brunel lên đường. Dường như các vị này sau đó đã nhập vào đoàn của Đức cha François Pallu.

Lời nói đầu của cuốn Monita nói tới các chuyến đi với 17 vị (có lẽ phải là 19 vị), trong đó tám vị bỏ mạng trên đường đi, hai vị phải quay về vì những lí do khác nhau. Các tài liệu ghi nhận vào đầu năm 1664, khi các vị thừa sai gặp lại nhau tại Ayuthia, nhóm các vị gồm hai Đức cha François Pallu và Lambert de la Motte; các linh mục Deydier, Laneau, Brindeau, Hainques, Chevreuil và ông de Chamesson-Foissy. Trước đó, ngày 14-10-1663, cha Jacques de Bourges đã được Đức cha Lambert sai đi châu Âu để trình bày cho Tòa Thánh tình hình của vùng truyền giáo[8].

Ý thức được tầm quan trọng của một bộ luật về nhiệm vụ của các thừa sai, Đức cha Pallu đã kêu gọi mọi người cùng suy nghĩ, nghiền ngẫm, với các bản văn là Tin Mừng, bản giáo luật, hiến chế của các Đức Giáo Hoàng, những hướng dẫn của Bộ Truyền Giáo, gương sáng của các thừa sai, nhất là của thánh Phanxicô Xaviê[9]. Giai đoạn hình thành bản văn quan trọng này, trong bối cảnh chuẩn bị cho công nghị Ayuthia vào năm 1664, được Baudiment thuật lại như sau: “Để cân nhắc nghiêm túc về các biện pháp, hai vị Đại diện Tông tòa đã phân chia các vấn đề ra cho các ngài và năm vị linh mục: mỗi người sẽ suy nghĩ về phần riêng dành cho mình và trao đổi với những người khác về kết quả suy nghĩ của họ. Với cách làm kéo dài trong nhiều tháng như thế, họ thống nhất quan điểm và vị Giám mục nghĩ có thể đặt tên là công nghị[10].

Từ công nghị trong bản văn tiếng Pháp là synode, với gốc Hilạp gồm σύν ὁδὸς (sun + ‘odos) mà thời gian gần đây chúng ta dịch là hiệp hành. Hai vị Đại diện Tông tòa đầu tiên đã bắt tay vào việc bằng cách cùng với những người cộng sự cầu nguyện, suy nghĩ, đọc Lời Chúa, đối chiếu, tham khảo những văn bản hướng dẫn của Tòa Thánh và của những người đã có kinh nghiệm cụ thể trong hoạt động tông đồ, bàn bạc trao đổi với nhau. Như vậy, bản văn Nhắn nhủ các thừa sai là kết quả của đường hướng mà ngày nay chúng ta gọi là hiệp hành, tức là cùng lắng nghe tiếng Chúa, trao đổi bàn bạc để đi đúng đường lối của Đấng xưng mình là con đường.

Bản chép tay mang tên Những huấn thị vào năm 1665

Trong thư đệ trình Đức Clêmentê IX, nội dung của tài liệu Nhắn nhủ các thừa sai được giới thiệu như sau[11]:

Sống các nhân đức tông đồ (chương I)

Cách thức của Chúa Kitô và các tông đồ (II, III, IV)

Các bổn phận nơi lương dân (V)

Nơi dự tòng (VI)

Nơi ứng viên chịu phép rửa (VII)

Nơi tân tòng (VIII)

Nơi các tín hữu đã được đào luyện (IX)

Nơi các thầy giảng (X)

Nơi nội dung này, chúng ta có thể nhận thấy một linh đạo truyền giáo khởi đi từ đời sống thánh thiện của vị thừa sai, nhờ rèn luyện các nhân đức từ việc chiêm ngắm đời sống của Chúa Giêsu và các Tông Đồ, hướng đến tiếp nhận lời rao giảng Tin Mừng, tức là sự thánh thiện của các đối tượng khác nhau mà vị thừa sai sẽ gặp gỡ trong cuộc đời thi hành nhiệm vụ rao giảng. Thiết nghĩ hai điểm chính yếu của tài liệu này rất gần gũi với linh đạo của Dòng MTG. Những chương cuối của tài liệu này nhắm tới việc đào tạo những thành phần khác nhau cho xứ truyền giáo. Vì thế, có thể coi ý hướng thành lập Dòng MTG cách nào đó đã tiềm ẩn trong tài liệu này. Xét như thế, bản văn Nhắn nhủ các thừa sai có thể được coi như một trong những bản văn nguồn của cả Hội Thánh tại Việt Nam lẫn Dòng MTG, cũng như Hội Thánh tại Viễn Đông.

Việc đọc bản văn chủ yếu dựa trên bản dịch của giáo phận Kontum, đôi khi có đối chiếu với bản gốc Latinh hay bản tiếng Pháp. Bản dịch của giáo phận Kontum dựa trên bản văn tiếng Pháp, phần đầu dịch khá tốt, càng về cuối càng kém hơn. Là một bản dịch, dĩ nhiên bản văn này cũng có nhiều vấn đề.

Ví dụ: “cái đức trong đạo” (ở chương V, tiết 3) là dịch từ tiếng Pháp “la vertu de religion” và tiếng Latinh “virtus religionis”[12]; hay tiêu đề chương I “vị thừa sai phải tránh mọi sự buông thả” so với nguyên bản Latinh “de conservanda Missionariorum integritate”, về việc giữ gìn sự liêm chính của các thừa sai.

II/ TẬP LUYỆN CÁC NHÂN ĐỨC NHƯ LÀ NỀN TẢNG CỦA TRUYỀN GIÁO

Khi lược qua bản văn Nhắn nhủ các thừa sai, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng bốn chương đầu tiên của bản văn nhằm xây dựng đời sống thiêng liêng của nhà thừa sai trên nền tảng mẫu gương của Chúa Giêsu và các Tông Đồ. Một cách cụ thể hơn, bản văn khởi đi từ việc nhận diện những mối nguy, những nết xấu mà những ai muốn bước trên đường hoàn thiện có thể mắc phải, từ đó tập luyện các nhân đức, coi đó như nền tảng của đời sống và tinh thần truyền giáo. Xét như thế, chúng ta có thể nhận thấy rất nhiều nét gần gũi giữa bản văn này với linh đạo chiêm niệm truyền thống Dòng MTG.

1/ Nhận diện những nết xấu dẫn đến tình trạng sa đọa trong đời sống thiêng liêng trong bản văn Nhắn nhủ các thừa sai

Chương I của bản văn chỉ ra rằng nền tảng của đời sống tông đồ chính là đời sống nội tâm và kẻ thù của đời sống tông đồ là lối sống buông thả. Bộ ba hủy diệt gồm những hình thức buông thả khác nhau được nhận diện từ trình thuật về cuộc cám dỗ của Chúa và được trình bày hết sức cô đọng: “Thật vậy, quá lo lắng cho thân xác và những sự dễ dãi không chính đáng đã dần dần làm suy yếu lòng yêu mến Thiên Chúa nơi nhiều vị khiến họ coi trọng xác thịt hơn tâm linh. Tính tự phụ đã kéo theo nhiều điều xấu khác: Việc tập tành nhân đức chưa xong, còn chưa có thể tự điều khiển được chính mình, vậy mà họ đã dám nhận chăn dắt đàn chiên của Chúa Kitô. Đó chính là bắt đầu xây dựng mà không có tài nào hoàn tất. Tính ham hố cuối cùng cũng đã đưa đến những hậu quả tai hại: Lòng tham vô đáy muốn chiếm hữu tất cả dẫn đến cuộc sống xa hoa và yếu nhược. Từ đó ta mới hiểu nết xấu này đã biến những môn đồ thành tín của đức nghèo khó Tin Mừng, trở nên những nô lệ xấu xa của tiền bạc. Đó là cách thức dẫn đưa những tôi tớ của Chúa Kitô đến chỗ phục vụ ma quỉ[13].

Chúng ta thử cùng nhau đọc lại những cảnh báo của bản văn Nhắn nhủ các thừa sai đối với từng thói xấu:

Đối với tật nuông chiều thân xác, bản văn cho thấy từng bước của lối sống buông thả: “Ma quỉ, đã từng biết rằng cuộc sống khắc khổ của các tông đồ thì bất lợi cho chúng, nên đã dùng trăm phương nghìn kế để làm các ngài thay đổi lối sống. Cũng thế, ma quỉ không chiêu dụ các ngài đi ngay vào một cuộc sống quá dễ dãi vì biết các ngài yêu mến thánh giá, nhưng chúng xoay hướng tấn công nhằm vào những công việc vất vả liên miên làm cho kiệt sức, vào những thay đổi thất thường của thời tiết, vào sự thiếu ăn, vào tất cả những gì con người tự nhiên thường sợ. Mặt khác, ma quỉ còn viện cớ thiếu nhân sự nên công việc truyền giáo của họ rất ích lợi và cần thiết. Rồi chúng khuyến dụ họ phải chăm lo sức khoẻ của mình nhiều hơn, làm việc chừng mực để từ đó dần dà lôi kéo các ngài đến sự buông thả[14].

Cũng tương tự như đối với thói nuông chiều thân xác, với tính tự phụ và chuộng vinh quang phù phiếm, bản văn cũng vạch ra lộ trình sa đọa: “Cho nên ma quỉ không nương nhẹ tay để làm cho vị thừa sai tiêm nhiễm những chất độc nguy hại này. Nếu ma quỉ đạt được mục tiêu, nó sẽ làm tan biến công trình và những nỗ lực của người thợ. Ma quỉ làm cho vị thừa sai loá mắt vì muốn làm cho Thiên Chúa và Đức Kitô được vinh quang hơn khi có một mùa gặt bao la các linh hồn và đem đạo Chúa Kitô đến khắp cùng trái đất. Tiếp đó, nó lắt léo làm cho ngài nghĩ rằng phải thừa cơ hưởng thụ những mối lợi về cả ân sủng lẫn vật chất. Và vị thừa sai bị mắc lừa sẽ lao vào quá nhiều công việc một cách bất cẩn. Dần dà, ngài sẽ bỏ bê những thực hành thường ngày của mình như cầu nguyện, xét mình, đời sống nội tâm; ngài sống hướng ngoại, không chu toàn bổn phận và hoàn toàn quên cả chính mình. Chẳng bao lâu sau, bị mất đi sự trợ giúp của ân sủng và nâng đỡ của Chúa Thánh Thần, ngài không thể chống đỡ trước những lôi cuốn của vinh quang phù phiếm và lập tức rơi vào tình trạng xáo trộn nghiêm trọng hơn: khinh rẻ mọi chuyện nhỏ, không vâng phục, chỉ màng đến những dự tính mông lung, và mơ tưởng những chuyện đại sự. Từ đó ta hình dung cách dễ dàng, ngài sẽ rơi xuống vực thẳm âu lo, lầm lạc và tội lỗi[15].

Sau cùng, đối với tính tham lam, bản văn nhận xét: “Đúng vậy, trong mọi thứ cám dỗ tấn công nhà thừa sai, chính lòng ham muốn này đặt nhà thừa sai vào tình trạng nguy hiểm nhất, vì nó dùng cái vẻ bề ngoài của nhân đức để che phủ cái xấu. Bởi kẻ bị lòng khát khao trên dày vò, thường cho việc tích trữ của cải là biết khôn ngoan tiên liệu; y lấy cớ phải đáp ứng nhu cầu trước mắt trong nhà, phải lo trang hoàng nơi thờ phượng, phải tổ chức lễ lạc. Như thế, y tự cho là không bao giờ thừa và không bao giờ đủ, dù những của dâng cúng người ta giúp y có đến mức nào đi nữa. Lòng tham của y vô đáy! Còn gì nữa? Y còn viện cớ phải truyền bá đạo Chúa, phải vận động các vua quan, phải dùng quà cáp để lấy lòng, phải làm cho dân chúng thán phục bằng vẻ hào nhoáng bên ngoài và phải bảo vệ phẩm giá của mình. Và rồi, cuối cùng chính y bị đưa đẩy cách thảm hại vào việc tích lũy của cải bằng những phương thế đáng khinh và bất chính[16].

Sau đó, bản văn căn dặn thêm: “Vậy thì, miễn là có ăn có mặc là hạnh phúc rồi. Mặc thì cho sạch, nhưng tránh xa hoa. Đừng tìm kiếm đồ đạc sang trọng, cũng đừng xây cất nhà cửa lộng lẫy, nhưng hãy sống đơn giản nghèo khó[17].

Đọc những dòng này, nhất là những gì liên quan đến lối sống “đơn giản nghèo khó”, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng đây là lời mời gọi sống lối sống giản dị của Tin Mừng, một lối sống vốn không xa lạ trong truyền thống Hội Thánh và nhiều truyền thống khác.

2/ Đối chiếu với một số bản văn trong truyền thống Dòng MTG

Cần hiểu rằng bộ ba những tật xấu trên đây vốn không xa lạ với truyền thống tu đức của Hội Thánh công giáo, vì bộ ba này nằm trong bẩy mối tội đầu và được định danh trong Nhắn nhủ các thừa sai là: quá lo cho thân xác - thói kiêu căng ngạo mạn - lòng tham lam của cải, cũng chính là bộ ba mà chúng ta quen gọi là danh - lợi - thú. Đối chiếu với những bản văn nền tảng của Dòng MTG, như Những qui luật[18] vào năm 1670, và một số bản luật khác trong truyền thống Hội Dòng, chúng ta có thể sự gần gũi thú vị.

Do hiểu rõ mối nguy hiểm của bộ ba trên đây, trong bản Những qui luật[19] dành cho Hội Dòng được khai sinh vào năm 1670, Đức cha Lambert de la Motte đã nêu lên ngay ở điều luật đầu tiên những nhân đức nền tảng của đời sống tu trì giúp chữa trị những nết xấu tai hại này: “Ai là kẻ thấy mình được gọi vào Hội Dòng này phải làm ba lời khấn quen thuộc là khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời, và chỉ được chấp nhận sau hai năm thử luyện[20]. Đức khó nghèo chữa trị lòng tham lam, đức khiết tịnh chữa trị việc ham mê nhục dục và nuông chiều thân xác, đức vâng lời chữa trị thói hám danh và lòng ưa chuộng vinh quang phù phiếm.

Cần nói thêm rằng bên cạnh bản Những qui luật được ban hành vào năm 1670 mà ông Phạm Xuân Hy gọi là bản A, chúng ta còn có một số bản luật khác: Bản quốc ngữ viết tay kết thúc bằng dòng chữ Carolus Cao ký[21], được gọi là bản B, không ghi ngày tháng; một bản quốc ngữ viết tay khác, cũng không ghi ngày tháng, được gọi là bản C; và một số bản in chữ Nôm do Đức cha Puginier Phước ấn hành vào năm 1869[22]. Xét về nội dung, các bản B, C và bản in chữ Nôm tương đối gần gũi với nhau. Bản chữ Nôm có phần cuối được bổ sung khá dài. Những đoạn văn dưới đây được trích theo bản chữ Nôm 1869, Phép dòng chị em mến câu rút Đức Chúa Giê Su[23], có đối chiếu với bản B ở trang điện tử của linh mục Giuse Đào Quang Toản[24].

Trong công thức khấn dòng, đức thanh bần nhằm chữa trị thói tham lam được đặt ở vị trí đầu tiên trong bản luật. Các chị em tuyên khấn “ở cho khó khăn lọn đời, chẳng lấy của riêng tôi[25].

Đoạn thứ mười bẩy đưa ra những chỉ dẫn chi tiết hơn:

Chị em chẳng nên cầm của gì riêng.

Thứ nhất, trong dòng này mọi sự là của chung. Ấy vậy, chị em chẳng nên cầm của gì riêng, dù ruộng nương, đồng tiền, hay là con sách, mọi sự phải nạp cho bà mụ hết. Mà có thiếu sự gì thì phải xin cùng bà mụ, song le ví bằng chị em nào khi vào dòng có đem của gì, như đồng tiền, ruộng nương, hay là của gì trọng khác, nếu ngày sau người ấy ra, đã đem vào bao nhiêu, thì bà mụ cùng chị em phải trả cho bấy nhiêu, hay là có sinh thì trong nhà, người ấy trối thế nào về những của ấy, thì bà mụ cùng chị em phải cứ lời trối ấy. Song le, trước thì phải thưa thầy cả coi sóc đấy.

Thứ hai, chị em ai có thúng, hòm, tráp, bị nào, thì chẳng nên khóa lại, vì bà mụ cùng chỉ ả một năm ba lần, khi vắng chị em, thì phải xem các thúng, hòm, tráp, bị, cùng các giường mọi nơi trong nhà. Hoặc ai trong chi em giấu của gì chăng. Ví bằng có thấy của gì chị em nào giấu chẳng có lời cùng bà mụ trước, thì chị ả phải cất của ấy mà lại phạt người ấy chẳng nên tha. Vì vậy hễ của cải gì ai cho chị em thì cũng phải nạp cho bà mụ thay thảy, mà chị em cho ai của gì, dầu của hèn mà chẳng trình bà mụ thì có lỗi, nhất là chịu lấy của gì đàn ông nào cho, hay là chị em cho đàn ông nào của gì, mà chẳng cho bà mụ biết, thì càng cấm sự ấy nữa[26].

Liên quan đến điều này, công đồng Kẻ Sở, 1912, đưa ra một số chi tiết bổ sung:

Công đồng noi theo luật phép nhà mụ, nhà dòng, thì cấm nhặt chị em không được giữ tiền nong làm của tư, hay là buôn bán riêng. Song le phép công bằng cũng buộc nhà mụ, nhà dòng phải chịu phí tổn mà liệu cho các chị em, khi còn khỏe được đủ của ăn áo mặc, và khi phải bệnh được thuốc the mà chữa. Như thế các người nhà mụ khi mạnh khỏe, thì tất lực liệu ích chung, và khi ốm yếu thì nhờ của chung mà lấy sức lại[27].

Nếp sống thanh bần giản dị còn được thể hiện trong cách ăn mặc ở đoạn thứ mười sáu, cuốn Phép dòng:

Thứ nhất, chị em phải mặc những áo vải, chẳng nên mặc áo lụa, lĩnh, đũi, chỉ sợi, cũng chẳng nên dùng của gì tơ sốt, mà nhuộm thì chẳng nên nhuộm đỏ, hay là mùi lịch sự, phải nhuộm mùi thâm, hay là mùi lam, cùng bồ nâu lạt lạt vậy, vì càng hèn trước mặt người thế gian, thì càng trọng càng tốt trước mặt Đức Chúa Lời. Song le, dầu chị em mặc áo hèn thì phải liệu cho sạch sẽ. Vì vậy phải năng giặt kẻo hôi hám, mà bà mụ phải xem xét việc ấy.

Thứ hai, bà mụ cũng phải lo liệu một năm một lần, là trước Lễ Phục Sinh, may cho một người một áo vắn, cùng hai cái yếm. Quần thì may cho một người một năm một cái, và trong ba năm một cái áo dài. Song le, may cái quần cùng cái áo dài thì may trước Lễ Các Thánh, hay là bà mụ muốn cho các chị em một năm một tấm vải, đủ hai mươi lăm tấc bốn gang cho chị em thiếu áo nào, thì may áo ấy cho mình thì cũng được. Hoặc là chị em nào cha mẹ hay là kẻ khác cho vải, hay là tấm áo mà bà mụ để cho, hay là chị em nào đã có áo đủ chẳng thiếu, thì năm ấy người ấy lấy phần vải làm gì. Song le bà mụ cũng phải may áo, hay là cho vải mặc ý, người ấy lấy hay là chẳng, nhưng mà cho chị em vải nào thì phải mặc, chẳng nên đổi hay là bán khi chẳng có phép bà mụ thì có lỗi[28].

Công đồng Kẻ Sặt, 1900, hướng dẫn thêm: “phải mặc áo mùi thâm khiêm nhường đơn sơ, chẳng pha sự gì điệu dáng phần đời[29].

Những điều luật trên đây vừa là những hướng dẫn rất cụ thể nhắm đến một nếp sống thanh bần giản dị, siêu thoát đối với của cải vật chất, vừa quan tâm đến những trường hợp cụ thể và sự công bằng đối với các chị em trong Dòng. Xét trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời đó, những điều luật này vừa nhấn mạnh đến đức thanh bần theo tinh thần Tin Mừng, vừa chứa đựng những chỉ dẫn đầy tình người.

Nhân đức thứ hai trong lời khấn là đức khiết tịnh, đoạn thứ mười ba cuốn Phép dòng căn dặn:

Thứ ba, trong nhà chị em chẳng nên cho đàn ông nào vào, cùng ăn uống đấy. Hoặc đàn ông nào có việc chi thì phải làm một chút chái ngoài hay là bên trong cửa dựng ra nửa gian, cho kẻ nào có việc chi cùng chị em sẽ đứng đấy mà nói. Mà trong chị em ai muốn nói khó cùng ai nơi ấy thì phải trình bà mụ đã, cho bà mụ cắt ai trong chị em đi nghe với hoặc người đi nghe hãy còn trẻ thì đứng bên trong gần đấy mà nghe, rồi việc ấy người đã đi nghe phải trình bà mụ cho được biết các điều ấy. Song le chẳng nên nói ra cho kẻ khác biết mà có lỗi. Hoặc có ai hỏi bà mụ việc chi mà phải ra ngoài ấy, thì bà mụ cũng phải cho có một chị em làm chứng mà nghe cho được làm gương cho chị em được bắt chước[30].

Đặc biệt đối với các linh mục và những người đi tu, cũng đoạn thứ mười ba đưa ra một số điểm nhắc nhở rất chi tiết:

Thứ năm, các nhà chị em ở thì chẳng nên cho có bao giờ thầy cả nào làm lễ đấy. Có một khi có người chị em nào phải liệt nặng chẳng được đem đi nhà khác cho được chịu viaticum hay là ngày thầy cả đến bắt thăm, mà chọn bà mụ cùng chị ả và kẻ giữ việc khi chẳng có nhà gần cho thầy cả được làm lễ, mới nên mà thôi.

Thứ sáu, dù thầy cả nào hay là người nhà thầy cả nào hoặc có việc chi mà đến, thì chẳng được cho ăn cơm trong nhà cùng nằm đêm đấy.

Thứ bẩy, ai ai là người nam thì cũng cấm chẳng được cho ăn hay là nằm trong nhà chị em nữa.

Thứ tám, chị em chẳng nên bao giờ đi một thuyền với người nhà thầy cả nào cùng buôn bán đí gì thì càng chẳng nên, cùng cấm nhặt sự ấy.

[…]

Thứ mười hai, chị em đi đường gặp người nam, nhất là người nhà các thầy, thì chẳng nên đưa trầu cho. Ai chẳng cứ bấy nhiêu phép trước này thì có lỗi nặng[31].

Đặc biệt bản chữ Nôm có thêm 11 điều của công đồng Kẻ Vĩnh vào năm 1795, với những căn dặn rất chi tiết về tương quan của các chị em với những người nam. Xin nêu ra đây hai điều trong số 11 điều này:

Thứ bốn, bao giờ chị em dọn cơm nước cho thầy cả nào, thì phải dọn trong nhà bổn đạo gần đấy, chẳng được dọn trong nhà khách, phương chi là dọn trong nhà trong, mà dọn cho người nhà thầy cũng vậy.

Thứ năm, lẽ thì các nhà chị em chẳng nên dùng người nam nào cho được giúp việc trong nhà sốt, song le nhà nào có việc cần phải thuê mướn người nam, hay là cho nó ở tháng ở năm, thì cấm chẳng cho nó làm ăn lộn làm một cùng các chị em, hay là cho nó ở, hay là cho nó nằm trong nhà chị em, hay là nơi nào gần quá, phải tìm nhà nào gần gần vậy ngoài láng giềng, mà cho nó ở đấy. Chẳng vậy đừng dùng đến người nam nào sốt[32].

Chúng ta nhận thấy nơi những chi tiết có vẻ lỗi thời này tinh thần khôn ngoan, cẩn trọng vừa nhằm giữ gìn nếp sống trong sạch của người tu trì, vừa ngăn ngừa những lạm dụng có thể xảy ra, vừa bảo vệ danh thơm tiếng tốt của Hội Thánh, lại vừa giúp chị em biết rõ đâu là những ranh giới không được phép vượt qua. Chính tinh thần cẩn trọng và khôn ngoan ấy là điều vẫn luôn còn giá trị đối với đời sống tu trì hiện nay.

Về nhân đức thứ ba, đức vâng phục nhằm chữa trị tính tự phụ, ưa hư danh phù phiếm, sau đây là lời khấn trong cuốn Phép dòng:

Ba là chịu lụy vâng lời Đức Thầy Cả Vítvồ, Đức Thánh Phapha cho coi sóc phần linh hồn bổn đạo nước Annam này, cùng thầy cả Sacerdote nào coi sóc miền chúng tôi ở, cùng chịu lụy bà mụ tôi, cùng bà mụ nào ngày sau bề trên cho coi sóc cửa nhà chúng tôi nữa[33].

Những hướng dẫn về việc sống đức vâng phục không được trình bày liên tục mà rải rác chỗ nọ chỗ kia trong cuốn Phép dòng, ví dụ: “Hễ các việc chị em làm, thì làm về phần chung cho chị em được đủ ăn mặc, hoặc bà mụ dạy chị em nào để việc nọ mà làm việc kia, thì phải vâng tức thì, hoặc ai yếu đuối chẳng làm được việc nặng thì phải trình bà mụ cho người dạy làm việc nhẹ như may vá cho các chị em …[34]

Đặc biệt, Đức cha Giacôbê Gia[35] có những hướng dẫn rất đặc biệt về nhân đức này trong bài Khuyên người nhà mụ, năm 1792. Sau khi đã kể ra một số những ý hướng không ngay lành cần phải tránh, Đức cha nhắc nhở bằng những lời dậy dỗ rất sâu sắc:

… hễ bao giờ đấng bề trên dạy sự gì, dù phải sự khó mặc lòng, cũng phải vâng, vì chưng vâng ý đấng thay mặt Đức Chúa Lời cũng là vâng lời người. Nhân vì sự ấy các thánh khen phúc vâng lời chịu lụy hơn phúc ở khó khăn và sạch sẽ về phần xác, vì chưng kẻ ở khó khăn và sạch sẽ thì dâng của thế gian và xác mình cho Đức Chúa Lời mà thôi, song le kẻ vâng lời chịu lụy, thì dâng trí khôn và lòng mình cho Đức Chúa Lời, ấy là của tế lễ đẹp lòng người nghìn trùng[36].

Ta có thể thấy nếu như những nhận định về từng nết xấu được trình bày trong bản văn Nhắn nhủ các thừa sai mang tính tổng quát, thì những hướng dẫn về từng nhân đức nơi các bản văn trong truyền thống Dòng MTG lại đi vào từng chi tiết rất nhỏ nhằm dẫn dắt chị em một cách cụ thể, thích ứng với hoàn cảnh xã hội và lịch sử Việt Nam theo từng giai đoạn. Đằng sau những chi tiết đôi khi xem ra đã lỗi thời, ta có thể nhận ra sự khôn ngoan và thận trọng, vì những chi tiết luật rất chú tâm đến sự yếu đuối mỏng giòn của thân phận con người, nên vừa mang tính phòng ngừa, vừa mang tính chữa trị, lại rất thích ứng với xã hội Việt Nam thời đó. Về căn bản, nền tu đức của bản văn Nhắn nhủ các thừa sai và những bản văn trong truyền thống MTG mang ý hướng truyền giáo, với nỗi e sợ rằng “Việc tập tành nhân đức chưa xong, còn chưa có thể tự điều khiển được chính mình, vậy mà họ đã dám nhận chăn dắt đàn chiên của Chúa Kitô. Đó chính là bắt đầu xây dựng mà không có tài nào hoàn tất[37]. Thực ra, việc tập luyện nhân đức và chừa bỏ các nết xấu trong các văn bản này được đặt nền tảng trên việc suy niệm Lời Chúa, vì “việc xem xét chăm chú sẽ giúp các thừa sai nhận ra rằng những cám dỗ mà những ai rời xa Thầy Chí Thánh dễ dàng bị cuốn theo chính là những cám dỗ mà ma quỉ đã dùng để tấn công Ngài[38].

Cẩn thận phòng ngừa các nết xấu gắn liền với danh - lợi - thú là bước đầu tiên cần thiết cho những ai muốn dấn thân trong cánh đồng truyền giáo. Các bản văn Nhắn nhủ các thừa sai và truyền thống Dòng MTG còn quan tâm đến mối tương quan mật thiết với Chúa Giêsu chịu đóng đinh.

III/ LINH HỒN CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO: LINH ĐẠO CHIÊM NIỆM VÀ LINH ĐẠO THẬP GIÁ

Việc tu luyện bản thân, khép mình theo những điều luật có vẻ rất khắt khe, không có giá trị tự thân, nhưng nhằm giúp nhà truyền giáo không xa rời đường lối của Đấng đã kêu gọi các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Đó là con đường của Chúa Giêsu, nên đòi hỏi những người muốn bước trên con đường này phải sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu bằng đời sống cầu nguyện chuyên cần.

1/ Linh đạo cầu nguyện, chiêm niệm và linh đạo thập giá

Bản văn Nhắn nhủ các thừa sai nhấn mạnh đặc biệt đến tầm quan trọng của đời sống cầu nguyện đối với nhà thừa sai, cũng chính là điều được truyền thống các bản luật Dòng MTG rất lưu tâm nhắc nhở. Tuy nhiên, các bản văn cho thấy một sự dịch chuyển điểm nhấn từ linh đạo chiêm niệm sang linh đạo thập giá.

Ở tiết 5, chương I, tài liệu Nhắn nhủ các thừa sai xác định một cách hết sức mạnh mẽ tầm quan trọng của đời sống cầu nguyện đối với vị thừa sai: “Một chân lý tuyệt đối: Tinh thần cầu nguyện thì cần thiết và hiệu nghiệm chống lại mọi thứ cám dỗ. Chính Chúa Giêsu Kitô đã tuyên bố điều đó cách dứt khoát, khi Ngài nói: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Mc 14,38). Nếu đó là mệnh lệnh mà Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã ban cho chính các Tông đồ, chúng ta lại càng không có lý do để nói rằng người thừa sai truyền giáo lại không cần lương thực hằng ngày là sự cầu nguyện để nuôi dưỡng! Nếu ngài chểnh mảng không tự nuôi sống bằng thứ lương thực đó, ngài sẽ phải bị suy yếu ngay trên đường nhân đức. Nguyện gẫm là nguồn và là đầu của mọi nhân đức[39]. Liền sau đó, tài liệu này nói về thời lượng hằng ngày dành cho việc cầu nguyện: “Vẫn biết rằng, tất cả cuộc sống của nhà thừa sai phải là một sự cầu nguyện liên lỉ, và phải gắn bó từng giây phút với Thiên Chúa, nhưng mỗi ngày cần dành ra một thời gian nhất định để thờ lạy Thiên Chúa: Ít ra là hai tiếng, đúng theo luật được áp dụng cho phần đông các tu sĩ thừa sai, và theo thói quen còn giữ đến nay nhờ những vị nhiệt tình làm tròn bổn phận tông đồ[40].

Bản văn Nhắn nhủ các thừa sai, tiết 1 của chương II có tiêu đề “phải tĩnh tâm khi đến xứ truyền giáo”. Về vấn đề này, bản văn kể lại tấm gương của chính Chúa Giêsu, của các tông đồ và của thánh Gioan Tẩy Giả để đi đến xác định căn bản ở tiết 2 rằng “vị thừa sai thực ra chỉ là một dụng cụ bình thường của Thiên Chúa”. Do xác tín căn bản này, “vị thừa sai phải ý thức rằng mình không có công trạng, cũng không nhân đức gì so với các thánh rao giảng Tin Mừng này, và biết mình cũng bất tài trong công việc của người tông đồ, nếu phải lui vào nơi hiu quạnh trước khi hành động, như vậy ngài sẽ không liều mình ban phát ân sủng để rồi làm thiệt hại chính mình, và làm hỏng tất cả vì hành động không đúng lúc và chưa tìm ý Chúa[41].

Các bản luật cổ xưa của Dòng MTG không đề cập rõ ràng tới việc tĩnh tâm hay cấm phòng. Bản văn Mấy điều công đồng Kẻ Sặt truyền có bổ sung thêm về điểm này và đề cao tầm quan trọng đặc biệt của việc cấm phòng:

Các chị em phải cấm phòng chung một năm một lần. Người nào không cấm phòng chung được vì ốm liệt, hay là coi nhà, hay là ngăn trở cách nào làm vậy, thì bà mụ sẽ liệu cho chị ấy được cấm phòng riêng vài và ngày tùy tiện. Nhưng mà không được để cho chị em nào mất ơn cấm phòng chung hai năm liền, cho nên khi bà mụ cắt lượt các chị coi nhà ngày cấm phòng, thì không được cắt kẻ đã không đi cấm phòng năm trước.

Mỗi một tháng một lần chị em sẽ cấm phòng một ngày, hoặc chung hoặc riêng tùy tiện; mà ngày hôm ấy chị em sẽ xét lại cho kĩ những điều dốc lòng trong tuần cấm phòng trước đã giữ làm sao[42].

Trở lại với vấn đề cầu nguyện, vẫn theo chiều hướng cụ thể và thích ứng, bản luật năm 1670 đưa ra những hướng dẫn ở điều thứ tám. Tuy nhiên, những chi tiết cho ta thấy việc cầu nguyện và suy niệm giờ đây được nối kết với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Mối liên kết này không chỉ được thực hiện trong việc chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa theo những suy niệm đã được soạn sẵn, mà còn được thực hiện một cách cụ thể qua những phương thức hi sinh hãm mình, ăn năn, đánh tội.

Các chị em sẽ dậy vào bốn giờ sáng để nguyện ngắm, bắt đầu bằng các kinh mà cộng đoàn tín hữu vẫn đọc các ngày Chúa Nhật. Sau đó, các chị em suy niệm một giờ về một trong các đề tài đã được soạn ra về cuộc Thương khó và Tử nạn của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Bài suy niệm sẽ được chị Bề Trên hay chị nào thế chỗ Bề Trên đọc. Tiếp theo, các chị em sẽ đọc Kinh Cầu các thánh, Kinh Cáo mình, Kinh Xin Chúa xót thương; sau đó, đọc câu xướng “Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”. Các chị em sẽ lặp lại câu xướng ấy sau Kinh Xin xót thương; trong lúc đọc câu xướng và lời nguyện “Xin đoái nhìn”, các chị em phải đánh tội mà tưởng nhớ đến các khổ hình mà Con Thiên Chúa đã phải chịu, cùng hiệp dâng hi sinh nhỏ mọn ấy với những ý hướng của Người khi Người chịu các khổ hình mà Người cũng muốn ta thông phần vào đó. Khi vì lí do nào đó ngăn trở khiến không thể làm việc ăn năn thống hối chung với nhau theo cách này được, các chị em sẽ chu toàn bổn phận này bằng cách mang dây xích hoặc làm việc ăn năn thống hối nào khác theo lời dạy của cha giải tội, việc ấy phải tương xứng với việc đánh tội đó[43].

Cuốn Phép dòng cũng căn dặn rõ ràng về điểm nhấn linh đạo thập giá ở đoạn thứ bốn: “Thứ nhất, mọi việc lành phải làm như ăn chay, đánh tội, hãm mình, nguyện ngắm, thì phải hợp ý cùng Đức Chúa Giêsu[44]. Sau đó, cũng giống như bản luật 1670, cuốn Phép dòng nêu ra rất nhiều việc đạo đức, các kinh nguyện phải đọc hằng ngày. Về thời lượng giờ suy niệm, tức giờ gẫm sách, cuốn Phép dòng đưa ra một điều chỉnh: “Đoạn mới gẫm sách đủ nửa giờ, chẳng nên đọc qua vậy thôi, vì sự ấy chẳng kể là gẫm đâu[45].

Chúng ta nhận ra sự gần gũi về linh đạo giữa bản văn Nhắn nhủ các thừa sai với truyền thống Dòng MTG khi bản văn này liên kết đời sống cầu nguyện với tinh thần khổ chế và hiệu quả của việc tông đồ: “vị thừa sai tìm thấy trong tinh thần khổ chế và cầu nguyện một phương cách hoàn thiện cho chính mình, thì cũng chính những phương thức ấy sẽ giúp ngài làm việc có hiệu quả hơn trong việc cứu rỗi và thánh hoá kẻ khác. Kinh nghiệm hằng ngày cho ta thấy mọi thứ đều thuận lợi cho những ai truyền giáo bằng đời sống khổ chế và cầu nguyện, đồng thời kinh nghiệm cũng dạy ta thiếu những nhân đức này, mọi sự sẽ tan thành mây khói, do đó ta có thể kết luận rằng đời sống khổ chế và cầu nguyện là nền tảng chính yếu của việc truyền giáo[46].

Lí do căn bản của đời sống cầu nguyện và tinh thần khổ chế là vì việc tông đồ không phải công việc của vị thừa sai, nhưng là công việc của chính Chúa: “Vị thừa sai thật ra chỉ là một dụng cụ bình thường của Thiên Chúa. Cho nên ngài chỉ có thể sinh lợi khi nhờ vào cầu nguyện để hợp nhất với Đấng đã hối thúc và trợ lực ngài lên đường. Thật vậy, làm sao ngài có thể hiểu được danh hiệu ‘được sai đi’, nếu vị thừa sai không lắng nghe tiếng của Đấng phái ngài đi? Làm sao ngài có thể thực hiện ý Chúa nếu ngài không đủ khả năng tìm ra trong cầu nguyện? Làm sao ngài có thể làm nhiệm vụ người trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, nếu ngài không biết cách giao hòa các thụ tạo với Đấng Tạo Hoá bằng lời cầu nguyện? Làm sao ngài có thể sửa dạy các con chiên nếu ngài không lĩnh hội sự khôn ngoan của Thiên Chúa từ nguồn mạch chiêm niệm? Cuối cùng, nếu không có cầu nguyện, làm sao ngài vượt qua được mọi khó khăn, ngoài sức con người, bản chất tự nhiên con người này phải ăn nhịp với tác động của Chúa Thánh Thần, bằng đời sống khổ hạnh? Cho nên, phải nhận rằng hai nhân đức kể trên là hai đức tính nòng cốt của vị thừa sai và của sứ vụ[47].

Đời sống khổ chế và cầu nguyện mà bản văn Nhắn nhủ các thừa sai nhắc đến là những yếu tố thiết yếu trong đời sống của vị thừa sai. Khởi điểm của bản văn là sự thánh thiện của vị thừa sai và đích điểm là sự thánh thiện của các linh mục bản xứ[48], tức là sự thánh thiện của Hội Thánh địa phương. Nền tảng của sự thánh thiện này là đời sống gắn bó với Thiên Chúa được thể hiện qua việc cầu nguyện và khổ chế. Nơi đây, ta thấy được mối liên kết mật thiết giữa bản văn Nhắn nhủ các thừa sai và truyền thống Dòng MTG. Bản văn Nhắn nhủ các thừa sai không chỉ đưa ra những nguyên tắc và hướng dẫn tổng quát, mà còn cho thấy chiều sâu thần học và linh đạo của những thực hành cụ thể trong các bản luật của Dòng MTG, đồng thời chỉ ra đích điểm mọi việc đạo đức của các chị em trong Dòng.

Thiết tưởng cần đề cập ở đây một đoạn rất đặc sắc trong bản văn Nhắn nhủ các thừa sai, có thể coi như một dạng suy tư về thần học thập giá bằng một ví dụ gần gũi và cụ thể. Cuối chương III, ở tiết 7, bản văn trình bày những nỗi dằn vặt của vị thừa sai, những thử thách mang dấu ấn sâu đậm của thần học thập giá, theologia crucis, vốn chiếm vị trí trung tâm trong đời sống và suy tư của Đức cha Pallu và Đức cha Lambert:

Cơn cám dỗ khó chịu nhất đối với nhà truyền giáo đương nhiên gần với tình huống sau đây: ngài thiếu những phương tiện thuần túy nhân loại đã được liệt kê ở trên, hoặc là chúng ở trong tầm tay ngài; nhưng dường như một thần cảm từ Chúa, hay Thiên Ý nào đó cấm ngài hoàn toàn không được sử dụng. Ngài kéo lê cuộc sống khốn khổ, thường túng thiếu ngay cả cho những nhu cầu cần thiết nhất; chấp nhận ngàn muôn nghịch cảnh: mọi người khinh rẻ, rồi đủ loại đau khổ từ bên trong lẫn bên ngoài; và điều còn làm cho ngài lo sợ hơn nữa, đó là không gặp thành công nào trong công việc truyền bá Tin Mừng của ngài. Không kết quả tích cực nào từ những nỗ lực của ngài, thế mà dưới mắt ngài, những nhà truyền giáo đồng nghiệp khác, nhờ sử dụng những phương tiện trên, lại đang sống trong sung túc và thịnh vượng, chỉ nghe những lời tán dương của mọi người về một vụ mùa dồi dào... Đó chắc chắn là một viên đá vấp ngã mà một số rất lớn sẽ vấp phải, một tảng đá hiểm trở nhô trên vực sâu: bàn chân vững chắc nhất sẽ không trụ được ở đó nếu không có phép lạ phi thường của ân sủng. Nhưng đúng hơn, chúng ta nên nói đó chính là thứ đá thử vàng để làm lộ ra nhân đức của vị thừa sai, hay còn gọi là lò nung đốt để các chất liệu của ngài được rũ bỏ đất đá bao quanh, và đạt đến độ tinh khiết nhất. Trong lúc đó, thật ra bề ngoài có vẻ thất bại, nhưng có nhiều người khi xem xét tình thế của ngài, lại cho là rất hạnh phúc và đáng mơ ước: ngài cảm thấy trong chính mình sự toàn thắng của ân sủng, con người cũ đã bị chôn vùi và nay con người mới được phục sinh, hoàn toàn trơ trụi để phó thác cho Chúa[49].

Từ hoàn cảnh xem ra là hoàn toàn thất bại dưới mắt người đời, bản văn gắn kết đời rao giảng với tấm gương của thánh Phaolô và chính Chúa Giêsu: “Phaolô biết để học nơi Thầy của mình, bằng sự kiên nhẫn, sự ruồng bỏ và cái chết tủi nhục của thập giá mà Giáo Hội đã được tạo dựng, nên vị thừa sai Dân ngoại không trông chờ vào khôn ngoan loài người, cũng không màng tới những mưu mẹo mà những tông đồ giả sử dụng để thu hút về phía mình lòng tốt của dân chúng; nhưng luôn luôn kiên vững và bình thản, ngài không thay đổi cách sống cũng như phương pháp rao giảng của mình[50].

Ta có thể nhận thấy nơi những bản văn này đời sống cầu nguyện, tinh thần khổ chế mang dấu ấn thần học thập giá là những yếu tố hòa quyện vào nhau. Quả thực sống Tin Mừng và rao giảng Tin Mừng là dám đón nhận thập giá và những hệ quả của thập giá trong cuộc đời và sứ vụ của mình. Nơi đây, chúng ta nhận ra một sự hòa quyện khác, đó là sự liên kết gần gũi giữa linh đạo truyền giáo và thần học thập giá. Điều này nhắc nhở chúng ta một chân lí cứu độ luôn đúng, đặc biệt trong công việc truyền giáo: “Không có máu đổ ra, thì không có ơn tha thứ” (Hr 9,22).

2/ Những điểm nhấn trong việc truyền giáo

Như đã được nói tới ở phần trên, khởi điểm của bản văn Nhắn nhủ các thừa sai là sự thánh thiện của các thừa sai, còn đích điểm của bản văn là sự thánh thiện của Hội Thánh địa phương. Ngay từ những trang đầu tiên, bản văn Nhắn nhủ các thừa sai đã khẳng định: “Phải yêu mến đời sống cô tịch, chuyên cần nguyện gẫm, nhiệt thành mãnh liệt, chỉ chú tâm đến phần rỗi các linh hồn[51]. Quả thực, tinh thần truyền giáo và linh đạo truyền giáo thấm đẫm trong từng trang văn bản và còn để lại dấu ấn nơi những bản luật của Dòng MTG.

Toàn bộ chương 4 bản văn Nhắn nhủ các thừa sai chứa đựng những lời căn dặn liên quan đến bổn phận làm chứng bằng đời sống và bằng chính lời rao giảng của vị thừa sai: “Mỗi người đều hiểu việc rao giảng là phần chính yếu của trách nhiệm tông đồ, vị thừa sai phải tập trung công sức tinh thần của mình với hết nhiệt tình[52]. Bản văn khẳng định thêm: “Nhưng thực ra, nếu lối cư xử không đi đôi với lời nói, người rao giảng sẽ thu hoạch được ít, nếu không nói là không được gì[53].

Một cách cụ thể, gương sáng đời sống của vị thừa sai được đề cập như sau:

Lương dân, dự tòng, tân tòng, ước gì tất cả mọi người kể trên cảm nhận được vị thừa sai như người cha và trạng sư của họ. Ước gì ngài can thiệp cho họ trong những trường hợp rất cần thiết và khẩn cấp, với vua quan hay nơi toà án. Ước gì ngài chi cấp cho sự bần cùng của họ, dù ngài có phải đi ăn mày. Ngài chớ đích thân chỉ định những người đại diện dân chúng hay gây khó dễ. Ước gì ngài là một người cha biết lo xa cho con cái của ngài, cho dù có thể không được đáp trả bằng một tình yêu tương xứng. Ước gì ngài không mong chờ sự đáp trả điều mình đã cho, mà chỉ kỳ vọng vào hiệu quả tốt đẹp từ lòng rộng rãi của ngài[54].

Liền sau đó, bản văn cảnh báo về mối nguy vị thừa sai có thể “biến mình thành người cung cấp những của cải nhất thời cho con chiên của mình[55]. Sau đó, bản văn hướng dẫn thêm:

Vậy nên, người thừa sai sẽ tận tụy hoàn toàn cho sứ vụ rao giảng, nơi riêng tư hoặc nơi công cộng, cho người nghèo cũng như người giàu, cho giới chủ cũng như tớ, cho mọi người, ngài sẽ bẻ và phân phát Bánh thánh thiêng của Tin Mừng. Ngài sẽ rảo qua những con đường, thăm viếng dân chúng, làm lan toả khắp chốn hương thơm dịu ngọt của sự nhận biết Thiên Chúa; mời gọi, thúc bách mọi người đến dự tiệc cưới của vị Hôn Phu trên trời[56].

Về chính lời rao giảng, bản văn khẳng định: “Vị thừa sai phải chuẩn bị Lời cẩn thận trước khi giao Lời cho trí khôn của những người đang nghe ngài. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn việc cứu rỗi các dân tộc phụ thuộc vào việc rao giảng của các vị thừa sai, nên Người cũng mong muốn các ngài tỏ ra tích cực trong sứ vụ, không được quá nhàn rỗi và lười biếng. Tuy nhiên, không phải nghệ thuật ăn nói dạy cho vị thừa sai soạn và chuẩn bị bài giảng của mình, chính nhờ nguyện gẫm nhiều hơn[57].

Đối chiếu với các bản luật trong truyền thống Dòng MTG, ta có thể nhận thấy ngay trong bản luật đầu tiên năm 1670, những lãnh vực hoạt động tông đồ đã được xác định khá rõ ràng. Sau khi đề cập đến công việc thứ nhất của các chị em là sống và suy niệm mầu nhiệm thập giá, bản văn chỉ dẫn như sau:

Công việc thứ hai: dạy dỗ các thiếu nữ, dù là Kitô hữu hay ngoại giáo, những điều mà người thuộc giới tính của họ phải biết; nếu như vì lí do những công việc khẩn cấp tại nơi đạo thánh đang hiện diện khiến không thể chu toàn được điều đó, thì các chị em phải nhớ rằng khi nào có thể, công việc này phải là bận tâm chính yếu của chị em.

Công việc thứ ba: các chị em phải chăm sóc các phụ nữ và thiếu nữ đau ốm, dù là Kitô hữu hay ngoại giáo, nhằm dùng con đường này để trao đổi với họ về những điều thuộc về ơn cứu độ và việc trở lại của họ.

Công việc thứ tư: các chị em phải để tâm rửa tội, trong những trường hợp cần thiết, cho các trẻ em có nguy cơ chết trước khi chịu phép rửa tội.

Công việc thứ năm là phải cố gắng lôi kéo các phụ nữ và thiếu nữ hư hỏng ra khỏi lối sống xấu xa của họ[58].

Đích nhắm rõ ràng của các công việc ấy đều là dùng những cách thức khác nhau, nhất là qua con đường giáo dục và hoạt động bác ái, đưa người ta đến ơn nhận biết Chúa. Cần biết rằng nội dung của những công việc trên đây được cũng ghi lại trong đoạn thứ bốn, cuốn Phép dòng[59]. Liên quan đến việc thi hành những bổn phận trên đây, cuốn Thư chung địa phận Thanh đưa ra một số nhận định:

Ấy là những lời lề luật phép nhà chị em dạy thì làm vậy. Rầy về sự đạo thì được bằng yên; lại có lẽ đoán chẳng khỏi bao lâu nhà nước sẽ mở nhiều nhà tràng dạy trẻ nữ. Những nhà đủ ăn sẽ cho con cái mình đi học, nếu địa phận ta không có người đạo đức chắc chắn đã học sẵn cùng đã biết đàng dạy, thì sợ rằng hoặc là có nhà nào vô ý vô tứ cho con mình đi học những tràng vô đạo mà thiệt phần linh hồn chăng.

Vả lại xét cho cùng việc dạy trẻ nữ là việc người nữ phải làm thì xuôi hơn mọi đàng, mà bởi vì có nhiều đàn bà phần thì vất vả khó nhọc làm ăn, phần thì dốt nát mê muội, không biết đàng dạy con gái mình, cho nên cần phải có người nữ khác dạy thay, thì mới trông sau này sẽ được nhiều đàn bà ý tứ khôn ngoan biết đàng dạy con cái mình.

Thày xét bấy nhiêu lẽ ấy, thì ước ao chớ gì các chị em nhà dòng mến Câu rút học hành một ngày một hơn…[60].

Cũng giống như trong bản văn Nhắn nhủ các thừa sai, các bản luật Dòng MTG cũng đề cao tầm quan trọng của chứng tá đời sống tốt lành thánh thiện. Vì thế, cuốn Phép dòng ở đoạn thứ ba “Ai nên ai chẳng nên vào dòng này?” căn dặn những điều liên quan đến việc tuyển chọn người, rồi khi đã nhận vào Dòng thì phải lo đào tạo chu đáo. Bên cạnh đó, nếu như các bản luật đều nói đến bổn phận giúp những “phụ nữ và thiếu nữ hư hỏng”, thì bản luật cũng đưa ra những biện pháp phòng ngừa gương mù gương xấu. Cuốn Phép dòng, đoạn thứ bốn nhấn mạnh:

Thứ năm, phải ra sức khuyên những con chơi, cùng kẻ làm sự ô uế làm vậy, cho nó lở lại ăn năn tội, cùng chừa những tội ấy, mà hoặc ngày sau có kẻ lở lại, cùng bỏ nghề nghiệp ấy đi, và dốc lòng vào dòng này, thì cũng nên cho vào, cùng giữ các phép sau này. Song le phải làm nhà khác cho những người thể ấy ở, mà chọn lấy trong các chị em khác một người nào chẳng có tích lỗi chi cả coi sóc các người ấy[61].

Công đồng Kẻ Sở, năm 1912, nhắc nhở thêm về điều này:

Chẳng hề nên kể nhà mụ là như nhà chứa những người đàn bà hư thân, những đứa con gái đang phải sự cheo leo, hay là những người nữ giở giang.

Dẫu vậy nên ước ao chớ gì mỗi một nhà mụ liệu được một nơi biệt riêng ra, để hoặc có gặp thứ người đàn bà ấy, thì cho nó nương nhờ đấy, cùng cắt một người chị em đạo đức sốt sắng xem sóc nó[62].

Như vậy, nếu như bản văn Nhắn nhủ các thừa sai cho thấy vị thừa sai phải nhắm đến việc “mời gọi, thúc bách mọi người đến dự tiệc cưới của vị Hôn Phu trên trời”, thì những bản luật của Dòng MTG lại nhắc nhở chị em nhắm đến một nhóm đối tượng đặc thù là các thiếu nữ Kitô hữu cũng như ngoại giáo, những người phụ nữ đau yếu và những phụ nữ hư hỏng. Lãnh vực hoạt động của chị em được thu hẹp và thích ứng với hoàn cảnh xã hội Việt Nam, nhưng ưu tiên và bận tâm truyền giáo lại vẫn rất gần gũi với bản văn Nhắn nhủ các thừa sai.

NHƯ MỘT LỜI KẾT

Hai gương mặt nổi bật trong công việc hình thành bản văn Nhắn nhủ các thừa sai là Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte. Cũng chính các vị đó và những thừa sai tiếp bước các ngài đã biên soạn các bản luật, những bản hướng dẫn cho các chị em Dòng MTG. Vì thế, sự gần gũi về tu đức, linh đạo và tinh thần truyền giáo của những bản văn này là điều rất dễ hiểu. Xét như là những bản văn nguồn đã tạo nên sức sống của Hội Thánh tại miền Viễn Đông nói chung, của Dòng MTG nói riêng, những bản văn này cần được tiếp tục nghiên cứu, đối chiếu, đào sâu hơn nữa để sự khôn ngoan cũng như đặc sủng của những vị kiến lập Hội Thánh của chúng ta vẫn tiếp tục trổ sinh hoa trái hiện tại, đồng thời mở ra những chân trời mới cho đời sống và sứ vụ của chúng ta.

Cần biết rằng, trước khi chính thức thiết lập Dòng chị em mến câu rút, vào cuối năm 1669, khi vừa đến Đàng Ngoài, Đức cha Lambert de la Motte đã để tâm đến một số thiếu nữ và góa phụ sống chung với nhau và khấn giữ đức khiết tịnh. Bản tường tình về công việc của các vị Giám mục người Pháp vào thời điểm này đã ghi nhận về nhóm này rằng “lòng trung thành và gương sáng hầu như không thua kém gì các nữ tu của chúng ta tại châu Âu[63]. Có lẽ chính những thành viên của nhóm này sẽ trở thành những nữ tu đầu tiên của Dòng chị em mến câu rút, tuyên khấn vào Thứ Tư Lễ Tro năm 1670[64]. Vài năm sau đó, bản tường trình cho biết ngay tại kinh thành, nhóm những góa phụ và thiếu nữ sống theo qui luật của Đức cha Lambert đã đông tới mức họ buộc phải phân chia thành hai nhà để tránh bị phát hiện. Nếp sống gương mẫu của họ hấp dẫn tới mức bà Line, sống tại một ngôi làng gần kinh thành, ở tuổi gần 50, đã xin bản qui luật đó và qui tụ năm sáu thiếu nữ nhằm sống theo bản qui luật này[65].

Hơn 150 năm sau, trong một bức thư về lòng sùng mộ của các Kitô hữu ở địa phận Tây Đàng Ngoài vào năm 1833, cha Jeantet Khiêm đã nhận xét về các nữ tu MTG: “Tôi sẽ bỏ qua không nói về các nhà dòng của các nữ tu của chúng tôi, vốn hầu hết có thể sánh với các nhà dòng chuẩn mực nhất ở Pháp, về việc nguyện ngắm, hãm mình, vâng phục, chay tịnh và lòng kiên nhẫn. Đức cha đáng kính de Castorie[66] từng nói rằng đây là phần tuyệt hảo trong đoàn chiên: các nữ tu thực sự là gương mẫu về mọi mặt[67]. Vì cha Jeantet Khiêm không trình bày dài dòng như khi nói tới các linh mục và những người trong Nhà Đức Chúa Trời, chúng ta có được những dòng rất cô đọng về các nữ tu MTG, nhờ đó, chúng ta có thể suy đoán rằng các nữ tu MTG đã sống tốt đẹp, làm gương sáng vào những thời điểm Giáo Hội Việt Nam trải qua những cơn bách hại dữ dội nhất. Rất nhiều thư từ của các thừa sai người Pháp làm việc tại Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này cũng khẳng định điều đó. Đời sống cầu nguyện, khổ chế, liên kết mọi hi sinh hằng ngày với mầu nhiệm thánh giá Chúa Kitô nhắm đến ơn nhận biết Chúa của những người ngoại đạo đã làm nên vẻ đẹp riêng biệt của Dòng MTG. Vẻ đẹp ấy tiếp tục còn tỏa sáng hay chỉ còn là hồi quang dĩ vãng?

Xin được trích lại ở đây một phần diễn từ của Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio vào ngày 9-3 trong Mật Nghị bầu Giáo Hoàng năm 2013:

Khi Giáo hội không đi ra khỏi chính mình để loan báo Tin Mừng, Giáo hội trở nên tự quy chiếu và trở nên bệnh hoạn - hãy nghĩ đến người phụ nữ còng lưng trong Phúc âm (x. Lc 13,10-17). Những sự dữ ảnh hưởng đến các cơ chế Giáo hội xưa nay đều có nguồn gốc từ việc tự quy chiếu, từ một chứng ái kỷ theo nghĩa thần học. Trong sách Khải huyền, Chúa Giêsu nói rằng Người đang ở ngoài cửa và gõ. Nhưng đôi khi tôi nghĩ Chúa Giêsu đang gõ cửa từ bên trong để chúng ta cho phép Người ra ngoài. Giáo hội tự quy chiếu giữ Chúa Giêsu Kitô bên trong mình và không buông cho Người ra ngoài.

Khi Giáo hội tự quy chiếu, Giáo hội vô tình tin rằng mình có ánh sáng của riêng mình; Giáo hội không còn là mysterium lunae (mầu nhiệm mặt trăng), và làm phát sinh sự dữ rất nghiêm trọng là tính thế tục thiêng liêng - [theo Đức Hồng Y Henri] de Lubac, đó là sự dữ tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội, sống để chỉ tôn vinh lẫn nhau. Nói một cách đơn giản, có hai hình ảnh về Giáo hội: Giáo hội loan báo Tin Mừng đi ra khỏi chính mình, tức là Giáo hội của Dei verbum religiose audiens et fidente proclamans [Cung kính lắng nghe và trung thành công bố lời Chúa], hoặc Giáo hội phàm tục sống trong chính mình, của chính mình, cho chính mình[68].

Khi đọc lại bản văn Monita ad missionarios cũng như một số qui luật cổ xưa của Dòng MTG, rồi đối chiếu với những lời nhận định của Đức Hồng Y Bergoglio với đời sống hiện tại của Hội Thánh tại Việt Nam nói chung và của Dòng MTG nói riêng, chúng ta phải tự đặt ra một số câu hỏi: Phải chăng việc dồn tất cả sức lực vào những buổi cử hành thật long trọng, vào việc xây cất những cơ sở thật nguy nga, vào những cơ chế được tổ chức hết sức chặt chẽ … mà lơ là việc ra đi loan báo Tin Mừng chính là những dạng thức của chứng ái kỉ thần học, của tính thế tục thiêng liêng mà Đức Hồng Y Bergoglio từng nói tới? Chúng ta đã thật sự trở về nguồn để kín múc từ đó niềm hứng khởi ban đầu, “niềm vui dịu dàng và đầy an ủi được loan báo Tin Mừng[69] vốn luôn làm nên sức sống đích thực của Hội Thánh? Hay việc trở về nguồn chỉ đơn thuần là một chiếc áo lòe loẹt khoác lên cơ chế đã quá cồng kềnh và hào nhoáng của chúng ta?

Xin được nhường câu trả lời cho các chị.

_______

[1] A. Launay, Histoire de la mission du Tonkin. Documents Historiques. I. 1658-1717. Paris 1927, 102.

[2] Khi được soạn thảo, bản văn có tên Intructiones ad munera apostolica obeunda, perutiles missionibus Chinae, Tunchini, Cochinchinae, atque Siami accomodatae a missionariis S. Congregationis de Propaganda Fide, Juthiae Regia Siam congregatis. Năm 1893, Hội Thừa sai Paris cho in bản văn với tên gọi Monita ad Missionarios S. Congregationis de Propaganda Fide, từ đó bản văn này thường được gọi ngắn gọn bằng tên gọi Monita ad Missionarios (Nhắn nhủ các thừa sai).

[3] Phần bối cảnh chúng tôi lấy lại hầu hết nội dung từ bài thuyết trình “Monita ad missionarios và đời sống linh mục hôm nay” cho linh mục đoàn Tổng giáo phận Hà Nội vào tháng 5-2023.

[4] X. Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam. Tập 1. Hà Nội 2008199-200.

[5] X. Pallu, F., Relation abrégée des Missions et des voyages des Evesques françois, envoyez aux Royaumes de la Chine, Cochinchine, Tonkin, & Siam, (Paris 1668), 9-13.

[6] X. De Bourges, J., Relation du voyage de Monseigneur l’eveque de Beryte, vicaire apostolique du Royaume de la Cochinchine, par la Turquie, la Perse, les Indes, & c. jusqu’au Royaume de Siam, & autres lieux, (Paris 16782), 26-139.

[7] Baudiment, L., François Pallu (1626-1684). Đấng sáng lập chính Hội Thừa sai hải ngoại Paris, (Hà Nội 2022), 147 nói tới “năm người trong số các nhà truyền giáo” qua đời trong hành trình này. Tuy nhiên, chính Đức cha Pallu thuật lại trong bức thư số 20, tháng 2-1667, cuốn Launay, A. (éd.), Lettres de Monseigneur Pallu. Écrites de 1654 à 1684, (Paris 2008), 74 cho biết có bốn thừa sai chấm dứt hành trình trước khi đạt tới đích.

[8] X. Baudiment, L., sđd, 230-231.

[9] X. François Pallu, sđd, 45.

[10] Baudiment, L., sđd, 235.

[11] Theo thông tin trong bức thư gửi cho cha François Deydier, đề ngày 28-12-1670, trong cuốn Launay, A. (éd.), Lettres de Monseigneur Pallu, 139, khi được trình lên Tòa Thánh đã yêu cầu Đức cha Pallu đã lược bỏ nhiều phần trong bản văn. Bản văn với những lược bỏ đã được xem xét, điều chỉnh và được Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin ấn hành.

[12] Virtus religionis, nhân đức tôn giáo, là một trong những nhân đức luân lí quan trọng, theo đó, thông qua những hành vi thờ phượng, con người tôn thờ và phụng sự Thiên Chúa đúng như Ngài đáng được tôn thờ và phụng sự.

[13] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, Monita ad missionarios, nhắn nhủ các thừa sai (bản dịch của giáo phận Kontum - chúng tôi trích dẫn theo bản in của Tổng giáo phận Hà Nội 2023), 30. Chúng tôi dịch lại một số chỗ của bản văn, dựa theo bản tiếng Pháp Monita ad missionarios, (Paris 2000), https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-monita-ad-missionarios-nhan-nhu-cac-thua-sai-cua-cong-dong-yuthia-1664-42174

[14] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 32-33.

[15] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 34.

[16] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 37.

[17] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 37.

[18] X. A. Launay, sđd, 103-104.

[19] X. A. Launay, sđd, 103-104.

[20] Chúng tôi trích theo bản dịch của linh mục Giuse Đào Quang Toản, trang điện tử http://daoquangtoan.free.fr/livresPJD/haibanluatxua.pdf, truy cập ngày 23-4-2024.

[21] Theo linh mục Giuse Đào Quang Toản, Carolus Cao có thể là thừa sai Charles-François Langlois, làm việc tại địa phận Tây Đàng Ngoài từ năm 1792 đến 1805.

[22] X. Phạm Xuân Hy, Phép dòng chị em mến câu rút Đức Chúa Giê Su, (Paris 2009), V-VIII. Xem thêm thông tin về một bản Nôm khác cũng được ấn hành năm 1869 tại trang điện tử http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=697&Catid=518.

[23] Từ đây xin dùng cách gọi Phép dòng để chỉ bản Nôm này.

[24] X. Giuse Đào Quang Toản, trang điện tử đã dẫn trên đây.

[25] Phạm Xuân Hy, sđd, 35. Chúng tôi có chọn cách đọc khác đối với một số chữ Nôm và đặt lại một số dấu chấm, phết.

[26] Phạm Xuân Hy, sđd, 33-34.

[27] Thư chung địa phận Thanh. II. (Hongkong 1920), 445.

[28] Phạm Xuân Hy, sđd, 31-32.

[29] Thư chung địa phận Thanh. II, 437-438.

[30] Phạm Xuân Hy, sđd, 26-27.

[31] Phạm Xuân Hy, sđd, 27-29.

[32] Phạm Xuân Hy, sđd, 56-57.

[33] Phạm Xuân Hy, sđd, 35-36.

[34] Phạm Xuân Hy, sđd, 23.

[35] Đức cha Jacques Longer Gia sinh tại Havre ngày 31-5-1752, chịu chức linh mục ngày 23-9-1775, đến Bắc Đàng Trong năm 1777, được đặt làm Giám mục hiệu tòa Gortyne cai quản địa phận Tây Đàng Ngoài ngày 3-4-1787, tấn phong Giám mục tại Đàng Trong ngày 30-9-1792, tới Đàng Ngoài tháng 3-1793. Ngài qua đời tại Kẻ Vĩnh ngày 8-2-1831.

[36] Sách thuật lại các thư chung địa phận Tây Đàng Ngoài, (Kẻ Sở 1908), 272-273.

[37] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 30.

[38] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 30.

[39] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 38-39.

[40] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 39-40.

[41] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 42.

[42] Thư chung địa phận Thanh. II, 436.

[43] A. Launay, sđd, 103-104.

[44] Phạm Xuân Hy, sđd, 7-8.

[45] Phạm Xuân Hy, sđd, 10.

[46] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 43.

[47] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 44.

[48] X. Baudiment, L., sđd, 238.

[49] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 69-70.

[50] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 71.

[51] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 31.

[52] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 73.

[53] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 74.

[54] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 76.

[55] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 76.

[56] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 77.

[57] F. Pallu - P. Lambert de la Motte, sđd, 78.

[58] A. Launay, sđd, 102-103.

[59] X. Phạm Xuân Hy, sđd, 7-9.

[60] Thư chung địa phận Thanh. II, 441.

[61] Phạm Xuân Hy, sđd, 9.

[62] Thư chung địa phận Thanh. II, 443-444.

[63] M.E.P., Relation des missions des evesques françois aux Royaumes de Siam, de la Cochinchine, de Camboye, & du Tonkin, & c., (Paris 1674), 292.

[64] X. sđd, 302.

[65] M.E.P., Relation des missions, 356-357.

[66] Castorie là hiệu tòa của Đức cha Havard Du, Đại diện Tông tòa Tây Đàng Ngoài từ 1831 đến 1838.

[67] Annales de la Propagation de la Foi. VII, N° 39 (1835), 476.

[68] Đức Phanxicô với Fabio Marchese Ragona, Cuộc đời. Câu chuyện của tôi trong lịch sử (bản dịch của linh mục Giuse Lê Công Đức), (Đồng Nai 2024), 241-242.

[69] Evangelii Nunciandi, số 80.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top