Bài học quý giá từ vị thánh có khát vọng lớn lao nhất

Bài học quý giá từ vị thánh có khát vọng lớn lao nhất

Bài học quý giá từ vị thánh có khát vọng lớn lao nhất

TGPSG /OSV --- Người ta kể rằng, sau khi thánh nữ Têrêsa qua đời vì bệnh lao năm 1897, một vài nữ tu cùng dòng đã băn khoăn không biết sẽ viết gì trong cáo phó của chị. Bởi lẽ, chị mới chỉ 24 tuổi và suốt đời sống ngắn ngủi ấy, chị dường như không làm được điều gì nổi bật. Chị gia nhập dòng Kín Cát Minh lúc 14 tuổi, sau một thời thơ ấu không có gì đặc biệt, và trong đời sống đan tu, chị cũng chẳng có việc gì đáng chú ý. Người ta có thể viết gì về chị đây?

Hơn 125 năm sau, vô số sách báo và bài viết đã được dành cho người nữ tu khiêm hạ ấy. Chị được tôn phong hiển thánh chỉ 28 năm sau khi qua đời và được tuyên phong là Tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1997 - là một trong bốn phụ nữ duy nhất mang tước hiệu này.

Tất nhiên, chị đâu có khao khát những điều ấy, phải không? Chị là một người khiêm nhường, mà khiêm nhường thì đâu thể đi đôi với tham vọng… đúng chứ?

Thật ra, nếu đọc các tác phẩm của chị, bạn sẽ nhận ra thánh nữ Têrêsa là người có một khát vọng mãnh liệt. Điều khác biệt giữa chị và nền văn hóa “thành công bằng mọi giá” hay hình tượng “nữ quyền lãnh đạo” là ở chỗ: khát vọng ấy của chị luôn hòa hợp với thánh ý Thiên Chúa và bén rễ sâu trong đức khiêm nhường. Thực vậy, chị chỉ có một khát vọng duy nhất - và đó là khát vọng cao cả, thánh thiện, có lẽ là táo bạo nhất: trở nên một vị thánh.

Ý nghĩa đích thực của đời sống

Khi tuyên phong chị là Tiến sĩ Hội Thánh, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Têrêsa Hài Đồng Giêsu không chỉ nắm bắt và diễn tả được chân lý sâu xa rằng Tình Yêu chính là trung tâm và trái tim của Hội Thánh, mà trong đời sống ngắn ngủi của mình, chị đã sống chân lý ấy cách mãnh liệt. Chính sự hội tụ giữa giáo lý và kinh nghiệm cụ thể, giữa chân lý và đời sống, giữa việc giảng dạy và thực hành này đã tỏa sáng rực rỡ nơi vị thánh này, và khiến chị trở nên một mẫu gương cuốn hút, đặc biệt đối với người trẻ và những ai đang đi tìm ý nghĩa đích thực của đời mình.”

Têrêsa biết rằng “ý nghĩa đích thực” của đời sống là trở nên một vị thánh, và chị không hề nghi ngờ rằng mình có thể đạt tới khát vọng ấy - bởi lẽ chị hiểu rõ rằng mình không thể tự sức mình thực hiện điều đó, và cũng không cần phải làm như thế.

“Thiên Chúa không thể gợi lên trong tâm hồn những ước muốn không thể thực hiện được,” chị viết trong tự thuật Một tâm hồn. “Vậy nên, dù bé mọn, tôi vẫn có thể ước ao nên thánh. … Tôi đã muốn tìm một chiếc thang máy đưa tôi lên cùng với Chúa Giêsu, bởi tôi quá nhỏ bé để leo lên những bậc thang gồ ghề của sự trọn lành.” Và chiếc thang máy ấy chính là Chúa Giêsu.

Ý chí không nao núng

Thánh nữ Têrêsa có thể đã sống một cuộc đời “tầm thường” theo tiêu chuẩn trần thế, nhưng chị hoàn toàn không sợ hãi khi mạnh dạn xin những gì mình xác tín là tiếng gọi của Thiên Chúa. Khi mới 14 tuổi, chị đã xin gia nhập dòng Kín Cát Minh, nơi hai người chị ruột của mình đã khấn dòng. Vị linh mục có trách nhiệm lúc ấy nói rằng chị phải đợi đến 21 tuổi mới được phép vào dòng.

Nhưng Têrêsa cảm nghiệm sâu xa rằng chính Thiên Chúa đang mời gọi chị bước vào đời sống Kín, dù tuổi còn rất nhỏ. Vì thế, chị đã không ngần ngại đến gặp cả Đức Giám mục và cuối cùng là Đức Giáo hoàng Lêô XIII để xin phép. Trong buổi yết kiến, các khách hành hương đều được dặn rằng không được phép nói chuyện với Đức Thánh Cha. Thế nhưng, dù cảm thấy “niềm can đảm đang suy yếu,” chị vẫn hôn chân ngài và nói: “Thưa Đức Thánh Cha, con muốn xin một ân huệ!”

Đức Giáo hoàng trả lời: “Con sẽ được vào dòng nếu đó là thánh ý Thiên Chúa.” Sau đó, các cận vệ đã phải dìu Têrêsa ra ngoài.

Têrêsa không phải là một cô bé vị thành niên bướng bỉnh, đòi hỏi theo ý riêng. Chị đã phân định và nhận ra tiếng gọi từ Thiên Chúa, và rồi can đảm làm mọi sự cần thiết để đáp lại lời mời gọi ấy. Chị không chọn đời sống Kín như một “lựa chọn nghề nghiệp dễ thương”, nhưng vì chị xác tín rằng đó là con đường nên thánh của mình.

Khát vọng sau khi qua đời

Cuối đời, Têrêsa nói rằng khi lên thiên đàng, chị không muốn nghỉ ngơi. Chính tại đó, chị sẽ thực hiện khát vọng lớn nhất của mình với tư cách một vị thánh: “Sứ mạng của con sắp bắt đầu,” chị nói với người chị ruột là Mẹ Agnès, “sứ mạng làm cho Thiên Chúa được yêu mến như con đã yêu mến Ngài, và truyền đạt ‘con đường thơ ấu thiêng liêng’ cho các linh hồn.” Những ai đã từng nhận được một “bông hồng” từ Têrêsa đều có thể làm chứng: chị đã giữ lời hứa ấy. Số lượng các phép lạ - lớn và nhỏ - nhờ lời chuyển cầu của chị thật đáng kinh ngạc. Năm ngoái, chúng ta đã mừng 150 năm ngày sinh của chị, và năm 2025 tới đây sẽ là kỷ niệm 100 năm ngày chị được tôn phong hiển thánh. Và chị vẫn đang tiếp tục thực hiện khát vọng chia sẻ tình yêu của Chúa Giêsu với những người cần đến nhất.

Có rất nhiều bài học từ cuộc đời thánh nữ Têrêsa mà ta có thể chiêm ngắm. Một điều dễ bị bỏ qua, đó là: có những khát vọng sâu xa - kể cả trong sự nghiệp - không phải là điều xấu. Tuy nhiên, sự nghiệp - và cả cuộc đời chúng ta - cần phải là một hành trình phân định liên lỉ, để hết sức mình bảo đảm rằng những khát vọng ấy luôn được đặt trong thánh ý Thiên Chúa. Và khát vọng tối hậu của ta luôn phải là: “nhận biết và yêu mến Thiên Chúa” (Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo) và được kết hợp với Ngài trên thiên quốc.

 

Tác giả: Taryn DeLong - Tổng biên tập Catholic Woman in Business

Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ OSV

 

Top