Mộ Thánh Phêrô: Khi khoa học xác nhận Truyền thống

Mộ Thánh Phêrô: Khi khoa học xác nhận Truyền thống

Mộ Thánh Phêrô: Khi khoa học xác nhận Truyền thống

ALETEIA Một câu chuyện có thật về những ngôi mộ bị đánh mất, những dòng chữ bằng cổ ngữ và xương người, như trong phim Indiana Jones.

Truyền thống truyền khẩu luôn dạy rằng Hoàng đế Constantine đã xây dựng Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô đầu tiên trên cùng địa điểm với ngôi mộ của vị giáo hoàng đầu tiên. Cho đến thế kỷ 20, chưa có nỗ lực nào được thực hiện để xác nhận hay bác bỏ niềm tin này. Những người có đức tin dựa vào bản năng lời dạy được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng vào năm 1939, một sự kiện tình cờ đã kích hoạt các cuộc khai quật khảo cổ và lôi kéo những người theo Kitô giáo cũng như các nhà khoa học vào một câu chuyện Indiana Jones có thật.

Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ngày nay có một tầng thấp hơn được gọi là “Hầm mộ Vatican”, nơi chôn cất nhiều giáo hoàng. Vị trí nền của những hầm mộ này tương ứng với vị trí của vương cung thánh đường đầu tiên, được xây dựng bởi Hoàng đế Constantine vào thế kỷ thứ 4.

Sự khám phá ban đầu

Khi qua đời vào năm 1939, Đức Piô XI bày tỏ mong muốn được chôn cất trong những hầm mộ này cùng với Đức Piô X. Bất chấp tình trạng quá đông đúc của hầm mộ, tân Giáo hoàng Piô XII vẫn mong muốn tôn trọng những nguyện vọng cuối cùng của vị tiền nhiệm. Vì vậy, ngài quyết định hạ thấp mặt sàn của hầm mộ để mở rộng không gian dành riêng cho khu lăng mộ trong tương lai. Trong khi thực hiện công việc, các công nhân phát hiện một khoảng trống dưới mặt sàn, nơi có thể nhìn thấy tàn tích của một tòa nhà tang lễ. Do đó, tầng thứ ba xuất hiện, tầng của một nghĩa trang La Mã rộng lớn.


Sơ đồ khu nghĩa trang dưới Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô

Đức Piô XII luôn quan tâm đến khảo cổ học Kitô giáo, đúng ra ngài thấy đó là một cách tuyệt vời để làm sống động các tác phẩm của thời kỳ tiền Kitô giáo. Do đó, ngài đã ra lệnh tiếp tục nghiên cứu và tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ học với sự hợp tác của các chuyên gia, nhà khảo cổ học và nhà chú giải giỏi nhất.

Tổng cộng, hai dự án khai quật (1940-1947 và 1953-1957) đã giúp người ta có thể khám phá, dưới vương cung thánh đường, một trong những nghĩa trang La Mã giàu có nhất và được bảo tồn tốt nhất, có niên đại từ thế kỷ 1 và 2 sau Công Nguyên. Các nhà khảo cổ đã phát hiện 22 ngôi mộ lớn cũng như hàng trăm ngôi mộ nhỏ hơn ở hai bên một con hẻm chật hẹp.


Con hẻm chật hẹp ở giữa những ngôi mộ

Nhưng khám phá ngoạn mục nhất, khám phá đã thu hút sự chú ý của lịch sử và lòng tôn sùng tôn giáo, tất nhiên là khám phá ra ngôi mộ của Thánh Phêrô. Trên thực tế, các nhà khảo cổ đã khai quật, ngay bên dưới bàn thờ chính của Bernini, phần còn lại của một tượng đài tang lễ nhỏ được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ 2 và rất có thể đó là ngôi mộ của vị giáo hoàng đầu tiên.

Chôn cất các vị tử đạo ở gần nơi họ qua đời

Ngay từ cuối thế kỷ thứ 1, các nguồn tài liệu Kitô giáo đã đề cập đến cuộc tử đạo của Phêrô ở Rôma: Việc bắt giữ và xử tử ông diễn ra dưới thời Nero, sau trận hỏa hoạn tàn phá thành phố vào năm 64. Công vụ Phêrô, một văn bản ngụy thư, kể lại vụ đóng đinh vị tông đồ (đầu cúi xuống) trong rạp xiếc Caligula vừa được Nero khôi phục.

Rạp xiếc này nằm ở ngoại ô Rôma, dưới chân đồi Vatican, trên đó có một nghĩa trang rộng lớn trải dài, nơi những ngôi mộ của người ngoại giáo và Kitô giáo sát cạnh nhau. Không còn nghi ngờ gì nữa, cộng đoàn Kitô giáo ở Rôma đã đến nhận thi thể của Phêrô và chôn cất ngài một cách đàng hoàng, theo luật La Mã sau khi hành quyết.

Vào thời đó, những Kitô hữu thường chôn cất các vị tử đạo ở gần nơi họ qua đời, chắc chắn là để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu truyền ký ức về những nơi này. Mặt khác, họ vẫn tuân theo luật Do Thái, quy định người quá cố phải được chôn cất càng sớm càng tốt. Vì vậy, Phêrô chắc chắn, giống như Chúa Kitô, được chôn cất tại nghĩa trang gần nơi hành quyết nhất, ở một nơi thuộc về một Kitô hữu.

Những lời chứng đầu tiên

Lần đầu tiên đề cập đến ngôi mộ của Thánh Phêrô trên đồi Vatican là vào khoảng năm 200. Nó được tìm thấy trong một lá thư do linh mục Gaius gửi cho một Proclus nào đó. Ông giải thích rằng các tông đồ Phêrô và Phaolô được chôn cất ở Rôma, Phêrô thỉ ở Vatican, Phaolô trên đường đến Ostia: “Rõ ràng là tôi có thể cho ngài xem những chiến tích của các tông đồ. Nếu ông muốn đến Vatican hoặc trên đường tới Ostia, ông sẽ tìm thấy chiến tích của những người đã thành lập Giáo hội La Mã.” Trong văn bản này, từ “chiến tích” chỉ tượng đài được xây dựng trên ngôi mộ, một tượng đài tượng trưng cho phần thưởng của người tử đạo, sự chiến thắng của sự sống vĩnh cửu trước cái chết.

Như Christophe Dickès giải thích trong cuốn tiểu sử xuất sắc của ông về Thánh Phêrô, văn bản của Gaius và tượng đài được phát hiện dưới vương cung thánh đường đã xác nhận lẫn nhau và tăng thêm độ tin cậy cho truyền thống của Giáo hội, kết quả của một truyền thống truyền khẩu và chữ viết rất lâu đời từ xa xưa từ thế kỷ thứ nhất.

Những xương cổ đại

Nhưng câu chuyện không kết thúc ở đó. Một ngày nọ vào năm 1941, Đức ông Ludwig Kaas, một trong những người chịu trách nhiệm khai quật, đang đi tham quan thường nhật cùng với người lãnh đạo công nhân. Vì lòng kính trọng đối với người đã khuất, Đức ông Kaas đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo rằng vô số xương người được khai quật sẽ được thu thập và bảo quản một cách nghiêm túc.

Vì vậy, mỗi mẻ xương đều được ghi chép cẩn thận và ghi vào từng hộp riêng. Trong khi kiểm tra công việc trong ngày, hai người đàn ông đã phát hiện ra xương người trong một loại khoang bí mật, hay còn gọi là loculus, được khai quật trên một trong những bức tường của tượng đài tang lễ nhỏ nổi tiếng hiện nay, nơi được gọi là “chiến tích của Gaius”.

Khoang này rất ấn tượng vì nó được lót bằng các tấm đá cẩm thạch. Đức ông Kaas cẩn thận thu thập một trăm xương người và đặt chúng vào một chiếc hộp được đánh số, sau đó được đặt cùng với những chiếc hộp khác trong nhà kho. Sau đó nó đã bị lãng quên trong vài năm.

Hoàn toàn bất ngờ

Trong giai đoạn khai quật thứ hai, một nhà nghiên cứu văn khắc đã lấy chiếc hộp ra và gửi xương đến phòng thí nghiệm. Phân tích cho thấy rằng chúng thuộc về một người đàn ông, có thể chất khỏe mạnh mặc dù bị viêm khớp, ở độ tuổi từ 60 đến 70 vào thời điểm ông qua đời. Mô tả này rất có thể phù hợp với Phêrô.

Cùng với những phân tích này, nhà nghiên cứu văn khắc để ý rằng trên tường của loculus có một dòng chữ bằng tiếng Hy Lạp – Petro Eni – có thể được dịch là “Phêrô ở đây” hoặc “Phêrô yên nghỉ”. Những khám phá này vang dội như sấm sét trong thế giới khoa học và thế giới Kitô giáo: Các nhà khảo cổ tin rằng họ đã tìm thấy không chỉ ngôi mộ của Thánh Phêrô mà còn cả hài cốt thánh thiện của ông.

Vì vậy, những phát hiện khảo cổ, phát hiện kiến trúc và phân tích sinh học đều trùng khớp với lời khai cổ xưa của linh mục Gaius. Nhưng, đơn giản hơn, tất cả công việc và nghiên cứu này đều trùng khớp với Truyền thống của Giáo hội. Trên thực tế, Vương cung Thánh đường Constantine được xây dựng trên và xung quanh ngôi mộ của Phêrô. Người dân thời Phục hưng, vào thời điểm xây dựng lại vương cung thánh đường, hoàn toàn tôn trọng niềm tin phổ quát, mặc dù không có bất kỳ bằng chứng vật chất nào. Và nhiều thế kỷ sau, ngôi mộ đáng kính được tìm thấy ngay bên dưới mái vòm của Michelangelo và bàn thờ của Bernini.


Sơ đồ mô phỏng Vương cung Thánh đường Constantine được xây dựng trên mộ Thánh Phêrô

Thánh tích của vị thánh tông đồ và vị giáo hoàng đầu tiên được trưng bày để các tín hữu tôn kính lần đầu tiên vào cuối năm 2013, năm Đức Tin. Sáu năm sau vào năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô, trong một cử chỉ hiệp nhất sâu sắc, đã trao một phần thánh tích của Thánh Phêrô cho Thượng Phụ Bartholomew. Hiện những thánh tích này được tôn kính ở Rôma và Constantinople tạo thành một mối liên kết lịch sử bền chặt giữa người Công Giáo và Chính Thống Giáo.

Các chuyến thăm đặc biệt tới nghĩa trang bên dưới Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, nơi đặt ngôi mộ của Thánh Phêrô, chỉ có thể thực hiện được sau khi có sự cho phép đặc biệt đôi khi được cấp bởi “Fabbrica di San Pietro”. Các chuyến thăm được tổ chức theo lịch trình do Văn phòng Khai quật quy định.

 

_____________
Tâm Bùi (TGPSG) chuyển ngữ
từ trang aleteia.org

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top