Suy nghĩ về Thánh Tôma - “Kẻ hoài nghi”

Suy nghĩ về Thánh Tôma - “Kẻ hoài nghi”

Suy nghĩ về Thánh Tôma - “Kẻ hoài nghi”

TGPSG/CatholicExchange -- Tôma nói với họ: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không đặt ngón tay vào những dấu đinh ấy, và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi sẽ không tin.” (Ga 20,25)

Trong tất cả những lời Tôma từng nói trong suốt cuộc đời mình, hẳn đây là những lời mà ngài hối tiếc nhất. Lý do dễ hiểu nhất cho sự hối tiếc ấy là nỗi buồn vì sự thiếu niềm tin của chính mình. Nhưng còn một lý do khác nữa - nếu không nhờ đức khiêm nhường sâu xa của ngài - có lẽ Tôma đã vô cùng hối tiếc vì lời tuyên bố thiếu niềm tin ấy:

Kể từ ngày đó, Tôma đã mãi mãi mang danh “Kẻ Hoài Nghi.”

Các môn đệ nói: “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?” Đức Giê-su trả lời: “Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời.Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình!”Nói những lời này xong, Người bảo họ: “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây.”Các môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khỏe lại.”Đức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. Bấy giờ, Người mới nói rõ: “La-da-rô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy.” Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!”

Tôma là người môn đệ duy nhất trong Nhóm Mười Hai sẵn sàng đi theo Đức Giêsu đến bất cứ nơi nào Người dẫn đến, khi bạn của Người là Ladarô qua đời - dù Tôma tin rằng Đức Giêsu đang dẫn tất cả họ đến chỗ chắc chắn phải chết.

Đó là lòng xác tín của Tôma rằng Đức Giêsu có “những lời ban sự sống đời đời” và niềm tin vững chắc của ngài rằng Đức Giêsu chính là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69).

Thế nhưng, Tôma không được nhớ đến với danh xưng “Tôma trung tín,” “Tôma tin tưởng,” hay thậm chí là “Tôma can đảm.” Chỉ vì một khoảnh khắc yếu đuối được ghi lại trong Kinh Thánh, Tôma lại mãi mãi được nhắc đến với danh xưng “Tôma Kẻ hoài nghi.”

Tất cả chúng ta đều từng rơi vào hoàn cảnh như vậy, phải không?

Nhiều năm trước, tôi từng có một người bạn thân mà tôi tin tưởng tâm sự; sau này tôi phát hiện cô ấy đã chia sẻ những điều tôi thổ lộ với người khác… và cuối cùng điều đó đã gây ra rắc rối cho tôi.

Tôi đã tức giận và thất vọng vì cảm thấy bị phản bội, và dù tôi đã tha thứ cho cô ấy, tôi biết mình sẽ không bao giờ có thể tin tưởng để chia sẻ những điều riêng tư với cô ấy nữa.

Không có ác ý nào ở đây; nhìn lại, tôi có thể hiểu rằng cô ấy nghĩ mình đã làm điều đúng đắn. Dẫu vậy, chỉ vì một lần tôi cho là cô ấy đã “phản bội” tình bạn của chúng tôi, tôi không thể xóa bỏ ấn tượng trong tâm trí mình rằng cô ấy là “Người bạn hay mách lẻo.”

Dĩ nhiên, khi nói về chính mình, chúng ta luôn mong mỏi người khác có thể quên đi những khoảnh khắc yếu đuối mà chúng ta hối tiếc.

Có lần, một người quen trong giáo xứ gọi cho tôi nhờ giúp đỡ, và tôi đã vội vàng đưa ra một giả định về lý do cô ấy cần tôi - một giả định hoàn toàn không công bằng.

Tôi đã phán đoán về cô ấy dựa trên chính những lý do mà tôi - nếu ở vào hoàn cảnh đó - có thể sẽ viện đến để xin giúp đỡ!  Tôi đã gán cho cô ấy những động cơ không mấy tốt đẹp của chính bản thân mình.

Chỉ ngay sau khi lời nói vừa thốt ra, tôi nhận ra chúng thật vô lý và có thể gây tổn thương. Tôi đã cố gắng rút lại lời ấy, nhưng điều đó không thể thay đổi được nữa. May mắn thay, trong trường hợp của tôi, người phụ nữ ấy chỉ mỉm cười và vẫn giữ thái độ nhã nhặn, và tôi đã cầu nguyện rằng cô ấy sẽ bỏ qua phản ứng thái quá của tôi trước một câu hỏi vô hại.

Nhưng sự thật là, tôi sẽ không bao giờ biết được, liệu sau ngần ấy năm, chỉ vì một lần tôi phán đoán sai, tôi đã trở thành trong mắt cô ấy kể từ ngày hôm đó là “Giáo dân thiếu suy xét” hay không.

Điều đặc biệt nơi “Tôma kẻ hoài nghi” của chúng ta là, dù ngài được cả thế giới biết đến qua khoảnh khắc yếu đuối nhất của mình, thì trong đời sống thiêng liêng, điều đó không phải là một điều tồi tệ.

Trong cuộc sống trần thế, những sai lầm của chúng ta có thể gây rắc rối cho người khác, thậm chí tạo ra những rạn nứt trong các mối quan hệ, chưa kể đến cảm giác xấu hổ và tự trách mình.

Nhưng trong đời sống thiêng liêng, chính những sai lầm đó lại khiến chúng ta trở nên gần gũi với những người cũng đang mang trong mình sự mỏng giòn của thân phận con người, những người có thể nhìn thấy chính họ qua những lỗi lầm của chúng ta.

Quan trọng hơn cả, chính những lỗi lầm ấy giúp chúng ta trưởng thành.

Đối với tôi, ký ức về cảm giác tồi tệ sau khi đã trả lời người phụ nữ ấy một cách cộc cằn vẫn khiến tôi bối rối và hổ thẹn mỗi khi nhớ lại.

Chính trải nghiệm ấy đủ để tôi quyết tâm sẽ không vội vàng xét đoán động cơ của người khác một cách hấp tấp nữa. Tôi đã thực hiện điều đó một cách hoàn hảo chưa? Hoàn toàn chưa. Nhưng tôi tin chắc rằng chính nỗi đau từ một sai sót nhỏ như vậy đã giúp tôi tránh được sự hối tiếc cay đắng có thể đã xảy ra nếu tôi vấp phải một sai lầm nghiêm trọng hơn. Tôi vẫn đang trong hành trình được Thiên Chúa nhào nặn, để trở nên nơi cư ngụ xứng đáng cho Chúa Thánh Thần. Và điều đó là hoàn toàn bình thường, vì chính đó là ý nghĩa cuộc sống của chúng ta nơi trần thế.

Điều đó cũng không khác gì với các Tông đồ - Tôma, Matthêu, Phêrô, Giacôbê và Gioan - tất cả các ngài đều đã từng mắc những sai lầm đáng tiếc, những sai lầm cũng khiến các ngài phải xấu hổ khi nhớ lại.

Nhưng chính những sai lầm ấy lại khiến các ngài trở nên gần gũi với tất cả chúng ta ngày nay - và nhờ đó, các ngài mang lại cho chúng ta niềm hy vọng. Một niềm hy vọng lớn lao!

Vì nếu Đức Giêsu đã yêu thương các ngài ngay khi các ngài còn yếu đuối, và chính nhờ sự yếu đuối đó mà Người đã biến các ngài thành những vị thánh phi thường, thì chắc chắn Người cũng có thể làm điều ấy nơi chúng ta.

Vì vậy, tôi vui lòng chấp nhận những yếu đuối… vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh. (2 Cr 12,10)

Sau cùng, dù đúng là Tôma được nhớ đến vì sự hoài nghi của mình, ngài cũng được ghi nhớ vì những lời mà chính sự hoài nghi ấy đã dẫn ngài đến để tuyên xưng.

Đó chính là những lời mà chúng ta vẫn tuyên xưng trong mỗi Thánh Lễ, mỗi khi Mình Thánh Chúa được nâng cao trên tay các linh mục để chúng ta chiêm ngắm!

Chính Tôma là người mà chúng ta phải tri ân vì đã thốt lên những lời dập tắt sự hoài nghi của ngài - cũng chính là những lời được truyền lại cho chúng ta để dập tắt sự hoài nghi nơi chính mình:

Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! (Ga 20,28)

Lạy Thánh Tôma Tông Đồ, xin cầu cho chúng con.

Tác giả: M.C. Holbrook

Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ CatholicExchange

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top