Tiểu sử Thánh Matthêu Gẫm và lịch sử hình thành Giáo xứ Thánh Gẫm

Tiểu sử Thánh Matthêu Gẫm và lịch sử hình thành Giáo xứ Thánh Gẫm

Tiểu sử Thánh Matthêu Gẫm

WGPSG -- Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm sinh năm 1813 (đời Vua Gia Long), họ Tắc, làng Long Đại, huyện Dĩ An, tỉnh Biên Hòa. Cha là ông Phaolô Lê Văn Lài, mẹ là Maria Nguyễn Thị Nhiệm, ông bà sinh hạ được 6 người con, Matthêu Gẫm là con đầu lòng.

Mattheu Gẫm thông thuộc sông nước, ông có thuyền riêng, lại sẵn sàng phụ giúp Nhà Chung và các linh mục. Cha Lợi ở Bà Rịa thường nhờ ông đi Singapore và Pê-năng (Malaysia), đưa đón các linh mục thừa sai và các chủng sinh du học. Ông đã đi được mấy chuyến êm xuôi nhưng chuyến cuối cùng bị bắt ở cửa Cần Giờ, quân lính áp tải thuyền ông Gẫm về cảng Bến Nghé. Sau nhiều lần tra khảo, dù bị đánh đòn đau đớn, ông vẫn cương quyết không bước qua Thánh Giá, thà chết không bỏ đạo.

Ngày 11-5-1847, Matthêu Gẫm được đưa ra pháp trường Da Còm (tên gọi 1 cây đa già bị tróc gốc), họ Chợ Đũi, thuộc Giáo xứ Chợ Quán, đầu anh hùng tử đạo đã lìa khỏi cổ, máu đào tuôn đổ làm hạt giống đức tin trổ sinh nhiều tín hữu khác. Thánh nhân được an táng gần pháp trường. Hiện nay ngôi mộ của Thánh nhân ở số 47 Nguyễn Trãi, Quận 1.

Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã phong Ngài lên bậc Chân Phước vào ngày 27-5-1900, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn Ngài lên bậc Hiển Thánh vào 19-6-1988.

Giáo xứ Thánh Gẫm (Gò Công)

Theo niên giám của Giáo phận Sài Gòn, giáo xứ Thánh Gẫm (trước đây gọi là họ đạo Gò Công – Thủ Đức, địa phận Sài Gòn) thành lập vào năm 1848, đứng hàng thứ 3 về thời gian thành lập, sau Chợ Quán và An Nhơn. Xứ Gò Công nằm giữa 2 con rạch Gò Công - Cao Trảo và con sông Tắc, tạo thành một bình nguyên, trên đó giáo xứ Gò Công được hình thành, đa số giáo dân làm nghề nông, riêng gia đình Thánh Gẫm làm thương mại.

Giáo dân dựng ngôi nhà nguyện đầu tiên với mái và tường đều bằng lá (hiện nay chỉ còn nền và ngôi mộ của thân mẫu Thánh Gẫm cùng với mộ phần của dòng tộc).
Vào thập niên 40 thế kỷ 20, chiến tranh ác liệt, giáo dân vượt rạch Gò Công để lập một ngôi nhà nguyện thứ hai mái ngói tường gạch (gần giống như nhà nguyện Đại Chủng viện Thánh Giuse).

Ngày 11-5-1999, Đức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi nhà thờ thứ 3.

Ngày 14-11-2006, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn làm phép và khánh thành ngôi nhà thờ Thánh Gẫm và đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà sinh hoạt mục vụ.

Ngày 10-5-2012, Đức Hồng Y làm phép và khánh thành nhà sinh hoạt mục vụ. Sự kiện này đánh dấu sự phát triển và khởi đầu cho những thành quả tốt đẹp sẽ đạt được trong tương lai của giáo xứ.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top