Thư ngỏ gửi Cộng đoàn Dân Chúa Gia Định trong nước cũng như ở hải ngoại

Thư ngỏ gửi Cộng đoàn Dân Chúa Gia Định trong nước cũng như ở hải ngoại

Thư ngỏ gửi Cộng đoàn Dân Chúa Gia Định trong nước cũng như ở hải ngoại

THƯ NGỎ
GỞI CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA GIA ĐỊNH
TRONG NƯỚC CŨNG NHƯ Ở HẢI NGOẠI

Hành hương về quá khứ

“Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng.” (Tv 88,2a)

Anh chị em rất thân mến, tôi muốn mượn lời thánh vịnh 88 để mời anh chị em cùng với tôi, chúng ta ca tụng tình thương hải hà của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, đã tuôn đổ biết bao hồng ân xuống trên Đại Gia Đình Họ Gia Định chúng ta suốt 155 năm hiện diện tại vùng đất Gia Định (1867–2022). Tên gọi “Họ Cầu Bông – Gia Định” đã gắn liền với cộng đoàn đức tin này từ thuở ban đầu mãi cho tới đầu năm 1934, khi được Toà Giám Mục Sài Gòn đổi thành “Họ Gia Định” cho tới ngày nay. Chúng ta phải biết ơn cha An-tôn Võ Ngọc Triêm, cha sở Thị Nghè vào thời điểm 1867, vì ngài đã có công rất lớn trong việc quy tụ và hình thành cộng đoàn tín hữu tiên khởi của họ Gia Định lúc bấy giờ chỉ có mấy mươi gia đình di dân nghèo khổ nhưng đạo đức, đang sống lây lất dưới ghe thuyền bên bờ rạch Cầu Bông. Chính cha An-tôn Triêm đã mua một ngôi nhà ngói cũ gần “vườn bông” của Đức tả quân Lê Văn Duyệt, và tặng cho cộng đoàn nhỏ bé nói trên làm nhà thờ để có nơi thờ phượng Chúa. Đó là nhà thờ đầu tiên của họ Gia Định. Ngôi nhà thờ thứ hai toạ lạc tại ngã ba Phan Đăng Lưu và Nơ Trang Long bây giờ. Ngôi nhà thờ thứ ba nằm đối diện với chợ Bà Chiểu, trên thửa đất nay là trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu. Còn ngôi nhà thờ chúng ta sử dụng suốt 77 năm qua (1945–2022) là nhà thờ thứ tư của họ Gia Định do cha sở thứ tám, cha Phan-xi-cô Xa-vi-e Trần Công Mưu khởi công xây dựng từ năm 1935 và tạm hoàn thành đầu năm 1945. Sau đó, cha sở Phan-xi-cô Xa-vi-e Mưu trở về Nhà Cha vào ngày 29-01-1945 sau 51 năm làm con Chúa và 22 năm linh mục.

* Trong lịch sử 155 năm hình thành và phát triển của họ đạo, Bản quyền Giáo phận đã bổ nhiệm 13 cha sở đến chăm sóc mục vụ cho cộng đoàn dân Chúa Gia Định, từ cha sở đầu tiên là cha Léon Marie Lambert (Cố Lương, 1897–1899) cho đến cha sở đương nhiệm, cha Giu-se Mai Thanh Tùng (2016 – nay). Trong số 13 vị mục tử, nổi bật nhất là cha sở An-tôn Phùng Quang Mạnh (24-06-1961 – 16-01-2004). Có thể nói họ Gia Định bước vào thời kỳ hoàng kim dưới thời cha sở An-tôn. Khi được Đức Tổng Giám Mục Phao-lô Nguyễn Văn Bình bổ nhiệm làm cha sở Gia Định vào ngày 24-06-1961, và trong suốt 43 năm phục vụ tại Gia Định, ngài đã cống hiến hết sức mình để giúp họ Gia Định phát triển về mọi mặt. Bên cạnh việc tích cực vun đắp ngôi nhà đức tin cho cộng đoàn dân Chúa, cha An-tôn đã nỗ lực xây dựng trường Trung Tiểu học Thánh Mẫu thành một cơ sở giáo dục uy tín, nhằm nâng cao dân trí cho con em các gia đình đang sinh sống tại vùng đất Gia Định, bất kể lương hay giáo. Ngoài ra, ngài đã cho tiến hành sửa chữa nâng cấp ngôi nhà thờ thứ tư đã bắt đầu xuống cấp. Theo như cha Giu-se Nguyễn Thế kể lại, cha sở An-tôn đã cho gọt bớt các cây cột quá to, che khuất tầm nhìn của những người dự lễ ngồi ở phía dưới, mở rộng hai bên cung thánh để ngôi nhà thờ mang hình Thánh Giá, làm lại trần nhà thờ phẳng và cao thay cho mái vòm, khiến nhà thờ trở nên thông thoáng hơn. Vào năm 1988, ngài lại tiếp tục sửa chữa nhà thờ, và lần sửa chữa cuối cùng cách đây đã gần 20 năm, khi phát hiện phía sau nhà thờ có hiện tượng sụt lún trong khu vực Phòng thánh. Công việc sửa chữa hoàn thành chỉ vài ngày trước khi cha sở An-tôn được Chúa gọi về vào sáng sớm ngày 16-01-2004 (25 Tết Quý Mùi).

Dự kiến cho tương lai

Thưa anh chị em, cách đây mấy tháng, sau sự cố rớt một cột thu lôi vào đầu mùa mưa, tôi cho kiểm tra toàn bộ mái ngói của nhà thờ và nhận thấy hầu hết ngói đã bị mục do chất lượng ngói không được tốt và sau một thời gian dài sử dụng, rồi rui mè cũng bị mối mọt ... Vì thế, để bảo đảm an toàn cho anh chị em khi đến nhà thờ dự lễ, tôi đã xin Đức Tổng Giu-se cho phép sửa chữa khẩn cấp nhà thờ Gia Định thân yêu của chúng ta. Đồng thời, tôi cũng trình báo với chính quyền địa phương kế hoạch thay mới toàn bộ mái ngói cùng với rui mè. Đức Tổng Giu-se đã chấp thuận đơn xin và giao cho cha Tổng đại diện I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Trưởng ban Trùng tu nhà thờ Đức Bà, thay mặt Toà Tổng Giám Mục, đồng hành với cộng đoàn Gia Định trong suốt thời gian sửa chữa nhà thờ. Như vậy, Toà Tổng Giám Mục chịu trách nhiệm chính trong việc sửa chữa lần này.

* Cha Tổng đại diện I-nha-xi-ô đã nhờ chuyên gia của Tập đoàn Monument (Bỉ) và công ty Eurohaus – Haustechnik đang thi công trùng tu nhà thờ Đức Bà, phụ trách việc sửa chữa nhà thờ Gia Định của chúng ta. Đây là những chuyên gia cao cấp, giàu kinh nghiệm, những kỹ sư công nhân lành nghề, đã được đào tạo chuyên môn về việc trùng tu nhà thờ cổ. Các chuyên gia đã cho trắc đạc cẩn thận, và kiểm tra khảo sát kỹ lưỡng toàn bộ nhà thờ, thực hiện tính toán kết cấu chịu tải của hệ rui mè trước khi tiến hành sửa chữa. Cha Tổng đại diện cho biết ngài sẽ làm những gì tốt nhất cho nhà thờ Gia Định như đã làm cho nhà thờ Đức Bà, vì Đại Gia Đình Họ Gia Định là nơi ngài đã phục vụ từ những ngày đầu của đời linh mục (23-07-1975), và cho đến nay sau 47 năm linh mục, ngài vẫn còn trở về dâng thánh lễ các buổi chiều trong tuần tại ngôi nhà thờ thân yêu này. Đối với ngài, đây vừa là bổn phận được uỷ thác vừa là vấn đề tình nghĩa ở đời. Với ý hướng đó, chúng tôi đã cho nhập ngói Marseille của hãng Monier (Pháp) để lợp cho toàn bộ mái của nhà thờ. Có thể nói một số vật tư chính đều nhập từ châu Âu và sửa chữa nhà thờ theo kỹ thuật trùng tu của châu Âu.

* Thưa anh chị em, nhà thờ Gia Định là “ngôi nhà chung” của tất cả chúng ta mà tổ tiên ông bà chúng ta đã đổ biết bao mồ hôi và nước mắt để xây dựng lên vào một thời điểm vô cùng khó khăn (1935–1945), là nơi biết bao thế hệ Ki-tô hữu đã đến để lãnh nhận các bí tích, để tham dự thánh lễ, để hoà giải với Chúa, là nơi chúng ta thực thi bổn phận hiếu kính đối với Thiên Chúa là Cha nhân hậu từ bi.

Là con cái của các bậc tiền nhân đã luôn trung kiên giữ vững niềm tin sắt son của mình trước mọi dông tố phũ phàng của cuộc đời, chúng ta cần nỗ lực sống trọn vẹn niềm tin đã lãnh nhận, làm tròn vai trò chứng nhân cho Thiên Chúa Tình Yêu giữa bao người chưa nhận biết Chúa, đồng thời chúng ta cũng cần bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên ông bà đã dày công xây dựng và vun đắp cho Đại Gia Đình Họ Gia Định, từ một nhóm nhỏ với vài mươi gia đình, nay trở thành một cộng đoàn đông đảo với hơn 2.000 gia đình và khoảng 12.000 giáo dân sống chan hoà với nhau. Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân qua việc cầu nguyện cho công việc sửa chữa nhà thờ Gia Định của chúng ta từ lúc khởi sự cho đến hoàn thành, tất cả đều nhờ bởi ơn Chúa, và qua sự đóng góp quảng đại của tất cả anh chị em giáo dân Gia Định trong nước cũng như ở hải ngoại.

Với niềm tin mãnh liệt vào sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa và tình thương vô biên của Người, chúng ta phó thác công việc sửa chữa nhà thờ Gia Định của chúng ta cho Chúa, xin Người ban bình an và thành công cho công việc quan trọng này, vì “ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126,1), xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Cả Giu-se phù hộ cho công việc sửa chữa nhà thờ Gia Định thân yêu của chúng ta luôn được thuận lợi.

Mọi sự đóng góp cho việc sửa chữa nhà thờ, xin anh chị em gởi qua :

1.Tài khoản của Cha sở Gia Định là :

MAI THANH TÙNG

Số tài khoản: 04882646868

Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn SCB – Chi nhánh Tân Định

Địa chỉ Ngân hàng: 346-348 Hai Bà Trưng, Phường Tân Định, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Swift code: SACLVNVX

2. Nhà thờ Gia Định

Địa chỉ: 280 Bùi Hữu Nghĩa, Phường 2, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại số 0918898844 (Cha Tùng)

Chào anh chị em trong Chúa Ki-tô.

Gia Định, ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ
08-09-2022
Cha sở Gia Định
Linh mục Giu-se Mai Thanh Tùng

MỘT SỐ HÌNH ẢNH MÁI NGÓI
NHÀ THỜ GIA ĐỊNH BỊ HƯ HẠI

Top