Thi ca trong lòng Giáo Hội

Thi ca trong lòng Giáo Hội

Thi ca trong lòng Giáo Hội

Một cánh Đồng Xanh Thơ rất thơ
Nắng mai dìu dịu xóa sương mờ
Lòng thu man mác say Nguồn Sống
Níu chút Hương Trời thỏa ước mơ.

Vào lúc 7 giờ sáng ngày 23 tháng 9 năm 2023, một buổi sáng mùa thu khí trời mát dịu, Trung Tâm Mục Vụ TGPSG như bừng nở không khí ngày hội văn thơ Công giáo Việt Nam lần thứ 12, với những khuôn mặt vui tươi rạng rỡ, tay bắt mặt mừng, hân hoan chào đón nhau. 

Học viện Mục vụ cùng Đồng Xanh Thơ Sài Gòn (ĐXTSG) tổ chức ngày hội văn thơ Công giáo Việt Nam lần này, cùng thời điểm với Giáo phận Qui Nhơn tổ chức tại Tòa Giám mục Qui Nhơn. Tất cả nhằm tôn vinh Thiên Chúa và nhấn mạnh đến sứ vụ của người cầm bút Công giáo, trong việc xiển dương và phát huy văn học Công giáo trong lòng Giáo hội và trong lòng Dân tộc.

Ấn tượng đập vào mắt chúng tôi đó là tiêu đề của ngày hội hôm nay: “Thi Ca Trong Lòng Giáo Hội”, với câu Kinh Thánh chủ đạo “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng.” (Cl 3,16)

Vâng, chúng tôi cùng họp mặt với nhau trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và hiệp thông nhau, qua những dòng chảy thi ca thánh vịnh và thánh thi, đầy tính nghệ thuật và đầy chất thánh, mà Giáo hội để chia san với con cái mình.

Thành phần tham dự ngày hội hôm nay bao gồm:

Lm. Px Tâm Giao, Giám đốc TTMV, cha linh hướng ĐXTSG; Lm. Vinh Sơn Nguyễn Thành Tín, Giám đốc TTMV Đa Minh Ba Chuông, kiêm linh hướng Huynh đoàn Mỹ thuật Thánh Hiển (Dominiart); Lm Phêrô Khắc Đỗ, Phó xứ Chợ Quán, cha đồng hành ĐXTSG; Lm. Giuse Nguyễn Trung Hiếu, bút danh “Hát-Yếu”- (MC- Dẫn chương trình).

Các hội đoàn gồm nhóm Huynh đoàn Mỹ thuật Thánh Hiển và nhóm Dominiart, nhóm bạn trẻ Gx Chợ Quán, học viên Học Viện Mục vụ, thành viên ĐXTSG và thân hữu.

 

Đến 8 giờ sáng, buổi hội thảo chuyên đề bắt đầu với lời cầu nguyện khai mạc và phần trình bày 3 tham luận của 3 tác giả:

+ Thánh Thi – Dòng Chảy Thi Ca Trong Lòng Giáo Hội – Maria Thy Hoa

+ Thể Tài Hát Nói Dân Tộc Giúp Chuyển Tải Thánh Vịnh, Thánh Thi Ra Sao? – Bùi Vũ

+ Ẩn Dụ & Hoán Dụ Trong Thi Pháp Thánh Thi Các Giờ Kinh Phụng Vụ – Lm. Phêrô Khắc Đỗ

Trong phần tham luận đầu tiên, tác giả Maria Thy Hoa đã nhấn mạnh đến Thánh Thi - Dòng Chảy Thi Ca Trong Lòng Giáo Hội” với các đặc điểm và lập luận rất rõ ràng qua việc trích dẫn các chứng từ tham khảo từ Tông hiến Laudis Canticum (số 8), Văn Kiện Trình Bày và Quy Định Các Giờ Kinh Phụng Vụ (số 173. 174, 178).

Đối với người Kitô hữu, lời cầu nguyện trước hết phải là lời cầu nguyện của toàn thể cộng đồng nhân loại được Chúa Kitô quy tụ. Mỗi người đều tham dự vào lời cầu nguyện này vì đó là tiếng khẩn cầu độc đáo của một nhiệm thể duy nhất, là tiếng nói của Hội Thánh, Hiền Thê yêu quý của Đức Ki-tô, diễn tả những ước vọng của cộng đồng dân Chúa, và khẩn nguyện cho toàn thể nhân loại…

Theo đó, các lời cầu nguyện chính thống của Hội Thánh xuất phát từ nguồn mạch Thánh Kinh bao gồm các Thánh Vịnh (150 bài) và Thánh Ca Tin Mừng (Magnificat, Benedictus, Nunc dinittis)

Riêng Thánh Thi và những bài ca không xuất phát từ Kinh Thánh cũng được sử dụng trong lòng Hội Thánh trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, bởi tính văn chương nghệ thuật (là thơ), tính thẩm mỹ (dạt dào tình cảm) và tính thánh thiêng (ca tụng Thiên Chúa).

Tiếp đó, tác giả đi sâu và khai triển dòng chảy thi ca của Thánh thi với việc phân tích phần “Vinh tụng ca”, là phần kết luôn phải có của một Thánh thi theo luật cổ truyền. Điều này làm cho các tham dự viên rất bất ngờ và lý thú khi hiểu được bố cục và ý nghĩa của một bài Thánh thi.

Ngoài ra, để dẫn chứng cho tính độc đáo của Thánh thi, tác giả giới thiệu các bài Thánh thi nổi tiếng như Veni Creator SpiritusTe Deum, nhằm giúp các tham dự viên nhận định tính thánh thiêng, bản chất dạt dào tình cảm, đầy chất thơ rất thích hợp để ca tụng Thiên Chúa của toàn thể Giáo hội.

Xin ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo,
Đến viếng thăm và tuôn đổ ơn trời
Xuống cõi lòng và tâm trí bề tôi
Là sản phẩm do tay Ngài mà có

Tôn hiệu Chúa chính là Người Bảo Trợ
Là món quà của Thiên Chúa tối cao
Là lửa thiêng, tình mến, suối dạt dào
Ấn Thiên Chúa đóng vào hồn tín hữu

Xin chiếu sáng hầu mở mang trí não
Đổ tình thương cho tràn ngập tâm hồn
Thân yếu hèn giòn mỏng của chúng con
Luôn trông đợi sức thiêng Ngài bồi dưỡng

Xin Ngài dạy cho biết Cha từ ái
Cùng am tường về Thánh Tử khoan nhân
Và hằng tin: Ngài là chính Thánh Thần
Nguồn thương mến giữa Hai Ngôi bền chặt
(Thánh thi Veni Creator Spiritus)

Tác giả cũng đề cập đến những yêu cầu về bản dịch Thánh thi và các sáng mới phải phù hợp với tinh thần của mùa Phụng vụ, ngày lễ và giờ kinh, tránh những bài không có giá trị nghệ thuật và không trang trọng với Phụng vụ.

Đây là điều giúp cho các tham dự viên hiểu rõ giá trị của Thánh thi và cần tập trung để cùng với sự linh hứng của Thánh Linh, những sáng tác mới được phát huy dựa trên nền tảng có sẵn của Giáo Hội và Thánh Kinh.

Trong tinh thần đó, tác giả đề cập và dẫn chứng bằng các bản dịch Thánh Thi được sử dụng trong phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đặc biệt trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, với việc cố Linh mục nhạc sĩ Hoàng Kim đã hoàn thành việc phiên dịch các Thánh thi Latinh một cách lưu loát và tài tình như là các Thánh thi được sáng tác chứ không phải phiên dịch.

Đất nhảy mừng khi bình minh đến
Toả ánh vàng tô điểm không trung
Trời mây rực rỡ nắng hồng
Cỏ cây khen ngợi Vầng Đông trầm trồ

Ôi lạy Chúa Ki-tô hằng sống
Thánh nhan Ngài mở rộng niềm vui
Đê mê nhạc cuốn vang lời
Chúa ôi, ánh sáng mặt trời kém xa!

Nguồn thông tuệ của Cha vĩnh cửu
Lời thiên thu hằng hữu tuyệt tài
Gẫm suy việc Chúa quản cai
Càng mê mẩn trí càng ngây ngất lòng

Chúng con sẽ thành con ánh sáng
Nếu được Ngài đổ xuống hồng ân
Làm cho thể xác tinh thần
Hành vi tập quán muôn phần thanh cao

Lạy Kitô là Vua từ ái,
Vinh danh Ngài cùng với Chúa Cha
Cao sang hiển trị thiên toà
Cùng Thánh Thần Chúa vinh hoa muôn đời
(Thánh thi Kinh Sáng Thứ Ba Tuần 1)

Qua những vần thơ cầu nguyện đầy tâm tình của Giáo Hội, hòa với giọng nói truyền cảm dịu dàng cùng với nét duyên thánh, tác giả đã thu hút mọi người chăm chú lắng nghe. Tác giả cũng mời gọi mọi người dâng lên Thiên Chúa những vần thơ thấm đẫm Lòng Mến trong dòng chảy thi ca của Mẹ Giáo Hội, như một chút lòng thành, để giúp chúng ta nhìn cuộc sống mình bằng quan điểm vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Riêng tác giả, để tiếp nối sứ vụ của người Kitô hữu trong vai trò một người thợ dệt thơ, tác giả đã ca tụng Chúa bằng những bài Thánh Thi “bập bẹ” của mình với ước mong: những cung bậc tiếp nối Thánh Thi sẽ được Chúa Thánh Thần khơi nguồn cảm hứng và khơi trào dòng chảy trong tâm hồn các tín hữu, cách riêng với các thành viên Đồng Xanh Thơ Sài Gòn, để Giáo Hội Việt Nam có thêm nhiều Thánh Thi mới, chúc tụng và ngợi ca Đấng Tình Yêu và làm phong nhiêu hoa trái trong khu vườn nghệ thuật Thánh.

Và để kết thúc phần trình bày, tác giả đã thầm khẽ cầu nguyện với Chúa, gửi tiếng lòng qua giọng ngâm ngọt ngào sâu lắng đầy cảm xúc, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người nghe.

CA TỤNG CHÚA
Kìa Ánh Sáng bừng trong màn tối
Này Thái Dương chói lọi địa cầu
Thiên hà bỗng rợp minh châu
Ngàn muôn tạo vật khấu đầu ngợi ca

Trống vang tiếng nhạc hòa khấp khởi
Lòng rộn ràng phơi phới mừng vui
Quyền uy Chúa tỏa rạng ngời
Đẩy lùi đêm tối nhẹ vơi cõi trần

Xin ban phúc hồng ân cao thẳm
Ơn Hằng Sinh gội tắm lòng nhân
Máu Con Chúa, xóa tội trần
Ủi an, cứu giúp muôn dân tội tình!

Nguồn sức mạnh an bình nhân loại
Là Ngôi Hai từ ái cao quang
Ban Ơn Cứu Độ ngập tràn
Giữ gìn con thoát nguy nan lưới thù

Lời hoan chúc quỳ dâng Thánh Phụ
Mừng hiển vinh Thánh Tử oai phong
Ngợi khen thượng tiến Thánh Thần
Muôn đời muôn kiếp Ba Ngôi uy quyền!
(Maria Thy Hoa)

Trong phần tham luận thứ hai, tác giả Bùi Vũ đặt vấn đề “Thể Tài Hát Nói Dân Tộc Giúp Chuyển Tải Thánh Vịnh, Thánh Thi Ra Sao?”, để từ đó đưa ra mốt số kiến nghị và giải pháp, nhằm phục hồi và phát triển thể tài Hát nói của dân tộc trong cách làm mới, mang tính thánh thiêng của Kitô giáo. Tác giả hạn chế đề tài trong việc chỉ nói về trải nghiệm bản thân khi làm thi ca có nhắc đến thánh vịnh, thánh thi hay Kinh Thánh trong những sáng tác riêng.

Trước hết, tác giả sơ lược về thể tài Hát Nói và sau đó đi vào chi tiết của Thi pháp Hát nói.

Hát nói là thể pha trộn giữa nhạc và thơ, có thể vừa hát vừa nói với sự dung hòa khéo léo giữa thi ca và vận điệu, có sự phụ họa của cổ phách, cây đàn đáy và chiếc trống chầu, tác động mạnh mẽ vào cảm quan con người.

Ở dạng đầy đủ nhất, Hát nói gồm hai phần: Mưỡu và Bài hát nói.

+ Phần “Mưỡu” là những câu làm theo thể lục bát, gồm mưỡu đầu (đặt trên bài hát nói, trước khổ đầu), mưỡu hậu (ở vị trí xen giữa khổ cuối, ngay trước câu keo).

+ Phần “Bài hát nói” ở thể chính thức gồm có 11 câu, chia làm 3 khổ:

+ Khổ đầu (4 câu): gồm Lá đầu (câu 1-2) và Xuyên thưa (câu 3-4)

+ Khổ giữa (4 câu): gồm Thơ luật (câu 5-6 -chữ Hán hoặc chữ Nôm) và Xuyên mau (câu 7-8).

+ Khổ cuối (3 câu): Gồm Dồn (câu 9), Xếp (c.10) và Keo (câu 11, chỉ có 6 chữ).

Bài hát nói có đúng 3 khổ và 11 câu gọi là bài đủ khổ. Bài có nhiều hoặc ít hơn ba khổ là bài dôi khổ hoặc thiếu khổ (thường dôi hoặc thiếu khổ giữa). Về cách hiệp vần, thể Hát nói có cước vận (vần chân) lẫn yêu vận (vần lưng), dùng cả vần bằng lẫn vần trắc, trong đó cước vận (vần chân) là lối vần liền đôi một và gián cách.

Tác giả đã sử dụng bài “Mẹ Mốc” của Nguyễn Khuyến để dẫn chứng minh họa và phân tích thể tài này; qua đó, giúp tham dự viên nắm bắt được tinh hoa của nghệ thuật Hát nói của Dân tộc. Tuy nhiên, cái khó của Hát nói là có vẻ quá xa lạ, cầu kỳ đối với thế hệ trẻ hôm nay, vì đụng chạm đến nhiều từ ngữ điển tích, điển cố văn học Hán - Nôm.

Bởi thế, tác giả mạnh dạn trình bày rất sâu về việc ứng dụng Hát nói trong chuyển tải thi đạo và đưa ra các giải pháp qua một số sáng tạo riêng, chủ yếu với các câu 5-6 là thơ luật:

+ Thay đổi chức năng Chữ rằng (cho hai câu thơ luật chữ Hán, chữ Nôm) vốn dùng để truyền tải những câu, chữ viết cổ văn thì nay được thay thế bằng Vịnh ca rằng (chỉ Thánh vịnh) hay Lời rằng (ám chỉ Lời Kinh Thánh, Lời Giáo hội/ thánh nhân dạy)

+ Bổ sung vào câu 5-6 thơ luật, cụm từ “Hiểu ra là” để chú giải các văn tự cổ nhưng theo lối diễn đạt lục bát, giúp người đọc dễ hiểu và cảm thụ ngay chứ không chờ độc giả phải xem phần Chú giải cuối trang sách hay cuối bài viết.

Thật khéo léo và tài tình, tác giả đã giới thiệu việc chuyển tải Thánh Vịnh, Kinh Thánh qua bài sáng tác Hát nói với 15 câu, có mưỡu đầu, mưỡu hậu và dôi câu, theo giải pháp nêu trên để minh họa cho những diễn giải đã trình bày.

VỚI CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ

(dựa theo “Kinh Cầu Chúa Giêsu Thánh Thể”)

Nơi nào cho Chúa nghỉ ngơi?

Nơi nào làm Chúa bơ vơ tủi sầu

1. Giêsu ơi! Tình yêu Thánh Thể lại chọn Nhà tạm náu nương ẩn giấu

2. Con thiết tha mong ước đáp trả tình yêu quá đỗi lạ lùng này

3. Nếu có thể xin tâm thành dự thánh lễ mỗi ngày

4. Được đón Chúa vào lòng tràn ngập niềm vui vì tìm thấy kho tàng chôn giấu (Mt 13, 44).

Vịnh thi rằng:

5. Con luôn nhớ có Ngài trước mặt

được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.

6. Vì thế tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,

thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn. (Tv 16, 8-9)

Lại có Lời:

5’. Thầy là cây nho, các con là cành.

6’. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, họ mãi trổ sinh bao hoa trái tốt tươi. (x Ga 15,5)

7. Cách thiêng liêng con muốn viếng thăm từng ngôi nhà nguyện, nhà thờ

8. Thăm những nơi có tội ác chống bàn thờ, chống dấu tích Tình yêu Thánh Thể.

9. Những nhà nguyện nghèo nàn không ánh sáng, bị bỏ hoang, không đoái màng, khinh dể.

10. Những mảnh vụn Thánh nếu có bị rơi ra từ bàn Thánh Thể hay Nhà tạm nào,

11. Xin các thánh thiên thần cung kính tôn vinh thay cho sự bất kính, vô tình, hững hờ hoặc nhãng sao,

12. Và cho con được yên hàn nghỉ ngơi ngắm Chúa trong tư tưởng

13. Trong tâm tình thờ phượng, kinh ngạc đắm say mộ ngưỡng

14. Cho hay lòng Chúa thương ta,

Ngự trong Nhà Tạm tỏ bày tình thân.

15. Tôn vinh Bánh Thánh Thiên Thần

Tiếp đến, tác giả cũng đưa ra nỗi thao thức hiện nay là làm cách nào khơi mở, khuyến khích người trẻ nói riêng và mọi tầng lớp xã hội có thể ham thích đến với niềm vui thi ca Công Giáo.

Theo đó, tác giả đề nghị một số hướng như cần có câu lạc bộ, những sân chơi dành cho việc bình thơ, giới thiệu thơ, hướng dẫn sáng tác thơcả những cuộc thi viết thơ đại trà tại chỗ, cùng lúc kết hợp với biểu diễn nghệ thuật (ngâm thơ, kịch nghệ và âm nhạc).

Hy vọng hướng đi này với phong trào “Niềm Vui Sáng Tác Thi Đạo” thu hút đông đảo nhiều tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ đến với “Niềm Vui Thi Ca Công Giáo”. Với phong trào này có thể hướng dẫn người tham dự biết làm thơ tôn giáo một cách chủ động, sáng tạo mà trong chừng mực nào đó còn biết khai thác, tiếp nối Thánh Thi, Thánh Vịnh, Thánh Kinh vào trong sáng tác của chính họ nữa. Lời đề nghị của tác giả cũng như thao thức trăn trở của mọi người, chính là Sứ vụ Thi ca mà ĐXTSG luôn mong ước thực hiện.

Đan dệt vào phần trình bày là một bài Hát nói của tác giả Bùi Vũ, được diễn tả qua giọng ngâm thơ truyền cảm ngọt ngào của chị Thuỳ Linh, hoà với tiếng sáo làm say lòng người.

Thật thú vị khi kết thúc phần trình bày của mình, tác giả đề nghị cộng đoàn tham gia trò chơi “Niềm Vui Sáng Tác Thi Đạo” như một cách minh chứng cho các gợi ý hướng đi mới đã nêu trên. Tham dự viên có thể chọn một hoặc cả ba câu sau để chuyển thể thành thơ (tự do, lục bát, thất ngôn...). có thể chọn một hoặc cả ba câu sau để chuyển thể.

Bầu không khí sôi động hẳn lên khi mọi người hưởng ứng tham gia sáng tác… và nhanh thật nhanh đã có 10 bài thơ đầu tiên với giải thưởng được trao trong trò chơi hấp dẫn này.

- Câu 1: Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo (Thánh vịnh 30, câu 6).

Cơn nghĩa nộ thoảng bừng giây lát
Chữ yêu thương dào dạt tháng năm
Mắt đêm quặn thắt giọt tằm
Nhịp lòng rộn rã nhìn đăm Nắng Trời
Sóng thiên khúc, vỗ đầy vơi (An Thiện Minh)

Lòng từ ái Chúa bao la
Vì con, Chúa đã sinh ra trong đời
Tội con Chúa đổ máu tươi
Đêm về hồi tưởng lệ rơi ròng ròng
Cúi đầu cảm tạ Vầng Đông (Maria Thy Hoa)

Thân con hạt bụi vô thường
Khởi nguyên Chúa đã yêu thương con rồi
Dựng nên con, hoạ ảnh Người
Cho làm con Chúa, thưa lời: Abba!
Trên đầu con, một Chúa Cha
Ngôi Hai thánh tử, ngôi Ba Thánh Thần
Giữa trùng khơi, chiếc thuyền nan
Con nào nao núng, Chúa hằng ở bên
Gió, dông, sấm, sét vang rền
Thuyền con neo bến, ca khen Danh Người (Thùy Linh)

- Câu 2: Trước Tôn Nhan Đấng vô cùng, thì học được một chút khiêm tốn và chỉ một tác động khiêm tốn còn có giá trị hơn tất cả mọi hiểu biết ở trần gian này. (Thánh Têrêsa Avila – Tiểu Sử Tự Thuật).

Xin tập... một chút kính khiêm
Để con nhận lại cả niềm Thánh ân
Theo Thầy trên bước đường trần
Dẫu cho vấp ngã... đỡ nâng trăm chiều (Kiến Thụy)

Trước tôn nhan Đấng vô cùng
Khiêm nhường học sống tận cùng yêu thương
Bởi giá trị, luôn miên trường
Hơn điều hiểu biết tầm thường nhân gian (Khắc Dũng)

Trước tôn nhan Đấng vô cùng
Lòng con vui sướng tương phùng tâm giao
Hồn này vọng ước thanh cao
Dõi theo dấu bước xôn xao cõi trời
Ngàn sau cho đến ngàn đời
Mơ về một Chúa, Chúa ơi, trọn tình
Nơi Ngài có ánh bình minh (Mai Đệ Liên)

- Câu 3: Đức khiêm nhường hệ tại ở việc sẵn sàng vui vẻ chấp nhận những gì Chúa muốn về mình, mình không xứng đáng mang danh đầy tớ Chúa. (Thánh Têsa Avila - Đường Hoàn Thiện).

Cúi đầu xuống, lòng không nghi ngại
Chúa ban cho, Chúa lại lấy đi
Xót thương con phận nô tỳ
Hai bàn tay trắng lấy gì dâng lên (Tiếng Vọng)

Cúi đầu đón nhận thương đau
Hiệp cùng Con Chúa Ngôi cao cửu trùng
Yêu thương cho đến tận cùng
Trên cây thập tự tuôn dòng máu tươi (Thanh Hiền)

Âm thầm tự cúi rửa chân
Cho từng môn đệ, con cần noi gương
Chứng minh Thiên Chúa Tình Thương
Cậy tin phó thác, tựa nương nơi Ngài (Tri Ân)

Đường đời rất ngắn ai ơi!
Vâng lời, khiêm tốn cho đời tròn vuông
Hữu duyên Chúa dủ lòng thương
Say sưa chiêm ngắm Thầy ôm thập hình (Thùy Hương)

Sau phần giải lao nhằm giao lưu thân hữu và trao đổi thêm về nội dung thi ca, cộng đoàn tiếp tục chương trình với phần tham luận của Lm. Phêrô Khắc Đỗ về “Ẩn Dụ và Hoán Dụ Trong Thi Pháp Thánh Thi Các Giờ Kinh Phụng Vụ.”

Đây là bài khảo luận chuyên sâu về phần nghệ thuật Thánh thi cũng như phác họa và nhận định vẻ đẹp “thiêng thánh” của bản dịch Thánh Thi Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Với tài hùng biện thiên bẩm, khả năng diễn đạt lưu loát thuyết phục, cùng lối dẫn dắt thông minh hài hước, tác giả đã chuyển tải và cuốn hút cộng đoàn say mê trong việc tìm hiểu và nâng cao nghệ thuật Thánh.

Tác giả đưa cộng đoàn từ nhận thức tổng quan về Thi pháp học đến chi tiết các phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ trong Thi pháp học, để từ đó định hình cho việc khảo sát vẻ đẹp diễm lệ của các thủ pháp ẩn dụ và hoán dụ trong bản dịch Thánh Thi Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Thật vậy, về ẩn dụ, chủ đích của thơ là làm đẹp ngôn từ và tư tưởng, nên ý thức làm đẹp lời nói hoặc thay đổi lời nói cho đẹp là ý thức tự nhiên của con người và thuộc phạm vi ẩn dụ. Ngôn ngữ hằng ngày thì sáng sủa, nhưng bằng phẳng, nhạt nhẽo.

Ẩn dụ giúp ngôn ngữ thoát khỏi sự tầm thường, đem cái lạ vào ngôn ngữ, tạo hình ảnh và đem đến cho ngôn ngữ một chiều sâu.

Ẩn dụ đem lại sự sắc bén cũng như sáng rõ cho ý tưởng trong nghệ thuật, làm mới lại đối tượng, tạo ra hình tượng cảm tính cụ thể sắc nét, biểu hiện được những xúc cảm sống động nhưng tiềm ẩn, làm tăng ấn tượng mang tính ngụ ý, tạo ra một sự hình dung mới, thể hiện bản chất đa nghĩa của hình tượng nghệ thuật.

Ẩn dụ được sao chép nhiều dễ thành nhàm chán, sáo mòn, phải thay đổi, làm mới. Nhà thơ có thể cách tân những ẩn dụ đã “sáo mòn” để tạo một hình ảnh mới. Ví dụ:

Ngài ưa đặc biệt màu huệ trắng,
Thích người khiết tịnh đến gần bên,
Thưởng công bội hậu lòng nhân thế,
Sống giữa bùn nhơ vẫn tinh tuyền.
(Thánh Thi Kinh Chiều, phần chung Thánh Trinh nữ)

Tác giả dẫn dắt cộng đoàn vào “vườn hoa ngôn ngữ thiêng thánh” của Giáo hội, từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, qua 123 ví dụ minh họa của 5 “khu vườn ẩn dụ” với tĩnh lược (22), nhân hóa (15), tượng trưng (40), thay thế (25) và điển cố (21).

Ẩn dụ tĩnh lược

Ôi Giêsu ngọt ngào êm ái,
Mảnh hồn này khắc khoải chờ mong,
Châu sa lệ nhỏ đã từng
Tìm Thầy kiếm Chúa: đáy lòng thở than!
(Thánh Thi Kinh Sáng Lễ Thánh Tâm)

Cây đức tin rồi ra nẩy mậm,
Bén rễ sâu vào tận trí lòng;
Vui mừng hé nụ cậy trông,
Nở hoa mến Chúa đơm bông yêu người.
(Thánh Thi Kinh Sáng thứ Sáu tuần I Thường Niên)

 

Ẩn dụ nhân hóa
Muôn lạy Chúa, cỗi nguồn ánh sáng,
Tỏa ngàn muôn tia nắng rực hồng,
Một tay đỡ lấy không trung,
Một tay nhè nhẹ mở tung bức màn.
(Thánh Thi Kinh Sáng thứ Sáu tuần II Thường Niên)

Nương gió lời cầu bay hổn hển,
Ðăm đăm con mắt hướng trời cao,
Một cõi vô hình như hiển hiện
Ai vẫy bàn tay đẹp kính chào.
(Thánh Thi Kinh Chiều I Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 24/11)

Ẩn dụ tượng trưng

Phận hèn dâng kính Chúa Trời
Câu ca điệu hát với đôi lời cầu.
(Thánh Thi Kinh Sáng Lễ Chúa Ba Ngôi)

Câu kinh hòa tiếng thở than,
Dám mong lượng cả từ nhân đáp lời.
(Thánh Thi Kinh Sáng Lễ Chúa Ba Ngôi)

Ẩn dụ thay thế
Giêsu, ánh sáng rạng ngời,
Ðuốc thiêng Nước Chúa, Mặt Trời thánh đô.
(Thánh Thi Kinh Chiều Lễ Nến 02/02)

Kìa Sao Mai xuất đầu lộ diện,
Báo tin vui xuất hiện Vầng Hồng.
(Thánh Thi Kinh Sáng thứ Sáu tuần I Thường Niên)

Ẩn dụ điển cố
Dung nhan Chúa vượt xa chính ngọ,
Áo trắng như tuyết phủ non ngàn,
Hiển dung trên đỉnh thiên san
Ðể cho các vị chứng nhân ngắm nhìn.
(Thánh Thi Kinh Chiều Lễ Chúa Hiển Dung 06/08)
“Điển cố Thánh Kinh”: Mt 17,1-3

Hạt giống thối rồi, cây đã mọc
Từ lòng đất mẹ, mùa bao la.
Ngày đi gieo, vừa gieo vừa khóc
Ngày trở về, ôm bó lúa hoan ca.
(Thánh Thi Kinh Chiều I Lễ các thánh tử đạo Việt Nam 24/11)
“Điển cố Thánh Kinh”: Tv 126,5.

 

Thêm nữa, về hoán dụ, tác giả triển khai đặc tính của hoán dụ dựa trên tương quan kết hợp, là đặt một nghĩa bóng cho một từ vốn có nghĩa đen, là thay thế một khái niệm bằng một khái niệm khác có với nó một liên hệ tất yếu, như liên hệ giữa đồ vật và chất liệu, giữa vật chứa và cái được chứa, giữa bộ phận và toàn thể, giữa trang phục (hay phụ tùng) và con người, và liên hệ nhân quả, với 13 dẫn chứng minh họa.

Ðau khổ ngàn trùng ba thế kỷ

Ðầu rơi máu đổ vẫn bền gan.

(Thánh Thi Kinh Chiều I Lễ các thánh tử đạo Việt Nam 24/11)

 

Tác giả nhấn mạnh thêm rằng qua việc khai thác tối đa đặc tính của hoán dụ, chỉ cần vài câu thơ cũng đủ vẽ ra trước mắt người đọc những bức chân dung ấn tượng và những bức tranh toàn cảnh thật sống động, qua đó còn cung cấp lượng thông tin cần thiết giúp người đọc thấu cảm rõ nét hơn về các họa phẩm hiện thực ấy, như Plutarch nói: “Hội họa là thi ca không lời, còn thi ca là hội họa lên tiếng”.

Xin giơ tay hữu uy linh
Như đồn bảo vệ, như thành chở che.
(Thánh Thi Kinh Tối ngoài mùa Phục Sinh)

Ðường dậy sóng người đi như thác đổ
Ngành lá xanh phất phới tựa rừng cờ,
Cả một trời vang dội tiếng tung hô:
Vạn vạn tuế, mừng Con vua Ða-vít!
(Thánh Thi Kinh Trưa Chúa Nhật Lễ Lá)

Tác giả Lm. Phêrô Khắc Đỗ đã kết thúc phần trình bày bằng tâm tình của Thánh Augustinô đã viết trong sách “Tự Thuật”: “Con đã khóc ròng khi nghe những bản Thánh Thi và Thánh Ca dâng kính Ngài, vì quá cảm kích trước giọng ca dịu dàng của Hội Thánh Ngài. Giọng ca ấy rót vào tai con, thì chân lý cũng thấm vào lòng con những tâm tình sốt mến, rồi nước mắt tuôn đổ và hạnh phúc trào dâng.”

Cả cộng đoàn cũng thế! Tất cả như lặng yên để thấm đẫm và cảm nếm hương vị thánh thiêng… Trong lúc ấy, người viết bài này thật hạnh phúc và rất xúc động, như vừa cảm thụ, vừa chạm được giá trị nổi bật của những bài Thánh Thi, có gì đấy rất đẹp, rất lạ và hấp dẫn…mà từ bấy lâu nay người viết chỉ đọc một cách hờ hững, thấy hay nhưng chưa biết hay chỗ nào, thấy đẹp nhưng chưa thấu đáo vẻ đẹp đến thế sao!

Người viết cũng xin được cùng với tác giả Lm. Phêrô Khắc Đỗ tạ ơn Chúa vì đã ban cho Giáo Hội Việt Nam những người con nhiệt thành và đầy tài năng, để có thể cho ra đời những bản dịch cũng như những sáng tác mới Thánh Thi thật tuyệt vời, vừa đảm bảo giá trị nghệ thuật, vừa đủ sức lay động tâm hồn. Hy vọng rằng việc tìm hiểu sơ lược về ẩn dụ và hoán dụ trong thi pháp Thánh Thi này sẽ góp phần gợi hứng và tiếp thêm chất liệu giúp nâng cao đời sống kinh nguyện của dân Chúa, để rồi ngày càng có thêm nhiều tín hữu hăng say đọc và nghiên cứu thi pháp Thánh Thi cách toàn diện và sâu rộng hơn.

Tiếp theo là phần thảo luận thật sinh động và sôi nổi giữa cộng đoàn và các tác giả qua phần dẫn dắt linh hoạt, nhanh nhạy và rất chuyên nghiệp của Lm. Giuse Nguyễn Trung Hiếu, bút danh “Hát Yếu”.

Tác giả Maria Thy Hoa đã trả lời 2 câu hỏi về cấu trúc của một bài Thánh thi và trải nghiệm viết thánh thi cho các tham dự viên.

Cấu trúc của một bài Thánh thi thường có 3 phần chính: Khởi đề, Thực luận, và Kết đề.

+ Khởi đề: Phần Khởi đề của Thánh thi là lời dẫn nhập hay mở đầu, nhằm giới thiệu chung về vấn đề cần nói tới, phù hợp với các giờ kinh vào các mùa trong phụng vụ, giúp người cầu nguyện có một khái niệm tổng quát về mục đề.

+ Thực luận: Là phần quảng diễn và suy niệm về ý nghĩa của phần khởi đề.

+ Kết đề: Thánh thi thường kết thúc bằng một Vinh tụng ca.

Kinh nghiêm khi dệt Thánh Thi, đúng là một trải nghiệm vô cùng thú vị, đó là từ khi nhận “nhiệm vụ” trình bày đề tài này, tác giả đã đọc Lời Chúa nhiều hơn, biết lắng đọng nhiều hơn để nghe được Chúa nói gì, và chính vì vậy, mới có thể chấp bút viết thành những bài Thánh Thi hôm nay, hầu có thể cất tiếng ngợi ca, chúc tụng, và tạ ơn Chúa một cách chân thành!

Tiếp theo, tác giả Bùi Vũ đã trả lời “duyên cơ” đến thể tài Hát nói, bởi vì đây là đề tài thạc sĩ của tác giả và từ lâu đã muốn phục dựng và đổi mới thể tài này theo hướng Công giáo, bằng cách thay thế các điển cố Hán-Nôm bằng các điển cố và điển tích Kinh Thánh, Thánh vịnh, Thánh thi và các câu Lời Chúa hoặc các giáo huấn của Giáo hội, của các Thánh… Đây là lần đầu tác giả trình bày thể tài Hát nói này, trước cộng đoàn dân Chúa, với những nhà chuyên môn và những người yêu thích thi ca Công giáo.

Sau đó, theo yêu cầu của các tham dự viên, tác giả Lm. Phêrô Khắc Đỗ đã đọc cho cộng đoàn nghe một Thánh Thi của tác giả, có sử dụng thủ pháp ẩn dụ và hoán dụ, trong hơn 200 bài thi đạo đã sáng tác. Tác giả đã gieo vào lòng mọi người nguồn cảm hứng thăng hoa và hy vọng sau buổi hội thảo này, các tham dự viên và Đồng Xanh Thơ Sài Gòn sẽ dệt nên những bài Thánh Thi đầy ơn thánh!

Kết thúc chương trình, anh An Thiện Minh, Trưởng ban điều hành ĐXTSG, cám ơn quý cha, quý tác giả và cộng đoàn đã hiệp hành với ĐXTSG, trong việc hiệp thông chia sẻ thi ca Thánh, trong sự tham gia nhiệt tình vì niềm vui ân sủng và trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của hồn tông đồ.

Bài: Therese Tiếng Vọng (TGPSG}

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top