Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật 20 Mùa Thường Niên B
Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật thứ 20 Mùa Thường Niên B: Món ăn bổ dưỡng cho tâm hồn
VATICAN (Zenit.org) – Ở chương 6 Phúc Âm Thánh Gioan (câu 41 -51), Chúa Giêsu ví bản thân mình như “bánh hằng sống từ trời xuống” và mời gọi mọi người hãy ăn bánh này”, tức là hãy tin vào Ngài.
Ngài hứa rằng những ai ăn bánh này sẽ có sự sống vĩnh hằng. Chúa Giêsu tự so sánh Ngài với bánh manna từ trời xuống để cứu sống dân Israel trong hoang địa. Đó là một hình ảnh sống động chắc chắn đã gợi lên những ký ức quan trọng cho dân Israel.
Sau đó trong Phúc Âm Thánh Gioan 6:51, Chúa Giêsu nói, “Bánh ta ban, mang lại sự sống thế gian, chính là Thịt ta.” Sau đó đám đông thắc mắc: “Làm thế nào mà con người này lại có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Phải chăng thắc mắc của họ đã đem lại cho Chúa Giêsu cơ hội giải thích? Chắc chắn là họ có thể biết Chúa Giêsu muốn nói theo một ý khác. Hơn nữa theo Kinh Thánh, việc ăn thịt một ai đó là cách nói ẩn dụ cho lòng thù hận (Tv 27:2; Dcr 11:9). Việc uống máu được xem là một hành động ghê rợn bị cấm theo Luật Chúa (St 27:2, Lv 3:17; Đnl 12:30).
Tuy nhiên Chúa Giêsu trả lời câu hỏi đó bằng cách giải thích thêm tuyên bố ban đầu của Ngài bằng những từ ngữ dứt khóat: “Nếu các ngươi không ăn Thịt và uống Máu của Con Người, các người sẽ không có sự sống. Ai ăn Thịt Ta và uống Máu ta sẽ có sự sống đời đời, và ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết, vì Thịt Ta thật là của ăn, và Máu ta thật là của uống. Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong người ấy.”
Không có một người Do Thái giữ luật nào lại nghĩ đến việc ăn thịt người. Chúng ta có thể tự hỏi: “Tại sao Chúa Giêsu không sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng như các thuật ngữ “ở lại," “cư ngụ,” “sống trong ta”? Khi dùng những hình tượng và ngôn ngữ sống động đó, có phải Chúa đang cổ vũ cho hành động ăn thịt đồng lọai?”
Thịt và Máu
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng những ngôn từ mạnh mẽ để thể hiện tính hợp nhất không thể chia cắt và sự tham dự không thể cưỡng lại của sự sống này trong một sự sống khác. Chúa Giêsu dùng ngôn từ hiến tế. Sách Torah yêu cầu hiến tế các con vật theo nghi thức, và ghi rõ việc làm thịt và dùng thịt chúng như thế nào. Một ít thịt dùng để thiêu cháy trên bàn thờ và một ít khác dùng để ăn.
Chúa Giêsu hiến thân mình cho thế gian - không chỉ cho dân Israel (xem Gioan 3: 16-17). Thành ngữ “thịt và máu” của người Do Thái có nghĩa là toàn bộ con người. Để đón nhận toàn bộ con người Giêsu, cần phải đón nhận Thịt và Máu Người. Theo một nghĩa nào đó thì gặp gỡ Giêsu chính là gặp gỡ Thịt và Máu Người.
Với những người đón nhận toàn bộ con người Giêsu, sự sống của Ngài sẽ thấm nhập vào xương tủy và chảy vào các mạch máu của họ. Giống như những món ăn vừa dùng trong chiều thứ bảy vừa qua không thể tách khỏi thân thể của thực khách như thế nào, Chúa Giêsu cũng không thể tách lìa khỏi cuộc sống của những người tin vào Ngài như thế.
Thật sự đón nhận Giêsu
Trong cách chúng ta tiếp cận tôn giáo bằng trí não, chúng ta thường cho rằng điều thật sự cần thiết là tin vào những tín điều hay chân lý quan trọng. Hành động đón nhận Chúa Giêsu có thể gói gọn qua việc chấp nhận bằng tri giác. Tuy nhiên cũng có lúc chúng ta thực sự tạ ơn vì ta có thể tiếp nhận sự hiện diện của Chúa Giêsu không chỉ bằng trí não, nhưng có thể tiếp nhận bằng nhiều cách khác.
Lương thực mà Chúa Giêsu dùng nuôi sống 5000 người trên đỉnh núi thì không phải là lương thực thật sự, vì nó chỉ thỏa mãn cơn đói của con người trong chốc lát. Ngược lại, Thịt và Máu Chúa Giêsu mới là lương thực thật sự vì “ai ăn bánh này sẽ sống đời đời” (câu 51)—và “có sự sống vĩnh hằng” (câu 54)
”Ta là bánh hằng sống từ trời xuống” (câu 51a). “Bánh hằng sống” này tương đương với “nước hằng sống” mà Chúa Giêsu đã cho người phụ nữ Samaria uống (4:10). Trong bối cảnh này, ăn bánh là hành động dứt khóat chấp nhận và tin vào Chúa.
Bối cảnh lịch sử
Cần nhận thức hai sự kiện diễn ra vào thời điểm đọan Kinh Thánh này được viết ra, có thể đã ảnh hưởng đến Thánh Gioan khi ông nhấn mạnh việc ăn Thịt và uống Máu Chúa Giêsu.
Sự kiện thứ nhất là ảnh hưởng của các giáo phái dị giáo Docetic và Gnostic, cả hai đều xem thịt là tội lỗi và từ chối tin rằng Thiên Chúa cũng có một cơ thể vật chất. Sự kiện thứ hai là việc người Do Thái kỳ thị các tín hữu tin và Chúa Kitô. Các Kitô hữu cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa có thể bị cấm bước vào các hội đường Do Thái.
Bí Tích Thánh Thể thực hiện ý nghĩa ẩn chứa trong quà tặng manna. Như thế Chúa Giêsu đã mô tả bản thân mình chính là sự thực hiện cách đích thực và hoàn hảo những gì đã được Cựu Ước loan báo cách biểu tượng trước đây. Một đọan khác của Môsê cũng có giá trị tiên báo: Để dập tắt cơn khát của dân chúng trong sa mạc, ông đã làm cho nước chảy ra từ đá. Trong dịp Lễ Lều Trại, Chúa Giêsu hứa sẽ dập tắt cơn khát tâm linh của loài người: “Ai khát, hãy đến với Ta và uống. Ai tin Ta, như Kinh Thánh nói, ‘Từ tim Người sẽ chảy ra nguồn nước hằng sống’” (Gioan 7:37-38)
Cách chúng ta ăn
Cách chúng ta ăn phản ánh và tác động đến con người và tính cách của chúng ta, xác định cách chúng ta tiếp cận với cuộc sống. Nói đến các xã hội và nền văn hóa khác nhau, chúng ta đều thấy mỗi xã hội hay nền văn hóa đều có những món ăn và nghi thức ăn uống truyền thống riêng. “Tôi thuộc dòng dõi người Ý, tôi thường ăn mì ống, lasagna, tortellini alla panna hay pizza” hoặc “Tôi là một người Mỹ thực thụ. Tôi ăn bánh mì hamburger, hot dog, bít tết, coca và khoai tây chiên.” “Tôi là người Québec. Tôi say mê món poutine và uống nước ngọt cây thích.” Người Pháp ăn bánh crepe, người Bỉ ăn bánh quế, người Hoa ăn cơm, người Palestin và Israel ăn falafel, người Thụy sỹ ăn sôcôla và người Eskimo ăn mỡ cá voi. Tóm lại, “cách chúng ta ăn” cho thấy cách chúng ta định dạng chính mình. Nó phản ánh và xác định cái nhìn của chúng ta với thế giới, giá trị của chúng ta, và toàn bộ cách tiếp cận của chúng ta đối với cuộc sống.
Các món ăn không chỉ là một tập hợp những chất dinh dưỡng; chúng còn chứa đựng nhiều tác động và ý nghĩa. Những món ăn và gia vị quý hiếm được trân trọng như những niềm vui ẩm thực đặc biệt. Tại nhiều nền văn hóa khác nhau, một số món ăn được tôn thờ vì chúng mang tính thần thánh riêng, hay một số món ăn thì cần tuyệt đối tránh. Món ăn chúng ta chọn có thể ảnh hưởng tâm trạng chúng ta. Những món ăn cay, nóng, hay kích thích có thể ảnh hưởng đến tính nóng nảy hay lo lắng đối với nhiều người trong chúng ta. Những món ăn mát có thể làm chúng ta thư giãn và bình tâm. Các món ăn có thể giúp chúng ta ăn mừng hay an ủi khi tang tóc. Chúng là dấu hiệu của tình yêu và phương tiện nối kết mọi người trong nhiều dịp lễ.
“Cách chúng ta ăn” là một phần quan trọng trong di sản văn hoá của chúng ta. Không như phần cơ thể, tâm hồn không cần nuôi dưỡng bằng lọai bánh vật chất. Lương thực chúng ta ăn chính là sự kết hợp cả hai thực thể, vật chất và tâm linh. Cơ thể được nuôi dưỡng bằng các loại vật chất hay các chất dinh dưỡng có trong thức ăn của chúng ta; tâm hồn được nuôi dưỡng bằng sức mạnh tâm linh, đem lại sinh khí cho vật chất thuộc đủ mọi loại, kể cả lương thực.
Catholic hơn là Catabolic?
Thực ra mãi tới thập niên 1920 và 1930 cụm từ “chúng ta là thứ chúng ta ăn” ("ăn cái gì thì sẽ thành cái ấy", "ăn gì, bổ ấy!") mới xuất hiện trong tiếng Anh khi nhà dinh dưỡng học Victor Lindlahr, người có niềm tin mạnh mẽ vào ý tưởng rằng thức ăn điều khiển sức khỏe, đã phát triển Chế Độ Ăn Uống Thoái Dưỡng (Giảm Cân). Vào năm 1942, Lindlahr đã xuất bản cuốn “Chúng Ta Là Thứ Chúng Ta Ăn: Cách Giữ Gìn và Duy Trì Sức Khỏe Thông Qua Chế Độ Ăn Uống.” Từ giây phút đó trở đi, cụm từ đó mới đi vào nhận thức của công chúng.
Với những người đang kiếm tìm sự hiện diện của Thiên Chúa, thì lời dạy của Chúa Giêsu trong Phúc Âm Thánh Gio-an đúng thật là một tin vui: “Chúng ta là thứ chúng ta ăn.” Chúng ta trở nên những gì chúng ta đón nhận trong Bí tích Thánh Thể. Trong tuần này, chúng ta thử xem xét lại các bữa ăn thiêng liêng của mình, và nhìn lại những gì thực sự đem lại cho chúng ta sự sống, cũng như những thức ăn vặt vãnh nào không đem lại cho chúng ta cuộc sống vĩnh hằng.
bài liên quan mới nhất
- Hành hương thời Cựu ước - Phần 1: Tiếng gọi lên đường
-
Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn -
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19