Đức Phanxicô – Ngôn sứ cho thời đại mới
WHĐ (27/4/2025) – Trong từng bước thăng trầm của lịch sử cứu độ, Thiên Chúa vẫn luôn lên tiếng qua những con người được tuyển chọn – những chứng nhân mang trong mình ánh sáng của Lời hằng sống. Mỗi giai đoạn của nhân loại đều chất chứa những biến chuyển và thử thách riêng, và chính trong những khúc quanh ấy, thế giới luôn cần một lời ngôn sứ: không để lên án, nhưng để lay tỉnh lương tri; không để gieo rắc sợ hãi, nhưng để thắp lên niềm hy vọng nơi tận cùng tan vỡ.
Thời đại hôm nay – một thế giới mang trên thân thể mình bao vết thương của chiến tranh, nghèo đói, khủng hoảng sinh thái, đổ vỡ luân lý và những lạc hướng của nền văn hóa tiêu thụ, tiến bộ công nghệ – cũng không nằm ngoài nhu cầu khẩn thiết ấy. Trong chính bối cảnh này, Đức Phanxicô xuất hiện như một người được Thiên Chúa sai đến, không với quyền lực thế tục, nhưng bằng một đời sống rực cháy Tin mừng, thấm đượm lòng thương xót, và cất lên tiếng gọi ngôn sứ cho thời đại.
Đức Phanxicô – Ngôn sứ của hiện diện
Ngôn sứ đích thực không chỉ là người cất lên lời chân lý, mà còn là hiện thân sống động của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên khi xuất hiện nơi ban công Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã không công bố một chương trình điều hành hay thể hiện quyền lực, nhưng khiêm tốn cúi đầu xin cộng đoàn dân Chúa cầu nguyện cho ngài. Cử chỉ tưởng chừng nhỏ bé ấy lại chất chứa chiều sâu thần học sâu xa: một sự hiện diện thân tình giữa anh chị em, chứ không phải dáng dấp của một nhà lãnh đạo thống trị. Việc chọn tông hiệu “Phanxicô” cũng là một tuyên ngôn mạnh mẽ và sống động của ngài: chọn lựa khó nghèo, gắn bó với công trình tạo dựng, và dấn thân vì hòa bình – như chính thánh Phanxicô Assisi đã từng sống và hiến mình.
Ngài không cư ngụ tại điện Tông Tòa tráng lệ, nhưng chọn ở lại Nhà Thánh Mácta – một quyết định đầy tính biểu tượng thần học và mục vụ: người mục tử sống giữa đoàn chiên, gần gũi và sẻ chia, không tách biệt cũng chẳng đặt mình trên cao. Trong nhãn quan của Đức Phanxicô, Giáo hội không phải là pháo đài kiên cố, mà là một “bệnh viện dã chiến” (Vatican, 9/2013) – nơi chữa lành những vết thương, nơi những tâm hồn bị bào mòn bởi cuộc sống được an ủi và nâng đỡ.
Từng hành vi mục tử của ngài – từ việc rửa chân người tù nhân, ôm lấy người khuyết tật, cầu nguyện bên bức tường chia cách, cho đến hiện diện giữa trại tị nạn – đều là hiện thân cụ thể của Tin mừng qua thân xác và hành động. Đức Phanxicô từng nói: “Một Giáo hội không biết khóc với dân mình thì không thể loan báo Tin mừng” (Thánh lễ tại Tacloban, Philippines, 17/01/2015). Những giọt nước mắt đó không phải là biểu hiện của yếu đuối, nhưng là hoa trái của một con tim được tác động bởi Thánh Thần – một con tim biết rung động trước những thương tích của nhân loại, và sẵn sàng mang lấy chúng như chính Đức Kitô đã từng mang.
Đức Phanxicô – Ngôn sứ của hy vọng
Giữa những khủng hoảng chồng chéo – sinh thái, xã hội, kinh tế và luân lý – Đức Phanxicô trở thành tiếng nói lương tâm giữa một thế giới rạn nứt. Ngài không chọn cách gióng lên lời kêu gọi giữa chốn sa mạc, mà âm thầm hiện diện tại những vùng ngoại biên của cuộc sống – nơi tiếng kêu thổn thức của những phận người bị bỏ quên vẫn lặng lẽ vọng lên tới trời cao.
Trong bài giảng tại nhà nguyện Marta ngày 17/4/2018, ngài đã chia sẻ rằng: “Vị ngôn sứ chân chính là người dám nói lên sự thật, có khả năng khóc thương một dân không biết lắng nghe, và biết cách mở ra cánh cửa hy vọng”. Chính từ trái tim mang đầy vết thương đó, Đức Phanxicô cảm nếm được nỗi thống khổ của nhân loại và hiến dâng chính mình như một chiếc cầu nối sống động giữa Thiên Chúa và con người.
Trước sự khô cứng và vô cảm của các cơ chế, lời ngài cất lên như một ngọn lửa – không phải để thiêu rụi, nhưng để sưởi ấm những tâm hồn băng giá; không để kết án, nhưng để đánh thức; không để bảo thủ cố chấp, nhưng để mở ra con đường hoán cải và canh tân. Đứng trước Quốc hội Hoa Kỳ, ngài đã tha thiết mời gọi: “Nếu chúng ta muốn được gọi là con cái Thiên Chúa, hãy trở thành những người kiến tạo hòa bình, đối thoại và chữa lành các vết thương” (Washington D.C., 24/9/2015).
Hy vọng mà Đức Phanxicô mang lại không phải là một ảo ảnh ru ngủ, nhưng là niềm hy vọng bén rễ sâu nơi thập giá và trổ sinh từ mầu nhiệm Phục sinh. Mỗi lời giáo huấn của ngài là một tiếng gọi âm vang Tin mừng – mời gọi nhân loại trở nên muối cho đời, men cho thế gian và ánh sáng giữa đêm đen (x. Mt 5,13–16). Đó là hy vọng không hời hợt, mà vững bền; không xa xôi, mà rất đỗi gần gũi – nảy nở từ trái tim của một ngôn sứ đích thực: người đã chọn đứng giữa dân mình để thắp lên ánh sáng yêu thương, công lý và bình an.
Đức Phanxicô – Ngôn sứ của lòng thương xót
Căn tính ngôn sứ nơi Đức Phanxicô được nuôi dưỡng từ một xác tín thần học sâu xa: Lòng thương xót không chỉ là một phẩm tính của Thiên Chúa, mà chính là Danh của Ngài (x. Tông sắc Misericordiae Vultus, số 1–2). Việc công bố Năm thánh Lòng thương xót (2015–2016) không đơn thuần là một sự kiện phụng vụ mang tính hình thức, mà là một cử chỉ ngôn sứ đầy sức lay động – mời gọi nhân loại chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa như một Người Cha đầy lòng nhân hậu, kiên nhẫn và luôn rộng mở vòng tay đón nhận những đứa con lưu lạc (x. Lc 15).
Ngài viết: “Lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, qua đó Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài như tình yêu của người cha hay người mẹ, được đánh động từ tận sâu thẳm trái tim vì yêu thương con mình” (Tông sắc Misericordiae Vultus, số 6). Từ điểm giao thoa giữa thần học và mục vụ, Đức Phanxicô kiến tạo một linh đạo mới: Linh đạo của lòng thương xót – nơi tha thứ, phục vụ và cảm thông trở thành những ngôn ngữ nền tảng cho sự hiện diện của Giáo hội trong thế giới hôm nay.
Dưới đôi tay ngài, lòng thương xót không còn là lý tưởng xa vời, nhưng trở thành những hành động cụ thể và sống động: Cải tổ giáo triều trong tinh thần phục vụ khiêm nhu, nâng đỡ những cộng đoàn nhỏ bé bị bỏ quên, không ngừng kêu mời sự tha thứ và hòa giải, và dấn thân đến tận những vùng ngoại biên, nơi con người bị tổn thương, gạt ra bên lề.
Lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mọi người, không trừ ai (x. Tông sắc Misericordiae Vultus, số 12) – đó chính là trung tâm của sứ mạng ngôn sứ nơi Đức Phanxicô: Phá đổ mọi bức tường của định kiến, mở rộng mọi biên cương của lòng người, và chữa lành bằng sự cảm thông chân thành. Trong thế giới hôm nay, ngài chính là dấu chỉ sống động của một Giáo hội không khép kín trong tháp ngà luật lệ, nhưng mở rộng cánh cửa của trái tim – để đón nhận, để tha thứ, và để yêu thương như chính Thiên Chúa hằng yêu thương.
Đức Phanxicô – Ngôn sứ của hy sinh
Giống như các ngôn sứ trong Kinh thánh, Đức Phanxicô cũng từng trải qua những hiểu lầm, chống đối và chỉ trích – không chỉ từ bên ngoài, mà cả từ chính nội bộ Giáo hội. Nhưng ngài không vì thế mà chùn bước hay thối lui. Vì như các tôi tớ của Thiên Chúa, ngài không sống để được ca ngợi, mà để trung tín với tiếng gọi sâu thẳm từ Đấng Thánh – một tiếng gọi vang vọng trong thinh lặng, nhưng đủ mạnh để nâng đỡ một đời tận hiến.
“Tôi ước mơ một “chọn lựa truyền giáo”, nghĩa là một nỗ lực truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để …. các cơ cấu của Giáo hội có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Giáo hội” (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 27). Đó không phải là một giấc mơ ngây thơ hay lãng mạn, mà là một thập giá cụ thể – thập giá của canh tân, của từ bỏ, của những cuộc chiến nội tâm giữa điều đã quen và điều cần thay đổi. Chính trong hành trình cải tổ đầy thử thách ấy, Đức Phanxicô chọn sự âm thầm thay vì phô trương, chọn lòng kiên trì thay vì phản ứng.
Ngài không đáp lại bằng quyền lực hay quyền bính, nhưng bằng hạt cải nhỏ bé – biểu tượng của lòng tin, của khiêm nhu, của đối thoại và thứ tha. Trong thông báo về sự ra đi của Đức Phanxicô, Đức Hồng y Kevin Farrell đã minh định: “Ngài đã dạy chúng ta sống các giá trị Tin mừng với lòng trung tín, can đảm và tình yêu phổ quát, đặc biệt là cho những người nghèo khổ và bị gạt ra bên lề” (Vatican News, 21/4/2025).
Trong ánh sáng của thập giá, hy sinh không còn mang dáng dấp của gánh nặng, nhưng trở thành hiến lễ tình yêu; không còn là mất mát, nhưng là hạt giống âm thầm đơm hoa kết trái giữa lòng đời. Và chính nơi đó, người ta nhận ra nơi Đức Phanxicô không chỉ là một vị giáo hoàng, mà là một ngôn sứ đích thực – của thời đại, của Giáo hội, và của lòng xót thương vô tận. Một ngôn sứ đã sống trọn vẹn điều mình rao giảng: Dâng hiến cả cuộc đời như một lời đáp trọn vẹn trước tiếng gọi của Thiên Chúa và nỗi đau của nhân loại.
Đức Phanxicô – Di sản Ngôn sứ được trao lại
Một ngôn sứ chân thật không để lại những công trình nguy nga tráng lệ, nhưng khắc sâu vào lịch sử nhân loại một dấu ấn thiêng liêng – dấu ấn của một Thiên Chúa không bao giờ im lặng trước khổ đau, bất công và tội lỗi. Đức Phanxicô, qua từng bước chân âm thầm và từng lời nói dung dị, chân thành, đã đánh thức nơi tâm hồn thế giới một vết tích thánh thiêng: để nhân loại một lần nữa biết thổn thức trước sự thật, trước tha nhân, và trước sự hiện diện âm ỉ nhưng đầy yêu thương của Thiên Chúa.
Đức Phanxicô không dựng xây một triều đại quyền lực, nhưng khai mở một hành trình hoán cải – hành trình đưa Giáo hội trở về với căn tính nguyên tuyền: một cộng đoàn lữ hành, khiêm nhu, mang trong mình dấu tích của Đấng chịu đóng đinh. Không chỉ bằng giáo huấn, nhưng bằng chính đời sống thấm nhuần Tin mừng, ngài đã trao lại cho Giáo hội một linh đạo sống động – linh đạo của sự hiện diện dịu dàng, của niềm hy vọng giữa tan vỡ, của lòng thương xót vô điều kiện, và của hy sinh đến tận cùng.
Đức Phanxicô là một dấu chỉ – dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa vẫn đang hành động trong lịch sử, vẫn đang yêu thương không ngơi nghỉ. Di sản của ngài không nằm trên những trang sách, mà được viết bằng nước mắt của cảm thông, bằng vết thương của dấn thân, và bằng những bước chân không mỏi trên hành trình tìm kiếm con người.
Và giờ đây, di sản ngôn sứ ấy được trao lại cho chúng ta – những người môn đệ đang bước đi giữa thế giới đầy biến động – để lời ngôn sứ tiếp tục được vang lên, Tin mừng tiếp tục được rao giảng, và lòng thương xót của Thiên Chúa tiếp tục được mặc lấy xác phàm, giữa trần gian.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
bài liên quan mới nhất

- Thời gian Tông tòa trống ngôi
-
Bài học từ lễ an táng của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô -
Di sản Đức Tin của vị Cha Chung đáng kính -
Tiếng chuông cầu nguyện cho Đức cố Giáo Hoàng -
Đức Thánh cha Phanxicô - “Giáo hoàng của lòng thương xót” -
Đức Thánh cha Phanxicô: Cái chết không phải là kết thúc mọi thứ, nhưng là một khởi đầu mới -
Đức Thánh Cha phê chuẩn Qui chế mới của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu -
Canvê chiều buồn -
Bài học từ những lời Chúa Giêsu nói trên Thánh Giá -
Đức Giê-su Ki-tô - Đường kiện toàn Thánh ý Thiên Chúa
bài liên quan đọc nhiều

- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
Thập giá hay Thánh Giá? -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Ánh sáng - bóng tối -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ?