Thời gian Tông tòa trống ngôi
WHĐ (27/4/2025) - Trong suốt những ngày chịu tang Đức Giáo hoàng Phanxicô, tôi nhận thấy rất nhiều người cảm nhận được Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Tôi cũng cảm thấy được an ủi này. Tạ ơn Thiên Chúa đã luôn chăm sóc Giáo hội qua bàn tay của Đức Giáo hoàng. Đức Giáo hoàng qua đời luôn là mất mát lớn lao cho Giáo hội; tuy nhiên với con mắt đức tin, đây là lúc Giáo hội bước vào một thời khắc linh thiêng đầy cảm xúc: thời gian “Sede Vacante – Tông tòa trống ngôi”. Tôi nghĩ thời gian này không chỉ Tòa Thánh Rôma, mà toàn thể Dân Chúa đang ở trong một giai đoạn của thinh lặng và chờ mong. Thinh lặng để nguyện cầu, chờ mong để xin Chúa ban cho một vị giáo hoàng mới. Trong thời gian này, con cái Giáo hội được mời gọi diễn tả đức tin trong cầu nguyện, phân định và hy vọng.
1. Hội thánh không mồ côi
Hội thánh chưa bao giờ bị bỏ rơi, vì luôn có Chúa Giêsu là trưởng tử, là đầu của Hội thánh (Ep 5,23). Lời Chúa trấn an chúng ta ngay trong lúc “Tông tòa trống ngôi”: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20). Sự ra đi của Đức Giáo hoàng Phanxicô – người kế vị thánh Phêrô – không đồng nghĩa với sự vắng mặt của Đức Kitô. Chúa Giêsu vẫn là đầu của Hội thánh, là Mục Tử nhân lành, là Đấng hướng dẫn và gìn giữ đoàn chiên. Thật vậy, Giáo hội không bao giờ mồ côi. Trong Tin mừng Gioan, Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em.” (Ga 14,18). Đành rằng nhiều người có cảm nhận Hội thánh trải qua sự mất mát như một đứa con mất cha, nhưng đây cũng là lúc cảm nghiệm sâu xa hơn sự hiện diện sống động của Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần. Lý do?
Những ngày này tôi cảm nhận sự tín nhiệm sâu xa của Thiên Chúa, khi Ngài để con người cộng tác vào những quyết định quan trọng của Hội thánh. Chẳng hạn về mặt giáo luật, thời gian “Tông tòa trống ngôi - Sede Vacante” không phải là lúc hỗn loạn mất phương hướng; ngược lại, đây là thời gian có kỷ cương và hướng dẫn rõ ràng. Bộ Giáo luật năm 1983 quy định rất cụ thể về giai đoạn này. Điều 335 của Giáo luật khẳng định: “Khi Tòa Rôma khuyết vị hoặc hoàn toàn bị cản trở, thì không được thay đổi bất cứ điều gì trong việc lãnh đạo Giáo hội phổ quát, nhưng phải tuân thủ những luật lệ đặc biệt đã được ban hành cho những hoàn cảnh ấy.” Theo đó, Hồng y Niên trưởng (trong hàng Giáo phẩm Hồng y) đảm trách việc tổ chức tang lễ, chuẩn bị Mật nghị Hồng y (Conclave) để bầu tân Giáo hoàng. Tất cả đều trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, ngay cả việc bầu Giáo hoàng mới!
2. Thời gian của cầu nguyện và phân định
Giống như cộng đoàn tín hữu sau khi Chúa Giêsu lên trời đã cùng nhau cầu nguyện, thì giờ đây, dân Chúa cũng được mời gọi cùng nhau hiệp nhất trong cầu nguyện để xin Chúa Thánh Thần ban ơn soi sáng cho các Hồng y chọn người kế vị thánh Phêrô. Thánh kinh dạy rằng: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thánh Thần cầu thay nguyện giúp chúng ta...” (Rm 8,26). Chính vì thế, trong giai đoạn Tông tòa trống ngôi, mọi tín hữu được mời gọi bước vào tâm tình cầu nguyện sâu xa, để đặt trọn niềm tin tưởng vào sự hướng dẫn của Thiên Chúa.
Dĩ nhiên tôi tin những hồng y trong Mật viện sẽ tìm ra tiếng nói chung, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tôi mạo muội đưa ra nhận xét này: “Các ngài không chỉ hướng về tương lai, mà còn hồi tưởng và biết ơn về sứ vụ của vị Giáo hoàng tiền nhiệm.” Mỗi vị Giáo hoàng đều mang nét riêng, đều để lại những dấu ấn thiêng liêng, thần học và mục vụ. Qua những thông điệp, các tông huấn, các cuộc viếng thăm, những bài giảng và cả cuộc đời dâng hiến, các ngài trở nên chứng nhân sống động cho Đức Kitô giữa lòng thế giới.
Nơi Mật viện, có lẽ các Hồng y là những người gặp Thiên Chúa một cách cá vị. Các ngài cùng nhau cầu nguyện và tuyệt đối không để tiếng nói bên ngoài lọt vào. Hơn nữa, các ngài cũng tuyệt đối không để bàn luận bên trong lọt ra ngoài. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Vì điều này, nên trong phiên họp đầu tiên, các hồng y phải tuyên thệ theo công thức: “Chúng tôi, các Hồng y của Hội Thánh Rôma, … giữ bí mật tuyệt đối về tất cả những vấn đề có liên quan dưới bất kỳ hình thức nào đến việc bầu chọn Giáo hoàng Rôma, hoặc những điều, do bản chất của chúng, đòi hỏi phải giữ bí mật trong thời gian Tông Tòa trống ngôi.”[1] (Tông Hiến Universi Dominici Gregis, số 12).
Dù không ở trong Mật viện, chúng ta – mỗi tín hữu – đều có thể góp phần “chọn” Đức Giáo hoàng mới bằng lời cầu nguyện chân thành, bằng đức tin sống động và bằng đời sống yêu thương. Bởi vì Giáo hội là thân thể, và mỗi chi thể đều góp phần làm nên sự sống. Chúng ta tha thiết xin Thiên Chúa ban cho Giáo hội một Giáo hoàng tiếp theo. Việc chọn tân Giáo hoàng không phải là chọn một người đứng đầu mang tính chính trị, nhưng là chọn một người “nắm giữ chìa khóa Nước Trời” (Mt 16,19). Vị tân Giáo hoàng sẽ là mục tử tiếp theo của toàn thể đoàn chiên trên trần gian này. Do đó, chắc chắn trong Mật nghị Hồng y, các Hồng y được hướng dẫn bởi lời cầu nguyện, bởi ánh sáng của Chúa Thánh Thần chứ không bởi toan tính chính trị hay nhân sự.
Thật đẹp khi cả Giáo hội có thể góp phần mình vào việc chọn tân Giáo hoàng – không bằng lá phiếu, mà bằng lời cầu nguyện. Những lời kinh âm thầm từ khắp các nẻo đường thế giới là sức mạnh tinh thần nâng đỡ các Hồng y. Hiểu theo nghĩa này, đây là thời gian của hiệp hành trong đức tin. Dân Chúa bước đi với nhau trong đức tin, cậy trông và yêu mến. Chính trong những lúc chờ đợi ấy, Hội Thánh cảm nghiệm sâu sắc hơn tình hiệp thông – từ những Hồng y đang nhóm họp tại Vatican, đến những giáo dân nơi những vùng quê xa xôi – tất cả đều nối kết trong một thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.
3. Đức tin trong tín thác
Những ngày này, mọi ánh mắt trong Giáo hội và thế giới đều hướng về Mật viện. Nhất là giới truyền thông, rất nhiều ống kính hướng về nhà nguyện Sistine, nơi các Hồng y cử tri đang quy tụ trong thinh lặng, cầu nguyện và phân định để bầu chọn vị kế nhiệm thánh Phêrô. Thế nhưng, không phải ai cũng biết rằng việc tham dự Mật nghị không chỉ là một vinh dự, mà là một bổn phận nghiêm trang, linh thánh và đầy tính trách nhiệm, được gắn liền với lời tuyên thệ long trọng trước Thiên Chúa và Hội Thánh.
Khi viết bài này, tôi được đọc lại Tông Hiến Universi Dominici Gregis[2]. Trong đó, tài liệu hướng dẫn rất chi tiết về việc Tông tòa trống ngôi và cuộc bầu chọn Giáo Hoàng Rôma. Có lẽ cao trào nhất đối với tôi là những lời mỗi Hồng y cử tri tuyên thệ trước khi bước vào Mật viện:
“Chúng tôi, các Hồng y cử tri hiện diện trong cuộc bầu chọn Giáo hoàng này, hứa, cam kết và tuyên thệ, với tư cách cá nhân và tập thể, sẽ trung thành và nghiêm ngặt tuân giữ các quy định trong Tông hiến Universi Dominici Gregis của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, được công bố ngày 22 tháng 2 năm 1996. Chúng tôi cũng hứa, cam kết và tuyên thệ rằng bất kỳ ai trong chúng tôi, theo sự sắp đặt của Thiên Chúa, được bầu làm Giáo hoàng Rôma, sẽ cam kết trung thành thi hành sứ vụ Phêrô trong vai trò Mục tử của Giáo hội hoàn vũ, và sẽ không ngừng khẳng định và bảo vệ cách mạnh mẽ các quyền thiêng liêng và thế tục cũng như sự tự do của Tòa Thánh. Cách đặc biệt, chúng tôi hứa và tuyên thệ sẽ giữ bí mật nghiêm ngặt với mọi người, dù là giáo sĩ hay giáo dân, về tất cả những gì liên quan đến việc bầu chọn Giáo hoàng Rôma và những gì diễn ra tại nơi bầu chọn, trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến kết quả bỏ phiếu; chúng tôi hứa và tuyên thệ sẽ không tiết lộ bí mật này dưới bất kỳ hình thức nào, trong suốt hoặc sau cuộc bầu chọn Giáo hoàng mới, trừ khi có sự cho phép rõ ràng của chính vị Giáo hoàng đó; và không bao giờ ủng hộ hay tạo điều kiện cho bất kỳ sự can thiệp, chống đối hoặc bất kỳ hình thức can thiệp nào khác, do các thế quyền thuộc bất kỳ trật tự hay cấp bậc nào, hoặc do bất kỳ nhóm người hay cá nhân nào muốn can thiệp vào cuộc bầu chọn Giáo hoàng Rôma.” (Universi Dominici Gregis số 53).
Sau đó, từng Hồng y cử tri, theo thứ tự ưu tiên, sẽ tuyên thệ theo công thức sau đây:
“Và tôi, T…, Hồng y T…., hứa, cam kết và tuyên thệ như vậy. Khi đặt tay trên các sách Tin mừng, ngài sẽ nói thêm: Nguyện xin Thiên Chúa và các sách Tin mừng tôi đặt tay đây, giúp sức cho tôi.”
Những lời tuyên thệ trên không chỉ là một nghi thức pháp lý, mà là một hành vi đức tin, một hành vi tín thác tuyệt đối vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Việc bầu Giáo hoàng chắc chắn không phải là bầu cử chính trị, nhưng là một tiến trình thiêng liêng trong cầu nguyện, phân định và phụng sự Thiên Chúa. Các ngài đều ý thức rằng mình bầu chọn bằng cả lương tâm và trái tim, dưới ánh sáng của Chúa. Do đó, trong sự thinh lặng của Mật viện, có một tiếng nói không thể bị ngăn cản: tiếng thì thầm của Chúa Thánh Thần. Chính Ngài đang hoạt động trong tâm hồn các Hồng y, làm việc trong những cuộc trao đổi, trong từng giờ chầu, trong từng lời kinh, và cả trong chính hành vi bầu chọn. Thiên Chúa không vắng mặt. Ngài đang hành động mạnh mẽ trong thinh lặng.
Càng chiêm ngắm giai đoạn này, tôi càng cảm nhận đây là thời gian linh thánh của toàn thể Hội thánh, nơi trách nhiệm của con người gặp gỡ sự quan phòng của Thiên Chúa. Đây không chỉ là thời khắc lịch sử, mà là một biến cố thần học sống động, nơi Hội thánh tuyên xưng đức tin của mình: Thiên Chúa vẫn đang hiện diện, hướng dẫn và chăm sóc đoàn chiên của Ngài.
Tạm kết
Giữa lúc thế giới xao động, Giáo hội vẫn tiến bước. Giữa lúc vắng bóng người cha hữu hình, Hội thánh vẫn ở trong vòng tay Cha trên trời. Giữa lúc chờ mong Giáo hoàng mới, chúng ta vẫn cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa. Và giữa sự hồi hộp ai là vị Giáo hoàng tiếp theo, chúng ta tin rằng Thiên Chúa luôn biết cách chăm sóc Giáo hội một cách tốt nhất.
Và khi tiếng “Chúng ta đã có giáo hoàng - Habemus Papam!” vang lên từ ban công Đền Thờ Thánh Phêrô, thì đó không chỉ là một tuyên bố – mà là một lời tuyên bố rằng: Chúa vẫn đang dẫn dắt Hội thánh Ngài, và chúng ta không bao giờ lạc lõng.
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
-------
[1] Tông Hiến Universi Dominici Gregis Về Việc Tông Tòa Trống Ngôi Và Cuộc Bầu Chọn Giáo Hoàng Rôma Ngày 22/02/1996, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-hien-universi-dominici-gregis-ve-viec-tong-toa-trong-ngoi-va-cuoc-bau-chon-giao-hoang-roma-ngay-22021996
[2] Bản tiếng Việt Nam: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-hien-universi-dominici-gregis-ve-viec-tong-toa-trong-ngoi-va-cuoc-bau-chon-giao-hoang-roma-ngay-22021996
bài liên quan mới nhất

- Đức Phanxicô – Ngôn sứ cho thời đại mới
-
Bài học từ lễ an táng của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô -
Di sản Đức Tin của vị Cha Chung đáng kính -
Tiếng chuông cầu nguyện cho Đức cố Giáo Hoàng -
Đức Thánh cha Phanxicô - “Giáo hoàng của lòng thương xót” -
Đức Thánh cha Phanxicô: Cái chết không phải là kết thúc mọi thứ, nhưng là một khởi đầu mới -
Đức Thánh Cha phê chuẩn Qui chế mới của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu -
Canvê chiều buồn -
Bài học từ những lời Chúa Giêsu nói trên Thánh Giá -
Đức Giê-su Ki-tô - Đường kiện toàn Thánh ý Thiên Chúa
bài liên quan đọc nhiều

- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
Thập giá hay Thánh Giá? -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Ánh sáng - bóng tối -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ?