Ánh sáng - bóng tối

Ánh sáng - bóng tối

Ánh sáng và bóng tối là hai thực tại đối lập nhau và không thể dung hòa. Nơi nào có ánh sáng mạnh mẽ hơn thì bóng tối phải tan đi; ở đâu có bóng đêm bao phủ thì ánh sáng phải nhường chỗ. Con người sống ở đời là một cuộc giằng co giữa ánh sáng và bóng tối. Cuộc giằng co này nghiệt ngã, liên lỉ và trải dài suốt cuộc đời. Vì thế, họ phải luôn cố gắng để thoát khỏi tối tăm của đam mê, tội lỗi, và vươn tới ánh sáng của tự do, thánh thiện.

Tác giả sách Sáng thế nói với chúng ta, hành vi sáng tạo đầu tiên của Thiên Chúa là “tách ánh sáng ra khỏi bóng tối” (x St 1,3). Trước đó, vũ trụ là một mớ hỗn mang, lộn xộn giữa ánh sáng và bóng tối. Như thế, cuộc sáng tạo khởi đầu với việc làm cho ánh sáng biệt lập khỏi tối tăm. Sau khi phân rẽ ánh sáng khỏi bóng tối, chính Thiên Chúa cho thụ tạo đầu tiên một cái tên, đó là “ngày”, để phân biệt với bóng tối là “đêm”.

Trong thế giới tự nhiên, mặt trời là nguyên lý phát ra ánh sáng và chiếu rọi vào vũ trụ. Lúc phần nửa trái đất được ánh mặt trời chiếu rọi, thì đó là ban ngày, còn nửa kia là ban đêm. Khi không được mặt trời soi chiếu, trái đất chìm vào bóng đêm, vừa tối tăm vừa lạnh lẽo. Nhờ ánh sáng mặt trời mà trái đất được sưởi ấm. Cũng nhờ ánh sáng mặt trời mà sự sống tồn tại. Con người cũng như muôn loài động vật, cỏ cây sống được là nhờ có ánh sáng mặt trời. Khái niệm về ánh sáng không dừng lại trong thế giới tự nhiên. Ánh sáng - bóng tối là một cặp từ tượng trưng cho nhiều lãnh vực của cuộc sống: thánh thiện - tội lỗi; hòa thuận - chia rẽ; yêu thương - hận thù; trí tuệ - hoang sơ…

Cách nay hơn hai ngàn năm, Ánh Sáng Vĩnh Cửu là Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian. Người là Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Người mang thân phận con người như mỗi chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngày 25 tháng 12, xưa kia là lễ kính Thần Mặt Trời của dân ngoại, đã được Giáo Hội Kitô giáo chọn làm ngày sinh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu quả thực là Mặt Trời Công Chính. Ngài xuất hiện để báo hiệu đêm đã tàn và ngày mới khởi đầu. Người sinh hạ giữa đêm đen của mùa đông giá lạnh. Thời điểm sinh hạ của Chúa Giêsu có ý nghĩa tượng trưng: Nửa đêm là lúc “giao thừa”, lúc chuyển giao giữa cái cũ và cái mới. Đó là lúc một ngày mới bắt đầu và ngày cũ chấm dứt. Chúa Giêsu là trung tâm của lịch sử. Người khai mở một thời đại mới, tức là thời của Đấng Thiên sai, thời của an bình và ân sủng, là thời muôn dân đang mong đợi. Người như ánh sáng bừng lên giữa đêm đen, đẩy lùi bóng tối và soi sáng cho nhân loại đang bước đi trong tội lỗi lầm lạc. Trước khi Chúa Giêsu sinh hạ bảy thế kỷ, ngôn sứ Isaia đã thấy trước vẻ huy hoàng này và đã viết:“Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1). “Đêm” cũng là hình ảnh tượng trưng cho quyền lực của ma quỷ và sự dữ, là thời điểm của những hành vi ám muội xấu xa. Chúa Giêsu là ánh sáng phá tan đêm đen và quyền lực của Satan, chiến thắng sự ác. Sau này, qua những lời giảng dạy và phép lạ, Chúa Giêsu đã chứng minh điều ấy. Người đi đến đâu là những ơn lành được ban phát, ma quỷ bị xua đuổi, bệnh tật phải tan biến. Hai mươi thế kỷ qua, giáo huấn của Giêsu đã dẫn đưa biết bao người lầm lạc về chính lộ, giúp cho họ phục thiện và nên thánh. Những người được ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi, can đảm bước ra khỏi bóng tối, đoạn tuyệt với quá khứ lầm lạc để làm lại cuộc đời. Nhờ đón nhận Chúa Giêsu, họ đã đạt tới chân trời hạnh phúc và lãnh phần thưởng Chúa dành cho những ai kiên tâm bền chí, một dạ trung thành.

Trong lời giáo huấn, Chúa Giêsu khẳng định Người là ánh sáng thế gian, và ai theo Người không còn đi trong tối tăm (x. Ga 8,12). Những người đón nhận và thực thi giáo huấn của Chúa được gọi là “con cái ánh sáng”. Qua hành vi và đời sống của họ, ánh sáng của Chân lý được diễn đạt và chiếu tỏa trong môi trường cuộc sống. Đây không phải là ánh sáng trong thế giới tự nhiên giống như ánh sáng mặt trời, nhưng là ánh sáng của sự thánh thiện, của tình bác ái và bao dung nhân hiền. Qua ngôn sứ Isaia trong Cựu ước, Thiên Chúa đã khẳng định, khi một người thực thi công bình, giúp đỡ người nghèo khổ cơ nhỡ, thì ánh sáng của họ sẽ bừng lên như rạng đông và Thiên Chúa sẽ chữa họ lành các vết thương do tội lỗi gây nên (x. Is 58,6-8).

Hành động sáng tạo của Thiên Chúa “tách ánh sáng ra khỏi bóng tối” ngay ở đầu của lịch sử, ngày hôm nay vẫn còn đang tiếp tục để dẫn đưa công trình tạo dựng tới hoàn thiện. Thiên Chúa luôn hoạt động để ánh sáng tách ra khỏi bóng tối, sự thánh thiện tách ra khỏi tội lỗi, sự hiệp nhất tách ra khỏi hận thù. Con người được mời gọi cộng tác với ơn Chúa để tiếp nối hành vi sáng tạo này, để gạn đục khơi trong, đẩy lùi tối tăm mù mịt, cổ võ ánh quang huy hoàng.

Nếu Thiên Chúa không ngừng tách ánh sáng ra khỏi bóng tối, thì con người lại muốn đi ngược lại chương trình của Ngài, tức là làm cho ánh sáng và bóng tối hòa trộn với nhau, vì con người theo khuynh hướng tự nhiên thích tối tăm hơn ánh sáng. Nếu lịch sử ghi nhận đông đảo những người đã tiếp nhận ánh sáng vĩnh cửu, thì thực tế cũng chứng minh có nhiều người đã khước từ ánh sáng. Tác giả Tin Mừng Thánh Gioan đã nhận định một thực tế tồn tại trong mọi thế hệ: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,9-11). Cũng chính tác giả này đã khẳng định: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình, thì ở lại trong ánh sáng và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm” (1 Ga 2, 9-10). Theo tác giả, ánh sáng đồng nghĩa với yêu thương; tối tăm có tên gọi khác là ghen ghét. Tiến trình nên hoàn thiện là cuộc chiến đấu suốt đời để khước từ bóng tối, tiếp nhận ánh sáng trong cuộc đời.

“Hôm nay, muôn dân đã được thấy ánh sáng. Hôm nay, Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Thánh ca). Mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta cùng tôn vinh Đức Giêsu là ánh sáng trần gian, đồng thời cố gắng sống theo sự sáng như lời Người truyền dạy. Sống theo ánh sáng trước hết là cố gắng nên hoàn thiện trong đời sống đạo đức cá nhân, đồng thời mỗi chúng ta còn được mời gọi cộng tác phần mình làm cho ánh sáng của Chúa lan tỏa trong mọi môi trường của cuộc sống. Đó là cổ võ nhân ái thay cho bất công, cổ võ hiệp nhất thay cho chia rẽ, cổ võ phát triển trí thức thay cho lối sống mông muội,

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng dẫn lối con đi” (Tv 119,105). Người tín hữu sống trong cuộc đời không chỉ theo sự hướng dẫn của lý trí hay của sự khôn ngoan theo kiểu người đời, mà là sự soi sáng của Lời Chúa. Nhờ Lời Chúa mà họ biết cách ăn nết ở, đối nhân xử thế và sống như con cái ánh sáng. Khi chuyên tâm thực hiện Lời Chúa, chắn chắn chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc giao tranh khốc liệt giữa ánh sáng và bóng tối nơi cuộc sống trần gian.

Top