Đức tin vào Đấng Phục Sinh ẩn mình
WHĐ (05/5/2025) – Nếu các sách Tin Mừng được dựng lên để bán một câu chuyện mà các tác giả không tin, thì các sách Tin Mừng đã không được viết theo cách mà chúng ta đang thấy.
Một trong những chứng cứ nội tại mạnh mẽ nhất xác nhận rằng các sách Tin Mừng là những bản trình thuật lịch sử, đó là sự trung thực hoàn toàn của các tác giả khi đưa vào những chi tiết mà bất cứ chuyên gia quan hệ công chúng nào cũng sẽ tránh xa. Nếu những câu chuyện ấy được dàn dựng nhằm bán một câu chuyện mà chính các tác giả không tin, thì chắc chắn các sách Tin Mừng đã không được viết theo cách mà chúng ta đang thấy.
Hãy lấy ví dụ về những người theo sát Chúa Giêsu nhất - các môn đệ, hay nhóm Mười hai. Những người này, mà các thính giả hay độc giả đầu tiên đều biết rõ họ là ai, là những người đứng đầu của nhánh tôn giáo mới này, vốn phát sinh từ Do Thái giáo. Thế nhưng, nhóm Mười hai môn đệ này không hề được khắc họa như những nhân vật anh hùng, đặc biệt khôn ngoan hoặc ngay cả là đạo đức hơn người. Rất nhiều câu chuyện mô tả họ không tin vào chính người mà họ đang theo, không hiểu điều Ngài đang muốn nói, và không đi theo con đường mà Ngài đã chọn. Chúa Giêsu nhiều lần gọi nhóm Mười hai là “những kẻ kém lòng tin” (Mt 6: 30), gọi Phêrô, người lãnh đạo nhóm, là “Satan, lui lại đàng sau Thầy” (Mc 8: 33), và khiển trách hai anh em Giacôbê và Gioan vì họ mải mê tranh giành “một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy” trong phẩm trật Nước Trời (Mc 10: 37). À, và có một người trong số họ đã phản bội Ngài chỉ vì ba mươi đồng bạc: “Giuđa Ítcariốt, một người trong Nhóm Mười Hai, đi gặp các thượng tế để nộp Ngài cho họ” (Mc 14: 10).
Người ta có thể nói rằng: “Với những người bạn như thế này, thì chẳng cần đến nhóm Pharisêu và Sađốc (chống đối) làm chi?”
Ngay cả khi biện minh rằng những hình ảnh này được dùng để làm nổi bật sự thánh thiện duy nhất của Chúa Giêsu và cho thấy sự nhỏ bé của những ai nhận ra vinh quang của Ngài, thì vẫn còn nhiều phần khác trong Tin Mừng mắc phải “vấn đề quá nhiều thông tin”. Các sách Tin Mừng chứa đựng quá nhiều chi tiết đến mức không thể nào là do những người đang cố thuyết phục người khác về một điều mà họ không tin tưởng và bịa ra. Mùa Phục Sinh chính là thời điểm mà sự thật ấy nói thẳng vào chúng ta.
Trong các trình thuật về sự Phục Sinh, một tác giả tuyên truyền giỏi lẽ ra phải nhấn mạnh đến tính thuyết phục của toàn bộ sự kiện Phục Sinh. Ông ta phải kể rằng những người theo Chúa Giêsu đã biết chắc cái chết của Ngài sẽ không phải là dấu chấm hết - vì họ đã ghi nhớ lời Ngài, hoặc vì họ ráp nối được các lời tiên tri, hoặc bằng cách nói rằng chính những người đã gặp được Chúa Phục Sinh đã kể lại những lần gặp gỡ ấy, như thế nghe mới có vẻ thuyết phục thật sự. Hay ít nhất cũng là điều gì đó tương tự.
Nhưng lại không phải thế.
Thay vào đó chúng ta thấy gì? Ai cũng biết về Tôma - người không tin, ngay cả khi các môn đệ khác đã kể rằng họ đã thấy Chúa hiện ra. Thật đáng buồn, suốt hai nghìn năm qua ông đã phải mang tiếng là Tôma cứng lòng: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20: 27). Nhưng phải nói rằng, Tôma không phải là người duy nhất thể hiện sự hoài nghi đến mức “gai góc” vào ngày thứ ba ấy.
Trong Tin Mừng Máccô, mà nhiều học giả cho là được viết sớm nhất, dù bạn không nhất thiết phải tin điều đó, Maria Mađalêna gặp Chúa, tin vào Ngài và kể lại cho các môn đệ. Nhưng “nghe bà nói Ngài đang sống và bà đã thấy Ngài, các ông vẫn không tin” (Mc 16,11). Khi hai người môn đệ khác thấy Chúa Phục Sinh trên đường về Emmau và thuật lại cho những người còn lại, kết quả vẫn là: “Các ông ấy cũng không tin hai người” (Mc 16,13). Và khi Chúa Giêsu hiện ra với nhóm Mười Một, “Ngài khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Ngài sau khi Ngài trỗi dậy” (Mc 16,14).
Mẫu chuyện tương tự cũng diễn ra trong Tin Mừng Luca. Những lời báo tin đầu tiên về ngôi mộ trống bị coi là “chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin” (Lc 24,11). Ngay cả khi Chúa hiện ra với các môn đệ thân tín nhất, chúng ta vẫn thấy “các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24,37). Ngay cả khi Chúa đưa tay chân cho họ xem để chứng minh Ngài không phải là ma, Luca vẫn ghi rằng “Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng” (Lc 24,41).
Đó mới là phần đầu của câu chuyện. Trong tất cả các sách Tin Mừng, cuối cùng các môn đệ cũng tin, dù đôi khi họ cần được chính Chúa Giêsu dạy dỗ thêm, hoặc như trong trường hợp của Tôma, cần tận mắt nhìn rồi chạm vào các vết thương ở tay và ở cạnh sườn Chúa Giêsu.
Nhưng điều đáng chú ý là sự không tin ấy lại được ghi lại. Đấng đã từng nói với Êlia qua “tiếng gió hiu hiu” thay vì qua động đất hay lửa dữ (1 V 19: 11-12), nay cũng mặc khải sự Phục Sinh của mình cho từng người hay cho những nhóm nhỏ, và thường là dưới một hình thức khiến người ta không nhận ra ngay. Cuộc gặp gỡ của Maria Mađalêna bắt đầu bằng việc bà “tưởng Ngài là người làm vườn” (Ga 20: 15). Ngay cả lần hiện ra kỳ diệu “trên bãi biển” cũng bắt đầu xảy ra vào ban đêm - và kết thúc bằng… một lời gợi ý về cách thả lưới cá sao cho có hiệu quả hơn: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá” (Ga 21: 4-6).
Có lẽ chi tiết “quá thật thà” gây kinh ngạc nhất là trong Tin Mừng theo Mátthêu, khi tác giả dẫn đến đoạn kết cao trào. Chúa Giêsu đã hẹn gặp toàn bộ nhóm Mười Một môn đệ của mình trên một ngọn núi ở Galilê. Mátthêu kể, “Khi thấy Ngài, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28,17).
Một lần nữa, đây là điều mà một tác giả tuyên truyền giỏi hay một công ty quan hệ công chúng (PR) chuyên nghiệp không bao giờ khuyên sử dụng nếu muốn thuyết phục người khác. Một kịch bản như thế này chắc chắn sẽ bị trả lại để viết lại từ đầu. Điều này khiến người ta có lý do để tin rằng các tác giả Tin Mừng thật sự tin vào điều họ viết. Và nếu những gì họ nói là sự thật, thì việc tin vào điều đó là hoàn toàn hợp lý, và điều đó nói lên một điều rất quan trọng về cách thức niềm tin được hình thành như thế nào.
Ngôn sứ Isaia từng nói: “Lạy Thiên Chúa của Israel, lạy Đấng Cứu Độ, Ngài quả thật là Thiên Chúa ẩn mình” (Is 45,15). Người ta vẫn thường nói: “Việc Thiên Chúa hành động nhưng lại muốn giấu tên là việc tương hợp với nhau.” Có thể nói rằng ngay cả trong một sự kiện dường như không thể là trùng hợp ngẫu nhiên, thì Thiên Chúa vẫn không nhất thiết phải tỏ mình ra cho tất cả mọi người, cũng không tỏ mình theo cách khiến người ta không thể không tin. Ngay cả những việc kỳ diệu nhất của Ngài cũng thường khó hiểu một chút. Đó có phải là tiếng sấm mà người ta nghe thấy khi Chúa chịu phép rửa không? Hay đó là một tiếng nói nào đó? Đó có phải là Tiếng Nói Từ Trời không? (Mt 3:13-17; Mc 1:9-11; Lc 3: 22).
Tại sao Thiên Chúa lại như thế? Tại sao ngay cả việc Phục Sinh cũng không được thực hiện một cách công khai rầm rộ, để không ai có thể phủ nhận? Chúng ta tự hỏi về chính cuộc đời mình: tại sao Đấng Phục Sinh lại không hiện ra trong đời sống cá nhân của tôi? Nếu Chúa Kitô đã sống lại và mọi sự đã được đổi mới, thì tại sao điều đó không rõ ràng với tôi? Tại sao mọi thứ vẫn khó khăn như vậy?
Câu trả lời, xem ra, đó là Thiên Chúa đang thử thách lòng dạ chúng ta. Liệu chúng ta có tin Ngài hay không? Chúa Kitô đã Phục Sinh, nhưng Ngài vẫn là Thiên Chúa ẩn mình, đang thử thách đức tin của chúng ta. Liệu chúng ta có đủ can đảm để tin và kiên vững khi những người khác vẫn nghi ngờ không? Liệu chúng ta có trung tín khi những người khác không đón nhận lời chứng của mình không? Liệu chúng ta có dám lên núi gặp Ngài không?
Thánh John Henry Newman đã viết:
“Đức tin hài lòng với chỉ một chút ánh sáng để khởi đầu cuộc hành trình, rồi làm cho ánh sáng ấy lớn lên bằng cách hành động theo đức tin đó; đức tin cũng đọc được sứ điệp của chân lý với mọi chi tiết của nó, trong ánh sáng như thể lúc chạng vạng”.
Chúa Kitô đã sống lại. Sự Phục Sinh là một phép lạ vinh quang. Thế giới đã vĩnh viễn đổi thay. Nhưng thực tại của Chúa Kitô Phục Sinh chỉ được nhận ra nhờ đức tin.
Chúa Phục Sinh vẫn đang hiện diện giữa chúng ta - trọn vẹn với Thân xác, Máu, Linh hồn và Thiên tính của Ngài. Nhưng một lần nữa Ngài lại ẩn mình, lần này dưới hình thức bánh và rượu. Cũng như trong bốn mươi ngày trước khi về trời, vẫn có nhiều người nghi ngờ rằng không biết đó có thật là Ngài không.
Đó chính là Ngài.
Nhưng làm sao chúng ta biết được? Cũng giống như cách mà các môn đệ đã nhận ra Ngài trong khu vườn (Ga 20: 15), trong phòng Tiệc ly (Ga 20: 19), và trên đỉnh núi (Mt 28: 16). Thánh Tôma Aquinô trả lời câu hỏi ấy trong bài thánh thi tuyệt vời cho lễ Mình Máu Thánh Chúa - Corpus Christi, “Pange Lingua”: Sola fides sufficit - chỉ đức tin là đủ để thấy được Chúa Phục Sinh.
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: catholicworldreport.com (25/4/2025)
bài liên quan mới nhất

- Đức Giáo hoàng – Món quà của Thiên Chúa ban cho Hội thánh
-
Những Hạt Giống Hy Vọng… Cha đã ươm trồng -
Đức Giáo hoàng và bức ảnh Đức Mẹ Salus Populi Romani, tình yêu của người con dành cho Mẹ -
Đức Phanxicô – Ngôn sứ cho thời đại mới -
Thời gian Tông tòa trống ngôi -
Bài học từ lễ an táng của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô -
Di sản Đức Tin của vị Cha Chung đáng kính -
Tiếng chuông cầu nguyện cho Đức cố Giáo Hoàng -
Đức Thánh cha Phanxicô - “Giáo hoàng của lòng thương xót” -
Đức Thánh cha Phanxicô: Cái chết không phải là kết thúc mọi thứ, nhưng là một khởi đầu mới
bài liên quan đọc nhiều

- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
Thập giá hay Thánh Giá? -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Ánh sáng - bóng tối -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ?