Thập giá hay Thánh Giá?
Blog WGPSG -- Bạn gọi điện từ nước ngoài về, góp ý cho bài viết “Cây đổ” của mình. Bạn nói: tớ thấy hơi nghi ngại về thần học đối với câu “thập giá Đức Kitô đong đưa làm dáng trên đôi tai xinh”. Bạn cho rằng cái “đong đưa làm dáng trên đôi tai xinh” kia chỉ là thập giá, một món trang sức, chứ không phải là Thập giá Đức Kitô!
Mình và Bạn đã tranh luận hơn một giờ đồng hồ về “thập giá” và “Thập giá Đức Kitô - Thánh Giá”.
Mình lý luận: Tại sao người ta lại dùng “thập giá” như một thứ trang sức?
Thập giá vốn là một loại nhục hình dùng để bêu riếu và xử tử tù nhân cách nhục nhã. Thập giá có một lịch sử khá dài, gắn liền với lịch sử của đế quốc Roma. Nhà cầm quyền La Mã đã sử dụng khổ hình thập tự giá để răn đe dân các nước thuộc địa, và chắc hẳn thời ấy chẳng mấy ai dám nghĩ đến việc dùng thập giá làm đồ trang sức, nếu không nói rằng mọi người đều sợ hãi và tránh đề cập đến chúng.
Vậy thì điều gì đã khiến một biểu tượng khổ hình trở nên món trang sức? Thưa rằng chính sự kiện một người mang tên Giêsu đã chết treo trên thập giá cách đây hơn 2000 năm!
Chỉ từ khi biến cố này, thập giá (với ảnh Chúa Giêsu treo trên đó) mới được xem như một biểu tượng tôn giáo, đáng yêu và dễ thương. Thập giá Đức Kitô đã trở thành biểu tượng của Kitô giáo, biểu tượng mà người Kitô hữu lấy làm hãnh diện và tự hào được mang trên mình, được ghi trên mình. Một số người ngoài Kitô giáo (tài tử, ca sĩ, nghệ sĩ…) lại dùng thập giá như một món trang sức.
Đã là biểu tượng, thì ý nghĩa của thập giá cũng có thể biến thiên, thay đổi ý nghĩa theo dòng thời gian!
Trước tiên, thập giá chỉ về sự độc ác mà con người dành cho nhau, làm khổ nhau, trừng phạt nhau. Người ta gọi là thập ác!
Kế đến, từ khi Đức Giêsu “ngự” trên thập giá, thì thập giá trở thành biểu tượng phổ biến trong thế giới Kitô giáo: nhìn thấy Thập Giá (dù có hay không có chân dung Đức Kitô) người ta cũng liên tưởng ngay đến Kitô giáo, đến các Kitô hữu (dù không phải ai mang hình ảnh cây thập giá trên mình cũng đều là người có niềm tin vào Đức Kitô).
Sau cùng, hình tượng thập giá trở nên biểu trưng độc đáo của Kitô giáo, đến nỗi người Hồi giáo đã yêu cầu Hội Chữ thập đỏ thay thế biểu tượng hình chữ thập đỏ bằng hình lưỡi liềm đỏ, bởi lẽ các quốc gia Hồi giáo đều cho rằng: “biểu tượng Chữ thập đỏ là dấu hiệu của cuộc thập tự chinh từ phương Tây.” (*)
Như thế, vô hình trung, thập giá – chữ thập – hay một hình ảnh nào đó mang dáng dấp thập giá đều khiến người ta nghĩ ngay đến Kitô giáo. Ảnh hưởng của Thập giá Đức Kitô thật sâu đậm trên lịch sử các quốc gia Châu Âu, thế mà giờ đây người ta lại nhân danh quyền tự do tôn giáo đề ra luật cấm Kitô hữu mang hay sử dụng biểu tượng Thánh Giá tại những nơi công cộng (để tạo “sân chơi” bình đẳng cho các tôn giáo khác???). Phải chăng vì muốn đóng khung tôn giáo trong nhà thờ và hạn chế ảnh hưởng của Kitô giáo trên đời sống xã hội, thì không cách nào hơn là tìm cách xóa biểu tượng của chính Kitô giáo: Cây Thánh Giá?!
Thế nhưng, Thánh Giá vẫn hiện diện và “ngất cao ở trên thế gian này”.
Thánh Giá nơi nghĩa trang, được dựng trên các ngôi mộ nói lên niềm hy vọng về cõi phúc vĩnh cửu sau cái chết.
Thánh Giá được Kitô hữu “vẽ” làm dấu trên cơ thể mỗi khi bắt đầu một công việc, một nghi thức phụng tự, một cuộc hội họp tôn giáo, như là lời tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô, như thể nói với nhau: chúng ta hội họp nơi đây là nhân danh Đức Kitô, Đấng đang quy tụ mọi người!
Thánh Giá là dấu ghi khắc trong tâm khảm người môn đệ Chúa Kitô: dù rằng khi ghi hình Thánh Giá trên cơ thể (trên trán, trên ngực và hai vai) xong thì chẳng còn nhìn thấy bằng mắt thịt hình ảnh Thánh Giá đó nữa, nhưng khi ấy tâm lòng của người thực hiện đã được đóng ấn Thánh Giá, và Thánh Giá trong tâm có thể đồng hành với họ trong mọi sinh hoạt, lời nói và hành động.
Bởi đâu Kitô hữu tự hào, tôn sùng và tuyên xưng niềm tin vào Thánh Giá?
Nghi thức phụng vụ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh cho chúng ta thấu hiểu việc tôn sùng Thánh Giá là chính đáng, bởi chính Đức Kitô, vì yêu thương và để cứu độ chúng ta, đã tự hiến thân mình đền tội thay cho nhân loại và đã chết trên thập giá. Giáo hội Công giáo đã hân hoan ngợi ca trong ngày này: Đây là cây Thánh Giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian – Chúng ta hãy đến thờ lạy!
Tình yêu tự hiến chiều Tử Nạn được tiếp nối bằng tình yêu chiến thắng đêm Vọng Phục Sinh, mà Giáo hội đã long trọng cử hành trong nghi thức kiệu nến Phục Sinh. Trên cây nến Phục Sinh cũng được ghi khắc hình ảnh Thánh Giá.
Cũng cùng một cây Thánh Giá chiều thứ Sáu Đấng cứu độ chịu chết treo, giờ đây được ghi khắc trên nến Phục Sinh, để cây Thánh Giá mang một ý nghĩa mới: Đấng đã chết vì nhân loại, nay đã sống lại cũng vì nhân loại, để loài người được bước đi trong ánh sáng thần linh bất diệt và bước vào đời sống mới và vĩnh cửu là chính Thiên Chúa!
Có thể Bạn còn chưa đồng thuận hoàn toàn với câu: “thập giá Đức Kitô đong đưa trên đôi tai xinh”, nhưng mình vẫn tâm đắc với ý tưởng đã viết: Sở dĩ thập giá vẫn đong đưa trên đôi tai xinh, bởi vì thập giá, dù chỉ để trang sức thôi, vốn xuất phát từ hình ảnh Thập giá mà năm xưa Đức Kitô đã từng chịu đóng đinh!
Dù thời gian tranh luận với Bạn khá dài, nhưng tình bạn chúng ta ắt hẳn không hề suy suyển mà lại được củng cố vững bền hơn, bởi chúng ta yêu mến cùng một Đức Kitô đã chịu khổ hình Thập giá và đang sống giữa chúng ta, phải không Bạn nhỉ?
Cám ơn Bạn đã cùng tôi chia sẻ, trao đổi về một dấu chỉ trọng yếu của Kitô giáo. Nhờ câu hỏi của Bạn mà tôi đã có thời gian để đào sâu hơn về mầu nhiệm quan trọng bậc nhất của Kitô giáo: mầu nhiệm Tử Nạn - Phục Sinh của Đức Kitô. Tôi đã hiểu nhiều hơn về dấu chỉ Thập giá Đức Kitô, tôi càng yêu mến hơn Thánh Giá cứu chuộc của Ngài, để mỗi khi làm dấu Thánh Giá trên mình, tôi nhớ đến Thầy, nhớ đến Bạn và nhớ đến những người không cùng niềm tin với tôi. Thế nhưng, chắc Bạn cũng đồng ý với tôi rằng: Thánh Giá Đức Kitô vẫn là một huyền nhiệm không thể hiểu thấu, bởi lẽ thập giá là "điều người Do Thái cho là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ" (1 Cr 1,22).
-------------------------------
(*) Xem thêm: Biểu tượng mới của Hội Chữ thập đỏ.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã có biểu tượng riêng của mình: "Biểu trưng mới của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được thiết kế với 2 màu: màu đỏ và màu xanh sẫm. Trung tâm Biểu trưng là Biểu tượng Chữ thập đỏ. Hình Chữ thập màu đỏ được hình thành bởi 5 hình vuông có kích thước bằng nhau trình bày trên nền trắng đồng nhất. Bao quanh Biểu tượng Chữ thập đỏ là 2 vòng tròn đồng tâm. Ở giữa 2 vòng tròn là 2 cành tre cách điệu, phía trên có dòng chữ “Chữ thập đỏ” và phía dưới có dòng chữ “Việt Nam”. Cành tre và dòng chữ có cùng màu xanh đậm và đối xứng qua tâm Biểu tượng Chữ thập đỏ."
bài liên quan mới nhất
- Nếu 2+2=4, vậy Thiên Chúa hiện hữu
-
Hãy cầm và đọc - Cổ võ văn hoá đọc sách -
Khi “Chị Yagi” đi qua -
Suy tôn Thánh Giá và phục hồi căn tính -
Cách nuôi dưỡng lòng hiếu khách -
Ý nghĩa và nguồn gốc Kinh Sáng Danh -
Người chăn dẫn dân mình như người mục tử (Tv 78, 52) -
Sứ vụ của bình an -
Đức Giê-su Ki-tô - Đường trút bỏ chính mình -
Bài học từ những mất mát trong đời
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ánh sáng - bóng tối