Suy niệm đàng Thánh Giá: Chặng thứ tám – Chúa Giêsu gặp các phụ nữ thành Giêrusalem

Suy niệm đàng Thánh Giá: Chặng thứ tám – Chúa Giêsu gặp các phụ nữ thành Giêrusalem

Suy niệm đàng Thánh Giá: Chặng thứ tám – Chúa Giêsu gặp các phụ nữ thành Giêrusalem

TGPSG -- Vào thời Chúa Giêsu, có những phụ nữ thường đi theo thương khóc những tội nhân bị quân Rôma mang đi xử tử, và tùy thời cơ, cung cấp nước giải khát cho những nạn nhân đáng thương này của đế quốc Rôma.

Khi Đức Giêsu bị đưa đi hành hình, nhiều người phụ nữ như thế đã đi theo, sướt mướt khóc thương Ngài. Đức Giêsu đã quay lại nói với các bà ấy: "Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23,28)

Chúa Giêsu lúc đó đã muốn nói với họ về tương lai của một thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá rất khủng khiếp, và Ngài ám chỉ những cuộc chiến tàn khốc cùng những bạo lực dã man diễn ra ở khắp nơi trên mặt đất:

“Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: "Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!" Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?" (Lc 23, 29-31)

Vào tuần thương khó, các tín hữu công giáo thương khóc Chúa Giêsu đã phải chịu bao nhiêu đau đớn trong cuộc khổ hình. Nhưng qua những lời nói với những người phụ nữ thành Giêrusalem, Chúa Giêsu muốn chúng ta còn cần phải khóc thương cả một nhân loại đau khổ mà Chúa Giêsu đã được sai đến để cứu chữa. 

Khi chúng ta khóc thương Đức Giêsu vô cùng thánh thiện mà lại bị hành hình, chúng ta cũng cần phải khóc thương hàng triệu người vô tội chịu đau đớn trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại.

Và khi phải sầu buồn vì những đau đớn của chính mình, chúng ta cũng hãy đưa những đớn đau riêng tư ấy vào trong nỗi sầu đau mênh mông của biết bao nhiêu người trên thế giới hôm nay.

Nhiều người coi khóc thương là dấu chỉ của sự yếu đuối. Họ nói, khóc thương chẳng giúp ích gì cho ai. Chỉ những hành động mới là cần thiết. Nhưng Chúa Giêsu đã từng rơi lệ thương khóc thành Giêrusalem và người bạn Ladarô đã chết của Ngài. Nước mắt ấy cho thấy tình cảnh tan nát của một nhân loại đớn đau. Nước mắt ấy nối kết chúng ta cách sâu sắc với những đau khổ không thể tránh được của thân phận con người. Nước mắt ấy tạo nên bối cảnh thương xót dịu dàng, thúc đẩy thực hiện những hành động yêu thương cảm thông. 

Nếu chúng ta không biết khóc thương để từ đó nhận ra và thú nhận những giới hạn, những mong manh và những tội lỗi của con người, chúng ta sẽ dễ có những phản ứng đầy phẫn nộ và thất vọng cách vô lối. 

Những giọt nước mắt khóc thương sẽ đưa chúng ta vào trong trái tim của Chúa Giêsu - Đấng đã từng khóc thương nhân loại. Trong trái tim của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ biết cách ứng xử đúng đắn trước những mất mát và những đau thương, biết ứng xử đầy tình thương xót, thứ tha, khiêm tốn, dịu dàng và chữa lành như Chúa Giêsu.

Vi Hữu (suy tư từ Walk with Jesus của Henry Nouwen)

 

 

SUY NIỆM ĐÀNG THÁNH GIÁ

Chặng thứ nhất: Chúa Giêsu bị kết án
Chặng thứ hai: Chúa Giêsu vác cây thập giá
Chặng thứ ba: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất
Chặng thứ tư: Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ Maria
Chặng thứ năm: Ông Simon giúp đỡ Chúa Giêsu vác thánh giá
Chặng thứ sáu: Bà Veronica trao khăn lau mặt cho Chúa Giêsu
Chặng thứ bảy: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai
Chặng thứ tám: Chúa Giêsu gặp các phụ nữ thành Giêrusalem
Chặng thứ chín: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba
Chặng thứ mười: Chúa Giêsu bị lột áo
Chặng thứ mười một: Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá
Chặng thứ mười hai: Chúa Giêsu chịu chết
Chặng thứ mười ba: Tháo đinh Chúa Giêsu xuống mà phó ở tay Đức Mẹ
Chặng thứ mười bốn: Táng xác Chúa Giêsu trong mộ đá
Chặng thứ mười lăm: Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top