Suy niệm đàng Thánh Giá: Chặng thứ mười ba – Tháo đinh Chúa Giêsu xuống mà phó ở tay Đức Mẹ

Suy niệm đàng Thánh Giá: Chặng thứ mười ba – Tháo đinh Chúa Giêsu xuống mà phó ở tay Đức Mẹ

Suy niệm đàng Thánh Giá: Chặng thứ mười ba – Tháo đinh Chúa Giêsu xuống mà phó ở tay Đức Mẹ

TGPSG -- Sau khi biết chắc rằng Chúa Giêsu đã chết, Philatô đồng ý giao thi hài Đức Giêsu cho ông Giuse Arimathêa là “thành viên có thế giá của hội đồng, và cũng là người vẫn mong đợi Triều Đại của Thiên Chúa” (Mc 15,43).  Ông này “mua một tấm vải gai, hạ xác Đức Giêsu xuống, lấy tấm vải ấy liệm Người lại, đem đặt vào ngôi mộ đã đục sẵn trong núi đá, rồi lăn tảng đá lấp cửa mộ.” (Mc 15,46)

Đức Maria - mẹ Chúa Giêsu - cũng có mặt ở đó. Khi xưa, lúc dâng con thơ trong Đền thờ Giêrusalem và cho ông Simêon ẵm bé Giêsu, Mẹ đã nghe những lời này: “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà” (Lc 2,35). Bây giờ, khi Mẹ nhận xác Chúa Giêsu trong tay, những lời này đã được ứng nghiệm. Chúa Giêsu đã chịu đau khổ và đã chết rồi, còn Mẹ Maria lúc này đang phải chịu một nỗi đau nội tâm vô cùng tận.

Nỗi sầu bi của Mẹ cũng lớn như tình yêu của Mẹ. Đã từng ôm Con Thiên Chúa trong lòng với tình yêu bao la, bây giờ Mẹ cũng đang ôm lấy toàn thể nhân loại trong nỗi sầu bi mênh mông. Trái tim tinh khiết của Mẹ - là nơi xứng đáng cho Đấng cứu độ trần gian ngự trị, bây giờ được mời gọi ôm mang cả nhân loại đau khổ và trở thành người mẹ của tất cả nhân loại. Mẹ đã  đứng cận kề bên thập giá để trở thành mẹ của toàn thể nhân loại khi đón nhận lời trăng trối của Chúa Giêsu: “Này là con Bà”. Bây giờ Mẹ đón lấy xác Đức Giêsu và ôm Chúa trong nỗi cô đơn mênh mông. Sự nối kết chặt chẽ giữa tình yêu và nỗi sầu bi - được hình thành khi Mẹ ôm người con yêu dấu của Mẹ - vẫn còn đó nơi tất cả những người đã chọn sống cận kề bên trái tim Chúa Giêsu.

Yêu thương cách đích thực là sẵn sàng ôm lấy nỗi sầu đau. Yêu Chúa hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực, chính là đưa con tim của mình vào trong nỗi đau lớn nhất mà một con người có thể biết được. 

Cuộc sống của Kitô hữu là một cuộc sống yêu thương dành cho Chúa Giêsu. “Con có yêu mến Thầy không?” đó là câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cho chúng ta, như Ngài đã từng hỏi Phêrô đến 3 lần. Và khi chúng ta trả lời: “Vâng, lạy Chúa, Chúa biết con yêu Chúa” thì Chúa sẽ nói với ta rằng: “Con sẽ được dẫn đi đến nơi mà con không muốn”. Không bao giờ có tình yêu mà không có sầu đau. Không bao giờ có dấn thân mà không có gian khổ. Không bao giờ có liên hệ mà không có mất mát. Không bao giờ có cho đi mà không có đau đớn. Không bao giờ có xây dựng cuộc sống mà không có hi sinh. Khi tìm cách trốn tránh buồn đau, ta sẽ không thể yêu thương được. Một khi đã chọn tình yêu thì sẽ phải có nước mắt.

Vào lúc thập giá tại đồi Golgotha đã rơi vào tĩnh lặng, mọi lính tráng và dân chúng đã đi về hết, và mọi sự đã hoàn tất, thì nỗi sầu bi của Đức Maria lại dâng lên và mở rộng đến tận cùng trái đất. Ai cảm nhận được nỗi sầu bi ấy của Mẹ trong chính trái tim của mình, sẽ vui mừng nhận ra rằng mình đang có một người Mẹ vĩ đại luôn đồng cảm che chở mình khi mình phải khổ đau, và giúp mình đón nhận được sự sống cùng với những hoa trái tuyệt vời phát sinh từ những đau khổ ấy.  

Vi Hữu (suy tư từ Walk with Jesus của Henry Nouwen)

 

 

SUY NIỆM ĐÀNG THÁNH GIÁ

Chặng thứ nhất: Chúa Giêsu bị kết án
Chặng thứ hai: Chúa Giêsu vác cây thập giá
Chặng thứ ba: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất
Chặng thứ tư: Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ Maria
Chặng thứ năm: Ông Simon giúp đỡ Chúa Giêsu vác thánh giá
Chặng thứ sáu: Bà Veronica trao khăn lau mặt cho Chúa Giêsu
Chặng thứ bảy: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai
Chặng thứ tám: Chúa Giêsu gặp các phụ nữ thành Giêrusalem
Chặng thứ chín: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba
Chặng thứ mười: Chúa Giêsu bị lột áo
Chặng thứ mười một: Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá
Chặng thứ mười hai: Chúa Giêsu chịu chết
Chặng thứ mười ba: Tháo đinh Chúa Giêsu xuống mà phó ở tay Đức Mẹ
Chặng thứ mười bốn: Táng xác Chúa Giêsu trong mộ đá
Chặng thứ mười lăm: Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top