Sinh hoạt Giới Y tế Công giáo Tổng Giáo phận TPHCM

Sinh hoạt Giới Y tế Công giáo Tổng Giáo phận TPHCM

WGPSG -- Vào lúc 15g30, ngày 31/01/2010, tại Trung tâm Mục vụ Công Giáo Sài Gòn đã diễn ra buổi hội thảo và thánh lễ mừng Năm Thánh 2010 của Giới Y tế Công Giáo Tổng giáo phận Tp HCM với chủ đề “Hiệp thông trong sứ vụ để tất cả mọi người đều được chữa lành”, nhằm chuẩn bị “Đêm cầu nguyện cho bệnh nhân” nhân dịp Ngày Quốc tế Bệnh nhân - 06/02/2010. Cùng với sự đồng hành của linh mục Ernest NguyễnVăn Hưởng - Giám đốc Đại Chủng Viện, linh mục Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng - phụ trách Caritas Sàigòn, hai cha linh hướng của Giới là cha Phương Đình Toại và linh mục bác sĩ Phêrô Maria Hà Thiên Trúc.

Buổi họp mặt không chỉ qui tụ những người thuần túy công tác trong ngành y mà còn có cả những người thiện nguyện thuộc nhiều ngành nghề. Họ không chỉ là những người công giáo mà còn có cả những người không công giáo. Điểm chung là tất cả đều có tấm lòng nhân ái và mong muốn phục vụ những người bệnh, những người đau khổ bị bỏ rơi và bảo vệ sự sống là món quà quí giá Chúa Đã tặng ban cho mỗi người.

Bài hát khởi động cho buổi họp mặt là bài hát rất thân quen. Nhìn mọi người cùng vỗ tay và hòa nhịp để hát bài Gặp gỡ Đức Kitô, ta có thể nhận ra: Mọi dị biệt về tôn giáo, nghề nghiệp, tuổi tác không còn là rào cản trong công tác mà nhờ vào sứ vụ chung, họ đã liên kết với nhau bằng đức ái chân chính, bằng sự nhiệt thành dấn thân phục vụ. Và ngay trong những phút giây ấy, tất cả đến đây để gặp gỡ Chúa - nơi những người anh em cùng chung lý tưởng - để được biến đổi, để được tái sinh trước khi ra đi chữa lành, mang lại sự sống cho người khác.

Linh mục Ernest Nguyễn Văn Hưởng cùng cộng đồng đã khai mạc hội thảo bằng bài thánh kinh cầu xin Chúa Thánh Thần thánh hóa buổi hội thảo. Chương trình buổi hội thảo gồm:
  - Báo cáo hoạt động Y Tế Công Giáo trong những năm qua.
  - Trình bày Dự thảo phương hướng hoạt động trong Năm Thánh và những năm sắp tới.
  - Bài chia sẻ của Cha Phương Đình Toại.
  - Thảo luận.
  - Đúc kết thảo luận (Đức HồngY chủ tọa).
  - Thánh lễ đồng tế (Đức Hồng Y chủ sự).

Theo như bác sĩ Hoàng Đức Quyền báo cáo, hoạt động giới y tế công giáo Sài Gòn tạm chia thành bốn khối:

 1. Khối các nhóm sinh hoạt - chia sẻ: Khối này có ba nhóm chính:
- Nhóm Y xã hội: Hoạt động đã được 10 năm nay, do anh Cường làm nhóm trưởng. Địa điểm hoạt động ngụ tại số 42 Tú xương, với sự hướng dẫn của linh mục Phạm Đăng Quang. Nhóm tụ họp chia sẻ đời sống đức tin và phục vụ chăm sóc bệnh nhân ở nhiều khu vực khác nhau.
- Nhóm Trẻ YND (Y, Nha, Dược): Tham gia các lớp giáo dục giới tính, các lớp tiền hôn nhân ở một số giáo xứ. Nhóm này quan tâm đến vấn đề truyền thông, giáo dục sức khỏe.
- Nhóm Tu Thư: Tạm thời ngưng hoạt động nhưng nhóm đã dày công trao đổi, nghiên cứu những vấn đề đạo đức sinh học, đạo đức trong ngành y. Nhóm mới ra tác phẩm Vấn đề đạo dức trong an tử và tương lai sẽ xuất bản quyển Đạo đức trong ngừa thai phá thai.

 2. Khối các trung tâm, nhà mở: Có rất nhiều trung tâm như Trung tâm Thiên Phước ở Củ Chi, Mai Hòa, nhà Cỏ…. chăm sóc những bệnh nhân AIDS, người nghèo bị bỏ rơi. Các nhóm chăm sóc bệnh nhân tại gia, cầu nguyện chia sẻ với người già, khuyết tật. Đặc biệt, nhóm đi khám chữa bệnh cho người di dân và vùng xa ngày càng thu được nhiều kết quả tốt.

 3. Khối các phòng khám (công giáo, miễn phí): Do các giáo xứ và các dòng phụ trách.

 4. Khối bệnh viện, trung tâm của chính phủ nhà nước mà chủ yếu người công giáo phục vụ.

Với thời gian cho phép 10 phút, bác sỹ Quyền không thể nói đầy đủ tất cả các hoạt động đa dạng mà giới y tế công giáo đã thực hiện, bác sỹ giới thiệu với cử tọa bài viết Sơ lược hoạt động chăm sóc y tế từ thế kỷ XVI đến nay của bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn trên website huongvedaihoidanchua.net

Tóm lại: Hoạt động giới y tế công giáo là:
 - Học hỏi, trau dồi về đời sống đức tin.
 - Ưu tư đồng hành cùng Giáo Hội.
 - Tham gia giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe, …truyền thông.
 - Tổ chức đi khám chữa bệnh vùng xa, cho người di dân ngày càng có chất lượng và đạt nhiều thành quả tốt.

Điều đáng nói là, ở những nơi nào có người bệnh, người bị bỏ rơi, người già neo đơn, nơi đâu có những khó khăn cần có sự hy sinh thì nơi đó luôn có sự hiện diện của người công giáo, đặc biệt là giới y tế công giáo.

Tiếp đó, bác sỹ Phạm Chi Lan giới thiệu phương hướng mới của giới là sẽ tổ chức một số đợt khám chữa bệnh cho bà con di dân, bà con vùng sâu, vùng xa. Và đó cũng chính là Dự thảo phương hướng hoạt động trong Năm Thánh và những năm sắp tới để cùng nhau thực hiện những công việc thiết thực trong năm Thánh 2010. Dự kiến sẽ luân phiên tổ chức:
 - Khám điều trị bệnh lý răng miệng cho 3 mái ấm khiếm thị.
 - Khám điều trị bệnh cho bà con di dân tại 4 giáo điểm truyền giáo: Khi có yêu cầu thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng, sẽ gửi bệnh nhân đến các phòng khám (đã đăng ký và phân công) thực hiện miễn phí.
 - Khám điều trị bệnh cho bà con vùng sâu, vùng xa như Cần Giờ, Củ Chi (đoàn khám được trang bị các trang thiết bị như: siêu âm, đo điện tim, … ).

Trong tinh thần “Hiệp thông trong sứ vụ để tất cả mọi người đều được chữa lành”, ban tổ chức mời các anh chị đăng ký (dự kiến) tham gia vào các đoàn khám theo sự điều phối của ban tổ chức.

Phần chia sẻ của linh mục Phương Đình Toại “Hiệp thông trong sứ vụ để tất cả mọi người được chữa lành” là phần tiếp theo của hội thảo.

Từ trích đoạn Thư thánh Gioan: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, đã thấy, đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến đó là Lời sự sống ……. (1 Ga 1,1-4) linh mục Phương Đình Toại đã giúp giới y tế nhận ra vai trò quan trọng của mình.

Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa đã nói với họ: “Hãy đi rao giảng và chữa lành…”, tức là Chúa muốn mang lại sự sống cho con người. Ngày nay, y bác sĩ là những cánh tay nối dài của Chúa, cùng được chia sẻ sứ vụ của Đức Giêsu là Đấng Chữa Lành.

Cha Toại ví những người làm công tác y tế như những đôi găng của nhà phẫu thuật. Găng được mang vào để nhà phẫu thuật có thể chạm vào vết thương, chạm vào nơi nào tùy theo sự uốn nắn uyển chuyển của bàn tay. Nhà phẫu thuật chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng Chữa Lành. Như găng là lớp giao thoa giữa bàn tay Đấng Chữa Lành và vết thương. Anh chị em là những người trung gian, những cánh tay nối dài được được sai đến với những bệnh nhân để chữa lành không chỉ vết thương phần xác mà còn cả những vết thương tâm hồn.

Trong phần thảo luận nhóm, các anh chị chân thành nêu lên những thách thức, khó khăn trong đời sống đức tin, trong môi trường xã hội hiện tại. Vì mưu sinh, con người dễ bị cám dỗ chạy theo lợi nhuận, chưa sống hết tình với bệnh nhân. Đó chính là những ngăn trở anh chị gặp phải, để sống hiệp thông trong môi trường y tế. Do đó, cần phát huy tình huynh đệ, tình hiệp thông trong cộng đoàn giáo xứ.

Để đúc kết thảo luận, Đức Hồng Y đã chú ý lắng nghe những ý kiến được phát biểu từ đầu buổi hội thảo và Ngài biểu lộ sự cảm thông của Ngài với anh chị em trong môi trường sống hiện nay. Ngài lập lại lời của Đức Thánh Cha để nhắc nhở: “Người công giáo hãy trở nên công giáo tốt thì tự nhiên sẽ trở thành những công dân tốt, góp phần xây dựng đất nước và phục vụ dân tộc. Muốn được như vậy cần phải sống niềm tin, chân lý Tin Mừng trong nghề nghiệp”. Tuy nhiên, con đường dài nhất chính là đường từ tai đến bàn tay. Nói thì dễ nhưng thực hành rất khó. Trong xã hội hiện nay, ngài cũng thường nghe nói rất nhiều về sự không trung thực trong các lĩnh vực sống.

Ngài đề nghị ban tổ chức tập họp các ý kiến của các nhóm lại và chính Ngài sẽ cùng với Ban đại diện Giới Y tế điều nghiên và tìm ra phương hướng giải quyết, giúp đỡ để có thể đem lại nhiều hiệu quả lớn hơn trong việc phục vụ bệnh nhân và góp phần loan truyền Tin Mừng.

Trước khi Ban phép lành cuối lễ, Đức Hồng Y nhắc nhở: “Đạo Công Giáo không chỉ là đạo của những người đi nhà thờ như người xưa nhận xét bên ngoài mà còn là Đạo Yêu Thương. Người công giáo phải cảm nhận được Chúa Yêu thương mình và làm cho mọi người cảm nhận Chúa cũng yêu thương họ khi biết sống chia sẻ, chan hòa yêu thương với mọi người”.

Bài hát kết lễ Đường Hy Vọng đã gia tăng niềm tin và hy vọng cho những người quyết dấn thân, mang tình thương chữa lành đến cho bệnh nhân. Dù khó khăn, những bước chân vẫn rộn ràng gõ nhịp trên mọi nẻo đường vì tin rằng có Chúa luôn đồng hành, dìu bước qua muôn ngàn nỗi đau thương.

Top