Quản lý giận dữ, con đường dẫn đến bình an
WGPSG -- “Ta cần phải học cách biểu lộ cơn giận của ta. Đó là cơn giận có kiểm soát. Ta cần ý thức được ta đang làm gì? Ta đang nói gì? Điều này làm ảnh hưởng, tổn thương đến người khác như thế nào?”
Đó là một trong những chia sẻ của Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, OP đặt ra với các khán thính giả trong buổi học hỏi và thảo luận qua đề tài “Quản lý giận dữ - Con đường dẫn đến bình an, hạnh phúc”.
Hơn 200 bạn trẻ từ khắp các giáo xứ trong Giáo phận đã đến tham dự và giao lưu với Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, OP, Chuyên viên tư vấn Tình Yêu, Hôn Nhân, Gia Đình TGP, Trưởng ban Chương trình Chuyên đề Giáo Dục.
Chương trình diễn ra vào lúc 14g30 thứ Bảy ngày 09.03.2013, tại Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM, nhằm giúp các khán thính giả hiểu rõ hơn về những mặt tích cực và tiêu cực của những cơn giận. Từ đó, giúp các bạn biết cách tìm ra những nguyên nhân gây ra giận dữ, biết làm chủ bản thân mình, để kiểm soát cơn giận tốt hơn, biết tha thứ để được thứ tha, như Thánh Phaolô đã nói: “Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau” (Cl 3,13).
Buổi tọa đàm diễn ra trong bầu không khí vui tươi, thoải mái và đầy tính sáng tạo qua 2 phần chính: 1) Học hỏi và thảo luận. 2) Tĩnh nguyện. Phần học hỏi và thảo luận, các khán thính giả được chia sẻ qua các nội dung: Tích cực và tiêu cực của giận dữ, các biểu lộ của cơn giận và làm thế nào làm chủ cảm xúc. Phần tĩnh nguyện, các khán thính giả cùng cầu nguyện với nhau qua chủ đề: “Hãy tha thứ cho nhau”.
Tích cực và tiêu cực
Akhenaton, vị vua Ai Cập cổ đại, đã từng nói: "Đừng bao giờ để mình chìm trong thịnh nộ; bởi nó giống như mài thanh kiếm để tự đâm vào ngực mình”. Giận dữ là một trong 7 loại cảm xúc của con người. Vì thế, không ai sống trên cuộc đời này mà không một lần giận dữ. Quả thế, trong cuộc sống, nếu chúng ta không biết kiểm soát cơn giận thì hậu quả của sự giận dữ lại rất khó lường, và thường gây đổ vỡ các mối liên hệ thân tình. Biết bao người vì giận dữ mà đánh mất gia đình, tình yêu và nhân phẩm.
Vậy, giận dữ có mặt tích cực không? Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế đã chia sẻ một số điểm tích cực của giận dữ như: để củng cố lòng tự trọng, mong muốn được nhìn nhận, là phản ứng bảo vệ khi bị tấn công, là bộc lộ cảm xúc nhằm bày tỏ nhu cầu và có thể giải quyết vấn đề, có thể thay đổi tình huống.
Mặt tích cực thì ít nhưng mặt tiêu cực lại rất nhiều. Nó gây nên bao tác hại trong đời sống sinh hoạt của con người và xã hội. Theo Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, giận dữ gây nên một số tác hại như: đối với cơ thể, tinh thần, mối quan hệ và xã hội. “Tác hại đối với cơ thể”, làm cho bao tử thắt lại, tim đập nhanh hơn, siết chặt nắm tay, cảm thấy đỏ mặt, căng thái dương, bàn tay đổ mồ hôi, khuôn mặt ta trở nên xấu và rất tồi tệ. “Tác hại đối với tinh thần”, khi giận dữ làm ta suy nghĩ và hành động tiêu cực với bản thân và người khác, xem xét mọi việc một cách chủ quan, dẫn đến sử dụng ma túy, chất gây nghiện và luôn cảm thấy mình bị xúc phạm, bị tổn thương. “Tác hại đối với mối quan hệ”, làm ta đánh mất uy tín, lòng tin nơi người khác, mất những người thân yêu, làm cho bầu không khí nặng nề, đối phương không có cơ hội giải thích. “Tác hại đối với xã hội”, khi giận ta sẽ có những quyết định không sáng suốt, làm rối loạn về an ninh, trật tự.
Các biểu lộ của cơn giận
Theo Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, cơn giận có các biểu lộ như cơn giận đè nén, cơn giận gây hấn thẳng thừng, cơn giận gây hấn thụ động và cơn giận có kiểm soát. Trong các biểu lộ trên thì cơn giận có kiểm soát là quan trọng nhất, vì ta hành xử có kiểm soát, làm chủ cảm xúc của mình. Nếu kết hợp cơn giận với các động cơ xây dựng, cơn giận không còn là cảm xúc vây hãm, nó trở thành động cơ thúc đẩy chúng ta ủng hộ sự thật và có cách cư xử tích cực để giải quyết xung khắc, vì: “Người chậm giận thì đầy sáng suốt, người nóng tính để lộ cái dại khờ” (Cn 14,29). Qua đây, Nữ tu cũng chia sẻ thêm với các bạn: “Ta cần phải học cách biểu lộ cơn giận của ta. Đó là cơn giận có kiểm soát. Ta cần ý thức được ta đang làm gì? Ta đang nói gì? Điều này làm ảnh hưởng, tổn thương đến người khác như thế nào?”
Làm chủ cảm xúc
Giận dữ thường là nguyên nhân khiến chúng ta nói hoặc làm những điều mà về sau chúng ta sẽ phải hối hận. Nếu bạn không kiểm soát cơn giận thì chúng sẽ kiểm soát bạn. Câu hỏi đặt ra: “Làm thế nào, ta quản lý cơn giận?” Theo Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, để quản lý giận dữ, ta phải làm những việc sau đây: Thứ nhất: Chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề, không nên né tránh, che đậy, cần có sự phân tích để tìm ra nguyên nhân đâu là mấu chốt làm cho ta giận dữ. Tôi càng học được cách kiểm soát được cơn giận tôi càng trở nên mạnh mẽ hơn, vì “Thắng được vạn quân không bằng thắng được chính mình.” (Napoléon). Thứ hai, cần có sự chia sẻ với người khác. Thứ ba, cần phân tích sự việc với tư duy sáng tạo. Hãy nhìn sự việc từ một góc nhìn và viễn cảnh mới và cố gắng nghĩ tích cực cho bản thân, tha nhân và xã hội. Đồng thời, ta hãy cố gắng dùng những ngôn từ đẹp trong giao tiếp, vì ông bà có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Sau cùng, ta cần có thái độ tích cực, thấy được mặt tốt trong mọi việc, chứ không phải mặt xấu, để biết cách làm cho những điều xấu trở nên tốt đẹp và để đối xử với người khác theo cách mà chính bạn cũng muốn được đối xử như vậy, vì “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Mt 7,12). Hơn hết, ta cần có lòng vị tha, vì Chúa dạy: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6, 14-15).
Quản lý giận dữ là chúng ta cần kiểm soát tư duy. Con người có khả năng và tự do suy nghĩ – hành động: “Không có gì hay không có ai có thể khiến cho chúng ta cảm thấy tức giận, trầm cảm, chán nản, tội lỗi, vô dụng nếu chúng ta không cho phép”.
Tĩnh nguyện
Nhằm giúp các khán thính giả có được những giây phút thinh lặng để nhận ra con người yếu đuối của mình, Ban Tổ chức đã mời gọi các khán thính giả hãy lắng đọng lòng mình, thành tâm thống hối những lỗi lầm mà mình đã và đang gây cho người khác những cảm xúc tức tối, giận dữ, ganh ghét, thất vọng, chán ngán và hận thù.
Mỗi khán thính giả đều ghi lại những lời nguyện xin để dâng lên Thiên Chúa. Có thể là những cơn giận dữ, những nỗi đau người khác đem đến cho mình, hoặc chính mình gây ra cho người khác. Các bạn đã dâng lên Chúa tất cả những gì mà chính các bạn đã làm là nguyên nhân đưa đến sự buồn khổ và thất vọng, cũng như những phẫn nộ của người khác để xin Chúa thương giúp các bạn can đảm đón nhận những xúc phạm mà anh em gây ra cho mình; qua đó, các bạn cũng được Chúa chữa lành và tha thứ cho.
Kết thúc
Kết thúc chương trình, một bạn đại diện khán thính giả có lời cảm ơn và tặng hoa cho Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế.
Mọi người ra về trong hân hoan, vì đã học thêm được nhiều điều bổ ích qua chuyên đề này, như bạn Maria Lê Thị Diễm Hồng, giáo xứ Hàng Xanh, tâm sự: “Đây là một chuyên đề rất hay và rất hữu ích. Chuyên đề đã giúp tôi biết cách quản lý cơn giận của mình cách đúng đắn và hiệu quả hơn”. Cùng chung suy nghĩ, bạn Maria Phan Thị Kim Chi, giáo xứ Mân Côi – Gò Vấp, giải bày thêm: “Qua chuyên đề này, giúp tôi hiểu được bản chất, nguồn gốc và tác hại của cơn giận. Đồng thời, giúp tôi phát hiện những nguyên nhân khiến mình hay giận dữ, biết xem lại bản thân. Từ đó, giúp tôi tự tin hơn, bản lĩnh hơn, kiểm soát cơn giận tốt hơn để không làm mất các mối quan hệ đang có”.
bài liên quan mới nhất
- Giáo chức hạt Sàigòn - Chợ Quán hành hương và họp mặt mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam
-
Tĩnh tâm Mùa Vọng & Giáng Sinh của giới Nghệ sĩ Công giáo -
Tháng 11 là tháng báo hiếu -
Ban bác ái Doanh nhân Công giáo thăm quý nữ tu Dòng Kín và Mái ấm -
Gia đình Chăm Sóc Bệnh Nhân liên xứ Sài Gòn cầu nguyện cho các linh hồn -
Ca đoàn Hương Chiều, 49 năm một chặng đường đầy ơn Chúa -
Chuyến đi tĩnh tâm của ca đoàn Cécilia giáo xứ Thánh Linh, Thủ Đức - Kỷ niệm 50 năm thành lập (1974 – 2024) -
Thánh lễ cầu nguyện cho các Linh hồn và an táng các thai nhi -
Giáo Chức Công Giáo sinh hoạt chuyên đề và mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam -
Hội Các Bà Mẹ Công Giáo cầu nguyện cho Các Đẳng Linh hồn
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
MV “Tình Ngài Thôi Thúc Ta” - một món quà từ người trẻ Việt Nam dành cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023 -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Giáo hạt Xóm Mới: Thánh lễ luân phiên Hội Lòng Chúa Thương Xót 2023 -
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng thăm Hội nghị Toàn quốc Tuyên úy - Huynh Trưởng -
Sa mạc Huấn luyện Huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể - cấp I (Vươn Lên 53) -
Doanh nhân Công giáo trẻ: Bữa ăn Yêu thương ngày 13.11.2023 -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Mái ấm Thiên Ân -
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc