Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXXIV Thường Niên B - Lễ Chúa Giêsu Kitô - Vua vũ trụ (File các bài gợi ý suy niệm đính kèm)
CHÚA NHẬT XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN – B
LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ – VUA VŨ TRỤ
Đn 7,13-17; Kh 1,5-8; Ga 18,33b-37
VƯƠNG QUỐC CỦA VỊ MỤC TỬ GIÊSU
“Chính ngài nói rằng tôi là vua.
Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian
chính là để làm chứng cho sự thật.
Phàm ai phát xuất từ sự thật
thì nghe tiếng tôi”
(Ga 18,37)
Trước một thế giới đang chứng kiến nhiều cảnh hận thù, đổ vỡ, tang thương – chiến sự khốc liệt tại Syria, dòng người đổ xô tìm đường tị nạn tại Châu Âu, máy bay Nga bị cài bom khủng bố, những vụ khủng bố dã man tại Paris – vốn là những vấn nạn có thể châm ngòi cho các cuộc xung đột trên bình diện toàn cầu, chúng ta mới thấy thấm hơn lời khẳng định của Thánh Vịnh:
“Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời,
thì hơn tin cậy ở người trần gian.
Cậy nhờ thần thế vua quan,
chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời” (Tv 118,8-9)
Chúng ta nghiệm thấy nói cho cùng chúng ta chỉ còn biết cậy dựa vào Thiên Chúa mà thôi: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn. Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến, duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi, là thành lũy chở che: tôi chẳng hề nao núng ” (Tv 62, 2-3). Tất cả các định chế chính trị trần gian đã không thể mang lại cho chúng ta sự bình an đích thực. Sự bình an đích thực mà con người hằng khao khát chỉ có thể là quà tặng từ vị vua nhân ái, khoan hậu, từ bi là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã bẻ gẫy xiềng xích của tội lỗi và sự chết, vốn là căn nguyên của mọi đổ vỡ mà chúng ta đang bắt gặp trong thế giới và trong chính chúng ta.
Giáo Hội tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Vua Vũ Trụ, là vị vua đích thực của toàn thế giới và của từng người chúng ta. Ngài là vị vua ngự trị nơi tâm hồn những ai đang khao khát chân lý đích thực. Những ai biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa thì chân nhận Ngài là vua tối cao của lòng mình.
Nhưng Chúa Giêsu Kitô là vua theo nghĩa nào? Vương quyền của Ngài có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Chúng ta phải làm gì để trở thành “thần dân” của Ngài? Chúng ta phải làm gì để xây dựng Vương Quốc của Ngài ngay tại trần gian này? Ba bài đọc hôm nay sẽ giúp làm sáng tỏ những câu hỏi mà chúng ta vừa nêu ra.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. BÀI ĐỌC 1: Đn 7,13-17
Bài đọc 1 nói đến một Đấng như “Con Người” đang ngự giá mây trời mà đến. Người xuất hiện trước Đấng Lão Thành. Nếu đọc đoạn Kinh Thánh này dưới con mắt đức tin của người Kitô hữu thì chúng ta sẽ nhận ra Đấng như “Con Người” là hình ảnh tiên trưng về Chúa Giêsu Kitô, còn Đấng Lão Thành là Thiên Chúa Cha. Từ bài đọc này, chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu Kitô đã tiếp nhận “vương quyền” của Người từ Thiên Chúa Cha. Thật vậy, từ Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu Kitô đã tiếp nhận “quyền thống trị, vinh quang, và vương vị”. Khi được Thiên Chúa Cha tôn phong Người làm vua, Chúa Giêsu Kitô trở thành vua muôn vua, vua của hết thảy mọi người, mọi dân tộc, mọi quốc gia và mọi ngôn ngữ; tất cả đều phụng sự vị vua Giêsu Kitô tối cao này. Nhưng Người không phải là một vị vua trong giây lát, trong một thời hạn nhất định như các vị vua trần thế khác, hay triều đại Người tồn tại trong một khoảng thời gian mà thôi. Trái lại, Người là vua vĩnh cửu, vương quyền của Người là vương quyền vĩnh cửu, và vương quốc của Người sẽ không hề suy vong.
2. BÀI ĐỌC 2: Kh 1,5-8
Bài đọc hai giúp chúng ta hiểu hơn về vương quyền của Chúa Giêsu Kitô, hiểu hơn về tác động của vương quyền ấy đối với từng người chúng ta, và hiểu hơn về vai trò của chúng ta trong Vương Quốc của Người. Đức Giêsu Kitô làm vua sau khi đã trải qua cuộc khổ nạn, Người như Con Chiên bị đem sát tế. Nếu như người Do-thái đã nhờ máu con chiên bôi lên khung cửa nhà của họ, nên các con đầu lòng của họ không bị sát hại (x. Xh 12,1-34), thì “muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân” (Kh 5,9) đã được “cứu thoát” khỏi tội lỗi và quyền lực sự chết nhờ máu châu báu của Con Chiên Vô Tội là Đức Giêsu (Kh 1,5).
Chúa Giêsu Kitô là Vua vì Người là “thủ lãnh mọi vương đế trần gian”, Người là “Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy”. Vì yêu thương chúng ta, Người đã bước vào Cuộc Thương Khó. Nhờ Phục Sinh, Người đã chiến thắng tử thần. Người là vị vua giải thoát chúng ta khỏi ách thống trị của tội lỗi, trao ban cho chúng ta sự sống mới, cho chúng ta được quyền tham dự vào Vương Quốc của Người, và trở thành hàng tư tế của Thiên Chúa Cha (x. Kh 5,6).
3. BÀI TIN MỪNG: Ga 18,33b-37
Bài Tin Mừng đưa chúng ta trở lại khung cảnh Chúa Giêsu ra trước tòa tổng trấn Philatô. Như 3 sách Tin Mừng Nhất Lãm (Mátthêu, Marcô, và Luca), Tin Mừng Gioan thuật lại: khi Philatô gặp mặt Chúa Giêsu, câu hỏi đầu tiên mà ông đặt ra cho Người là “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” (Ga 18,33b; cf. Mt 27,11; Mc 15,2; Lc 23,3). Trước câu hỏi này, Chúa Giêsu đã trả lời bằng một câu hỏi: “Tự Ngài nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Philatô bèn trả lời, hàm ý rằng tước hiệu “vua dân Do-thái” là do dân Do-thái, hay chính xác hơn, do các thượng tế đã nói với quan. Nhưng thực sự họ có nói như vậy không?
Thực ra, trong suốt quãng thời gian thi hành sứ vụ công khai của mình, Chúa Giêsu chưa bao giờ được người Do-thái gọi bằng tước hiệu “vua dân Do-thái”. Tước hiệu này đúng ra do “dân ngoại” gán cho Ngài. Theo Tin Mừng Mátthêu, tước hiệu này xuất hiện lần đầu tiên, khi các vị chiêm tinh, lúc đặt chân đến Giêrusalem, đã hỏi: “Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2, 2).
Cũng không có chỗ nào trong Tân Ước nói các kinh sư, những người biệt phái, hay các thượng tế gọi Chúa Giêsu bằng tước hiệu “vua dân Do-thái”. Trái lại là đàng khác, khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chính họ đã xin với Philatô: “Xin Ngài đừng viết ‘vua dân Do-thái’, nhưng viết: ‘Tên này đã nói: Ta là vua dân Do-thái’(Ga 19, 21).
Theo Tin Mừng Luca, những kẻ nộp Chúa Giêsu cho quan Philatô đã tố cáo Người như thế này: “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho Xêda, lại còn xưng mình là Đấng Kitô, là vua nữa” (Lc 23, 2). Như thế, các vị thượng tế và dân Do-thái khi trao nộp Chúa Giêsu cho Philatô, đã cố thuyết phục Philatô rằng họ đem nộp Người cho quan vì Người là một tên tội phạm chính trị chống lại hoàng đế Roma. Họ có nói đến khái niệm “vua”, nhưng không phải là “vua dân Do-thái”. “Vua dân Do-thái” là do Philatô đã hiểu như vậy từ những lời dân Do-thái tố cáo Chúa Giêsu.
Kế đến, trước câu hỏi của Philatô: “Ông đã làm gì?”, Chúa Giêsu đã cho chúng ta hiểu Người làm vua, không phải theo kiểu thế gian, Người không phải là vị vua của một thể chế chính trị, của một triều đại trần thế: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái. Thế nhưng Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18,36). Rồi Chúa Giêsu minh nhiên nói đến sứ mạng làm vua của Người: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian chính là để làm chứng cho sự thật”. Sự thật mà Ngài muốn làm chứng được diễn tả trước đó ở Ga 17,2-3: “Cha đã ban cho Người [Chúa Giêsu Kitô] quyền trên mọi phàm nhân [có thể hiểu là vương quyền] để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời, đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Đức Giêsu Kitô”.
Chúa Giêsu đã khẳng định với Philatô: vương Quốc của Người không thuộc về thế gian này. Nhưng Vương Quốc ấy thực ra lại bắt đầu từ giữa thế giới này. Và đây chính là điểm có liên hệ đến chúng ta: vương Quốc ấy bao gồm những ai biết lắng nghe tiếng Người và đi theo Người để trở nên một đàn chiên duy nhất dưới quyền một chủ chiên (x. Ga 10,16; 18,37). Vương quốc ấy có vua Giêsu là Người Mục Tử Nhân Lành, Đấng không chỉ chăm lo cho các con chiên đã thuộc vào ràn của Người để chúng được sống dồi dào, nhưng Đấng ấy còn lo đi tìm những con chiên khác chưa thuộc ràn này, để cả chúng cũng sẽ được sự sống nhờ Người.
II. CÂU HỎI PHẢN TỈNH
1/ Điểm nào trong 3 bài đọc trên đây giúp cho bạn cảm nghiệm cụ thể nhất, thiết thân nhất, cá vị nhất về vua Giêsu Kitô? Người là vị vua như thế nào đối với bạn?
2/ Theo bạn, người Kitô hữu chúng ta cần phải làm gì cụ thể để xây dựng Nước vua Giêsu trên trần gian này?
3/ Làm thế nào chúng ta có thể giới thiệu người khác đến với vua Giêsu Kitô, hay nói đúng hơn, làm thế nào để vua Giêsu Kitô có thể dễ dàng đến với chúng ta, đến với những “con chiên” chưa thuộc ràn của Người? Chúng ta nên đóng vai trò gì cho cuộc gặp gỡ giữa vua Giêsu Kitô với những người khác?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Giêsu là vua, nhưng vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian này, và vương quyền của Ngài đặt nền tảng trên sức mạnh của tình yêu và sự thật. Chúng ta cùng tôn vinh Chúa và tha thiết cầu nguyện:
1. “Tôi đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn nhiệt tâm chu toàn sứ mạng làm chứng cho Thiên Chúa là sự thật tuyệt đối bằng chính đời sống gương mẫu của mình.
2. “Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa soi chiếu ánh sáng chân lý trên những người thành tâm thiện chí đang miệt mài tìm kiếm, để họ nhận biết và qui phục Đức Giêsu Kitô là vua sự thật và tình thương.
3. “Nước của tôi không thuộc về thế gian này.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu luôn ý thức mình thuộc về Chúa Kitô, để khi sống giữa thế gian, họ biết sử dụng những ân huệ và khả năng Chúa ban nhằm đạt tới nước trời.
4. Chúa Kitô đã làm cho chúng ta trở nên dân tư tế của Thiên Chúa. Xin Chúa thanh luyện và ban ơn Thánh Thần giúp mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn hết lòng thờ phượng Chúa và nỗ lực thực thi giới răn yêu thương đối với mọi người.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ và là Đấng cứu độ chúng con. Chúa đã chịu chết và sống lại để cho chúng con được sống đời đời trong Nước Chúa. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn sống xứng đáng là thần dân của Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Đố vui Kinh Thánh trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024
-
Giáo hạt Xóm Mới cầu nguyện cho các linh hồn -
Giáo hạt Xóm Mới Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ -
Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Giám mục và Linh mục của TGP Sài Gòn đã qua đời -
Linh mục đoàn Giáo hạt Thủ Thiêm tĩnh tâm và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn tháng 11 -
Bản Ghi nhớ cho việc Chăm sóc Mục vụ Di dân -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XIV của Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Healing Night, Healing Love - Mẹ, Em & Tôi năm 2024 -
Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc năm Thực tập Mục vụ khóa 20 Đại Chủng Viện Sài Gòn -
Linh mục đoàn giáo hạt Gia Định tĩnh tâm tháng 10
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023