Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXVIII mùa Thường Niên năm C
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN/C
2 V 5,14-17; 2 Tm 2,8-13; Lc 17,11-19
LÒNG BIẾT ƠN
“Anh ta sấp mình
dưới chân Đức Giêsu
mà tạ ơn”
(Lc 17,16)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (2 V 5,14-17)
Bệnh phong hủi của Naaman cũng như của mười người cùi trong bài Tin Mừng hôm nay có thể là một căn bệnh ngoài da, làm cho da nứt nẻ chảy máu và nhìn rất dễ sợ. Nếu như theo luật Do thái, căn bệnh này làm cho bệnh nhân trở nên ô uế, không thể tiếp xúc gặp gỡ người khác vì có thể làm cho họ bị ô uế (Lv 13,45.46; Ds 5,2), thì đối với người Aram các bệnh nhân vẫn may mắn hơn vì họ không bị loại khỏi cộng đồng xã hội. Naaman vẫn có thể gặp Vua của ông để xin giúp đỡ. Theo lời giới thiệu của cô hầu gái người Israel, ông đã tìm đến Êlisêô, vị ngôn sứ của Israel để được chữa lành.
Đến với Êlisêô, Naaman không nghĩ là đến với một thầy thuốc, nhất là khi ông được yêu cầu tắm bảy lần trong sông Giođan, dòng sông mà ông nghĩ không thể sạch hơn các con sông ở quê hương ông. Nhưng ông đến với hi vọng là Êlisêô sẽ nhân danh Thiên Chúa Israel để chữa ông lành sạch. Dù hơi thất vọng về lời yêu cầu tắm bảy lần trong sông Giođan, nhưng lại theo lời người hầu, ông đã xuống tắm ở sông và được sạch.
Sau khi được sạch, Naaman đã thể hiện lòng biết ơn với Êlisêô bằng cách trở lại đền ơn, nhưng Êlisêô không nhận. Cung cách của ngôn sứ thể hiện rằng mình chỉ là khí cụ trong tay Thiên Chúa, chính Thiên Chúa đã chữa lành Naaman, còn mình chỉ là dụng cụ để đưa người khác đến với Thiên Chúa. Quả vậy, Naaman đã tỏ lòng biết ơn cách sâu sắc hơn là tặng quà. Ông đã nhận ra Thiên Chúa của Israel và chỉ thờ kính Người.
2. Bài đọc II (2 Tm 2,8-13)
Trong lao tù, bị xiềng xích, nhưng Thánh Phaolô hiểu là mình đang chia sẻ sự chết và phục sinh của Đức Kitô. Điều này chứng tỏ lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích. Dù thân xác bị giam cầm nhưng tinh thần ngài vẫn tự do. Thánh nhân tự do chọn lựa đau khổ cũng như Chúa Giêsu, vì ơn cứu độ của mọi người. Thánh Phaolô không thi vị hóa đau khổ, nhưng luôn xác tín về ý nghĩa của đau khổ. Thánh nhân đã nhiều lần xác định: nếu chúng ta cùng chết với Người ta sẽ cùng sống với Người; tôi đã chịu đóng đinh với Đức Kitô, tôi không còn sống cho mình nhưng cho Đức Kitô Đấng đang sống trong tôi. Đau khổ không còn là bất hạnh khi chính Chúa Giêsu đã mang lấy đau khổ để cứu độ nhân loại. Sự chết không còn là hủy diệt khi Đức Kitô đã phục sinh vinh hiển. Đau khổ chính là liên kết chặt chẽ hơn với Người để mang lại ơn ích cho phần rỗi của nhân loại.
3. Bài Tin Mừng (Lc 17,11-19)
Giữa người Israel và người Samaria vẫn tồn tại sự xa cách; do đó họ không giao tiếp với nhau. Tuy nhiên câu chuyện thánh Luca kể lại trong đoạn Tin Mừng hôm nay lại có một ngoại trừ: đó là trong nhóm mười người phong hủi Chúa Giêsu gặp trên đường Người đi lên Giêrusalem, có một người Samaria. Những người phong hủi trong Israel không chỉ là bệnh nhân đau đớn về thể lý nhưng còn đau hơn thế nữa khi họ là những người bị tách rời khỏi cộng đoàn xã hội. Đó là lý do sao nhóm mười người phong hủi phải đón gặp Chúa Giêsu ở ngoài làng, và còn phải đứng đàng xa mà kêu lớn tiếng. Tuy tổn thương về thể xác nhưng tâm hồn họ tràn đầy niềm tin, vì họ tin Chúa Giêsu có thể giúp họ nên đã kêu lớn tiếng cầu xin Người dủ lòng thương. Chúa Giêsu dạy họ đi trình diện các thầy tư tế để chứng thực đã được lành bệnh. Người không những chữa lành họ nhưng còn muốn đưa họ hội nhập trở lại với cộng đoàn.
Mười người được chữa lành nhưng chỉ có người Samaria trở lại tôn vinh Chúa Giêsu. Một lần nữa Chúa Giêsu đề cao thái độ của những người dân ngoại và cũng là chê trách thái độ của những con cái Israel. Trong Cựu Ước, Israel là dân của Thiên Chúa nhưng thường không sống theo thánh ý Thiên Chúa. Còn trong Tân Ước, Israel đã không đón nhận ơn cứu độ đến với họ khi họ khước từ chính Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa đã hứa.
Câu truyện này trình bày sự trái ngược giữa lòng biết ơn và sự vô ơn, giữa thái độ của người Do thái và dân ngoại, giữa phép lạ chữa lành và đôi mắt đức tin. Các câu hỏi của Chúa Giêsu cho thấy rõ sự tương phản này. Chỉ có người Samaria, với đức tin, đã hiểu điều mình nhận được, đã trở lại tôn vinh và tạ ơn Chúa Giêsu. Dù là mười người được chữa lành nhưng chỉ người Samaria được cứu độ, bởi vì không phải việc được chữa lành có ý nghĩa quyết định nhưng chính là niềm tin. Người Samaria được chữa lành đồng thời cũng kinh nghiệm gặp được Thiên Chúa qua con người của Chúa Giêsu.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Ngày nay chúng ta ít gặp thấy những người bệnh phong hủi, nhưng chúng ta vẫn gặp nhiều người mắc đủ chứng bệnh nan y cả về thể xác lẫn tinh thần, nhất là những người bị xã hội ruồng bỏ xem như tệ nạn cặn bã. Chúng ta hãy theo gương Chúa Giêsu, không loại trừ họ nhưng hãy an ủi và giúp đỡ họ. Hãy làm một điều tốt cho người bệnh, người nghèo, người đau khổ mà chúng ta gặp.
2. Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh về lòng biết ơn. Càng những người gần gũi chúng ta càng quên ơn. Chúng ta hãy tập sống thái độ biết ơn cách thành thật đối với cha mẹ, anh chị em, những người xung quanh, nhất là biết ơn Chúa vì muôn ơn lành Chúa vẫn ban cho chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Lòng biết ơn chân thành gọi mời chúng ta hãy hành động: thêm yêu thương tin tưởng và làm điều tốt để vui lòng Thiên Chúa và mọi người.
3. Chúng ta là dụng cụ của Thiên Chúa để làm điều tốt, chia sẻ với tha nhân những phúc lành. Không tìm lợi lộc khi giúp đỡ ai điều gì đó, nhưng giúp họ nhận ra Thiên Chúa là suối nguồn của ân phúc để cùng ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là nguồn mạch mọi ơn lành luôn sẵn sàng thi ân cho những ai tin tưởng cầu xin Người. Với tâm tình tri ân vì những hồng ân Chúa đã ban và cả những điều sắp lãnh nhận, chúng ta cùng chung lời cảm tạ Chúa và hiệp ý cầu xin:
1. Hội thánh có sứ mạng loan báo tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người trên thế giới. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức và nỗ lực trở nên dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa giữa trần gian.
2. “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho tất cả những ai đang phải chiến đấu với đau khổ thử thách vì già yếu, bệnh tật, hay đói nghèo; biết nhìn lên Chúa Giêsu chịu khổ nạn và luôn tin tưởng vào lòng thương xót của Người.
3. “Sao không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang sống trong bình yên hạnh phúc dư đầy, biết nhận ra ân huệ của Chúa trao ban trong cuộc sống, và luôn tôn thờ cùng cảm tạ Người cho xứng đáng.
4. Chúa Giêsu nói với người được chữa lành: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho từng người trong cộng đoàn chúng ta luôn kiên vững trong đức tin giữa những khó khăn thử thách, để biết phó thác mọi sự cho Chúa quan phòng.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất giàu lòng thương xót! Chúa luôn tuôn đổ muôn ơn lành xuống trên cuộc đời chúng con. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện, và giúp chúng con biết tôn vinh cảm tạ Chúa bằng cả cuộc đời. Chúng con cầu xin Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Đố vui Kinh Thánh trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024
-
Giáo hạt Xóm Mới cầu nguyện cho các linh hồn -
Giáo hạt Xóm Mới Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ -
Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Giám mục và Linh mục của TGP Sài Gòn đã qua đời -
Linh mục đoàn Giáo hạt Thủ Thiêm tĩnh tâm và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn tháng 11 -
Bản Ghi nhớ cho việc Chăm sóc Mục vụ Di dân -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XIV của Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Healing Night, Healing Love - Mẹ, Em & Tôi năm 2024 -
Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc năm Thực tập Mục vụ khóa 20 Đại Chủng Viện Sài Gòn -
Linh mục đoàn giáo hạt Gia Định tĩnh tâm tháng 10
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023